Chúa nhật II Mùa Vọng Năm C_2012

45

Chúa nhật thứ II Mùa Vọng Năm C_2012.

    

 Có một nhà tâm lý người Do thái, khi quân Đức quốc xã thống trị toàn thể quốc gia, đã bị bắt cùng với những người Do thái khác và sau đó bị tống giam vào các trại tập trung.  Ông đã viết một cuốn sách diễn tả sự đau khổ của người Do thái trong các trại tập trung này, và điều ngạc nhiên ông cho biết sự khổ cực tột đỉnh nhất là chờ đợi: chờ đợi để biết số phận của những người thân, chờ đợi để biết số phận của chính mình, chờ đợi để biết mình bị hành quyết, chờ đợi để được cứu thoát. Có lẽ đây cũng là sự đau khổ của những người Việt bị giam trong các trại cải tạo sau 75, khi đối diện với những sự dã man tàn ác vô nhân đạo. Và ông cũng cho biết sự chờ đợi này tác động vào mỗi một tù nhân cách khác nhau.  Một số mất hy vọng và rơi vào tình trạng sầu thảm.  Một số mất đức tin và không còn tin tưởng nữa. Nhưng một số khác thì tiếp tục chờ đợi và cầu nguyện.  Những người này không bao giờ mất hy vọng.  Họ không bao giờ bị sầu thảm.  Họ không bao giờ mất đức tin.

      Điều này là sự thật hiển nhiên của những người Do thái trong các trại tập trung và cũng là sự thật đối với những người Do thái sống ở Giu-đê-a thời xưa. Họ cũng đau khổ vì bị áp bức chính trị.  Họ cũng bị đau khổ vì chờ đợi.  Họ đợi chờ một Vị cứu tinh; họ chờ đợi một Đấng đã hứa xuất hiện; họ chờ đợi một vị vua như lời ngôn sứ Giê-ra-mi-a đã nói: “Này đây, đã tới ngày Ta gây cho Đa-vít một mầm giống công chính, mầm giống này sẽ làm vua thống trị, và là Đấng công bình của chúng ta.”  Và khi Đấng cứu tinh không đến, những người Do thái ngày xưa cũng đã có thái độ như người Do thái thời nay, một số mất hy vọng, người khác mất đức tin, nhưng một số khác tiếp tục đợi chờ và cầu nguyện.

      Ông bà anh chị em thân mến.  Đây là khung cảnh của Giu-đê-a trước lúc Chúa Giê-su xuất hiện. Và chúng ta cũng phải đọc và hình dung bài Tin mừng hôm nay trong bối cảnh này. Vậy thì câu chuyện trong bài Tin mừng hôm nay muốn nói với chúng ta điều gì?  Thưa, bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết ngoài hoang địa bất thình lình một người có tên là Gioan xuất hiện. Ông ta trang phục giống như một ngôn xứ thời xưa bằng da thú lạc đà, ăn châu chấu với mật ong, và rao truyền sứ điệp như những ngôn sứ xưa: “Hãy ăn năn thống hối, Nước Thiên Chúa đã gần đến.”  Và như trường hợp của các ngôn sứ xưa, nhiều người đã bị đánh động bởi lời rao truyền của Gioan và đã được ngài rửa tội.

      Một sự kích động đã dậy lên và lan tràn khắp nơi như một cơn sóng lớn.  Dân chúng bàn tán nói với nhau, “Ông này phải là Đấng thiên sai.”   Nhưng khi đến tai Gioan thì ngài đã phản ứng và khẳng định rằng ngài chỉ là người mà ngôn sứ I-sa-i-a đã nói:  “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”  “Hãy ăn năn sám hối vì Nước Thiên Chúa đã gần đến.”  Gioan đã lập đi lập lại sứ điệp, hãy ăn năn thống hối. Hãy sửa soạn cho Chúa.  Hãy sửa soạn cho Đấng đã hứa từ ngàn xưa.  Hãy sửa soạn cho Đấng cứu thế.  Sửa soạn với tất cả trí khôn, với tất cả tấm lòng, với tất cả con tim, với tất cả con người.  Hãy sửa soạn như chưa bao giờ làm.  Hãy sửa soạn như gắn bó cuộc sống vào đó.  Hãy sửa soạn như cuộc sống vĩnh cửu tùy thuộc vào đó.  Vì thật sự cả hai cuộc sống hiện tại và vĩnh cửu đều tùy thuộc vào đó.

     Ông bà anh chị em thân mến.  Đây là sứ điệp ngắn gọn mà thánh Gioan đã dùng để đánh động, đánh thức mọi người hảy chỗi dậy từ cái gường của sự hờ hững, lạnh nhạt, tự mãn và thỏa mãn. Ngài muốn mọi người chúng ta hãy tỉnh thức vì Con Thiên Chúa sắp đến với trần gian trong một thời gian rất ngắn, và hãy mở mắt to ra để nhận biết một hài nhi sẽ được sinh ra cho nhân loại không mặc quần áo mới, đẹp; không dựa đầu trên gối vàng; không ở trong ngôi nhà mới, đẹp, hay nhà cao cửa rộng hay sang trọng; nhưng được quấn bằng khăn; dựa đầu trong máng cỏ; và được sinh ra trong hang bò lừa.

      Chúng ta ý thức trong cuộc sống của chúng ta có hố sâu, có núi đồi hay đường cong queo, nhưng chúng ta không thất vọng, bị sầu thảm hay mất niềm tin, vì chúng ta thành tâm và biết lắng nghe lời Chúa kêu gọi hôm nay.  Ngôn  sứ Ba-rúc, trong bài đọc 1 hôm nay, đã dùng lời Chúa nói với dân Người đang trong cảnh khốn cực, mất hy vọng vì cuộc sống lưu đày ở Ba-bi-lon rằng Thiên Chúa sẽ giải phóng và đưa họ trở về quê hương. Ngôn sứ đã nhìn xa và rõ trước hoàn cảnh khổ cực tù đày của họ ở hiện tại, và đã đưa lời Chúa hứa là sự hy vọng và là sự sống mới đến cho họ.

      Chúng ta cầu xin Chúa giúp lời kêu gọi của Gioan trong bài Tin mừng hôm nay cũng đánh động chúng ta vùng lên khỏi sự tự mãn và thỏa mãn trong cuộc sống, để dọn đường cho Chúa đến.  Biết sửa đời sống cho ngay thẳng, biết lấp những hố xâu là những sự ích kỷ, biết bạt những núi đồi là những sự tham lam của cải vật chất , làm ngay thẳng đường cong queo là những sự gian dối, để chúng ta đón tiếp nhận hồng ân của Chúa khi Người xuất hiện.

 Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa