Lời Chúa Năm B Chúa nhật IV Mùa Chay Năm B. 2012

Chúa nhật IV Mùa Chay Năm B. 2012

Chúa nhật IV Mùa Chay Năm B. 2012

 
Ông bà anh chị em thân mến. Nếu chúng ta chú ý thì chúng ta thấy ngày nay nhiều người dùng thánh giá hay biểu tượng thánh giá như là một cách trình diễn thời trang, không phải chỉ người có đạo mới đeo thánh giá để kính nhớ suy tôn, nhưng cả những người ngoại đạo hay vô thần cũng đeo quanh cổ hay cài trên quần áo như là một sự trang sức thời trang, mà còn ở mí mắt, mũi, môi, cho tới tay chân. Chúng ta còn thấy nhiều người xâm thánh giá khắp cả thân thể, nhất là trên cánh tay, nhất là những cầu thủ thể thao bóng rổ hay football.
Chúng ta thường dùng hai chữ thập giá và thánh giá lẫn lộn với nhau, nhưng chúng ta phải biết sự khác biệt giữa 2 danh từ này. Trước hết, thập giá là hình ảnh và là biểu tượng của đau khổ mà những người thuở xưa đã dùng để trừng phạt tội nhân, những kẻ phạm pháp hay những người có hành động chống lại chính quyền. Do đó hình ảnh thập giá gắn liền với những cực hình, đau thương và chết chóc.
Thế nhưng từ ngày Chúa Giêsu nằm trên, chịu đóng đinh và chết khổ nhục trên thập giá thì thập giá đó đã trở thành thánh giá. Thập giá đó không còn chỉ là biểu tượng cho khổ nhục, nhưng đã trở thành biểu tượng cho vinh quang; không còn là hình ảnh của khổ hình, án chết hay chiến bại, nhưng trở thành hình ảnh của chiến thắng, sự sống, niềm vui, và nguồn hy vọng ơn cứu độ cho con người nhân loại.
Chúng ta hãy tự hỏi: vì đâu mà thập giá khổ hình lại biến thành thánh giá cứu độ? Nhờ đâu mà thập giá lại được mang những ý nghĩa cao quí như vậy? Dựa vào nền tảng nào mà thánh Phaolô dám khẳng định rằng cả những khôn ngoan mà dân Hy lạp muốn có, cả những phép lạ vĩ đại mà dân Do thái đang trông chờ cũng không sánh được với sự khôn ngoan và mầu nhiệm kỳ diệu của Thánh giá?
Ông bà anh chị em thân mến, chúng ta phải ý thức rằng sự đau khổ của chính Chúa tự nó không tạo nên sự sống và cũng chẳng tạo ra được ơn cứu độ; nhưng chính nhờ vào tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa, một tình yêu thương đã được tỏ bày qua sự đau khổ tận cùng của Ngôi Hai Thiên Chúa trên thánh giá. Tình yêu của Thiên Chúa mới chính là nền tảng, căn nguyên ơn cứu độ và sự sống cho nhân loại. Thập giá sẽ mãi mãi là hình ảnh của khổ nhục và đau đớn nếu không có tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện qua thân xác Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh treo lên để thánh hoá thập giá và biến nó thành thánh giá.
Cũng vậy, chúng ta có thể hiểu được rằng những việc cầu nguyện và bác ái, những khổ đau, hy sinh và phục vụ trong đời sống Kitô hữu của chúng ta chưa phải là thánh giá, và cũng không đem lại ơn lành gì cho chúng ta, hay đem lại niềm hy vọng và sự sống, nếu những hành động, nếu những việc làm đó chưa được ướp, thấm bằng Tình yêu Thiên Chúa. Nhưng chúng ta phải tự hỏi rằng: chúng ta ướp thấm tình yêu Thiên Chúa vào hành động và việc làm của chúng ta như thế nào?
Trước hết, tôi chắc chắn rằng không một ai trong chúng ta đây điên dại chấp nhận thập giá, hay điên dại mong ước những đau khổ, hy sinh và thiệt thòi. Thế nhưng là những Kitô hữu, chúng ta được kêu gọi nhất là trong mùa Chay này nhìn lên Chúa Giêsu trên thánh giá, chúng ta nghĩ như thế nào khi Thiên Chúa chấp nhận một cách điên dại, để thể hiện tình yêu vô bờ bến, mà Chúa đã điên rồ hy sinh không còn nghĩ tới chính mình, trao tặng dâng hiến trọn vẹn cho người mình yêu, qua một sự đau khổ và cái chết nhục nhã trên thánh giá? Thật vậy, chính trong sự điên rồ của yêu thương này mà một sự hy vọng, sự sống mới đã bùng nổ lên và ơn cứu độ đã được phát sinh.
Cho nên ướp thấm tình yêu của Chúa Giêsu Kitô cũng có nghĩa là cùng vác khổ giá theo Chúa Kitô, cùng điên dại với Chúa Kitô, chấp nhận và quên chính con người mình, sống Lời Chúa qua những việc phục vụ, hy sinh, bác ái và chứng nhân, dâng lên Thiên Chúa như một lễ vật như chính Chúa Giêsu đã thực hiện dâng lên Thiên Chúa Cha hy lễ toàn thiêu trên Thánh giá.
Thứ hai, khi chúng ta chấp nhận những sự phỉ báng, nhạo cười và đau khổ vì đức tin, khi chúng ta hy sinh phục vụ chịu thiệt thòi vì Chúa để sống cho sự thật và đức tin, là khi chúng ta đón nhận thánh giá trong tình yêu thương của Chúa Kitô. Và một khi hành động việc làm của chúng ta được chan chứa tình yêu của Thiên Chúa, chắc chắn thánh giá không còn là một hình phạt hay một sự khổ nhục, nhưng trở thành một niềm vui ơn cứu độ, là sự sống và là nguồn hy vọng cho mọi người.
Tin mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta có một kho tàng quí giá là Thánh giá Chúa Kitô, và thúc đẩy chúng ta khai thác kho tàng thiêng liêng vô giá, quí báu này qua sự cầu nguyện, ăn chay, hãm mình, làm việc bác ái, và nhất là sống Lời Chúa. Chúng ta phải hứng lấy tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Kitô, để biến đổi những việc này là thập giá thành thánh giá chứa đựng nhiều ơn lành cho chúng ta. Trong những tuần cuối mùa Chay này, chúng ta hãy cố gắng hy sinh thời giờ để đến với Chúa, để Chúa ban cho chúng ta một bản đồ chỉ dẫn đi tìm kho tàng tình yêu Thiên Chúa. Vì yêu thương, Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta một món quà tuyệt vời, đó chính là Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa. Nhưng để đón nhận món quà đó đòi hỏi mỗi người chúng ta phải tin vào Chúa và vác thánh giá, bước theo Chúa, cùng chết với Ngài để cùng được sống lại với Ngài trong vinh quang.
Đồng thời Giáo hội cũng kêu gọi chúng ta luôn hy vọng và vui mừng cho dù đang ở trong hoàn cảnh nào, kể cả khi chúng ta đối diện với nhiều sự đau buồn và thất vọng. Tin mừng đã đưa ra lý do căn bản về niềm vui: Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta tới mức độ sai Con Một Ngài xuống thế cứu vớt nhân loại. Vậy muốn tham dự ơn cứu độ trong Chúa Giêsu Kitô, còn cần phải tin vào Ngài! Đức tin thật cần thiết vì: “Ai tin thì sẽ được sống đời đời” (Ga 3,16). Amen.
Lm. Antôn, giáo xứ Giuse Tulsa
Exit mobile version