Chúa nhật thứ 3 Mùa Chay Năm B-2012

137

Chúa nhật thứ 3 Mùa Chay Năm B-2012

Ông bà anh chị em thân mến. Có một người vừa đi hành hương Đất Thành về cho tôi một bản đồ của thành phố Jerusalem hiện tại.  Thành phố này chia ra làm 3 khu vực chính: 1 nơi có nhiều người Công giáo và Chính thống giáo ở, 1 nơi nhiều người Do thái giáo và 1 nơi có nhiều người Hồi giáo.  Đền thờ Jerusalem nằm trong khu vực giữa người Do thái và Hồi giáo và cũng là nơi xảy ra nhiều cuộc tranh chấp, chiến tranh đổ máu.

Trong lịch sử và đối người Do Thái, đền thờ Giêrusalem là nơi quan trọng, là nơi tôn nghiêm, thánh thiêng, là sự vinh dự và là niềm tự hào của cả dân tộc.  Ngôi đền thờ đầu tiên được xây trong vòng 7 năm thời lập quốc, dưới triều đại của vua Salômôn người kế nghiệp cha là vua David.  Năm 961 trước công nguyên hay trước thời đại Chúa Giêsu, đền thờ được thánh hiến và tồn tại được 300 năm, cho đến ngày quân Ba Tư xâm lăng đánh chiếm và tàn phá thành bình địa.

Vào khoảng năm 587, dân Do thái được giải thoát khỏi cuộc lưu đày tại ở Babylon trở về quốc gia, họ liền bắt tay vào việc tái thiết, xây cất lại đền thờ ngay chính trên nền đền thờ bị phá hủy trước đó.  Năm 516 B.C, tức là 71 năm sau đó, việc tái thiết mới hoàn tất và đền thờ đuợc thánh hiến.  Trong suốt gần 350 năm sau đó, những cuộc hành hương thánh đô của những người Do Thái sống tha hương đã liên tiếp diễn ra.  Đến năm 169, người Xy-ri do vua Antiôcô đệ nhị dẫn đầu, đã tiến vào đánh chiếm và cướp phá đền thờ.  Một lần nữa, đền thánh Giêrusalem rơi vào cảnh hoang tàn đổ nát.

Gần 1 thế kỷ sau, tức là vào năm 63 trước công nguyên, người Do Thái lại thua trận và bị quân La Mã dưới quyền chỉ huy của tướng Pompey, chiếm giữ cai trị.  Sau đó Hêrôđê được phong làm quan tổng trấn cai trị vùng đất Giuđêa.  Trong thời điểm này, dân Do Thái được phép xây dựng lại đền thánh Giêrusalem.  Và phải mất 46 năm công cuộc tái thiết mới hoàn tất.

Chúng ta biết là đền thờ Jerusalem được chia làm nhiều khu vực, trong đó có khu vực gọi là Cực Thánh nơi Thiên Chúa hiện diện, chỉ có các tư tế mới được vào dâng hương và cử hành nghi lễ. Ngoài khu vực dành riêng cho tư tế, cũng có nơi để dân chúng tự do ra vào thờ phượng.

Theo luật Do Thái, hằng năm tất cả những ai tới tuổi trưởng thành đều phải hành hương đền thánh ít là một lần trong các dịp lễ lớn.  Thế nên trong những dịp lễ lớn như Vượt Qua, có rất nhiều người từ khắp nơi đổ về, và do đó trong khu vực đền thờ có những gian hàng để đổi tiền, mua bán thú vật, hay ăn uống được dựng nên.

Như chúng ta đã biết, nơi đâu có ăn uống thì có rác rưới và dơ bẩn, nơi đâu có tiền bạc đổi chác và buôn bán thương mại thì có sự ồn ào, trả giá, đôi co, và không tránh khỏi gian dối, lừa gạt, tham lam, bớt xén.  Như thế chúng ta có thể nhận biết đâu còn có những ý nghĩa cao đẹp và sự thánh thiêng của đền thờ nữa.  Người ta đã biến nơi thờ phượng, cầu nguyện và gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người thành nơi thương mại, của những sự gian dối, lừa đảo và cướp dựt.  Hơn nữa chúng ta có thể hình dung ra quang cảnh và những hoạt động chung quanh đền thờ trong những ngày gần tới ngày lễ: ồn ào, náo nhiệt và hỗn loạn.

Quang cảnh này đã làm cho Chúa Giêsu khó chịu và bực bội và không thể im lặng bỏ qua. Hơn nữa, Chúa ý thức một cách mạnh mẽ Ngài là Con Thiên Chúa, đã được sai đến để bênh vực và bảo vệ cho Đền Thờ là  “Nhà Cha Ngài,” cho nên như chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng hôm nay Chúa đã phải hành động mạnh, bằng cách lấy roi xua đuổi người ta và tất cả những chướng ngại vật dơ bẩn và thương mại để trả lại cho đền thờ sự sạch sẽ, sự thánh thiêng, sự trang nghiêm phải có.  Với lời lẽ cương quyết, Chúa đã ra lệnh cho họ: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha ta thành nơi buôn bán.

