Chúa Nhật Lễ Lá Năm C_2013

192

Chúa Nhật Lễ Lá Năm C_2013

Ông bà anh chị em thân mến.  Hôm nay chúng ta bắt đầu bước vào Tuần Thánh, và suy niệm những sự kiện xảy ra trong những ngày cuối cùng cuộc đời của Chúa Giê-su Ki-tô.  Tất cả lời nói và hành động của Chúa Giê-su trong các bài Tin mừng, nhất là trong các bài thương khó, đều phát xuất ra từ một chủ đích, một động lực duy nhất, và diễn tả trong một sự cao cả và tột đỉnh của tâm hồn, đó là tình yêu, tình yêu của Chúa với chúng ta.

Hàng năm vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta nghe bài thương khó Chúa Giê-su theo thánh Gioan, nhưng vào Chúa nhật Lễ Lá, mỗi năm chúng ta nghe các bài thương khó khác nhau.  Bài thương khó năm nay, như chúng ta vừa nghe, theo Tin mừng của thánh Lu-ca.

Trước hết, tôi xin được đưa ra 3 khía cạnh đặc biệt bài thương khó của thánh Luca.  Thứ nhất, thánh Luca nhất mạnh đến sự vô tội của Chúa Giê-su.  Khi Chúa Giê-su bị điệu đến dinh tổng trấn Phi-la-tô để xét xử, ông này là một người tàn ác, nhưng đã tuyên bố Chúa là người vô tội, không phải chỉ một lần, nhưng tới 3 lần, và sau đó đã sai, giải Chúa đến Hê-rô-đê.  Nhưng Hê-rô-đê cũng cho là Chúa vô tội, và gởi trả về cho Phi-la-tô.  Chỉ bài thương khó thánh Luca cho chúng ta biết một người trộm cướp cũng bị đóng đinh cùng Chúa nói rằng: “Chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn Ông này, Ông có làm gì xấu đâu.”  Và cũng chỉ trong bài thương khó thánh Lu-ca, người sĩ quan  nhận ra Chúa Giê-su vô tội, và ca tụng Thiên Chúa rằng: “Ông này quả thật là người công chính.”  Chúa Giê-su vô tội, nhưng đã bị nhạo cười, phỉ báng, đánh đập, chịu những bất công và lên án từ chính những người cùng sống trong một dân tộc.  Ông bà anh chị em thân mến.  Nếu chúng ta ở đó, chúng ta có hiện diện trong đám đông trước đó đã hoan hô vinh danh, hay trong những người đã kết án đóng đinh Chúa vào thập giá, hay là những người, như nhiều người ngày nay dửng dưng, lạnh nhạt và cứng lòng trước những sự thương khó, đau khổ cùng cực mà Chúa đã chịu cho chúng ta?

Khía cạnh đặc biệt thứ hai trong bài thương khó của thánh Lu-ca, là bản tính tha thứ của Chúa.  Như chúng ta đã biết Tin mừng của thánh Lu-ca là Tin mừng của lòng thương xót tha thứ.  Kể cả khi Chúa Giê-su đang trên con đường dẫn đến nơi nhận chịu sự thương khó, nhận cái chết tàn nhẫn và nhục nhã, Người vẫn còn chữa lành và tha thứ.  Thật vậy, chỉ trong bài thương khó thánh Lu-ca, Chúa đã chữa lành tai phải của người đầy tớ bị Phê-rô dùng gươm chém cụt mất. Cũng chỉ trong bài thương khó thánh Lu-ca, nói đến sự thù nghịch giữa Phi-la-tô và Hê-rô-đê, cách này hay cách khác qua việc Chúa bị giải qua giải lại, được hòa giải trở thành thân thiết từ lúc đó.  Chỉ thánh Lu-ca cho chúng ta biết, Chúa đã tha thứ cho những người làm hại mình, nói rằng: “Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm.”  Và Chúa cũng đã tha thứ cho kẻ trộm cướp có lòng tin xin được vào Thiên Đàng cùng Chúa.  Ông bà anh chị em thân mến, tuy chúng ta không thể được tuyên bố là người vô tội như Chúa Giê-su, nhưng chúng ta cũng có thể theo gương Chúa, hiến dâng sự quảng đại, thương xót, chữa lành và tha thứ, thay vì mang nặng những sự thù oán, trả thù, ghen ghét, tranh chấp hay chia rẽ.

Khía cạnh đặc biệt thứ ba cuối cùng của bài thương khó theo thánh Lu-ca mà tôi muốn chia sẻ với ông bà anh chị em, là thánh Lu-ca không đề cập đến sự kiện Chúa bị đội mão gai, nhưng chú ý đến việc Chúa bị những lời sỉ nhục, bị vả mặt nhạo cười và chế diễu.

Tôi phải thú nhận rằng, trong suốt cuộc đời linh mục của tôi tới nay, suy niệm cuộc thương khó của Chúa Giê-su, tôi tìm được sức mạnh khi đối diện với những lúc khó khăn.  Trong cuộc sống của tất cả mọi người chúng ta lúc này hay lúc khác, đều có những khó khăn cách này hay cách khác, và chắc chắn sự thương khó, đau khổ và cái chết thương đau của Chúa cũng sẽ đưa đến cho chúng ta sức mạnh và hy vọng.  Chúa Giê-su đã nhận chịu những sự đau khổ này chỉ vì yêu thương, chỉ vì tình yêu.

Ông bà anh chị em thân mến.  Chúng ta hãy dùng thời giờ trong Tuần Thánh này để suy niệm hành trình thương khó của Chúa Giê-su, để biết theo gương Người, đi theo con đường Người đã chỉ, đó là con đường tình yêu. Tôi tin chắc rằng đây chính là bài học mà Chúa Giê-su muốn kêu mời chúng ta, là những người tin vào Chúa, cùng cộng tác với Người chia sẻ tình yêu của Người ban cho chúng ta với người khác. Xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh và can đảm để thể hiện tình yêu của Chúa trong đời sống, cho dù phải hy sinh và chịu nhiều đau khổ, khó khăn, để chúng ta cùng được vinh quang với Người.

 Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa