Chúa Nhật 32 Thường Niên Năm B_2012.

118

Chúa Nhật 32 Thường Niên Năm B_2012.

 

Ông bà anh chị em thân mến. Có một câu chuyện về một người đàn bà lạ lùng sinh ra tại thành phố New York, hai năm trước ngày ký bản tuyên ngôn độc lập của Hoa kỳ năm 1776. Người đàn bà có tên là Elizabeth Bayley. Năm 20 tuổi, bà kết hôn với một thương gia tên là William Seton. Hai vợ chồng không phải là người Công giáo. Sau một thời gian chung sống, vợ chồng có 5 người con. Sau đó, gia đình của bà phải đối phó với một sự khốn khó, người chồng bị chứng bệnh lao phổi. Vì vậy, vợ chồng quyết định di chuyển gia đình qua sinh sống ở bên nước Ý, hy vọng khí hậu ở đây sẽ giúp bệnh lao của ông thuyên giảm. Nhưng tình trạng bệnh của ông càng ngày càng trầm trọng hơn đến thời kỳ cuối cùng. Người chồng qua đời 2 năm sau đó.
Nhờ sự quảng đại giúp đỡ của một gia đình người Ý, bà và những người con trở về Hoa kỳ. Sự quảng đại của gia đình người Ý này là động lực thúc đẩy bà Elizabeth tìn hiểu đạo Công giáo. Hai năm sau đó bà được rửa tội và trở thành một người Công giáo. Sự gia nhập đạo Công giáo của bà làm cho thân nhân và bạn bè xửng sốt và tức giận. Sau đó, mọi người trong gia đình đã hoàn toàn tẩy chay và từ bỏ bà.
Không nản chí, bà đã đi dạy học để nuôi 5 đứa con. Và để tóm tắt câu chuyện, sau khi các con trưởng thành và lập gia đình, bà đã dâng tất cả tài sản để giúp những học sinh nghèo, trở thành một nữ tu và là vị sáng lập chi nhánh dòng Các Nữ Tì Bác Ái ở Hoa Kỳ. Và chính dòng Bác ái này đã khởi đầu cho hệ thống trường học Công giáo mà chúng ta thấy hiện nay. Có lần bà đã tâm sự rằng, “Tôi chỉ muốn tránh sự bon chen của xã hội, để sống một cuộc sống đơn giản cầu nguyện, nhưng Thiên Chúa đã muốn tôi làm việc khác, do đó tôi phải vâng theo thánh ý Chúa hơn là ý tôi.” Bà Elizabeth qua đời năm 46 tuổi.
Chúng ta thấy bà Elizabeth không là người tu ẩn dật, chiêm niệm, không phải là một người đặc biệt mang dấu tích của Chúa, và cũng không phải là một người bị bách hại hay tử vì đạo, bà chỉ là một goá phụ đơn sơ, nhưng đã dâng hiến tất cả những gì trong cuộc đời của mình cho Thiên Chúa. Sau khi người chồng qua đời, bà từ là một người mẹ đơn côi với 5 đứa con, trở thành một con người phi thường lạ lùng, và trở thành một khí cụ, một món quà quí giá của Chúa và của Giáo hội. Năm 1975 bà đã được phong thánh và là vị thánh đầu tiên của quốc gia Hoa kỳ.
Ông bà anh chị em thân mến. Cũng như bà Elizabeth, 2 người đàn bà góa trong những bài Kinh thánh hôm nay, đã dâng hiến tất cả gì mình có trong cuộc đời cho Chúa, và đã cho đi với tấm lòng chân thành và yêu mến. Tôi tin chắc mọi người chúng ta đây đều nhận biết sự quan trọng và quí giá không phải là món quà mà là tấm lòng chân thành và yêu thương gói gém trong món quà đó. Và chúng ta cũng nhận ra cả ba bà góa đã dâng cho Chúa những gì cần thiết cho cuộc sống chứ không phải sự dư thừa.
Bài đọc 1 cho chúng ta biết, tiên tri Êlia trong lúc trốn tránh sự thù nghịch và trong sự đói khát, đã gặp bà góa ở xứ Sa-rep-ta và được cứu giúp. Bà góa này đã dùng tất cả số bột bà còn lại để nuôi sống bà và đứa con trong cơn khốn khó, để làm một chiếc bánh nhỏ cho ông ăn, và Thiên Chúa đã trả công bội hậu cho bà và đứa con trai duy nhất thoát cảnh hạn hán đói khổ.
Bài Tin Mừng hôm naycho chúng ta biết Chúa Giêsu gặp một bà góa trong sân đền Thờ Giêrusalem, khi bà dâng vào thùng tiền đền thờ hai đồng kẽm, và Chúa đã khen bà bỏ nhiều, dâng cúng nhiều hơn những người giàu khác.
Nếu chúng ta chú ý một cách cẩn thận thì hai bà góa có một đặc điểm giống nhau, đó là họ đã cho, đã dâng tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống của mình và gia đình. Nhưng có phải hai bà góa này được đề cao vì sự đóng góp, dâng cúng hay thức ăn mà họ đã cho không? Hiển nhiên là không. Chúng ta thấy hai đồng kẽm thì có đáng là bao, và một chiếc bánh nhỏ thì có thấm tháp gì! Nhưng Thánh Kinh, đặc biệt là Chúa Giêsu, đề cao họ vì: thức ăn ấy tuy nhỏ mọn nhưng được gói ghém với tấm lòng chân thành và thái độ trân trọng của người cho. Đồng kẽm của bà goá bỏ vào thùng tiền đền thờ là cả một tấm lòng và tài sản của bà. Chiếc bánh nhỏ của bà goá xứ Sa-rep-ta là cả cuộc sống của hai mẹ con trong lúc sắp chết đói.
Ông bà anh chị em thân mến. Chúng ta thường nghe nói của cho không bằng tấm lòng người cho. Cho những gì chúng ta cần và quí thì có giá trị, nhất là với tấm lòng chân thành yêu thương và vui mừng thì còn quý trọng hơn. Ngoài ra, hai bà góa còn được đề cao là vì lòng yêu mến đối với người của Chúa và đối với nhà của Chúa. Hay nói một cách khác, họ được đề cao nhờ lòng mến Chúa yêu người, thành tâm để thánh ý và dự định của Chúa được vinh danh, được thể hiện và tồn tại một cách thực tế trong cuộc sống con người trần gian. Chính lòng yêu mến chân thành đã làm cho những hành động và của dâng của hai bà góa có giá trị to lớn trước mặt Thiên Chúa. Và Thiên Chúa đã lên tiếng ca ngợi các bà. Chính Chúa Giê-su đã khen ngợi và xác nhận bà góa cho nhiều hơn tất cả những người khác bỏ tiền vào thùng hôm đó.
Nhìn vào cuộc sống hôm nay, chúng ta ai cũng hiểu biết tiền bạc là phương tiện giúp cho chúng ta trao đổi dễ dàng trong sinh hoạt cuộc sống hằng ngày. Nên tiền bạc tự nó không xấu mà trái lại hữu ích và giúp cuộc sống có giá trị. Nhưng nó trở nên tốt hay xấu là do con người xử dụng nó. Nếu tiền bạc được dùng vào những việc không tốt thì gây tai hại cho cá nhân, gia đình và xã hội. Nhưng nếu được dùng vào những công việc tốt lành, bác ái, hay như việc dâng cúng xây dựng thánh đường, tạo nên những công trình đem lại những lợi ích tinh thần và làm sáng danh Chúa, thì sẽ đẹp lòng Chúa và chắc chắn sẽ được Chúa trả công.
Như chúng ta đã từng nghe, có 3 mẫu người cho. Mẫu loại người thứ nhất là những người cho một cách miễn cưỡng, khó chịu, bủn sỉn và keo kiệt. Những người này thường có tính ghen ghét cho đi, dâng cúng hay giúp đỡ. Loại mẫu người cho thứ hai là những người cho hay đóng góp là vì bổn phận, họ là những người so đo và tính toán. Loại mẫu người cho thứ ba là những người có lòng quảng đại, rộng lượng, là những người vui mừng muốn cho, và đóng góp hay dâng cúng vì yêu thương, vì có tấm lòng tốt lành, nhân từ và bác ái, chứ không phải miễn cưỡng hay vì bổn phận. Lời Chúa hôm nay kêu mời chúng ta hãy suy nghĩ và tự hỏi, chúng ta là loại mẫu người cho nào: miễn cưỡng, bủn sỉn, keo kiệt, hay bổn phận, so đo, tính toán, hay bác ái, quảng đại, rộng lượng? Chúng ta suy niệm cuộc sống của Chúa Giê-su Ki-tô và nghe lời của Người hôm nay, nhưng có tác động hay có những thay đổi cho cuộc sống của chúng ta hay không?
Ông bà anh chị em thân mến. Ngôi Hai Thiên Chúa đã khiêm nhường vâng theo thánh ý Thiên Chúa Cha xuống thế làm người, và vì yêu thương con người tội lỗi chúng ta, đã cho, đã hiến dâng tất cả cuộc đời của Người trên thập giá như là một hy lễ để cho chúng ta được sống. Và cũng chính Chúa Giê-su, còn dâng chính thân thể Người cho chúng ta trên bàn thờ, như là của ăn nuôi sống linh hồn và bảo đảm cuộc sống vĩnh cửu cho chúng ta.
Xin Thiên Chúa nhân từ và giàu lòng quảng đại, đã ban cho chúng ta rất nhiều ơn lành hơn lòng chúng ta mong ước, giúp chúng ta biết noi gương 2 bà goá trong Kinh thánh lời Chúa hôm nay, có lòng bác ái, quảng đại để sống xứng đáng là những người tin theo Chúa. Và cũng ban cho chúng ta một tấm lòng chân thành, vui mừng khi chúng ta mở tâm hồn giúp đỡ, cho đi, đóng góp và dâng cúng, để làm những việc có giá trị trước mặt Chúa, nhất là đồng tâm, hiệp nhất trong trong kế hoạch xây dựng thánh đường làm sáng danh Chúa.

Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa