Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi Năm C_2013
Ông bà anh chị em thân mến. Hôm nay chúng ta mừng kính Chúa Ba Ngôi. Vì tạo dựng nên và yêu thương chúng ta, Thiên Chúa muốn chúng ta hiểu biết và yêu mến Người hơn. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nhắc nhở chúng ta về Thiên Chúa cao cả và cũng là một lời kêu mời chúng ta tìm và hiểu biết Chúa nhiều hơn nữa. Càng hiểu biết Chúa nhiều, chúng ta càng cảm thấy Thiên Chúa của chúng ta, Đấng đã tạo dựng nên chúng ta, là Đấng thật lạ lùng và đáng tôn thờ.
Trong Kinh thánh Cựu Ước, Thiên Chúa chỉ mạc khải cho loài người về một Thiên Chúa duy nhất. Còn trong Kinh thánh Tân ước, chính Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta về Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong Tin mừng thánh Mát-thêu, trước khi về trời, Chúa long trọng tuyên bố, trao cho các ông sứ mệnh rao giảng Tin mừng và làm phép rửa trong Chúa Ba Ngôi, Người nói: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi rao giảng muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.”
Thực ra, Chúa Giêsu không nói rõ về Chúa Ba Ngôi, Ngài chú trọng và nhấn mạnh đến tương quan mật thiết của Ngài với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Nhưng nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng mà chính Người đã sai đến với chúng ta, sẽ hướng dẫn để chúng ta tìm kiếm và hiểu biết hơn ý nghĩa về giáo huấn và những lời Chúa Giêsu giảng dạy, và ban cho chúng ta sự khôn ngoan nhận biết sự phải, sự trái, điều tốt, điều xấu, và sức mạnh để chúng ta làm những việc tốt lành và sống lời Chúa. Sự tương quan mật thiết trong Chúa Ba Ngôi mà Chúa Giê-su mạc khải cho chúng ta biết là sự hợp nhất. Trong Tin mừng của thánh Gioan, Chúa Giê-su đã cầu nguyện rằng: “Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn tất cả những kẻ nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong con, để chúng được hoàn toàn nên một, và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con.” Do đó chúng ta nhận biết chính tình yêu hy sinh và dâng hiến đã liên kết khiến cho Ba Ngôi nên một. Cũng như vậy, nếu trong một gia đình hay trong một cộng đoàn Ki-tô giáo có sự yêu thương hy sinh và dâng hiến thì phản ảnh mầu nhiệm kết hợp của Chúa Ba Ngôi. Hay nói một cách khác, nếu một phần tử trong gia đình hay một chi thể trong thân thể của Chúa Ki-tô chú ý đến, hay ý thức đời sống hạnh phúc của nhau, hay của cộng đoàn, và luôn hy sinh phục vụ làm vui lòng hay tăng cường sức khỏe cho thân thể, thì dù nhiều người, nhiều chi thể cũng sẽ trở nên một, và làm sáng danh Chúa.
Nhưng thưa ông bà anh chị em thân mến, dự vào điều kiện nào để có thể biết được có sự hợp nhất là sáng danh Chúa? Tôi xin được đề ra 2 điều kiện căn bản sau đây.
Điều kiện thứ nhất, cũng như Chúa Ba Ngôi, là lòng yêu thương nhau. Đây là điều kiện tiên quyết của sự hợp nhất. Thực vậy, nếu không có tình yêu thương, thì thứ nhất cộng đoàn không phải là một cộng đoàn Ki-tô giáo, vì yêu thương là chân lý và là nền tảng giao ước của Thiên Chúa với con người nhân loại, nhất là với, Ki-tô hữu, những người tin và theo Chúa. Và thứ hai là những phần tử sẽ không có bình an và hy vọng, và cộng đoàn sẽ không có niềm vui và tha thứ. Có tình yêu thương là có tất cả: có bình an, hy vọng, niềm vui mừng, phục vụ, hy sinh và tha thứ.
Điều kiện thứ hai để có sự hợp nhất theo thánh ý Chúa Ba Ngôi là sự cộng tác với nhau. Đây cũng là điều kiện quan trọng và cần thiết. Kinh thánh cho chúng ta biết để đem nguồn ơn sủng cứu độ xuống trần gian và xây dựng Hội thánh, Chúa Ba Ngôi đã khiêm nhường, vâng lời và hy sinh cộng tác với nhau. Như Chúa Ba Ngôi, chúng ta phải cộng tác với nhau để tiếp tục sứ mệnh của Chúa Ba Ngôi. Chúng ta ý thức con người chúng ta có giới hạn và không ai hoàn toàn. Tất cả sức khỏe, tài năng và kiến thức của mỗi người không đáng gì, nhưng nếu chúng ta biết kết hợp lại thì chúng ta sẽ thực hiện được những điều ích lợi, xây dựng lợi chúng và làm sáng danh Chúa. Là những chi thể trong Thân Thể Chúa Ki-tô, chúng ta không thể sống riêng rẽ và ích kỷ, chúng ta không thể có thái độ dửng dưng và chia rẽ. Nếu chúng ta chỉ biết sống cho mình, thì chúng ta chưa sống đúng với giáo huấn của Chúa Ki-tô, và tinh thần Ki-tô hữu. Chúng ta phải sống công bằng, sống lời Chúa, biết phục vụ, hy sinh, bác ái và quảng đại, cùng chung sức, tài năng và tài chánh để chu toàn sứ mệnh của Chúa, cộng tác với nhau xây dựng giáo xứ, tiến bộ và trưởng thành trong đức tin.
Kinh thánh, nhắc nhở chúng ta về những công việc riêng của Ba Ngôi cho loài người, trong chương trình tạo dựng, cứu độ và thánh hóa của Thiên Chúa. Kinh thánh Cựu Ước cho chúng ta biết những công việc tạo dựng và hiện diện của Chúa Cha là Đấng tạo dựng vũ trụ, trời đất và con người. Các sách Tin mừng ghi chép lại mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa là Chúa Giê-su Ki-tô, đã xuống thế làm người để cứu chuộc, dạy chúng ta sống, yêu thương và hiệp nhất với nhau như Thiên Chúa Ba Ngôi. Sách Tông đồ công vụ và các thánh thư cho chúng ta biết Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba và là sự sống, thánh hóa và biến đổi chúng ta trở thành đền thờ của Thiên Chúa, như lời thánh Phaolô nói: “Anh chị em không biết thân xác anh chị em là đền thờ Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong anh chị em mà anh chị em đã nhận lãnh nơi Thiên Chúa, vì anh chị em không còn thuộc về chính mình nữa sao?” Chúa Thánh Thần còn kết hợp chúng ta lại với nhau như những chi thể, và kết hợp chúng ta với Chúa Giê-su là Thân Thể. Sự tương quan mật thiết của Chúa Ba Ngôi cũng nhắc nhở chúng ta là những chi thể của Chúa Kitô về những bổn phận, trách nhiệm riêng để sinh hoa trái, gìn giữ và xây dựng Thân Thể Chúa Ki-tô. Do đó, mỗi người chúng ta, trong những đời sống và hoàn cảnh khác nhau, cần phải ý thức bổn phận trách nhiệm của mình, để hợp nhất và chu toàn một cách tốt đẹp làm sáng danh Chúa Ba Ngôi.
Ông bà anh chị em thân mến. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là nền tảng đức tin của chúng ta. Chúng ta được rửa tội, thánh hóa hay lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” Chúng ta cầu nguyện, tuyên xưng và sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Đức tin của chúng ta vào bản thể thiên tính của Chúa Giê-su Ki-tô cũng được đặt trong nền tảng của mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Điều làm cho mỗi Thánh lễ chúng ta cử hành trở nên lời cầu nguyện tột đỉnh và là chóp đỉnh đời sống Ki-tô hữu là sự kết hợp với Chúa Cha và Chúa Con qua quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Trong ngày lễ kính Chúa Ba Ngôi hôm nay, chúng ta được kêu mời sống tình yêu kết hợp với Chúa Ba Ngôi, kết hợp với nhau trong cộng đoàn giáo xứ. Đó là ân sủng thâm sâu và cao vời của Thiên Chúa. Chúa Ba Ngôi yêu thương và muốn chia sẻ thiên tính với chúng ta, cũng như Ba Ngôi liên kết và hợp nhất với nhau trong cùng một thiên tính. Chúng ta có thể sẽ không bao giờ hiểu một cách tường tận mầu nhiệm và lý do tại sao Chúa Ba Ngôi yêu thương chúng ta, thánh hóa chúng ta trở thành chi thể và trở thành con cái của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta xin Chúa Ba Ngôi giúp chúng ta luôn kết hợp trong ân sủng và tình yêu của Chúa Ba Ngôi, để chúng ta cùng làm sáng danh Chúa đời này và tận hưởng vinh quang và vui mừng trên Nước Thiên đàng đời sau.
Lm. Antôn giáo xứ thánh Giuse, Tulsa