Chúa nhật Phục sinh Năm B – 2012.

67

Chúa nhật Phục sinh Năm B – 2012.

Ông bà anh chị em thân mến. Có thể nói rằng, tất cả mọi người chúng ta đều có một mục đích hay ước muốn quan trọng cho cuộc sống, đó là thành công, thành công trong việc kinh doanh, thương mại, học hành và tình duyên; thành công trong các dự tính cho gia đình, công ăn việc làm; trong các sự liên hệ với những người chung quanh và mọi khía cạnh khác trong cuộc sống.  Chúng ta bỏ công lao sức lực, tài trí, thời giờ và tiền bạc để đầu tư mong đạt được mục đích này.  Nhưng khi những kỳ vọng, mong ước đó gặp trở ngại hay thất bại, chúng ta cảm thấy chán nản, đau buồn và có khi đưa đến bệnh hoạn thể xác hay tâm thần.  Nhiều người tìm cách trút bỏ những trạng thái đó bằng những sự tiểu khiển không lành mạnh, có hại như uống rượu, cờ bạc, ma túy và những phương tiện khác.

Đối với các môn đệ của Chúa Giêsu, biến cố xảy ra vào ngày thứ sáu tuần thánh đã làm cho các dự tính và kỳ vọng ở tương lai của các ông trở thành mây khói.  Bao nhiêu hy vọng được ngồi bên hữu, bên phải hay được trọng vọng đã bị chôn vùi trong ngôi mộ cùng với thân xác Chúa Giêsu. Lúc đó đối với các ông, ngôi mộ biểu hiệu cho sự thật bại và tuyệt vọng.  Có thể nói rằng tâm trạng của các môn đệ lúc đó cũng giống như các tâm trạng của những người thất tình, mất việc, sai thải, hay mất tiền của vật chất hiện nay, và đang trong tình trạng đau khổ, thất vọng, lo âu. Không những thế, các môn đệ còn lo sợ bị truy lùng, bị hành hung, bị bắt bớ và có thể cũng rơi vào hoàn cảnh như thầy mình, bắt bớ, tra tấn và đóng đinh vào thập giá.  Vì thế các ông đã phải trốn tránh.

Nhưng khi nghe tin bà Maria Mađalêna báo tin “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu!” thì tâm trạng của các ông lại biến đổi ngược lại.  Theo lẽ bình thường, khi nghe báo tin người ta đã lấy xác đi đâu mất, thì sự sợ hãi đáng lẽ phải tăng lên gấp bội.  Nhưng ở đây, các ông rời bỏ nơi ẩn nấp, vội vã chạy đến mộ. Trong sự vội vã và háo hức ấy, chúng ta thấy có một dấu hiệu gì đó, một tia hy vọng loé lên.  Các ông chạy hướng về một niềm hy vọng, nhưng vẫn còn mơ hồ, nghi ngại, nhưng các ông tin rằng biết xác Chúa không còn trong mộ nữa. Ra mộ không phải để thấy xác Chúa, mà hy vọng một sự thật, một lời hứa đang nung nấu trong tâm hồn các ông được sáng tỏ.

Thế nhưng, các ông đã thấy điều gì?  Đã thấy Thầy mình chăng? Không!  Các ông không thấy gì ngoài ngôi mộ trống và những khăn liệm để bên trong. Tin mừng của thánh Luca tường thuật lại rằng Phêrô chứng kiến ngôi một trống, nhưng trở về nhà “rất đỗi ngạc nhiên.”  Còn Gioan thì cũng chỉ thấy những điều Phêrô thấy mà thôi, nhưng với một tâm hồn nhạy cảm, Gioan đã nhận ra Thầy mình đang ở đâu qua ngôi một trống.  Chúng ta tự hỏi: chỉ qua ngôi một trống mà Gioan xác tín Chúa Giêsu đã phục sinh, thì xem ra niềm tin của Gioan không vững chắc, vì với một dấu chỉ mơ hồ là ngôi mộ trống mà ông đã tin.  Thật ra ông tin không phải chỉ dựa vào ngôi mộ trống và những tấm khăn trong ngôi mộ, nhưng ông tin vì đã hiểu ra Lời của Chúa.  Khi còn sống, Chúa đã nhắn nhủ với các ông và nay qua ngôi mộ trống lời đó đã ứng nghiệm – Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế.  Họ sẽ lên án xử tử Người.  Họ sẽ nhạo báng khạc nhổ Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người, nhưng ba ngày sau Người sẽ sống lại. –  Ngôi một trống giờ đây đối với các ông là dấu chỉ của sự hy vọng.  Một tia hy vọng đã loé sáng lên trong tâm trí các ông.

Ông bà anh chị em thân mến. Trong cuộc sống của chúng ta có biết bao dấu chỉ, thế nhưng chúng ta có nhận ra, có hiểu được ý nghĩa của những dấu chỉ đó hay không?  Nếu chúng ta lấy trí khôn hay sự hiểu biết của chính chúng ta mà áp dụng vào thì có lẽ không nhận ra và hiểu thấu được, và nhiều khi lại hiểu sai, không đúng.  Nhưng nếu chúng ta lấy Lời Chúa soi sáng và hướng dẫn, thì chúng ta sẽ nhận ra và hiểu rõ hơn những ý nghĩa, giá trị của các dấu chỉ hay biến cố trong đời sống chúng ta.

Biến cố phục sinh biến đổi hoàn toàn đời sống của các môn đệ: từ chán nản qua vui mừng, từ thất vọng qua hy vọng, từ cô đơn qua phấn khởi.  Đời sống của họ đã dở sang một trang mới, và không có một sự khó khăn nào có thể cản trở được niềm tin của họ vào Chúa Kitô.  Họ tin rằng Chúa Giêsu đã phục sinh, sống lại và niềm tin đó trở thành nguồn sức sống, nguồn hạnh phúc và nguồn ơn cứu độ, cho dù bao nhiêu lần họ phải hy sinh, thiệt thòi, bị đói khát, tù đày, đánh đập tra tấn, họ vẫn luôn kiên cường và trung thành với đức tin của mình vào Chúa Giêsu phục sinh.

Ông bà anh chị em thân mến. Nếu sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô cần thiết cho các môn đệ khi xưa, thì sự phục sinh của Chúa cũng thật cần và càng cần thiết cho cuộc sống của chúng ta và của nhân loại hôm nay. Chúng ta đang sống trong một cuộc sống và trong một thế giới còn nhiều thù hằn, tranh chấp, ghen ghét, gian dối, đau khổ, khó khăn, lo âu, chết chóc. Mỗi ngày chúng ta phải đương đầu với những hoàn cảnh, những biến cố làm cho chúng ta phân vân, lo sợ, thất vọng hay chán nản.  Những lúc đó, chúng ta cần phải có sự nhảy cảm của thánh Gioan, để nhận ra những dấu chỉ, như ngôi mộ trống, sự hiện diện của Chúa Kitô phục sinh trong đời sống, để niềm tin đó mang lại cho chúng ta niềm hy vọng bình an thật sự, và có khả năng, tác động biến đổi đời sống của chúng ta, có khả năng lấp đầy những khát vọng sâu xa chất chứa trong tâm hồn chúng ta.

Trong đời sống, tôi chắc chắn rằng, tất cả chúng ta còn phải đối diện với những khó khăn, tuyệt vọng, chán chường, những thử thách về công việc, con cái, hôn nhân gia đình, về những tình liên hệ nhiều khi làm cho chúng ta đánh mất niền tin của cuộc sống. Hay kỳ công, ước muốn thành công trong một lãnh vực nào đó biết mất.  Những lúc đó, chúng ta còn nhận ra sự  hiện diện của Chúa Kitô phục sinh, còn dám đặt tin tưởng và hy vọng vào Chúa Kitô không?  Và nếu như chúng ta nhận ra sự hiện diện của Người, chúng ta có dám nghe và can đảm áp dụng lời Người vào cuộc sống không?

Chúng ta phải luôn ý thức rằng hy vọng của những người Kitô chúng ta không phải là những thành công về tài chánh, lợi lộc, danh vọng ở trần gian này, vì chúng ta biết và nhận rỏ rằng đây chỉ là điều tạm thời, chóng qua, không có giá trị lâu bền, và nhất là nó không làm cho tâm hồn chúng ta được bình an hay mang đến hạnh phúc đời đời được.  Hy vọng của chúng ta chính là Chúa Giêsu Kitô phục sinh, Đấng đã từ cõi chết sống lại và là Đấng cứu độ và thành công là sự bình an, hạnh phúc chân thật, và trở thành nhân chứng đích thực của Chúa Kitô phục sinh.  Chúa Giêsu Kitô đã phục sinh sống lại và mang lại cho chúng ta đời sống vĩnh cửu Nước TrờI, nhưng Chúng ta hãy nhớ : ai cũng sống lại : người tội lỗi hay người công chính, người có đạo hay không có đạo đều sống lại. Nhưng sống lại để được thưởng hay chịu phạt, được lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục… đều tùy thuộc vào cuộc sống hôm nay trên trần gian. Vì thế, cuộc sống hôm nay, tuy ngắn ngủi, nhưng lại là cái giá cho cuộc sống mai sau. Cho nên chúng ta cần sống đúng người Kitô hữu tin và sống lời Chúa để được cứu chuộc và sống lại với Chúa trong vinh quang.

Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse Tulsa