Ông bà anh chị em thân mến. Trước năm 1975, khi chiến tranh còn đang xảy ra một cách khốc liệt trên quê hương đất nước Việt Nam chúng ta, một gia đình kia có người con trai trong quân đội. Vào ngày Thứ Sáu khoảng 5 giờ 30 chiều, người cha vừa đi làm về và đang đứng trước cảnh ngổn ngang trong một căn phòng, dự tính thu dọn cho sạch sẽ trước bữa ăn tối, thình lình ông nghe có người gọi tên ông. Ngẩng đầu lên ông nhìn thấy cha xứ và vợ của ông đang đứng trước cửa. Ông trừng mắt, miệng há hốc và hỏi, “Có việc gì không?” Vợ ông trả lời, “Con trai đã tử trận.”
Lập tức, đầu óc ông quay cuồng và mất liên lạc với những thực tại chung quanh. Ông hồi tưởng về lúc con ông được 6 tuổi là một hội viên trong đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Sau đó, ông nhớ lại khi con ông trong hội giúp lễ. Cuối cùng, ông nhớ lại con ông trong bộ quân phục Thủy quân lục chiến. Đứa con mà ông luôn hãnh diện.
Một thời gia sau đó, người cha tâm sự, thú nhận rằng tin tử trận của đứa con đã làm ông bàng hoàng và xửng xốt đến độ ông không thể nói được một lời với vợ hay ôm lấy vợ ngay lúc đó. Tất cả mọi sự mà ông có thể nghĩ đến con ông với một thân xác lạnh cóng, không có sự sống và không lay động.
Ông bà anh chị em thân mến. Câu chuyện thương tâm trên đây, hay những câu chuyện đau buồn của những thân nhân có người thân mất tích trong chuyến bay Mã Lai 370, hay của những thân nhân có những người thiệt mạng vì đất chùi ở tiểu bang Washington mấy tuần vừa qua, hay những người có thân nhân qua đời, giúp chúng ta hiểu được cảm xúc của Chúa Giê-su như thế nào khi nghe tin người bạn thân La-za-rô vừa qua đời. Chúa cảm thấy bàng hoàng và xúc động. Tin mừng diễn tả phản ứng của Chúa trong câu, “Chúa Giê-su rơi lệ.” Đây là một trong những câu ngắn nhất trong Kinh thánh. Chỉ vỏn vẹn có 4 chữ, nhưng thực ra đã diễn tả một hoàn cảnh thật cảm động trong Tin mừng. Và cảnh tượng cảm động này cho chúng ta thấy bản tính con người thật như chúng ta của Ngài; cho chúng ta thấy sự xúc động hay sự cảm thương trong con người của Chúa. Chúng ta thường hay quên một sự kiện quan trọng là Chúa Giê-su cũng có một con tim và biết yêu thương như chúng ta. Chúng ta thường quên Chúa Giê-su cũng có những cảm xúc và thương khóc như chúng ta. Và chúng ta quên Chúa cũng có thân xác và đau đớn như chúng ta.
Tại sao những dữ kiện này thật quan trọng? Và tại sao chúng ta phải nhớ những điều này của Chúa? Tại sao chúng ta phải nhớ Chúa cũng biết yêu thương như chúng ta? Tại sao chúng ta phải nhớ Chúa cũng khóc thương như chúng ta? Tại sao chúng ta phải nhớ Chúa cũng đau khổ như chúng ta? Thưa: Rất quan trọng vì những cảm xúc này tạo nên sự liên kết, quan hệ giữa chúng ta với Chúa. Khi Chúa xuống thế làm người, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, Ngài trở nên giống loài người, ngoại trừ tội lỗi.
Bởi vì Chúa biết yêu thương, bởi vì Chúa biết thương khóc, bởi vì Chúa biết sầu khổ, cho nên Chúa hiểu khi chúng ta khi chúng ta yêu thương, khi chúng ta thương khóc, khi chúng ta sầu khổ. Và khi chúng ta ý thức và nhận ra, điều này sẽ khích động, sẽ là động lực giúp chúng ta tiếp tục vững tiến bước khi cuộc đời của chúng ta đối diện với những khó khăn, thử thách hay gặp nghịch cảnh.
