Chúa nhật thứ 13 thường niên Năm B 2012.
Ông bà anh chị em thân mến. Tuần này là Chúa nhật 13 thường niên. Thường niên trong lịch phụng vụ của Giáo hội là thời gian quanh một năm ngoại trừ mùa Vọng, mùa Giáng sinh- mùa Chay và Phục sinh. Hay nói một cách khác, chúng ta ở trong mùa Thường niên từ hôm nay cho đến tháng 12 khi mùa Vọng bắt đầu. Mầu tiêu biểu cho mùa Thường niên là mầu xanh, mầu của hy vọng.
Chúng ta biết hy vọng là một sự kiện quan trọng mà chúng ta chất chứa mang theo trong suốt cuộc đời. Chúng ta sống trong hy vọng hay ngược lại trong tuyệt vọng. Những bài Kinh thánh hôm nay nhắc nhở chúng ta thấy sự hy vọng được xây dựng trên nền tảng gì. Mặc dù chúng ta đang sống trong thời đại văn minh với những thành công trong sư phát minh mới về khoa học và kỹ thuật, có thể giúp ngăn ngừa hay chữa được những thứ bệnh hiểm nghèo, nhưng không một ai trong chúng ta có thể sống ở trần gian này mãi mãi. Một ngày nào đó chúng ta sẽ chết. Nhưng hy vọng rằng điều này không xảy ra ở thời gian gần cho một ai trong chúng ta. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa không tạo dựng nên chúng ta để sống ở trần gian này muôn đời. Thiên Chúa tạo dựng nên chúng ta để sống với Ngài vĩnh cửu trong một thế giới hoàn toàn khác với thế giới này.
Lời Chúa dạy và nhắc nhở chúng ta luôn luôn, như chúng ta vừa nghe trong bài đọc 1 hôm nay, rằng chúng ta tự tạo cho chúng ta sự khốn khổ nếu chúng ta từ chối, từ khước không tin vào Chúa và không sống lời Ngài đã phán dạy. Đối với chúng ta, Thiên Chúa đã nói với và dạy chúng ta qua Tin mừng Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu Kitô đã mạc khải cho chúng ta biết “Ngài là đường, là sư thật và là sự sống.”
Ông bà anh chị em thân mến. Tôi nghĩ rằng câu nói đầy quyền năng và tin tưởng nhất của Chúa Giêsu mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng hôm nay “Đừng sợ hãy cứ tin” xảy ra ngay khi ông trưởng hội đường vừa nghe tin con gái ông đã chết rồi. Tuy sự việc xảy ra một cách hiển nhiên, nhưng Chúa Giêsu nói với ông hãy cứ tin tưởng vào Ngài sẽ cứu giúp ông. Có một câu chuyện được đăng trong tờ báo với tựa đề là: “Câu chuyện của lực sĩ ở Kansas có phải là một phép lạ không?” Bài báo viết rằng tất cả mọi người cư ngụ trong thành phố nhỏ có tên là Colwich, tiểu bang Kansas, muốn được đụng vào cánh tay hay muốn ôm lấy người của anh Chase Kear, 20 tuổi, vì anh được mọi người gọi là “Người phép lạ.” Tuy mọi người ở đó bàn tán về phép lạ của anh Chase, nhưng đối với địa phận Wichita và ngay chính tòa thánh Vatican thì đang âm thầm tiến hành điều tra phép lạ này. Anh Chase là một lực sĩ môn nhảy sào cao. Trong một lần biểu diễn, anh bị tại nạn ngã xuống nền xi măng, động não và sọ bị nức từ tai này qua tai kia. Các bác sĩ đều từ chối cho rằng không thể nào mổ cắt ngang sọ để điều trị óc được, và nếu có mổ thì cũng không thể nào sống được. Từ ngày anh Chase được đưa vào bệnh viện, gia đình thân nhân và nhất là mọi người trong giáo xứ hàng ngày cầu nguyện. Họ cầu nguyện và xin vị linh mục Emil Kapaum là một người bản xứ đã qua đời cầu bầu. Linh mục Emil trước đây là một tuyên úy quân đội đã bị bắt cùng với nhiều binh sĩ Hoa kỳ và chết một cách anh dũng và nhất là trong đức tin trong chiến tranh Bắc hàn và hiện nay đang được thi hành hồ sơ phong thánh.
Mấy tuần sau khi bị thương, anh Chase đã xuất viện và tự đi ra khỏi cửa nhà thương về nhà. Hiện nay anh đang đi làm và có ước vọng trở thành một huấn luyện viên cho hội nhảy sào tại một trường trung học địa phương. Được hỏi cảm tưởng của anh như thế nào về phép lạ anh đã nhận được, anh Chase nói là không nhớ những gì đã xảy ra, nhưng rất vui sướng được sống. Người cha của anh Chase quả quyết và tuyên bố rằng chính linh mục Emil đã cứu sống con của ông, và các bác sĩ chữa trị cho anh Chase đều xác định rằng họ không biết lý do nào mà anh Chase được lành mạnh.
Ông bà anh chị em thân mến. Câu chuyện trên đây là một sự minh chứng về đức tin và quyền năng của Thiên Chúa. Những gì mà con người không làm được thì Thiên Chúa lại làm được, miễn là con người tin vào Ngài. Câu truyện con gái ông trưởng hội trường và người đàn bà loạn huyết trong Tin mừng, cũng như câu chuyện của anh Chase, cho chúng ta thấy sức mạnh của đức tin và quyền năng của Thiên Chúa.
Cả 2 phép lạ đều là kết quả của lòng tin, hay nói một cách khác cả 2 phép lạ đều được Chúa Giêsu thực hiện do lòng tin của con người. Chúng ta thấy ông trưởng hội đường đã biểu lộ lòng tin bằng cách lặn lội tìm đến Chúa và khiêm nhường xin Ngài cứu chữa con gái ông. Còn người đàn bà bị bệnh lâu năm đã tin một cách mãnh liệt vào sức mạnh và quyền năng xuất phát từ con người của Chúa, cũng đã tìm đến Chúa và mạnh dạn đưa tay ra chạm vào người của Chúa một cách kín đáo.
Chúng ta thấy lòng tin nơi ông trưởng hội đường được bày tỏ, thể hiện một cách rỏ ràng, còn nơi người đàn bà lòng tin rụt rè, kín đáo. Nhưng dù rõ ràng hay kín đáo, chính lòng tin của họ đã giúp cho phép lạ xảy ra. Đây là một điều hết sức quan trọng và là một bằng chứng cho chúng ta thấy: lòng tin hay đức tin sống động là yếu tố chủ yếu quyết định trong các phép lạ Chúa Giêsu làm, nghĩa là, mỗi khi làm phép lạ Chúa luôn luôn đòi hỏi người ta phải có một niềm tin sống động của chính họ hay của những người giúp họ.
Ông bà anh chị em thân mến. Niềm tin hay đức tin sống động cũng là một yếu tố rất quan trọng trong đời sống Kitô hữu của chúng ta. Đức tin sống động giúp chúng ta sống trong sự bình an, vui mừng và hy vọng. Chúng ta phải luôn tâm niệm rằng cuộc đời Kitô hữu của chúng ta ở trần gian là cuộc hành trình bằng đức tin. Chúng ta sống và phấn khởi tiến bước đi bằng đức tin chứ không phải bằng những dấu hiệu. Tiếng Mỹ có một câu tương tự rằng: “We walk by faith not by sign.” Chúng ta phải sống bằng đức tin vào Chúa chứ không thể sống chỉ bằng cảm nghiệm hoàn cảnh. Như chúng ta đã biết, cuộc sống có lúc vui, có lúc buồn, có sướng có khổ đau. Nếu chúng ta chỉ dựa vào cảm nghiệm của những lúc vui, lúc sướng mới tin vào Chúa, vậy khi hết vui, hết sướng thì làm sao? Đức tin của chúng ta với Chúa như thế nào? Lòng tin của chúng ta sẽ suy giảm? Hay khi đau khổ, đau buồn thì không tin Chúa, hay mới tìm đến Chúa? Nếu chúng ta sống mà tùy thuộc vào hoàn cảnh hay cảm nghiệm, nhất là cảm nghiệm nhất thời, thì chắc chắn không phải là đời sống đức tin chân chính và sống động. Chúng ta phải xây dựng một đức tin vững chắc vào Chúa, không lệ thuộc vào người khác, cũng không tùy thuộc vào hoàn cảnh, hay thời thế, xã hội.
Vậy thì chúng ta phải xây đức tin chân chính và sống động vào Chúa bằng cách nào? Thứ nhất bằng việc thực hành Lời Chúa. Nếu chúng ta chỉ nghe mà thôi thì chưa đủ. Chúng ta phải sống Lời Chúa, vì lời Chúa đem lại cho chúng ta sự bình an, vui mừng và hy vọng. Thứ nhì là chúng ta phải hiểu biết rỏ chân lý, sự thật và con đường chúng ta đang đi, đang sống là gì? Bài đọc 2 trích sách Khôn ngoan cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Chúa để sống hạnh phúc. Nhưng tội lỗi và sự dữ đã làm cho con người phải chết. Cho nên chúng ta phải có đời sống khiêm nhường, tốt lành và ăn năn thống hối để sống trong an bình và hy vọng. Và thứ ba là phải can đảm và vui mừng sống thánh ý Chúa, phải chịu thiệt thòi vì đức tin, vì sống đạo, và có tâm hồn hy sinh, quảng đại, phục vụ và làm những việc bác ái, xây dựng giáo hội, giáo xứ làm sáng danh Chúa.
Ông bà anh chị em thân mến. Chúng ta phải tự thú nhận rằng tất cả chúng ta đều mang trong mình những chứng bệnh khác nhau, và tất cả đều mong được chữa lành, được khỏi bệnh. Tâm trạng của chúng ta cũng giống như tâm trạng của ông trưởng hội đường mong muốn con gái của mình được cứu sống, được lành mạnh, hay như người đàn bà mắc chứng loạn huyết, tìm kiếm cầu xin và mong ước mình được chữa lành, hay của những người thân của anh Chase xin cho anh được cứu sống. Chúng ta mong ước khấn nguyện được Chúa thi ân ban cho một phép lạ. Nhưng nhiều khi kết quả lại rất khác biệt. Những người kể trên được chữa lành, còn lại phần đông chúng ta thì không. Vậy đâu là sự khác biệt đó? Thưa ông bà anh chị em, đó là đức tin chân chính sống động. Đức tin này đem chúng ta lại gần và đụng, chạm, sờ vào được Chúa. Đức tin này khiến chúng ta phó thác tin tưởng vào Chúa và làm cho Chúa phải ngạc nhiên và không thể từ chối lời cầu xin chúng ta mặc dù chúng ta rất bất xứng. Chúng ta không chỉ cầu xin rồi ngồi đó chờ Chúa ban xuống. Chúng ta phải nhớ rằng: tình yêu chân thành và đức tin sống động vào Chúa là sự vui mừng và niềm hy vọng và là chìa khoá để mở cửa lòng nhân từ và ơn sủng của Chúa.
Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa