Chúa Nhật 5 Thường Niên_A

40

Ông bà anh chị em thân mến.  Mùa hè vừa qua, tôi có dịp đi thăm một gia đình một người bạn.  Vợ anh làm một việc rất khiêm tốn, dọn và làm sạch sẽ phòng ngủ trong một khách sạn lớn và nổi tiếng ở Las Vegas. Mỗi ngày, chị được giao cho 10 phòng, và vì rất cẩn thận, cho nên chị được giao cho một số phòng VIP, của những người nổi tiếng và quan trọng đến thuê phòng tại khách sạn. Và do đó chị biết nhiều người sang trọng, trong số đó, có 1 người rất khác biệt.  Chị đã kể câu chuyện về người đó có tên là ông Smith như sau.

Vào một đầu tuần, ông Smith đến thuê một phòng tại khách sạn và hành lý là một túi da nhỏ.  Khi chị đến dọn phòng sáng hôm sau, ông thò đầu ra ngoài và nói với chị là hôm nay ông không cần dọn phòng, chỉ đưa cho ông vài khăn lau mà thôi. Và mấy ngày hôm sau cũng vậy, cho đến cuối tuần, ông Smith mới cho chị vào phòng để dọn sạch sẽ.   Trong khi chị dọn dẹp, ông Smith nói chuyện và giúp chị dọn dẹp căn phòng.

Ngày Thứ Bảy sau khi đã làm xong 10 phòng kể cả phòng ông Smith, chị đi bộ qua nhà thờ chính tòa gần đó để tham dự Thánh lễ 5 giờ 30 chiều. Thình lình một chiếc xe phóng tới và đậu lại bên chị, người tài xế ngó đầu ra, chính là ông Smith.  Ông hỏi chị có cần ông đưa về nhà không.  Chị nói với ông là chị đi tham dự Thánh lễ và nếu ông có thời giờ thì xin quá giang tới nhà thờ.  Trên đường đến nhà thờ, ông Smith dồn dập hỏi chị nhiều câu hỏi: “Có thường xuyên tham dự Thánh lễ không?”  “Tại sao phải tham dự Thánh lễ trong khi nhiều thanh thiếu niên nam nữ không đi?”  “Bài giảng có hay không?” “Chị  có chịu lễ không?”

Khi đến nhà thờ, ông Smith làm chị ngạc nhiên khi ông xin tham dự Thánh lễ với chị.  Bây giờ, chị bắt đầu cảm thấy hơi ngạc nhiên về những câu hỏi và lòng muốn tham dự Thánh lễ của ông.  Và chị càng ngạc nhiên hơn khi thấy ông Smith quì chắp tay và nhắm mắt cầu nguyện suốt Thánh lễ. Sau Thánh lễ, ông Smith đứng lên và đi nhanh ra ngoài, không nói một lời từ giã.

Ngày hôm sau, chị đi làm như thường lệ, và khi đến phòng ông Smith  thì thấy túi hành lý nhỏ đã biến mất, thay thế vào đó là một cái túi và một lá thư.  Chị mở ra đọc và có nội dung như sau:

“Chào cô.  Món quà trong túi này là cho cô vì một nghĩa cử thật tốt đẹp cô đã làm cho tôi mà cô không biết. Đời sống hôn nhân vợ chồng gia đình tôi có những sự không được tốt đẹp.  Tôi muốn ở khách sạn mấy ngày để tìm sự giải thoát, nhưng càng rối và xáo trộn hơn. Và sau đó tôi đã gặp cô.  Niềm tin của cô vào Thiên Chúa đã làm cho tôi rung động. Khi tham dự Thánh lễ với cô, đó là lần đầu tiên sau 10 năm.  Trong Thánh lễ, Thiên Chúa đã ban cho tôi một ân sủng, cho tôi biết thánh ý của Ngài.  Do đó, tôi quyết định trở về với vợ và gia đình của tôi.  Tôi trở về với gia đình trong niềm tạ ơn Chúa và cám ơn cô đã là một ánh sáng, chiếu soi trong thời gian và cuộc sống tăm tối của tôi.  Tôi sẽ không bao giờ quên ơn cô đã giúp tôi tái khám phá ra đức tin của tôi. Ký tên, Smith.”  Và trong túi là một vòng chuỗi đeo tay bằng vàng với cây Thánh giá cũng bằng vàng treo dính vào.

Ông bà anh chị em thân mến. Câu chuyện trên đây là một minh họa tuyệt đẹp cho điều Chúa nói với các môn đệ trong bài Tin mừng hôm nay, “Các con là sự sáng thế gian. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”.  Và câu truyện này cũng là một minh họa cho điều mà Chúa nói với các môn đệ trong sách Tông đồ Công vụ, “Các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy”. (Cv. 1, 8)

Chúng ta hãy suy niệm điều Chúa muốn dạy chúng ta khi Người nói, “Các con là muối đất.  Các con là ánh sáng.  Các con là chứng nhân”.  Chúng ta có thể trở thành muối, ánh sáng và chứng nhân cho Chúa qua 3 cách sau đây: Thứ nhất: để cho ánh sáng của Chúa chiếu soi qua chúng ta.  Thứ hai: sống, thực hành những điều Chúa dạy.  Và thứ ba: chịu khó, chịu đau khổ vì Chúa và lời của Người.

Thứ nhất, để cho ánh sáng của Chúa chiếu soi qua chúng ta, như một thiếu nữ giáo lý viên đã làm trong câu chuyện sau đây. Trong một ngày Chúa nhật, cô dạy các em nhỏ trong một lớp giáo lý ở một giáo xứ vùng truyền giáo về Chúa Giê-su, là Đấng đầy lòng nhân từ, yêu thương, tha thứ và quảng đại.  Thình lình, cô thấy một em nhỏ trong lớp hình như cảm thấy kích động và hớn hở.  Cuối cùng em nhỏ la lên, “Con biết người mà cô đang nói tới.  Ông ta sống ở căn nhà cuối đường”.  Như vậy, phương cách thứ nhất chúng ta trở thành muối, ánh sáng và chứng nhân cho Chúa là để ánh sáng của Chúa, là lòng nhân từ, yêu thương, tha thứ và quảng đại, chiếu soi qua đời sống chúng ta.

Phương cách thứ hai là sống, thực hành điều Chúa dạy khi điều Chúa dạy bị quên lãng hay bị chống đối.  Chúng ta thực hành những điều dạy trong bài đọc một hôm nay, “Hãy chia bánh của ngươi cho kẻ đói, hãy tiếp nhận vào nhà ngươi những kẻ bất hạnh không nhà ở; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ mặc đồ vào”. Hay nói một cách khác, chúng ta thực hành những điều chính Chúa Giê-su sẽ làm nếu Người sống dưới trần gian hôm nay.

Và phương cách thứ ba làm chúng ta trở thành muối, ánh sáng và chứng nhân cho Chúa khi chúng ta chịu khó, đau khổ và hy sinh vì và cho Tin mừng. Thí dụ như khi chúng ta quảng đại giúp đỡ xây dựng Nước Chúa, hay quảng đại trong những việc làm sáng danh Chúa.  Hay nếu cần thiết, chúng ta sẵn sàng chịu sỉ nhục vì Chúa và vì Lời Chúa.  Chúng ta nghiêm trọng tiếp nhận Lời Chúa nói, “Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời”. (Lc. 6, 22-23)

Ông bà anh chị em thân mến. Qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải trở nên muối ướp và ánh sáng. Bằng hai hình ảnh cụ thể này, Chúa muốn chúng ta hãy sống những điều Người dạy, để thánh hoá bản thân và nêu gương sáng cho người khác. Chúng ta phải là ánh sáng chiếu soi cho kẻ khác bằng lời nói, bằng việc làm và bằng gương sáng.  Chúng ta hãy tự hỏi, “Đời sống của chúng ta ngày hôm nay có là chứng nhân cho Chúa không?” “Chúng ta để cho ánh sáng của Chúa chiếu soi qua đời sống chúng ta bằng cách nào?”  Và “Chúng ta có thành tâm chịu khó, chịu đau khổ và hy sinh vì Chúa và Lời Chúa không?”

Xin Chúa biến đổi mỗi người chúng ta trở thành những khí cụ tình yêu, bình an và tha thứ, trở thành nguồn ánh sáng hy vọng và vui mừng của Chúa. Xin Chúa ban cho chúng ta sự hiểu biết để tìm thánh ý Chúa, có lòng bác ái, quảng đại và nhân từ, cũng như can đảm để thực hành và làm chứng cho Lời Chúa.

 Lm. Antôn, giáo xứ Giuse, Tulsa