Ông bà anh chị em thân mến. Hôm nay cùng với Giáo hội, chúng ta bắt đầu bước vào Tuần Thánh, là tuần quan trọng nhất trong niên lịch phụng vụ của Giáo hội, kỷ niệm những biến cố trong những ngày cuối cùng trong cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô. Những biến cố này biểu lộ tình yêu thương cao cả trong mầu nhiệm ơn cứu độ của Thiên Chúa cho loài người. Lễ Lá hôm nay nhắc nhở một sự vinh quang ngắn ngủi của Chúa Giê-su khi Người tiến vào thành Giê-ru-sa-lem. Dân chúng cầm cành lá tung hô “Hoan hô Con vua Ðavít! Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Thiên Chúa.” Nhưng khi nhận ra Chúa Giêsu không thích hợp với quan niệm họ sẵn có về đấng cứu thế, họ sẵn sàng đóng đinh Người. Vì thế mới có một biến cố khác theo sau là biến cố khổ hình, đónh đinh trên thập giá.
Ngày nay chúng ta thường thần tượng hóa cái chết trên thập giá của Chúa Giê-su, nhưng theo các bác sĩ khảo nghiệm y khoa, thì thực tế đây là một cái chết đau khổ kinh hãi nhất mà chúng ta khó có thể hình dung ra được cho những người bị kết án tử hình thời xưa. Theo họ, thì trước khi chịu đóng đinh vào thập giá, tù nhân bị hành hạ tra tấn dã man, trải qua những giờ phút cuối cùng của cuộc đời trong tình trạng căng thẳng cùng cực. Đây là một kinh nghiệm khiếp đảm và nhiều nạn nhân đã chết trong sự tra tấn này.
Ông bà anh chị em thân mến. Tất cả những sự kiện trên nêu ra cho chúng ta một câu hỏi cực kỳ quan trọng là “Tại sao Chúa lại phải chịu đi qua một con kinh nghiệm đau đớn kinh hoàng như vậy?” “Tại sao Chúa lại cam chịu khổ hình đóng đinh đau thương và chịu chết một cách nhục nhã trên thập giá như vậy?”
Tôi xin chia sẻ với ông bà anh chị em 3 lý do để chúng ta cùng suy niệm trong Tuần Thánh này. Lý do thứ nhất, chúng ta biết trong cuộc đời của Chúa Giêsu, Ngài thường tâm sự với các môn đệ là “Không có tình yêu nào cao quí hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu mình.’’ (Ga. 15:12) Do đó, Cái chết khổ hình thập giá là một bằng chứng về lời Ngài đã nói và là một dấu chỉ tình yêu cho các môn đệ và cho chúng ta hôm nay. Lý do thứ hai, Chúa Giêsu muốn cái chết thập giá của Ngài là một lời kêu mời các môn đệ thực hành, sống tình yêu như Ngài thường dạy “Các con hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con.” (Ga.15:12) Lý do thứ 3, Chúa Giêsu muốn cái chết khổ hình thập giá như là một sự mạc khải cho các môn đệ biết là tình yêu nối liền với đau khổ như Ngài đã từng thố lộ “Ai muốn theo Ta phải bỏ mình vác Thánh giá.” (Mc. 8:34)
Ông bà anh chị em thân mến. Trong 3 lý do nêu trên, tôi nghĩ rằng lý do thứ 3 chúng ta cần phải chú ý, cần phải được nghe, và cần phải được nhắc lại luôn vì trong xã hội hôm nay chúng ta thường tìm kiếm mọi phương cách để “giảm đau”; chúng ta chỉ muốn mọi sự “thuận tiện” và “dễ dãi”; chúng ta đi tìm sự “thoải mái” và “hưởng thụ.” Chúng ta có khuynh hướng phủ nhận một sự thực và một sự thực tế trong cuộc sống là “cuộc sống có nhiều đau khổ.” Chúng ta thường quên cho dù đối với Thiên Chúa hay loài người, cho dù là một người không tôn giáo hay có đức tin, “chân lý yêu thương” thường đi đôi với sự hy sinh, đau khổ. Nhưng “chân lý yêu thương” của người Ki-tô chúng ta chứa đựng ơn cứu độ và hạnh phúc, vinh quang vĩnh cửu Nước Trời.
Cũng như tình yêu thương giữa con người, nhất là tình yêu vơ chồng và một điều chúng ta phải chú ý là tình yêu thương vợ chồng trong gia đình bao gồm nhiều sự hy sinh và đau khổ tự nhiên. Và sự đau khổ này rất hiếm được chia đôi đồng đều giữa vợ chồng. Nhiều hơn thông thường, được chia một cách quá chênh lệch, có khi thậm tệ đến 90/10 phần trăm. Tôi hy vọng và cầu xin là đời sống hôn nhân vợ chồng của tất cả mọi người không đến nỗi chênh lệnh như vậy, nhưng tôi biết đời sống hôn nhân vợ chồng có nhiều đau khổ và thập giá. Để yêu thương và để cứu chuộc chúng ta, Chúa cũng phải chịu khổ hình và bị đóng đinh trên thập giá. Và Chúa vẫn còn tiếp tục đau khổ vì tội lỗi, vì sự yêu thương hình thức bề ngoài, vì những sự tính toán ích kỷ, vì những sự vô ơn bạc nghĩa của loài người chúng ta hôm nay.
Nói tóm lại, ông bà anh chị em thân mến, cái chết đau thương và nhục nhã trên thập giá của Chúa Giêsu minh xác cho chúng ta 3 sự kiện: một là bằng chứng và dấu chỉ tình yêu cao quí; hai là lời kêu mời sống yêu thương, và ba là một sự mạc khải về yêu thương đi đôi với đau khổ. Cuộc thương khó của Chúa là bài học yêu thương mà Chúa Giêsu muốn kêu mời chúng ta là những môn đệ của Người cùng cộng tác với Ngài trong tiến trình cứu chuộc nhân loại. Công cuộc cứu chuộc nhân loại của Chúa chỉ được thể hiện qua việc sống giáo huấn, sống chân lý tình yêu và đi theo con đường của Ngài đã đi qua, của các môn đệ ngày nay. Qua cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu muốn chúng ta vâng theo lời Ngài dạy bảo, sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, khó khăn, đau khổ và thiệt thòi vì Chúa và vì yêu thương để biến những đau khổ này trở thành những bông hoa, viên ngọc quí dâng lên Chúa. Chúng ta nên nhớ không có một hy sinh nào vì đức tin, vì Chúa và vì lòng ước muốn làm sáng danh Chúa, trở thành vô ích nếu trong đó có tình yêu của Chúa. Xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh và can đảm để thể hiện tình yêu của Chúa trong đời sống cho dù phải hy sinh và phải khổ đau, để chúng ta cùng được vinh quang với Chúa.
Lm. Antôn, giáo xứ Giuse, Tulsa