Nhưng, ông bà anh chị em thân mến, bài Tin mừng hôm nay còn cho chúng ta biết những điều quan trọng sâu xa hơn về Chúa Giê-su. Ngoài việc khóc thương La-za-rô, Chúa còn cho La-za-rô sống lại. Hay nói một cách khác, ngoài sự kiện cho chúng ta biết về nhân tính của Chúa, Tin mừng còn cho chúng ta biết thiên tính của Ngài. Chúa Giê-su không những là một con người như chúng ta, mà còn là Con Thiên Chúa hoàn toàn khác với chúng ta. Tin mừng còn đi một bước xa hơn là cho chúng ta biết Chúa Giê-su đã thực hiện một lời hứa “Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống.” Hay nói một cách khác, Chúa sẽ làm cho chúng ta những điều trọng đại hơn điều Chúa đã làm cho ông La-za-rô. Chúng ta biết La-za-rô sống lại, già đi và cũng đã chết. Chúa ban cho ông “sự sống tạm thời” trong cuộc sống ở trần gian này. Nhưng Chúa sẽ ban cho chúng ta “sự sống vĩnh cửu” ở cuộc sống đời sau. Trong Tin mừng thánh Gioan ngày Thứ Tư vừa qua, Chúa tuyên bố về quyền ban sự sống vĩnh cửu này như sau, “Bởi vì, như Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống như thế nào, thì Chúa con cũng vậy, Ngài làm cho ai sống là tùy ý Ngài… Và trao quyền cho Chúa Con trọn quyền xét xử. ” Con người chúng ta không có quyền cho hay quả quyết cho ai lên Thiên đàng hay xuống hỏa ngục, chỉ có Chúa mới có quyền đó. Chúng ta thấy, ngày nay nhiều người tự tôn mình là Thiên Chúa, quả quyết hay quyết định chắc chắn người qua đời đã lên Thiên đàng. Chỉ có Chúa mới có quyền và biết. Và cũng trong bài Tin mừng này, Chúa tiếp tục tuyến bố rằng, “Cũng như Chúa Cha có sự sống nơi chính mình thế nào, thì Người cũng cho Chúa Con có sự sống nơi mình như vậy, và Người đã ban cho Chúa Con quyền xét xử.” (Ga. 5, 21, 26)
Nói tóm lại, bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta một tóm lược về sứ điệp Kinh thánh ơn cứu độ. Thứ nhất, Chúa Giê-su là một người thật, có những cảm xúc như yêu thương và sầu khổ như chúng ta, và vì có bản tính con người, nên Chúa có sự liên hệ với chúng ta. Chúa biết cảm giác của chúng ta như thế nào khi chúng ta đau khổ và thương khóc, và Chúa sẽ an ủi và tăng sức mạnh cho chúng ta trong những lúc này. Và thứ hai, bài Tin mừng cũng cho chúng ta biết Chúa Giê-su thật sự có thiên tính, Ngài là Con Thiên Chúa hằng sống. Chúa và chỉ Chúa mới có thể ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu.
Ông bà anh chị em thân mến. Chúng ta cảm tạ, tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Con Một Ngài xuống thế, trở thành một con người như chúng ta, và ban cho chúng ta sự sống của Thiên Chúa. Trong bài Tin mừng, Chúa phán, “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?” Và cùng với bà Mat-ta, chúng ta thưa cùng Chúa, “Thưa Thầy, vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian.” Xin Chúa dạy chúng ta biết tìm kiếm cho mình sự sống vĩnh cửu ngay từ đời này. Biết noi theo gương và can đảm sống lời Chúa, dám từ bỏ con người ích kỷ, và thành tâm tìm kiếm Chúa bằng đời sống cầu nguyện, hy sinh, phục vụ, bác ái và quảng đại.
Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa