Chúa nhật Thứ 26 Thường Niên Năm B_2012.

60

Chúa nhật Thứ 26 Thường Niên Năm B_2012.

Ông bà anh chị em thân mến. Như chúng ta biết, Giáo hội đang chuẩn bị bước vào Năm Đức Tin, bắt đầu vào Thứ Năm, ngày 11 tháng 10 tới đây. Mục đích của Năm Đức Tin này, theo như tông thư Porta Fedei “Cánh Cửa Đức Tin” của Đức thánh cha Bê-nê-đíc-tô đã ban hành, là “Lời mời gọi hãy hoán cải một cách đích thực và được đổi mới, trở về với Chúa là Đấng duy nhất cứu độ thế giới.” Niềm mong ước của Đức thánh cha khi tuyên bố Năm Đức Tin là muốn cho “Năm Đức Tin sẽ khơi dậy nơi mỗi tín hữu khát vọng tuyên xưng đức Tin trong sự toàn vẹn và với một niềm xác tín được đổi mới, trong niềm tín thác và hy vọng.” ĐTC nhận định rằng, “Chúng ta không thể chấp nhận để muối nhạt đi và ánh sáng bị che khuất. Con người ngày nay, cũng giống như người phụ nữ Samaria, có thể cũng lại cảm thấy cần phải đến bên giếng nước để lắng nghe Chúa Giêsu, Đấng mời gọi hãy tin vào Người và múc lấy nước hằng sống từ Người trào ra. Chúng ta phải tìm lại niềm vui thích nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa được Giáo hội trung thành truyền lại, và bằng Bánh Hằng Sống, được ban cho để nâng đỡ tất cả những ai làm môn đệ Chúa.” Vì thế, ĐTC khẳng định rằng, “Ngày nay Giáo hội phải dấn thân một cách thuyết phục hơn nữa qua công cuộc Tân Phúc âm hóa, để tái khám phá niềm vui đức Tin và tìm lại niềm hăng say thông truyền đức Tin. Việc dấn thân truyền giáo của các tín hữu, vốn không bao giờ được thiếu, sẽ nhận được sức mạnh và tinh thần hăng hái qua việc hằng ngày nhận ra tình yêu của Thiên Chúa.”

Cho nên tôi cũng thành khẩn kêu mời tất cả mọi người ông bà anh chị em trong giáo xứ, chúng ta cử hành và sống Năm Đức Tin này cho nghiêm chỉnh và chính đáng theo lời khuyến khích của ĐTC, người cha chung thay mặt Chúa hướng dẫn và dạy bảo. Ông bà anh chị em có thể đọc 10 điều thực hành trong Năm Đức Tin treo ở nhà bát giác cuối nhà thờ, hay trên trang web của giáo xứ. Chúng ta quyết tâm sống những điều này, lấy Lời Chúa để canh tân đức tin, tuyên xưng đức tin và thực hành đức tin trong đời sống hàng ngày. Thật vậy, Lời Chúa là yếu tố chính trong việc cử hành và sống Năm Đức Tin này. Và lời Chúa trong Chúa nhật thứ 26 hôm nay nhắc nhở chúng ta về tội lỗi cản trở chúng ta sống đức tin và chứng nhân cho Chúa Ki-tô một cách chân chính.
Có một người đàn ông rất ít nói trở về nhà sau Thánh lễ sáng Chúa nhật, người vợ hỏi ông hôm nay cha xứ giảng về gì. Ông trả lời một cách cộc lốc: “Tội.” Người vợ hỏi tiếp: “Cha xứ nói gì về tội?” Ông trả lời: “Ông chống lại.” Có một nhà tâm lý nổi tiếng trên thế giới có tên là Karl Menninger đã qua đời mấy năm trước đây được 97 tuổi, viết một cuốn sách có tựa đề là: “Cái gì trở thành tội?” “Whatever Became of Sin?” Ông bắt đầu cuốn sách bằng một câu chuyện về một người đàn ông đứng ở ngả tư đường, giữa thành phố Chicago khoảng hơn 20 năm trước đây. Người đàn ông này cao, gầy, và trông rất nghiêm nghị, nhìn những người qua lại trên đường. Thỉnh thoảng ông chỉ vào một người và nói một tiếng “phạm tội.” Có lẽ những người bị chỉ tay thầm nghĩ “Làm sao ông biết được.”
Đó là hơn 20 năm trước đây. Nếu ngày nay có điều tương tự xảy ra, thì người bị chỉ tay sẽ không tụ nghĩ “Làm sao ông biết được” mà tự hỏi “Không biết ông này nói gì?” Luận đề chính của cuốn sách của nhà tâm lý nổi tiếng này là: “Xã hội ngày nay đã mất đi ý thức về tội.” Bác sĩ tâm lý này không tuyên bố là tội đã biến mất, nhưng ngược lại, ông cho rằng tội đã trở nên một vấn đề to lớn trong xã hội, bởi vì ngày nay người ta không còn ý thức, quan tâm hay dửng dưng trước sự thực của tội lỗi.
Ông bà anh chị em thân mến. Như đã đề cập ở trên, tội cũng là điều mà những bài Kinh thánh hôm nay đề cập đến. Tội, như thánh Gia-cô-bê khẳng định trong bài đọc 2 hôm nay, là sự tham lam, gian dối và thờ ơ trước những đau khổ và sự bất công trong xã hội. Tội cũng là sự kiện mà Chúa Giê-su nhấn mạnh đến khi Người nói với chúng ta hãy buộc cối xay vào cổ mà sô xuống biển, hay chặt tay, chặt chân và móc con mắt bỏ đi nếu những cái đó làm cho chúng ta xa Chúa và sẽ bị ném xuống hỏa ngục. Chúng ta phải chú ý. Đây là dụ ngôn mà thôi. Chúa chúng ta không có ý định muốn chúng ta chặt chân, chặt tay hay móc mắt vất đi, vì nguyên do tội lỗi không từ đó mà ra, nhưng tội lỗi có cội nguồn từ tâm, từ trí chúng ta mà ra. Tội là một quyết định làm những gì giáo huấn của Thiên Chúa cấm hay không làm những gì Chúa muốn chúng ta phải làm, hay nói một cách khác, không tuân theo những giới răn, giáo huấn của Chúa.
Thật sự ra, khi Chúa Giê-su tuyên bố với chúng ta những sự kiện này, Người muốn cho chúng ta biết rằng Người nhìn xa hơn, rõ hơn và muốn chúng ta biết lòng yêu thương và sự quan tâm của Chúa về đời sống đức tin của chúng ta. Chúa cũng muốn cho chúng ta biết rằng nếu chúng ta muốn có hạnh phúc vĩnh cửu, chúng ta phải gìn giữ sự liên hệ mật thiết với Thiên Chúa hơn mọi vật chúng ta có và chiếm giữ. Chúa nhấn mạnh một cách đặc biệt điều này liên quan đến việc làm gương xấu cho trẻ em, con cái, cháu chắt làm cho chúng xa Chúa, hay lấy lý do này lý do kia, bận việc này hay việc kia không dạy dỗ, hướng dẫn con cái. Là những bậc làm cha mẹ và là những Ki-tô hữu, chúng ta hãy tự hỏi: “Chúng ta làm gì hay không làm gì để trở thành cớ cho con cái hay người khác vấp phạm?” “Lời nói, việc làm của chúng ta có gây ra những sự tranh chấp, ghen ghét, chia rẽ trong cộng đoàn giáo xứ không? Chúng ta hãy hình dung: Chúa Giê-su là một Đấng đầy lòng yêu thương, nhân từ và hay thương xót và cũng là Đấng tuyên bố với chúng “Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.” Chúng ta có thể muốn nghĩ Chúa Giê-su nhân từ với tội lỗi. Thật vậy, Chúa Giê-su rất nhân từ và hay tha thứ, nhưng Người không nhẹ nhàng với tội lỗi hay cho tội lỗi là tầm thường.
Ông bà anh chị em thân mến. Chúng ta nhận thấy tội lỗi và sự vô luân lý được phơi bày trên phim ảnh, trong những cuộc bàn luận trên TV, hay trong những cuộc nói chuyện hay lập trường của những nhà chính trị đang tranh cử, về vấn đề như phá thai, diệt sự sống và loại bỏ giá trị hôn nhân. Đối với những người này, tội lỗi và luân lý đã biến mất hay không còn chỗ trong đời sống của họ. Là những cử tri Công giáo chúng ta có bổn phận phải cân nhắc cẩn thận những ứng cử viên, đặc biệt là ứng cử viên tổng thống giữa ông Ba-rắc Obama và Mitt Romney, và thận trọng trong việc xử dụng lá phiếu của mình. Nhưng đối với chúng ta, những người có đức tin vào Chúa và Tin mừng của Người, và tham dự Thánh lễ hàng tuần nghe lời Chúa nói về tội thì khác. Nếu chúng ta có tội, thật sự tất cả chúng ta đều là những người có tội, thì lời Chúa hôm nay không có chủ đích là lên án chúng ta hay làm cho chúng ta xấu hổ, nhưng vì lòng yêu thương, Chúa kêu gọi chúng ta hãy tỉnh thức và biết ăn năn cải thiện sống đời sống mới, đồng thời nhắc nhở chúng ta về sự hiện hữu, thực tế của tội trong xã hội. Nếu chúng ta làm ngơ trước sự hiện hữu của tội lỗi, chúng ta cũng làm ngơ hay lạnh nhạt với Lời Chúa. Chúa Giê-su đã dạy chúng ta bằng cả cuộc sống của Người. Người đã mặc lấy bản tính con người, trừ tội. Chính Chúa cũng đã sống một cuộc đời yêu thương. Yêu thương đến nỗi cho đi cả tính mạng của mình trên thập giá. Tình yêu thương đó Chúa trải rộng trên người lành kẻ dữ và người có tội.
Nói tóm lại, lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta là những Ki-tô hữu và là chi thể của Chúa, sống với nhau, thờ phượng với nhau, phục vụ bên nhau, chúng ta phải cố gắng tránh đừng làm cớ, làm dịp tội cho ai, nhất là cho con cái. Có lòng bác ái-quảng đại, hy sinh-phục vụ làm sáng danh Chúa. Đồng thời chúng ta phải đề cao, cảnh giác trước sự hiện hữu và những cám dỗ của tội lỗi. Chúng ta cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta một gia đình vợ chồng, con cái, do đó chúng ta phải sáng suốt nhận ra những bổn phận và chu toàn, biết yêu thương, dạy dỗ, làm gương sáng tốt lành thánh thiện, hướng dẫn con cái sống đức tin để mọi người được hưởng hạnh phúc và bình an. Chúa Giê-su nhân từ và thương xót đã dùng những hình ảnh, phương cách này để nhắc nhở chúng ta hãy cẩn thận vì tội có thể hủy diệt đức tin, hủy diện sự liên hệ mật thiết với Chúa và hạnh phúc vĩnh cửu mà Chúa đã hứa ban cho chúng ta. Xin Chúa chúc lành cho mọi người chúng ta.

Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa