Chúa nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – Năm B, 2012.

77

Chúa nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Năm B 2012.

Ông bà anh chị em thân mến. Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống mà chúng ta mừng kính hôm nay có 2 ý nghĩa quan trọng liên quan đến đời sống đức tin, đời sống Kitô hữu của mỗi người chúng ta.  Ý nghĩa thứ nhất, ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là khởi điểm, đánh dấu cho một giai đoạn Thiên Chúa hiện diện, thông tin và giảng dạy chúng ta qua một hình thức hoàn toàn mới. Như chúng ta biết trong 33 năm, Thiên Chúa dạy bảo và hiện diện giữa nhân loại bằng sương bằng thịt, trong bản tính loài người của Chúa Giêsu. Bởi vì trong bản tính nhân loại cho nên sự hiện diện của Thiên Chúa giữa thế giới có giới hạn. Nếu Thiên Chúa muốn hiện diện giữa con người chúng ta cho đến tận thế như lời Chúa Giêsu đã hứa với các tông đồ: “Các con hay đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và Thầy sẽ ở với các con cho đến ngày tận thế,” thì  Thiên Chúa phải biến đổi qua một hình thức mới, khác với thân xác con người.

Thật vậy, Ngày lễ hôm nay đánh dấu thời điểm Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta qua Thần linh, qua Chúa Thánh Thần.  Biến cố này được diễn tả trong bài đọc 1 mà chúng ta vừa nghe hôm nay. Bài đọc 1 trích sách Tông đồ công vụ cho chúng ta biết rằng trong ngày lễ Ngũ tuần, hay là 50 ngày sau ngày Chúa sống lại, khi các tông đồ đang tụ họp cầu nguyện, và như lời Chúa Giêsu phục sinh đã hứa với các ông, Chúa Thánh Thần đã hiện đến như hình lưỡi lửa và ngự trên đầu các ông.  Các ông đã được tràn đầy Thánh Thần.  Ngay từ lúc đó, các ông đã được biến đổi và đuợc tác động can đảm ra đi rao giảng lời Chúa, nói được những ngôn ngữ mới lạ của đức tin của các ông vào Chúa Kitô phục sinh.  Mọi người đều nghe đều xửng sốt vì nhận thấy được nơi con người các ông một sự đổi mới, một sự thay đổi hoàn toàn.

Trong bài đọc 2, chúng ta nghe thánh Phaolô khẳng định vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong đời sống người Kitô hữu. Ngài giảng dạy họ về các đặc ân phong phú và khác nhau mà Chúa Thánh Thần ban cho tất cả tín hữu, để cùng nhau xây dựng Giáo Hội là Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Sau cùng Ngài đã nhắc nhở mọi người về tính hiệp nhất, trở nên một của cộng đoàn, những kẻ tin vào Chúa.

Ông bà anh chị em thân mến. Đây cũng chính là ý nghĩa quan trọng thứ hai của lễ kính Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay, vì là ngày sinh nhật của Giáo Hội, đánh dấu sự hiện diện của Thiên Chúa trong Giáo Hội mà thánh Phaolô gọi là Thân thể của Chúa Kitô. Thánh Phaolô nhắx nhở mỗi người chúng ta là chi thể trong thân thể Chúa Kitô, và mỗi người chúng ta có một sứ mệnh xử dụng những đặc ân của Chúa Thánh Thần ban mà chúng ta đã lãnh nhận, trở nên một, hợp nhất, cùng nhau rao giảng Tin mừng, xây dựng cộng đồng giáo xứ và Giáo Hội, và làm sáng danh Chúa.

Tin mừng của thánh Gioan cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã nhiều lần cầu nguyện cho Giáo hội, tức là cầu nguyện cho những người tin vào Chúa, là chúng ta nên một và hợp nhất với nhau. Đó là trọng tâm, chủ đích và ước nguyện của Chúa sau khi Người về trời.  Muốn chu toàn sứ mệnh rao giảng Tin mừng và xây dựng Giáo Hội mà Chúa đã trao phó, chúng ta phải nên một, phải hợp nhất với nhau.

Chúng ta nhận biết tầm quan trọng và cần thiết của sự hợp nhất này trong mọi lãnh vực. Chúng ta đã nghe nói: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” hay “Đoàn kết thì sống chia rẽ thì chết,”  hoặc chúng ta đã nghe cầu chuyện người cha già bảo các con bẻ bó đũa, bẻ cả bó một lần thì không bẻ được, nhưng bẻ từng cái thì dễ dàng, hay những kinh nghiệm về sự hiệp nhất trong đời sống chúng ta.  Chúa Giêsu muốn sự hợp nhất của các Kitô hữu phải phản ảnh sự hợp nhất, kết hợp giữa Ngài và Chúa Cha, tức là sự kết hợp như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha.

