Ông bà anh chị em thân mến. Tôi còn nhớ khi còn phục vụ tại một xứ đạo vùng quê, cách đây chừng 2 tiếng đồng hồ, tôi có đọc được một câu chuyện về một bác sĩ hành nghề ở vùng đó vào thập niên 1960. Dân chúng cư ngụ ở vùng đó rất nghèo khổ và không có phương tiện di chuyển. Vị bác sĩ này đã phải lái xe đến những ngôi nhà lụp xụp, để chữa và săn sóc những người bệnh hay bị thương.
Một hôm, vị bác sĩ này cũng cảm thấy hình như mình mắc bệnh. Bệnh trạng sau đó trở nên trầm trọng hơn, cho nên vị bác sĩ này đã phải vào khám tại một bệnh viện và được biết bị ung thư ở giai đoạn cuối. Lúc đó tất cả những sự suy nghĩ và quan tâm của ông hướng về những đứa con còn rất trẻ của ông. Ông cảm thấy có nhiều điều muốn dạy dỗ và nhắn nhủ chúng, nhưng ông biết chúng còn quá nhỏ chưa hiểu được điều ông muốn nói. Do đó ông đã dùng máy ghi âm thu lại những điều ông muốn nhắn nhủ, tâm sự với chúng, để sau này, khi chúng lớn lên có thể hiểu được những điều ông muốn dạy bảo.
Trong cuốn băng ghi âm, ông đã nhắn nhủ và căn dặn những đứa con sau này nếu quyết định trở thành bác sĩ, “Có hy sinh và sẵn lòng thức dậy, ra khỏi cái giường ấm, giữa những đêm lạnh lẽo, lái xe 20 dặm để gặp một bệnh nhân, dù biết rằng họ không thể trả chi phí, và họ cũng có thể đợi đến sáng để đi khám bệnh không?” Nếu trả lời: “sẵn lòng” thì hãy học ngành y khoa, trở thành bác sĩ.
Chúng ta nhận thấy, câu chuyện của người bác sĩ trên đây có những điểm giống như câu chuyện của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay. Điểm thứ nhất, cũng như người bác sĩ, Chúa Giêsu không có cuộc sống lâu dài, chỉ sống 33 năm và ở với các môn đệ 3 năm. Điểm thứ nhì, trước cái chết trên thập giá, sự quan tâm của Chúa hướng về các môn đệ. Và điểm thứ ba, Chúa có nhiều điều muốn dạy dỗ các môn đệ, nhưng các môn đệ lúc đó chưa hiểu được, vì vậy Chúa đã nói với họ: “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được.” (Ga. 16, 12) Và như thế, cũng giống như người bác sĩ, Chúa Giêsu đã chuẩn bị một phương cách để tiếp tục dạy dỗ các môn đệ sau khi Chúa về trời. Chúa hứa ban cho các môn đệ Chúa Thánh Thần, Đấng Phù Trợ, Thần Chân Lý. Chúa nói: “Khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật.” (Ga. 16, 13)
Như chúng ta vừa nghe, cả 3 bài Kinh thánh hôm nay có chủ ý nhắc nhở và chuẩn bị chúng ta về việc Chúa Thánh Thần ngự đến mà chúng ta sẽ mừng kính 2 tuần tới đây. Vì vậy, chúng ta bắt đầu chuẩn bị bằng cách có một cái nhìn rõ hơn về Chúa Thánh Thần.
Có một nhà thờ vẽ một hình tam giác thật lớn tượng trưng cho Thiên Chúa Ba Ngôi trên một bức tường gần cung thánh. Góc thứ nhất ở trên, họ vẽ hình một con mắt biểu hiệu Thiên Chúa là Cha; góc thứ hai ở một bên, họ vẽ hình cây Thánh giá, biểu hiệu cho Chúa Con; và ở góc thứ ba, họ vẽ một con chim bồ câu, biểu hiệu cho Chúa Thánh Thần. Một giáo dân nói cha xứ: “Hình con mắt thì con hiểu. Chúa Cha thấy hết mọi sự. Thánh giá con cũng hiểu. Chúa con chết trên Thánh giá vì chúng ta, nhưng Chúa Thánh Thần với hình con chim bồ cầu, thì con không hiểu.”
