Chúa Nhật 4 Phục Sinh_Năm A

85

Ông bà anh chị em thân mến. Chúa nhật tuần này được gọi là Chúa nhật Chúa Chiên Lành, hay Mục Tử Tốt Lành. Trong Tin mừng của Thánh Gioan hôm nay, Chúa Giêsu tự xưng mình là Cửa chuồng chiên và là Vị Mục Tử Tốt Lành.  Và hôm nay, cũng được chọn làm ngày cầu cho ƠN THIÊN TRIỆU.  Chúng ta nhìn ngắm lại hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô, Vị Mục Tử Nhân Lành để cảm tạ lòng yêu thương, hy sinh và nhân từ của Người.  Đồng thời cầu nguyện cho Giáo hội luôn có nhiều mục tử tốt lành như Chúa Giêsu để chăn dắt đàn chiên của Chúa nơi trần gian.

Cách đây mấy năm, một tạp chí có đăng một câu chuyện về một nữ sinh viên mới ra trường đại học và nhận công việc chăn cừu trong một nông trại ở tiểu bang Wyoming. Trong 3 năm sau đó, cô phải trực 24 tiếng một ngày, 7 ngày 1 tuần, 365 ngày 1 một năm, chăm sóc 2 ngàn con cừu.  Trong thời gian này, cô sống 1 mình cùng với 1 con chó, 1 con ngựa và với một đàn cừu.  Mỗi tuần, người chủ mang thư từ, thức ăn và những đồ dùng cần thiết cho cô.

Công việc này đã dạy và cho cô biết nhiều về chính bản thân cô.  Cô có đủ thời giờ cần thiết để suy nghĩ về tương lai, những sự nghi ngờ và ước muốn của mình.  Thời gian này cũng làm sáng tỏ những giá trị và đặt những mục tiêu cho cuộc sống.

Công việc chăn cừu này không những giúp cho cô hiểu biết rõ hơn chính con người của cô, mà còn dạy cô hiểu biết nhiều hơn về Chúa Giê-su.  Những sách Tin mừng đã dùng hình ảnh người chăn chiên để diễn tả Chúa Giê-su, và ngày hôm nay cô có những kinh nghiệm thực tế sống động về chăn chiên và hiểu lý do tại sao Tin mừng lại dùng hình ảnh này diễn tả Chúa Giê-su. Cô đã nhận ra được những đức tính căn bản mà một người chăn chiên phải có.  Vậy những đức tính đó là gì?

Thứ nhất, cô cho biết, một người chăn chiên tốt phải là một người cam kết hoàn toàn.  Người chăn chiên sống với đàn chiên ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác và tháng này qua tháng khác.  Chăn chiên không phải là một công việc như trong một công sở hay cửa tiệm.  Thật vậy, chăn chiên không phải là một công việc mà là cuộc sống.  Chăn chiên không phải là một công việc để kiếm tiền, nhưng là công việc yêu thích.

Khi Chúa Giê-su tự nhận là người chăn chiên tốt lành, Ngài muốn nói là Ngài cam kết với đàn chiên 24 tiếng 1 ngày, 7 ngày một tuần, 365 ngày một năm. Hay nói một cách khác, tất cả năng lực và chú ý dồn vào đàn chiên mà Ngài được trao phó.  Mọi giây phút trong cuộc sống của Chúa được dành cho và hiến dâng cho đàn chiên.

Đến đây là đức tính thứ hai.  Theo cô, một người chăn chiên tốt, ngoài là một người cam kết, mà còn phải là một người có sự lo lắng, chăm sóc kỹ lưỡng. Nhiệm vụ và sự thỏa mãn của một người chăn chiên đi sát với tình trạng của đàn chiên. Khi đàn chiên hạnh phúc, người chăn chiên vui mừng.  Khi đàn chiên trong nỗi đau thương, người chăn chiên đau khổ. Tin mừng cho chúng ta thấy chính Chúa Giê-su là một Người Chăn Chiên Tốt Lành đầy lòng lo âu và thương xót, được diễn tả trong những câu chuyện Đồng tiền mất, Người con hoang đàng và Người đàn bà ngoại tình.

Đức tính thứ ba mà người chăn chiên tốt phải có ngoài sự cam kết và có lòng âu lo, chăm sóc, là can đảm. Có một câu chuyện trong sách Sa-mu-en cuốn thứ nhất trong Cựu ước về vua Đa vít, khi còn trẻ đã tình nguyện ra chiến đấu với người khổng lồ Go-li-át ra sao.  Vua Sao-lê từ chối cho phép Đa-vít làm chuyện đó, nhưng Đa-vít đã thưa lại với vua, “Chúa đã từng cứu tôi thoát khỏi nanh vuốt sư tử và gấu, Người sẽ giải thoát tôi khỏi tay tên Phi-li-tinh đó.”  Sau đó vua đã đồng ý cho Đa vít ra chiến đấu với Go-li-át, và chúng ta đã biết kết quả ra sao, Đa-vít đã chiến thắng. Chúa Giê-su đã can đảm chịu những sự ghanh ghét, chịu đau khổ đòn đánh, vác và chết trên thập giá, để qua sự phục sinh mang lại chiến thắng và hạnh phúc cho những người tin và sống trong đàn chiên của Ngài.

Ông bà anh chị em thân mến.  Công việc không phổ thông, không thông thường của cô sinh viên ở trên, không những đã dạy cô nhiều về chính bản thân và cuộc sống của cô, mà còn dạy cho cô hiểu biết hơn về Chúa Giê-su.  Dạy cho cô biết lý do tại sao những sách Tin mừng đã diễn tả cũng như chính Chúa Giê-su đã tự nhận mình là Người Mục Tử Tốt Lành, vì Ngài có một “bằng cấp hoàn toàn” với 3 đức tính căn bản mà một người chăn chiên tốt phải có.  Chúa Giê-su là một người có sự cam kết chắc chắn, có lòng lo lắng sâu sa và có một sự can đảm mạnh mẽ.  Sự lo lắng của Chúa hoàn toàn dành cho đàn chiên mà Chúa Cha đã trao phó cho Ngài.

Và công việc chăn cừu này cũng còn dạy cho cô sinh viên biết tại sao Chúa Giê-su là một mẫu gương cho tất cả cha mẹ, thày cô, linh mục, tu sĩ và những người có trách nhiệm, trọng trách nuôi nấng, chăm nom, dạy dỗ những người được trao phó cho.  Chúa Giê-su chính là vị Mục Tử mà bài đáp ca đã ca ngợi rằng: Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tuơi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính.

Hôm nay chúng ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội luôn có những mục tử như lòng Chúa mong ước, và xin Chúa thương tiếp tục chăm sóc, chở che và gìn giữ chúng ta trong tình thương quan phòng của Chúa. Chúa nhật hôm nay cũng là ngày của mẹ. Mẹ chính là một mục tử gần gũi nhất để chăm sóc chúng ta. Tình thương của mẹ là vô bờ bến. Tình thương của mẹ dám hy sinh đánh đổi cả cuộc đời của mình để cho con niềm vui, tiếng cười. Thế nên, khi nói về mẹ có lẽ chúng ta phải nói về những hy sinh của mẹ. Nói với mẹ chúng ta phải nói lời cám ơn mẹ đã sẵn lòng hy sinh cho chúng ta.  Xin vinh danh và chúc các bà mẹ một ngày tràn đầy vui mừng và hạnh phúc.

Lm. Antôn, giáo xứ Giuse, Tulsa