Lời Chúa Năm C Chúa Nhật 32 Thường Niên Năm C

Chúa Nhật 32 Thường Niên Năm C

 
Ông bà anh chị em thân mến. Cách đây hơn một tuần chúng ta mừng kính lễ Các Thánh và trong tháng 11 này chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho các linh hồn trong đó có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người thân thuộc và đã sống trong cộng đồng giáo xứ. Như chúng ta biết, năm phụng vụ sắp sửa hết, cho nên những bài Kinh thánh trong những tuần cuối cùng này mang một tâm trạng u sầu, muốn chúng ta chú ý tới những vấn đề tối quan trọng là: sự sống, chết và sống lại. Mỗi người chúng ta đang sống thường ưu tư với  những câu hỏi lớn như: “Tôi sống cho ai? Sống với mục đích gì? Và sau cuộc sống trần gian này tôi sẽ đi đâu?
Tôi nghĩ rằng mọi người chúng ta đều biết một sự thật hiển nhiên là tất cả mọi sinh vật, kể cả con người, đã, đang và sẽ sinh ra, hiện diện trên mặt đất của quả địa cầu này, đều phải theo một một qui luật chung là: có sinh thì có tử. Nhưng đối với những người có đức tin vào Thiên Chúa như chúng ta thì  chắc chắn có sự sống lại, vì chúng ta vẫn luôn tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.” Chúng ta tuyên xưng như thế và chúng ta tin điều đó dễ dàng. Nhưng thực ra vấn đề này không dễ dàng cả vào thời Chúa Giêsu lẫn ở thời nay.   Như chúng ta cũng biết, ngày nay có nhiều người không tin vào sự sống lại. Họ chỉ nghĩ đến và cố gắng dùng mọi nỗ lực  vào tiền bạc, vật chất hay danh vọng, ngay cả Thiên Chúa, linh hồn và đời sau họ còn không tin, huống chi là tin chuyện xác loài người chết rồi mà một ngày kia còn sống lại được. Thời xưa những người trong phái Sađốc cũng không tin có sự sống lại.  Do đó trong bài Tin mừng, họ hỏi Chúa Giêsu về vấn đề sống lại như thế nào?  Họ phịa ra một câu chuyện tưởng tượng: một gia đình kia có 7 anh em trai, người thứ nhất lấy vợ rồi chết mà không có con, người thứ hai lấy người vợ góa đó nhưng cũng chết không con, tới người thứ 3, thứ tư, năm, sáu bảy đều lần lượt lấy người vợ góa đó và cũng đều chết mà không có con. Họ muốn biết, nếu có sự sống lại thì người đàn bà này sẽ là vợ của ai?  Và Chúa đã trả lời cho họ: “Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng, họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như Thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại.”
Ông bà anh chị em thân mến. Bài Tin Mừng hôm nay có 3 chủ đích quan trọng và thiết yêu cho chúng ta.  Chủ đích thứ nhất, Chúa mạc khải cho chúng ta biết về sự sống lại.  Chúng ta biết đã là con người thì sẽ phải chết.  Và trong đức tin qua sự mạc khải của Chúa, thì sẽ có sự sống lại, và chắc chắc chúng ta và tất cả mọi người, không trừ một ai, từng được sinh vào trái đất này sẽ sống lại. Nhưng sống lại để được thưởng sống như thiên thần, hay bị phạt như quỉ dữ lại là chuyện khác, vì tất cả mọi người chúng ta phải qua một cuộc phán xét, phải đứng trước mặt Thiên Chúa.
Chủ đích thứ hai của bài Tin mừng hôm nay, đó là, muốn chúng ta quan tâm cũng như suy nghĩ về đức tin của mình.  Nếu chúng ta tin có sự sống lại, thì bây giờ chúng ta phải sống như thế nào? Nếu chúng ta tin rằng có sống lại, thì chúng ta phải thể hiện niềm tin ấy bằng cách nào?  Như chúng ta biết sự sống con người tự nó là một quà tặng quí giá của Thiên Chúa ban cho tạo vật, ban cho con người. Tuy nhiên giá trị cuộc sống không nằm ở chỗ sống lâu nhưng ở chỗ sống có ý nghĩa, và đối với những người Ki-tô hữu chúng ta, Thiên Chúa sẽ căn cứ vào cuộc sống của chúng ta ở trần gian này để quyết định, sau khi chúng ta sống lại, thưởng Thiên đàng hay phạt địa ngục ở đời sau, trong cuộc sống vĩnh cửu.
Và bài Tin mừng hôm nay cũng cho chúng ta biết chủ đích cuối cùng thứ ba là: tất cả những người được sống lại “sống như thiên thần”, họ được gọi là: “con cái sự sống lại” vì họ đã “sống cho Chúa.”  Nếu chúng ta muốn được Chúa thưởng cuộc sống “như thiên thần” thì chúng ta cũng phải có cuộc sống “sống cho Chúa” ở đời này.
Như vậy, qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta những chân lý căn bản của đức tin về sự sống lại, về cuộc sống vĩnh cửu, và về bản tính của những “con cái của sự sống lại.” Tất cả những chân lý đó đều được đặt trên nền tảng đức tin chính yếu là: Thiên Chúa là Đấng hằng hữu, hằng sống và chân thật.  Do đó, để được hưởng cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu, chúng ta phải “sống cho Chúa.”  Vậy “sống cho Chúa” là sống như thế nào?
Tôi xin được đưa ra 3 cách sống sau đây.  Thứ nhất là chúng ta phải sống như thế nào ở trần gian này để khi chúng ta đứng trước mặt Chúa, chúng ta biết một cách chắc chắn rằng Chúa luôn là trung tâm trong của cuộc sống chúng ta.  Cuộc sống của chúng ta đã là một người quản lý khôn ngoan, trung thành và luôn làm sáng danh Chúa. Cuộc sống thứ hai là, sau cuộc sống yêu mến Chúa, chúng ta biết yêu thương gia đình, trung thành và chu toàn những bổn phận đời và đạo với vợ, chồng và con cái mà Chúa đã trao ban.  Và thứ ba là trở thành những chứng nhân yêu thương, quảng đại và hy sinh phục vụ cho Chúa, và có những sự đóng góp tích cực cho xã hội, cũng như có những ảnh hưởng tốt, gương sáng cho những người chung quanh.
Tôi tin rằng nếu chúng ta cố gắng có cuộc sống như thế ở trần gian, chúng ta thật sự đã có một sự bảo đảm như lời thánh Phao-lô đã khẳng định: “Sự mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, và lòng người cũng chưa từng mơ ước tới, đó là những điều Thiên Chúa đã làm cho những người yêu mến Người.” (1Cr. 2:6-10)
Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa
Exit mobile version