Tôi tin rằng tất cả chúng ta hiểu vai trò của Ngôi Cha trong công việc của Thiên Chúa, chúng ta cũng hiểu được phần nào vai trò của Ngôi hai trong kế hoạch cứu độ nhân loại, nhưng có lẽ hơi mù mờ về vai trò của Chúa Thánh Thần. Cho nên, chúng ta tìm hiểu Kinh thánh nói gì, hay diễn tả vai trò của Chúa Thánh Thần như thế nào trong kế hoạch, dự tính của Thiên Chúa.
Trước hết, chúng ta thấy Chúa Thánh Thần hiện diện cũng như đóng một vai trò quan trọng trong 3 sự kiện trọng đại được diễn tả trong Kinh thánh. Sự kiện thứ nhất trong việc sáng tạo trời đất, sách Sáng thế nói rằng, trước khi tạo thành vũ trụ trời đất, “Thần Khí (hay Thánh Thần) Thiên Chúa bay sà trên mặt nước.” (St. 1, 2) Hay nói một cách khác, Chúa Thánh Thần đã sửa soạn, chuẩn bị sự sáng tạo thành vũ trụ của Thiên Chúa.
Sự kiện trọng đại thứ hai mà Chúa Thánh Thần đóng một vai trò quan trọng là trong ngày sinh hạ của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế. Như chúng ta đã biết, khi thiên thần Gabriel trả lời Đức Maria về việc làm sao có thể thụ thai Ngôi Hai Thiên Chúa, đã nói rằng: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ.” (Lc. 1, 35” Hay nói một cách khác, Thánh Thần Chúa đã ngự trên Đức Maria, sửa soạn Đức Maria sinh hạ Chúa Giêsu, cũng giống như Thánh Thần Chúa đã bay sà trên mặt nước, chuẩn bị cho sự sáng tạo thành vũ trụ.
Sự kiện trọng đại thứ ba mà Chúa Thánh Thần đóng một vai trò quan trọng xảy ra trong ngày Ngũ tuần Chúa Thánh Thần hiện xuống. Sách Tông đồ công vụ diễn tả Chúa Thánh Thần bay lượn trên các tông đồ như những làn gió. Thình lình Chúa Thánh Thần hiện đến như hình những ngọn lửa ngự trên đầu họ, biến đổi nhóm người sợ hãi thành những chứng nhân can trường cho Chúa Giêsu Ki-tô phục sinh. Họ không còn là một thân thể con người với những sự nghi ngờ và sợ hãi, mà đã biến đổi trở thành Thân Thể Chúa Kitô vững mạnh và can đảm. Như vậy, Kinh thánh cho chúng ta biết Chúa Thánh Thần đã đóng một vai trò quan trọng trong ngày sinh nhật, ngày thiết lập Giáo hội trong ngày Ngũ tuần.
Qua 3 sự kiện trọng đại này, chúng ta nhận biết cùng một Chúa Thánh Thần đã hiện diện và chuẩn bị sự sống cho vũ trụ, cho Chúa Giêsu và cho Giáo hội, đồng thời ban sự sống thần linh cho chúng ta khi chúng ta nhận lãnh Bí tích Thánh tẩy. Như vậy, Kinh thánh đã diễn tả Chúa Thánh Thần như là một sợi dây liên kết chặt chẽ và mật thiết trong kế hoạch và ân sủng của Thiên Chúa, là nguồn ban sự sống thánh thiêng, và đồng thời tạo một sự liên kết, nối liền mỗi Ki-tô hữu chúng ta với Chúa Giê-su Ki-tô và với nhau, như những chi thể trong Thân Thể Chúa Ki-tô.
Ông bà anh chị em thân mến. Đây là vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong công việc và kế hoạch của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, để chúng ta được liên kết một cách mật thiết với và trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta ý thức và xa lánh những hành động, lời nói hay việc làm, vô tình làm tổn hại đến mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, hay gây những sự chia rẽ trong Thân Thể Chúa Ki-tô, là Giáo hội, là giáo xứ. Xin Chúa Thánh Thần cũng tiếp tục biến đổi, thánh hoá và ban ân sủng cho mỗi người chúng ta, để chúng ta trở thành những chứng nhân can trường, làm sáng danh Chúa Giê-su Kitô, như những tín hữu tiên khởi hay như các tông đồ của Chúa Giê-su Kitô ngày xưa, để chúng ta chân thành tuân giữ những giáo huấn của Chúa, và để tình yêu của Chúa luôn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta.
Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa