Lời Chúa Năm C Chúa Nhật 4 Phục Sinh Năm C_2013

Chúa Nhật 4 Phục Sinh Năm C_2013

Chúa Nhật 4 Phục Sinh Năm C_2013

.

Ông bà anh chị em thân mến. Chúa Nhật Thứ Tư Phục Sinh hàng năm được Giáo hội dành riêng để kính Mục Tử Tốt Lành, hay Chúa Chiên Lành, vì đoạn Tin mừng thánh Gioan mà chúng ta vừa nghe hôm nay trích trong chương 10 có tựa đề là Mục Tử Tốt Lành, tiếng Anh gọi là Good Shepherd.

Tôi nghĩ rằng hình ảnh người mục tử và đàn chiên, khá xa lạ với nhiều người Việt chúng ta, hay với xã hội hiện tại ở Hoa kỳ này. Hình ảnh gần gũi nhất đối với người Việt đã từng sinh ra và lớn lên tại Việt Nam là đàn trâu với người chủ ruộng. Tuy nhiên, đối với người Do thái ngày xưa thì đây lại là một hình ảnh khá quen thuộc. Đối với dân Do thái lúc bấy giờ, chăn nuôi là một trong những nghề nghiệp chính. Chiên cung cấp món thịt chính, sữa và bơ. Ngoài ra lông chiên còn dùng để làm áo, và chiên thường được dùng làm vật hiến lễ.

Một số chủ đàn chiên thường có một chỗ nhốt chung vì an toàn và để chống lại với thú dữ.  Vào mỗi buổi sáng, mỗi chủ ra chuồng kêu những con thuộc về đàn của mình.  Những con chiên thuộc về một đàn và một chủ nào, không nghe tiếng gọi của chủ khác, nhưng khi nghe tiếng gọi của chủ mình, thì tách ra khỏi chuồng chiên chung, nhập vào đàn chiên và đi theo chủ của mình. Do đó, chúng ta nghe trong bài Tin mừng, Chúa nói rằng “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta. Ta biết chúng và chúng theo Ta.” Người chủ chiên sau đó dẫn đàn chiên của mình đến những đồng cỏ xanh tươi, gần những dòng suối, để ăn uống. Trong khi chiên ăn, uống và nghỉ ngơi, chủ chiên phải canh giữ và bảo vệ chiên khỏi bị trộm cắp, hay những thú rừng đến sát hại, đồng thời phải cứu giúp khi chiên bị nguy hiểm.  Như thế, trong suốt thời gian một ngày từ sáng sớm đến tối, săn sóc đàn chiên của mình, người chăn chiên gắn bó với đàn chiên. Do đó, có một mối thân tình rất lớn và mật thiết giữa họ và đàn chiên. Họ biết rõ từng con chiên một. Mỗi khi có một con chiên bị lạc, họ đi khắp nơi để tìm kiếm cho bằng được. Nếu chúng ta cố tìm một hình ảnh trong xã hội ngày nay, có một sự liên hệ tương tự như của người chủ chiên với đàn chiên, thì hình ảnh gần gũi nhất là hình ảnh người mẹ cần phải ở nhà để săn sóc và dạy dỗ những đứa con của mình.

Ông bà anh chị em thân mến. Chúng ta tin và nhận Chúa Giê-su là Vị Chủ Chiên, là Mục Tử Tốt Lành của chúng ta, và chúng ta là đàn chiên của Chúa. Chúa nhìn thấy rõ kể cả trong thâm tâm của mỗi người chúng ta, vì thế, Chúa khẳng định rằng: “Ta biết chúng.” Chính vì thấu hiểu rõ con người chúng ta, là những con người bất toàn, yếu đuối và tội lỗi, nên Chúa đã hết lòng yêu thương và đã hy sinh chịu những đau khổ và mạng sống chết trên thập giá vì và cho tất cả chúng ta. Chúa không do dự, tính toán hay dành riêng cho một ai.  Sự hy sinh này là kết quả của một tình yêu tự hiến hoàn toàn cho người mình yêu thương, như Chúa đã tuyên bố “Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và có quyền lấy lại.” (Ga. 10, 17)  Và Chúa cũng thổ lộ cho chúng ta biết việc hy sinh mạng sống chết trên thập giá để đền tội cho nhân loại là thánh ý Chúa Cha, và cũng chính là ý của Chúa.  Chính tình yêu dâng hiến toàn vẹn đã làm cho ý của Chúa trở nên một với ý của Chúa Cha. Và thánh ý của Chúa Cha và của Chúa được Tin mừng cho chúng ta biết là “cho chúng được sống đời đời.”

Ông bà anh chị em thân mến. Điều này nêu ra cho chúng ta, đàn chiên của Chúa, một câu hỏi thật quan trọng.  Nếu thánh ý Chúa Cha là cho chúng ta được sống đời đời, thì sự sống đời đời có tác động gì đến đời sống hiện tại bây giờ của chúng ta không?  Hay nói một cách khác, nếu thánh ý Chúa Cha là cho chúng ta được sống đời đời, thì có ảnh hưởng gì đến cách sống hiện tại của chúng ta không?  Chúng ta phải sống như thế nào ở đời này, để chúng ta được hưởng sự sống đời đời mai sau?  Chúng ta có nghe lời Chúa kêu gọi và đi theo con đường Chúa chỉ bảo và dẫn chúng ta không?

Như ông bà anh chị em đã biết, chúng ta đang sống trong một xã hội nơi mà mọi người cố gắng dùng đủ mọi cách để làm chúng ta chú ý.  Nếu chúng ta mở tờ báo, mở TV, e-mail hay internet, thì chúng ta thấy người nào đó, công ty thương mại nào đó muốn giới thiệu hay bán cho chúng ta một sản phẩm.  Họ dùng hình ảnh, những nhân chứng nhiều khi giả dối, và những lời dụ dỗ thật ngon ngọt và rất hấp dẫn, quảng cáo, lôi cuốn cũng như kích thích lấy lòng chúng ta mua sản phẩm của họ. Có những công ty trả một giá thật cao hàng trăm, hàng ngàn đô la, trong vòng mấy phút để quảng cáo và giới thiệu.

Chúng ta cũng đang sống trong một khung cảnh mà chúng ta nghe người này nói chuyện này, người kia nói chuyện khác, trong đó có lẽ có cả chúng ta nữa, và ai cũng tự cho mình nói đúng, nói thật.  Mọi người cố gắng uốn nắn, hay dùng nhiều thủ đoạn để nói càng hay, càng văn hoa thì càng có nhiều người nghe, chú ý và dễ lừa dối được người khác.

Thánh Phao-lô đã trả lời những câu hỏi ở trên và khuyên bảo chúng ta hãy sống như đường lối Chúa đã dạy bảo chúng ta, và sống như cách sống mà chính Chúa đã sống.  Trong thư gởi người Cô-lô-sê, ngài nói rằng “Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Đức Ki-tô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Ki-tô ngự bên hữu Thiên Chúa.”  Ngài nói tiếp rằng “Như những người được được chọn, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhận hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau… Như Chúa đã tha thứ cho anh em.  Trên hết mọi sự, anh em hãy quảng đại và có đức thương yêu.” (Cl. 3, 5; 12-15).

Ngoài ra, thánh Gia-cô-bê cũng dạy chúng ta “Ai là kẻ khôn ngoan và từng trải trong anh em, người ấy hãy lấy đời sống tốt lành mà bày tỏ công việc của mình thấm nhuần sự hiền từ khôn ngoan.  Còn nếu anh em có lòng ganh tị chua cay và thích cãi vã, anh em đừng lên mặt và nói dối nghịch cùng sự thật.  Vì thứ khôn ngoan đó không phải từ trời xuống, mà là thứ khôn ngoan phàm trần, mang nặng thú tính và là của ma quỉ… Anh em hãy ôn hòa, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ… không xét đoán thiên vị, không giả dối.” (Gc. 3, 13-18).

Ông bà anh chị em thân mến.   Đây phải là ảnh hưởng và tác động thực tế của sự sống đời đời theo thánh ý Chúa Cha, vào đời sống người Ki-tô hữu, những chiên của Chúa Giê-su Ki-tô hôm nay. Chúng ta phải lắng nghe lời Chúa kêu gọi, phải cố gắng sống như Chúa đã sống, phải hy sinh và yêu thương như Chúa đã sống.  Chúng ta phải cầu nguyện và tha thứ như Chúa đã làm để không bị hư mất, không bị cướp đi, và nhất là được hưởng sự sống đời đời. Đây cũng chính là điều Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh dạy bảo chúng ta khi Chúa nói “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất.”   Hay nói một cách khác, nếu chúng ta là đàn chiên của Chúa, chúng ta sẽ nghe tiếng Chúa và theo Chúa.  Và nếu chúng ta sống những điều Chúa dạy và theo mẫu gương của Người, Người sẽ ban cho chúng ta sự sống đời đời.

C​húa Nhật hôm nay cũng được Giáo Hội đặt làm Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Thiên Triệu. Khi nói đến ơn thiên triệu, người ta thường nghĩ ngay đến ơn gọi làm linh mục hay tu sĩ nam nữ. Hai chữ thiên triệu có nghĩa là Chúa kêu gọi. Vì vậy, nói chung, mọi người đều được Chúa kêu gọi để nhận biết, tin, yêu mến và kết hợp với Chúa, trở nên những nhân chứng đích thực cho Chúa, bằng lời nói, hành động và cuộc sống. Đặc biệt là những bậc làm cha mẹ, là những mục tử của con cái trong gia đình.  Nhờ đó mọi người đạt đến hạnh phúc vĩnh cửu trong sự sống đời đời, là mục đích, thánh ý Chúa hứa ban cho chúng ta.

 Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa

Exit mobile version