Ông bà anh chị em thân mến. Hành động và lời nói của Chúa Giêsu đã khiến cho những người Pharisuê và đám đông dân chúng tức giận, vì thế như chúng ta vừa nghe họ hạch hỏi Người: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” Đáp lại, Chúa Giêsu thách thức họ: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày ta sẽ xây dựng lại.”  Qua câu nói này, Chúa Giêsu ám chỉ đến thân thể của Chúa sẽ bị đánh đòn, bị treo và chết trên thập giá.  Chúng ta thấy là người Do thái xưa đã mất 46 năm trời mới xây xong Đền Thờ. Họ tự hào về công trình vĩ đại ấy, một kỳ công mà họ đã phải dùng mồ hôi nước mắt và không có gì có thể sánh nổi.  Họ tin rằng công trình kiến trúc do tay họ dựng lên sẽ bất diệt, bây giờ họ nghe Chúa Giêsu lại nói đến ngôi đền thờ thân xác Ngài, vì thế họ phẫn nộ khi nghe Chúa nói đến ngôi đền thờ sẽ bị phá, và sẽ được xây dựng mới lại chỉ trong vòng 3 ngày ngắn ngủi, nên đã làm cho họ chói tai.  Họ căm phẫn và tìm mọi cách để loại trừ Ngài.

Ông bà anh chị em thân mến, qua việc Chúa Giêsu xua đuổi những người buôn bán, lường gạt, gian dối để thanh tẩy đền thờ của Chúa, chúng ta ghi nhận được 2 sứ mệnh hay 2 bài học như sau: Thứ nhất, đền thờ hay nhà thờ hay nhà Chúa là nơi tôn nghiêm, thánh thiêng, chúng ta không được làm bất cứ việc gì không phù hợp với nơi thánh nhà Chúa này.  Chúng ta phải ý thức rằng mỗi khi vào nhà thờ là chúng ta đến gặp gỡ Chúa, gặp gỡ Đức Mẹ và các Thánh để thờ phượng, cầu nguyện, để lãnh nhận các Bí tích, nên chúng ta phải hết sức trang nghiêm, không nghêng ngang, không nói chuyện ồn ào trong nhà thờ, không nhai singgôm, không xử dụng các máy điện tử, và nhất là nên tắt các điện thoại di động.  Và nếu tôi có nhắc nhở ông bà anh chị em điều này, thì xin vui lòng thông cảm.  Đây là bổn phận của tôi và tôi vì chỉ muốn việc đi nhà Chúa của ông bà anh chị em được nhiều ơn ích mà thôi.

Bài học thứ hai là đền thờ được Chúa Giêsu thanh tẩy không chỉ là ngôi nhà thờ bằng gỗ đá, nhưng chính là Giáo hội, là cộng đoàn dân Chúa và là tâm hồn cá nhân của mỗi Kitô hữu chúng ta, cho nên chúng ta phải giữ gìn và có bổn phận làm cho càng ngày, càng trở nên thánh thiện phản ảnh sự hiện diện thánh thiêng của Thiên Chúa nơi trần gian. Chúng ta cũng phải ý thức rằng, từ ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích thanh tẩy rửa tội, chúng ta đã được thánh hiến trở thành đền thờ của Thiên Chúa, của Chúa Thánh Thần. Vì thế chúng ta phải gìn giữ đền thờ ấy luôn trong sạch, cao quí từ lời nói, tư tưởng đến hành động.  Cho nên chúng ta hãy thử hỏi: tâm hồn của chúng ta bây giờ có còn xứng đáng là nơi Chúa ngự không?  Những người chung quanh có nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời sống, qua lời nói, cử chỉ, hành động của chúng ta không?  Đền thờ tâm hồn của chúng ta có bị đơ bẩn như đền thờ Giêrusalem xưa, trở thành nơi ô uế và cần sự thanh tẩy qua tình yêu và ơn tha thứ của Chúa không?

Tóm lại, sứ mệnh Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta phải luôn sống như thế nào để phù hợp là đền thờ của Chúa.  Ngoài ra mỗi người chúng ta có trách nhiệm bổn phận gìn giữ  ngôi nhà Chúa mà chúng ta hàng tuần đến cầu nguyện, thờ phượng sạch sẽ, trang nghiêm và thánh thiêng.  Chúng ta phải có một thái độ tôn kính khi chúng ta đến nhà Chúa, để sự cầu nguyện và thờ phượng của chúng ta được sốt sắng và có sự chân thành.  Chúng ta cũng phải cố gắng đến với Bí tích Hòa giải, xưng tội để được Chúa tẩy trừ, thanh tẩy những sự ô uế, dơ bẩn để xứng đáng là đền thờ Chúa ngự.  Do đó tôi kêu gọi mọi người hy sinh bớt chút thời giờ dự tuần tĩnh tâm để nhờ ơn Chúa nhận ra những sự ô uế, dơ dáy của tội lỗi trong con người, và qua Bí tích Hoà giải, xin Chúa thanh tẩy để chuẩn bị tâm hồn cho Tuần thánh và Phục sinh sắp tới.

Lm. Antôn, giáo xứ Giuse Tulsa