Nhưng thưa ông bà anh chị em, dựa vào điều kiện, tiêu chuẩn nào để có thể biết được có sự kết hợp như thế? Tôi xin được đưa ra hai điều kiện căn bản sau đây.

Điều kiện thứ nhất là lòng yêu thương nhau, phản ảnh giới răn mến Chúa yêu người của Chúa.  Đây là điều kiện tiên quyết và là yếu tố căn bản của sự hiệp nhất, sự kết hợp trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô.  Không có tình yêu thương thì con người sống với nhau như những đồ đạc để bên cạnh nhau, hay như loài ong, loài kiến mà thôi.  Lòng yêu thương nhau phải chỉ được thể hiện qua môi miệng, mà còn thể hiện một cách cụ thể qua hành động.  Chúng ta biết rằng khi có lòng yêu thương nhau thì sẽ có niềm vui mừng, có tinh thần phục vụ, có sự hy sinh và tha thứ.

Điều kiện thứ hai của sự hợp nhất là sự cộng tác. Như chúng ta biết không ai có thể sống đơn độc, không ai có thể sống là một hòn đảo riêng rẽ hay không cần đến người khác. Nếu chúng ta chỉ biết sống cho mình, hay có đời sống ích kỷ và cá nhân, thì chưa phải là sống đúng nghĩa là chi thể của thân thể Chúa Kitô, hay là một phần tử trong cộng đồng dân Chúa. Chúng ta cần liên hệ với nhau, cộng tác với nhau để rao giảng Tin mừng và cùng xây dựng Giáo hội, cộng đoàn giáo xứ, thăng tiến và làm sáng danh Chúa.   Để cộng tác kết hợp nên một, chúng ta phải có đức tính khiêm nhường và tôn trọng lẫn nhau. Cũng như trong một gia đình, nếu ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái cháu chắt không có sự tôn trọng nhau thì trong gia đình đó không có yêu thương, không có hạnh phúc và không có sự hoà thuận. Nếu chúng ta tôn trọng người khác, thì họ cũng sẽ tôn trọng chúng ta.  Sự tôn trọng này đòi hỏi chúng ta phải có sự hiểu biết cá nhân chính mình, hiểu biết người khác và hiểu biết tình trạng và những nhu cầu cần thiết chung của cộng đoàn, tổ chức, giáo xứ hay Giáo Hội. Sự tôn trọng còn đòi hỏi mỗi người biết chu toàn một cách tốt đẹp những trách nhiệm và bổn phận là một phần tử, để duy trì sự hợp nhất nên một của cộng đoàn, của các chi thể trong thân thể Chúa Kitô. Cũng như trong gia đình, nếu cha mẹ, vợ chồng, con cái không chu toàn bổn phận trách nhiệm của mình, thì gia đình đó mất đi sự tôn trọng lẫn nhau và sẽ không có sự yêu thương, hiệp nhất với nhau.

Ông bà anh chị em thân mến.  Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay kêu gọi chúng ta thành tâm nhìn vào đời sống đức tin, đời sống Kitô hữu và tự hỏi: Chúng ta có là một chi thể sống động, phần tử hữu ích trong thân thể Chúa Kitô không?  Chúng ta thực sự có lòng yêu thương không?  Đời sống đức tin của chúng ta có sinh ra hoa quả tốt đẹp không? Chúng ta có thành tâm trở thành khí cụ để Chúa xử dụng và để tạo nên sự yêu thương, tạo sự kết hợp và trở n36n một không?

Hôm nay Chúa Thánh Thần kêu gọi chúng ta hãy thành tâm mở rộng tâm hồn để Chúa Thánh Thần dùng 7 ân sủng: khôn ngoan, hiểu biết, lo liệu, sức mạnh, suy biết, đạo đức và kính sợ Chúa, biến đổi canh tân chúng ta trở nên những chi thể sống động, những Kitô hữu chân chính, những chứng nhân can đảm rao giảng Tin mừng, xây dựng Giáo Hội và làm sáng danh Chúa.  Xin Chúa Thánh Thần giúp tất cả mọi người trong cộng đồng giáo xứ chúng ta hợp nhất, trở nên một như lòng mong ước của Chúa Giêsu Kitô hằng cầu nguyện, “Để Cha ở trong Con và Con ở trong chúng” mọi ngày cho đến tận thế.

Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa