CHÚA NHẬT THỨ 16 THƯỜNG NIÊN NĂM B. 2012.
Có một hướng dẫn viên làm việc tại một bảo tàng viện, có nhiệm vụ giải nghĩa những vật trưng bày cho khách thăm viếng. Trong một dịp, ông ta chỉ cho những khách viếng thăm bộ xương 109 tuổi của con vật thời tiền sử. Một người hỏi ông: “Làm sao có thể biết được tuổi một cách chính xác như vậy?” Người hướng dẫn viên trả lời: “Khi tôi bắt đầu làm việc ở đây, ông giám đốc dạy tôi như vậy và tôi làm việc ở đây được 10 năm rồi.”
Ông bà anh chị em thân mến. Hôm nay tôi muốn chia sẻ với mọi người một bài học lịch sử ngắn gọn. Tôi không đi ngược trở lại thời tiền sử, nhưng tôi sẽ trở về một thời đại xa xưa vào thời vua Đa vít, một (1) ngàn năm trước Chúa Cứu Thế. Phải thú nhận rằng năm đầu trong đại học chủng viện, tôi không thích môn lịch sử mấy, nhưng khi lên đại chủng viện thần học và học môn lịch sử Cựu và Tân Ước, tôi cảm thấy rất thích thú và lôi cuốn. Tôi không thể dồn 1 ngàn năm lịch sử vào mấy phút ngắn ngủi, cho nên tôi chỉ đề cập đến những thời điểm liên quan và được đề cập đến trong bài Kinh thánh hôm nay.
Khi Đa Vít được tôn làm vua, một ngàn năm trước Chúa Cứu Thế, ông muốn xây một đền thờ cho Thiên Chúa, vì lúc đó không có một ngôi đền thờ nào hết. Thiên Chúa không cho phép, nhưng hứa với Đa Vít qua ngôn sứ Nathan sẽ chúc lành cho ông và sẽ xây một ngôi nhà cho ông. Ngôi nhà ở đây có nghĩa là vương quốc tồn tại muôn đời và con cháu ông sẽ nối dòng cai trị vương quốc đó. Lời chúc lành của Chúa tồn tại đến thời vua Sa-lô-môn, con của Đa-vít. Nhưng con người chúng ta bằng cách này hay cách khác có khả năng hủy bỏ lời chúc lành của Chúa. Vua Sa-lô-môn đã từ bỏ Chúa, thờ thần ngoại bang và tăng thuế để xây những tòa nhà lộng lẫy cho mình, cho nên khi vua Sa-lô-môn qua đời, con của vua và là cháu của Đa-vít, là Rê-hô-bô-hàm lên kế vị cha, thì có nhiều nhóm chống đối, chia rẽ và tách ra làm hai miền. Vua Rê-hô-bô-hàm trị vì phần đất phía Nam, có tên là Giu-đê-a. Trong vòng 400 năm kế tiếp dòng dõi Vua Đa-vít tiếp tục cai trị phần đất phía Nam này.
Phần đất hay vương quốc phía Bắc là Is-ra-en, thì chịu những sự lầm than khốn khổ dưới ách cai trị của những vị vua nổi lên từ những nhóm phiến loạn quân tranh chấp và qua những vụ đảo chánh. Trong vòng hơn 2 trăm năm sau, vương quốc phía Bắc này bị tàn phá bởi quân xâm lăng đến từ Át-si-ri-a, bây giờ là phía Bắc của I-rắc. Vào khoảng 1 trăm năm sau đó, quân Ba-bi-lon từ phía Nam I-rắc, tràn lên phía Bắc đánh chiếm quân Át-si-ri-a và cai trị toàn thể Trung đông.
Cuộc đánh chiếm xâm lăng của quân Ba-bi-lon đưa chúng ta tới thời điểm của ngôn sứ Giê-rê-mi-a mà bài đọc hôm nay đề cập đến. Tình hình nước Do thái lúc này như sau: vương quốc và phần đất phía Bắc hoàn toàn bị tiêu diệt bởi quân xâm lăng, không còn tồn tại. Vương quốc phía Nam do dòng dõi của vua Đa vít cai trị, nhưng không còn trung thành với Thiên Chúa và luật lệ của Người. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã cảnh báo cho bốn vị vua khi họ thay phiên lên cai trị phần vương quốc này, đó là Giê-hô-a-ha; Giê-hoi-a-kim; Giê-hoi-kim và Giê-đê-ki-a, vị vua cuối cùng này đã chết trong sự nhục nhã. Sau khi bị quân xâm lăng Ba-bi-lon bắt, con của ông đã bị giết ngay trước mặt ông, còn ông thì bị trói và giải về Ba-bi-lon làm nô lệ và chết ở đó.
Chúng ta có thể đọc chi tiết những lời cảnh báo nghiêm trọng của ngôn sứ Giê-rê-mi-a với các vị vua này trong sách Cựu ước. Ngôn sứ đã báo cho họ biết một cách thẳng thắn và rõ ràng phải làm thế nào để thoát khỏi cảnh bị quân Ba-bi-lon xâm lăng và bị bắt đi làm nô lệ, nhưng họ đã ngoảnh mặt đi, từ chối không nghe. Do đó ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã trách và qui tội cho họ không chu toàn trách nhiệm chăm sóc đoàn chiên và để cho tai họa đổ trên đầu dân chúng. Như chúng ta vừa nghe trong bài đọc 1, Thiên Chúa, qua lời ngôn sứ, đã phán: “Khốn cho các mục tử làm tản mát và xâu xé đoàn chiên Ta.” Và Thiên Chúa nói Ngài sẽ cứu thoát đoàn chiên ấy từ ách nô lệ và đích thân chăm sóc: quy tụ những con chiên tản lạc, dẫn chiên đến đồng cỏ, che chở chúng khỏi mọi nguy hiểm. Thiên Chúa còn hứa sẽ cho từ nhà Ða-vít nổi lên một mục tử đích thực, dẫn đưa họ tới sự an bình. Ðây là lời tiên hứa ban Ðấng Cứu Thế. Và phải đợi đến 600 năm sau mới đúng thời điểmThiên Chúa hoàn thành lời hứa sai vua Đấng Cứu Thế đến trần gian để đem sự bình an và công chính đến cho mọi người.
Và như chúng ta đã nghe khi vị vua đến, Thiên Chúa báo tin, qua thiên thần, cho một trinh nữ đã hứa hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đa-vít, và người trinh nữ đó có tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này bà sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là con Đấng tối cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đa-vít, tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Gia-cóp, và triều đại Người sẽ vô tận.”
Trong bài Tin mừng tuần trước, Chúa Giê-su đã sai các môn đệ đi làm việc truyền giáo, rao giảng Tin mừng, loan báo Nước Trời, và ban cho các ông quyền năng chữa bệnh và trừ quỉ. Trong bài Tin mừng hôm nay, các môn đệ trở về vui mừng vì những thành quả đã đạt được. Sau khi nghe các môn đệ trình bầy sự việc, Chúa Giêsu đã khuyên các ông hãy rút lui vào nơi vắng vẻ để cầu nguyện và nghỉ ngơi. Tin mừng còn cho chúng ta biết: “Chúa Giê-su thấy đám đông dân chúng thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn và Người dạy dỗ họ nhiều điều.”
Ông bà anh chị em thân mến. Lời Chúa hôm nay gởi đến cho chúng ta một tin vui mừng, đó là Thiên Chúa yêu thương và nhân từ với chúng ta. Người dẫn dắt chúng ta bằng cách dạy dỗ chúng ta. Người chọn lựa và sai những người khác đến dạy dỗ chúng ta. Nhưng chúng ta phải biết tránh xa những điều người Do thái xưa đã làm là từ chối, ngoảnh mặt làm ngơ trước lời Chúa. Chúng ta phải biết lắng nghe và phải luôn tiếp tục lắng nghe. Chúng ta còn phải lắng nghe khi chúng ta cảm thấy cuộc sống chúng ta không được hay không có bình an, khi gia đình còn bất hòa, khi cộng đoàn còn có sự ghen ghét, chia rẽ; khi xã hội còn có những tội ác như vụ thảm sát mới xảy ra tại Colorado hay ngay tại thành phố Tulsa chúng ta đang ở; khi thế giới còn đang chiến tranh, hận thù và áp bức; khi người dân vô tội nhất là những dân và Ki-tô hữu tại quốc gia Việt Nam chúng ta, còn bị đàn áp đối xử một cách dã man tàn ác.
Ông bà anh chị em thân mến. Có lẽ Chúa Giê-su còn đang tiếp tục dạy dỗ nếu Người không bị giết chết trên cây thánh giá. Chúng ta sẽ là những người bất hạnh và thiếu thốn nếu chúng ta ngừng không lắng nghe lời Chúa nữa. Đó là lý do tại sao chúng ta tham dự Thánh lễ hàng ngày, hàng tuần, để chúng ta lắng nghe, học và thực hành lời Chúa. Chúng ta là những môn đệ của Chúa Giê-su Ki-tô. Môn đệ có nghĩa là học trò. Khi chúng ta ngưng không nghe lời Chúa nữa là khi chúng ta ngưng không còn là môn đệ của Chúa nữa. Chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta có tâm hồn rộng mở, chân thành để lắng nghe lời Chúa và sức mạnh để sống thực hành lời Chúa.
Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa