Lời Chúa Năm A Chúa Nhật 7 Thường Niên Năm A

Chúa Nhật 7 Thường Niên Năm A

.

Ông bà anh chị em thân mến. Như chúng ta đã nghe trong bài Tin Mừng Chúa nhật tuần trước, Chúa Giê-su khẳng định Ngài đến để kiện toàn lề luật.  Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa kiện toàn luật yêu thương và dạy chúng ta sống bác ái, yêu thương và quảng đại, bằng cách yêu thương và cầu nguyện cho những người thù ghét và làm hại chúng ta.

Như chúng ta biết trong cuộc sống bình thường, yêu thương những người chúng ta yêu thương như cha mẹ, con cái, cháu chắt, và thích những người chúng ta ưa thích như bạn bè hay những người giúp đỡ chúng ta, là chuyện bình thường ai cũng có thể làm được. Yêu thương người thù ghét cũng như cầu nguyện cho những người làm hại, ngược đãi chúng ta là một đòi hỏi không đơn giản, không dễ dàng, nhưng là chân lý, giới luật cao cả của đạo chúng ta.

Cách đây mấy năm tuần báo nổi tiếng Newsweek có đăng một câu chuyện rất cảm động. Điều làm cho người đọc chú ý vào câu chuyện là một tấm hình có 3 đứa bé trai tuổi từ 7 đến 11, quì ở hàng ghế đầu trong một nhà thờ. Bên dưới tấm hình có một hàng chữ  “This Was Left Behind”, xin được tạm dịch là: “Đây là phần còn lại”.

Câu chuyện kể rằng cậu bé lớn nhất, có tên là Jeff, mỗi buổi sáng sau khi thức dậy, thích mở radio để nghe tin tức. Sáng hôm đó đài radio loan một tin không tốt. Một người nào đó đã đặt một quả bom trong một chuyến bay, và máy bay đã nổ tung trên bầu trời tiểu bang Colorado, làm thiệt mạng 44 người.  Sau khi đã mặc quần áo chỉnh tề, cậu Jeff xuống cầu thang và khi xuống đến gần bậc cuối, cậu nhìn thấy bà nội và linh mục chánh xứ đang đứng ở chân cầu thang. Cậu Jeff dừng lại một lát, nhìn vào hai người và hỏi, “Có phải cha mẹ trong số hành khách bị thiệt mạng trong chuyến bay không?”  Cậu Jeff nghĩ đúng.

Buổi chiều ngày hôm đó, học sinh trong trường Thánh Thiên Thần Ga-bi-el nơi mà 3 anh em đang học, đã tổ chức một buổi cầu nguyện cho 3 anh em và cha mẹ mới thiệt mạng. Trước buổi cầu nguyện, linh mục chánh xứ đã gặp cậu Jeff, hỏi cậu có đồng ý không, và cậu đồng ý.  Và cậu cũng xin linh mục và mọi người cầu nguyện cho người đã giết hại cha mẹ của mình.

Ông bà anh chị em thân mến.  Câu chuyện cảm động trên đây minh chứng cho sự giới luật yêu thương kiện toàn của Chúa Giêsu, khi Chúa nói: “Các con cũng đã nghe dạy rằng: Hãy yêu thương tha nhân và ghét thù đich.  Còn Thầy, Thầy bảo các con: Các con hãy yêu thưong thù địch các con, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ và vu khống các con.”

Khi đọc câu chuyện này, tôi cảm thấy rất xúc động vì nhân vật chính, “người hùng” trong câu chuyện lại là một cậu bé.  Một cách nào đó, hình như những em nhỏ hiểu được giáo huấn khó khăn của Chúa Giêsu hơn là người lớn chúng ta. Có lẽ vì lý đó mà Chúa đã dạy chúng ta, “Thật, Thầy bảo thật các con: nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời.” (Mt. 18, 3)

Sự kiện này đưa ra những câu hỏi mà chúng ta phải đối diện một cách thẳng thắn, đó là: “Chúng ta phải làm gì khi chúng ta cảm thấy khó yêu thương kẻ thù?”, “Chúng ta phải làm gì khi chúng ta cảm thấy khó cầu nguyện cho kẻ vu khống, làm hại chúng ta?”, và “Chúng ta phải làm gì để có thể tha thứ cho người nào đó?”

Ông bà anh chị em thân mến.  Chúng ta có thể làm 3 điều sau đây.  Thứ nhất chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn sủng để tha thứ. Khi chúng ta cảm thấy khó yêu thương tha thứ, là vì chúng ta không có yêu thương tha thứ, vì vậy chúng ta phải cầu xin ơn Chúa.  Nếu Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta giới luật thương yêu kẻ thù, thì chắc chắn Chúa cũng sẽ là Người ban cho chúng ta ơn sủng để giúp chúng ta sống giới răn đó. Chúa đã chứng tỏ tình yêu thương tha thứ khi Ngài chết trên thập giá cho và vì chúng ta là những người tội lỗi, không xứng đáng.  Do đó, một điều quan trọng và cần thiết là chúng ta phải chân thành cầu xin.

Điều thứ hai chúng ta có thể làm là cầu nguyện cho họ. Ngoài việc cầu xin ơn sủng cho chính mình để tha thứ cho kẻ làm hại mình, chúng ta có thể làm điều mà cậu Jeff trong câu chuyện trên, cầu nguyện cho người giết cha mẹ cậu, và làm điều chính Chúa Giêsu đã làm, là cầu nguyện cho những người đóng đinh Người vào thập giá, Chúa đã cầu nguyện, “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết điều họ làm.”  Những người đã cầu nguyện cho kẻ thù chứng thực rằng một điều lạ lùng đã xảy ra.  Khi họ muốn thay đổi thái độ tiêu cực, thái độ thù ghét đối với người nào, thì họ chỉ cần cầu nguyện cho người đó.  Sau một tuần cầu nguyện, thái độ của họ bắt đầu thay đổi.  Họ không biết thế nào, nhưng điều đó thực sự xảy ra trong đời sống của họ.

Điều thứ ba mà chúng ta có thể làm là, ngoài việc cầu xin ân sủng để tha thứ, và cầu nguyện cho người làm hại mình, chúng ta có thể đặt người đó trong một ánh sáng mới. Một người đã tâm sự rằng, “Nếu tôi có thể đi vào con người và tâm hồn của họ, thì tôi có thể nhận ra những sự đau buồn, khổ cực và bất an của họ, và những điều này sẽ dần dần làm tiêu tán những sự thù oán, giận hờn của chúng ta về phía họ. Và chúng ta có thể nhận ra mọi người không phải là kẻ thù nhưng là một con người. Chúng ta có thể nhìn ra họ cũng là con cái của một Cha trên trời. Chúng ta có thể nhận ra họ như là anh chị em có những cách sống riêng, cũng có những khía cạnh và hành động yêu thương, có những ước ao riêng cho cuộc sống, có những điều muốn nói lên như mọi người chúng ta.  Chúng ta có thể nhận ra họ như chính Chúa Giêsu đã nhìn họ khi Chúa chịu chết trên Thánh giá cho họ và cho chúng ta.”

Để tóm tắt, ông bà anh chị em thân mến, nếu chúng ta cảm thấy khó yêu thương kẻ thù, những người vu khống, làm hại chúng ta, thì chúng ta có thể thực hành 3 điều trên đây. Thứ nhất, cầu nguyện xin ơn để tha thứ; thứ nhì, cầu nguyện cho họ; và thứ ba, cố gắng nhìn họ qua một ánh sáng mới.

Như chúng ta đã biết thực hành giới răn yêu thương của Chúa khó khăn, bởi vì, tuy là những Ki-tô hữu, chúng ta phải thành thực nhận rằng còn mang trong người những sự giới hạn, lòng tự cao, kiêu căng và ích kỷ. Nhưng qua ơn Chúa giúp, chúng ta cố gắng và quyết tâm, và luôn ý thức rằng chỉ có tình yêu thương tha thứ mới có thể tiêu diệt được hận thù.  Thay vì tiêu diệt kẻ thù địch, chúng ta hãy tiêu diệt những sự thù hận, ghen ghét trong lòng chúng ta trước. Tô điểm cho tâm hồn bằng tình yêu thương, bằng hoa nhân ái, bằng sự tha thứ.  Yêu thương tha thứ sẽ đem đến một tâm hồn bình an, thư thái, còn trái lại, hận thù, ghen ghét sẽ đem đến dày vò, bất an và trở thành kho gieo rắc sự chia rẽ và hận thù.

Đức cố Hồng y Phan-xi-cô, Người tôi tớ Chúa, là một gường thánh thiện cho chúng ta noi theo.  Ngài đã bị biệt giam, bị hành hạ và đối xử một cách tàn nhẫn, nhưng sau khi được thả ra, ngài không thù oán, trả thù.  Ngài tha thứ và cầu nguyện cho họ.  Xin Chúa giúp những nỗ lực và quyết tâm của chúng ta, để chúng ta xứng đáng là đền thờ của Chúa  như Thánh Phaolô trong bài đọc 2 hôm nay nhắc nhở, xứng đáng là một Ki-tô hữu, là chi thể trong Thân Thể Chúa Ki-tô, và là anh chị em của một Cha trên trời.

Lm. Antôn, giáo xứ Giuse, Tulsa
Exit mobile version