Lời Chúa Năm C Chúa nhật Lễ Thánh Gia Thất_2012

Chúa nhật Lễ Thánh Gia Thất_2012

Chúa nhật Lễ Thánh Gia Thất_2012

 

Ông bà anh chị em thân mến.  Mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập thể bắt đầu ở Na-da-rét qua hai tiếng “Xin Vâng”, và từ giây phút đó  Thiên Chúa đã sống và lớn lên ở trần gian.  Mái ấm Na-da-rét của Chúa Giê-su, Đức Maria và thánh Giu-se đặc biệt, nhưng rất bình thường, hay phải nói rằng rất tầm thường hơn những mái ấm khác trong làng này. Mái ấm này tượng trương cho những gia đình có bầu khí yêu thương, hòa thuận và hạnh phúc, và những người có những đức tính thánh thiện.  Gia đình này cũng là trường học huấn luyện Chúa Giê-su, chuẩn bị cho Ngài nhận lãnh sứ mệnh theo thánh ý Chúa Cha sau này. Nơi đây Chúa Giê-su đã được dạy cầu nguyện, quảng đại, giáo lý, lao động và nhất là hy sinh yêu thương đến hiến mình cho tha nhân, bạn cũng như thù.  Đức Maria và thánh Giu-se là những thày cô gương mẫu, và Chúa Giê-su đã vâng phục, lớn lên và thay đổi một cách tốt đẹp từ một đứa trẻ trở thành một người trưởng thành khôn ngoan quân bình thể xác, trí tuệ, đức tính và tâm linh.

Ngôi Hai Thiên Chúa Thiên cần một người cha, cần một người mẹ, cần một mái ấm và một trường học tốt để lớn lên trong tình yêu thương, và thấm nhuần những điều căn bản về thể xác và nhất là về phương diện tinh thần.  Thật vậy, Chúa Giê-su đã học sự cầu nguyện và những đức tính tốt như nhân hậu và nhẫn nại từ Đức Maria, đã học sự khiêm nhường và công chính từ thánh Giu-se, và trở nên con người đầy sự hy sinh, phục vụ và bác ái hiến thân hoàn thành thánh ý Chúa Cha trên thập giá.

Như chúng ta biết những giá trị hôn nhân gia đình ngày nay và nhất là trong xã hội này, đang phải đương đầu với những khó khăn, thử thách như luật lệ của một số tiểu bang công nhận hôn nhân đồng tính, hay sự sống chung chạ ngoài hôn nhân, và những sự cám dỗ về vật chất làm cho con người đảo lộn thứ tự những giá trị trong cuộc sống, ảnh hưởng đến sự liên hệ giữa vợ chồng và con cái, và nhất là trẻ em trở thành những nạn nhân của những vụ ly dị, vì vắng mặt người cha hay mẹ, một người chủ yếu trong gia đình, để dạy dỗ và hướng dẫn các em.

Ông bà anh chị em thân mến. Các nhà phân tích tâm lý và xã hội tìm ra nhiều đặc tính chung tạo nên một gia đình hòa thuận, hạnh phúc và thành công, trong khi đó những gia đình đổ vỡ, không hạnh phúc và có những sự xung khắc vì những lý do riêng biệt của từng trường hợp.  Trong ngày kính Thánh Gia Thất hôm nay, tôi xin được đề cập đến một nét đặc biệt giúp cho hôn nhân và gia đình thành công và hạnh phúc đó là sự thánh thiện.  Điều trước tiên chúng ta phải để ý là những người trong gia đình hay hôn nhân thánh thiện không phải là những người hoàn toàn tách biệt sự thông thường hàng ngày.  Những người này cũng có những vấn đề, khó khăn và thử thách như mọi người, cũng như gia đình Thánh Gia Thất.  Tin mừng của thánh Mát-thêu và Lu-ca cho chúng ta biết Thánh gia thất có nhiều vấn đề trong cuộc sống. Bài Tin mừng hôm nay là một đoạn văn duy nhất cho chúng ta biết về thời gian Chúa Giê-su lớn lên.  Thật là một sự kinh hoàng và hoảng hốt cho Đức Maria và thánh Giu-se khi không tìm thấy Chúa Giê-su trong ba ngày.  Tất cả gia đình đều có những lúc vui và buồn.

Một gia đình thánh thiện vì gia đình đó luôn đặt thánh ý Chúa trên hết trong cuộc sống. Và thánh Lu-ca muốn cho chúng ta biết rõ về điểm này.  Ngài đề cập đến nhiều trường hợp Đức Maria và thánh Giu-se thực hành thánh ý Chúa, làm những điều Chúa truyền dạy, khi thì qua lời của thiên thần truyền, khi thì qua sự trung thành với luật truyền. Thí dụ như trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Lu-ca cho chúng ta biết, “hằng năm cha mẹ Chúa Giê-su có thói quen lên Giê-ru-sa-lem để mừng đại lễ Vượt Qua.”  Cuộc hành trình từ Ga-li-lê tới Giê-ru-sa-lem mặc dù chỉ khoảng độ 70 dặm, nhưng phải mất mấy ngày vì vào thời điểm đó không có những phương tiện di chuyển như bây giờ, mà hầu hết đi bộ và từng nhóm vì nguy hiểm trộm cắp hay thú dữ dọc đường.

Lòng khao khát muốn sống thánh ý Chúa tạo nên hay giúp chúng ta phát triển những giá trị, đức tính và tâm tình mà chúng ta nghe trong bài đọc 2 hôm nay như: từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ, và trên hết là đức yêu thương là dây ràng buộc điều toàn thiện.  Những giá trị và đức tính này giúp mọi người có những tình liên hệ tốt và chân thành.

Ông bà anh chị em thân mến.  Khi tôi nói là nếu một gia đình thánh thiện thì gia đình đó sẽ có chiều hướng thành công, hòa thuận và hạnh phúc, tôi không giả dụ, không hóa trang hay đề nghị một lý thuyết mà tôi nghĩ rằng là một tư tưởng tốt.  Một số những cuộc thăm dò cho chúng ta biết một cách chắc chắn, những người thường đi tham dự Thánh lễ một cách sốt sắng là những người sống hạnh phúc hơn và thành công hơn, và  đời sống hôn nhân gia đình của họ cũng hòa thuận và hạnh phúc hơn. Những cuộc thăm dò cách đây mấy năm cho biết, tỉ lệ ly dị của những người không tham dự Thánh lễ cao gấp 2 lần hơn so với những người thường xuyên tham dự. Do đó nếu ông bà anh chị em muốn có một gia đình hạnh phúc thì phải giữ 2 điều luật trên hết trong đời sống hôn nhân gia đình, đó là, Thiên Chúa trên hết và trước hết mọi sự, và thương yêu nhau.  Hai điều luật trên đây sẽ giúp ông bà anh chị em chiến thắng, vượt qua được mọi sự.

Trong ngày kính Thánh gia thất hôm nay, chúng ta cầu xin cho các gia đình, đặc biệt trong giáo xứ, biết noi gương gia đình Thánh gia, trở nên một trường học tốt, dạy dỗ con cái những đức tính căn bản, để trở thành những người hữu ích cho xã hội và giáo hội.  Giáo dục gia đình là một điều thiết yếu trong các gia đình nhất là gia đình Công giáo, và khẩn thiết trong xã hội ngày hôm nay.  Chúng ta cũng cùng cầu xin Chúa, giúp cho cho các hôm nhân gia đình luôn trung thành, nhất là nhận ra và sống thánh ý Chúa, có cuộc sống thánh thiện, để luôn có sự yêu thương, hòa thuận và hạnh phúc hiện diện trong gia đình.

Lm. Antôn giáo xứ thánh Giuse, Tulsa

 

Exit mobile version