Ông bà anh chị em thân mến. Trong cuốn nhật ký, ông Harold Hughes, cựu thống đốc tiểu bang Iowa và thượng nghị sĩ liên bang Hoa kỳ, tâm sự rằng: cuộc đời của ông thì không luôn thành công và tốt đẹp. / Ông cho biết khi còn ở tuổi thanh niên, ông là một người nghiện rượu, xử dụng ma túy, nói láo và ăn gian. Đã có một lúc trong cuộc sống, ông nghĩ rằng ông đã hủy hoại tất cả và đã đánh mất tất cả mọi sự trong cuộc sống.
Một đêm, ông vào buồng tắm và sửa soạn để kết liễu đời mình. Ông chỉa mũi súng vào ngực và chuẩn bị bấm cò, ngay lúc đó, ông nghĩ tới câu Kinh thánh nói hủy hoại cuộc sống là điều tội lỗi, nên ông quyết định giải nghĩa cho Chúa biết tại sao ông làm việc ghê ghớm đó.
Ông bước ra ngoài buồng tắm, quì xuống nền xi măng lạnh ngắt, gục đầu vào tường và bắt đầu nói với Chúa trong sự thổn thức. Sau đó một sự lạ lùng xảy ra mà ông chưa bao giờ cảm nghiệm trong cuộc đời, và ông đã chia sẻ trong cuốn nhật ký là ông cảm thấy có một luồng cảm giác ấm áp lắng đọng trong tâm hồn. Ông cảm thấy nhẹ nhõm, hình như tất cả sự nặng nề của tội lỗi như một gánh nặng đã cất xuống khỏi vai ông, và ông cảm thấy tâm hồn bình an. Ông cảm thấy hình như Chúa đã giơ tay xuống và cứu lấy ông như một đức bé bị quay cuồng trong cơn bão, và ông ngã vào cánh tay của Chúa. Quì trên nền xi măng trong buồng tắm ngày hôm đó, ông đã phó thác cuộc sống mình cho Chúa và thành thật thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm điều gì, con sẽ thi hành.”
Kinh nghiệm đặc biệt này bắt đầu cho một cuộc biến đổi hoàn toàn mới trong cuộc đời của ông. Mười năm sau, ông Hughes được bầu làm thống đốc tiểu bang Iowa, và mười bảy năm sau đó, trở thành thượng nghĩ sĩ liên bang Hoa kỳ. Năm 1975, ông về hưu ra khỏi môi trường chính trị, và dồn mọi nỗ lực còn lại của cuộc đời giúp cho chương trình nghiện rượu-ma túy.
Câu chuyện của ông Hughes trên đây mang những sự tương đồng với câu chuyện của ông Gia-kêu trong bài Tin mừng hôm nay. Câu chuyện của một người có cuộc sống tội lỗi trở thành cuộc sống phục vụ bác ái, có lòng quảng đại. Câu chuyện của một người biết mở rộng tâm hồn tới và cho Chúa, và được Chúa đổ tràn đầy sự vui mừng, vượt qua lòng mong ước, điều không bao giờ có thể xảy ra.
Câu chuyện của ông Hughes và Gia-kêu diễn tả một cách sâu sắc điều mà chúng ta, những người tin vào Chúa, thường hay quên hay không chú ý, đó là Chúa mong ước được vào trong “nhà” là tâm hồn, hay là gia đình của chúng ta, để Chúa ban ơn, biến đổi tâm hồn cá nhân, gia đình nên tốt đẹp hơn, như Chúa đã làm cho ông Hughes và Gia-kêu.
Ông bà anh chị em thân mến. Nếu chúng ta chú ý, chúng ta sẽ nhận ra là Chúa thường đi vào cuộc đời của chúng ta như Chúa đã đi vào cuộc đời của những người kể trên. Khi Chúa đến, chúng ta chỉ thành tâm tiến ra đón chào Chúa vào, và Chúa sẽ thực hiện những điều mà Chúa đã làm cho những người kể trên. Nhưng có một câu hỏi rất quan trọng là: “Làm sao chúng ta biết một cách chắc chắn khi nào, lúc nào Chúa đi vào cuộc đời của chúng ta?” Xin thưa: có 3 lúc đặc biệt. Một là khi Lời Chúa được công bố trong Thánh lễ. Chúa Giê-su đã quả quyết trong Tin mừng thánh Lu-ca rằng: “Ai nghe các con, tức là nghe Thầy.” (Lc. 10: 5) Chúa bước vào cuộc sống chúng ta ngay lúc này khi chúng ta thành tâm chú ý lắng nghe Lời Chúa trong Thánh lễ. Lúc thứ hai mà Chúa Giê-su đi vào trong cuộc sống của chúng ta, là khi chúng ta cử hành nghi thức Phụng vụ Thánh Thể. Chúa khẳng định trong Tin mừng thánh Gioan rằng: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong người ấy.” (Ga. 6: 56) Lần nữa, Chúa đi vào trong tâm hồn chúng ta một cách đặc biệt khi chúng ta cử hành nghi thức Phụng vụ Thánh Thể một chút nữa đây. Và sau cùng, Chúa đi vào trong cuộc sống chúng ta khi chúng ta gặp gỡ một người đau khổ, khó nghèo, những người tàn tật. Một lần nữa, Chúa Giê-su xác nhận trong Tin mừng thánh Mát-thêu rằng: “Quả thật, Ta bảo các con: những gì các con đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các con đã làm cho chính Ta.” (Mt. 25:40).
Do đó, Chúa đi vào cuộc sống chúng ta 3 lúc: trong Phụng vụ Lời Chúa, trong Phụng vụ Thánh Thể, và khi gặp gỡ những người nghèo khổ và tàn tật. Những lúc này, chúng ta hãy mở rộng bàn tay, chân thành mời Chúa vào tâm hồn, gia đình, và Chúa sẽ ban ơn, đổi mới, và những sự tốt lành như Chúa đã ban ơn tha thứ và biến đổi tâm hồn và đời sống của ông Gia-kêu, cũng như gia đình của ông trở nên tốt lành, có tấm lòng bác ái và quảng đại.
Nhưng chúng ta phải nhớ rằng Chúa không bao giờ cưỡng ép chúng ta. Chúa để chúng ta tự do quyết định mở cửa cho Chúa vào hay không, thành tâm tiếp đón Chúa thành tâm hay không. Nếu chúng ta còn nhớ một câu chuyện trong Tin mừng của thánh Mác-cô về một người đàn bà bị bệnh xuất huyết lâu năm. Một ngày Chúa Giê-su đã đi vào cuộc đời của bà như Chúa đã đi vào cuộc đời của ông Hughes và Gia-kêu. Và câu chuyện được kể như sau: khi Chúa Giê-su đang đi trên đường với đám đông. Nhìn thấy Chúa, người đàn bà bị bệnh tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành.” (Mc. 5, 28) Và bà đã rụt rè khiêm nhường tiến tới sau lưng Chúa, chạm vào áo Người, và bà được khỏi bệnh. Chúng ta thấy, Chúa đã không cưỡng ép người đàn bà bị bệnh, mà đơn giản bước vào cuộc đời của bà khi bà khiêm nhường và thành tâm mở rộng tâm hồn đón tiếp Chúa, và Chúa đã chữa lành cho bà, để đáp lại, bà đã tôn vinh Chúa.
Do đó chúng ta hãy tự suy nghĩ, chúng ta tham dự Thánh lễ để chu toàn luật lệ, thói quen, hay tham dự với tấm lòng chân thành lắng nghe, đưa Lời Chúa vào trong cuộc sống, cũng như thành tâm nhận Thánh Thể vào tâm hồn, để Chúa chữa lành, xoa dịu những âu lo, khó khăn và đau khổ trong cuộc sống, và thánh hóa, biến đổi, có tâm hồn bác ái, quảng đại, và tôn vinh Chúa. Một lát nữa đây, Chúa sẽ đến và ngự trị trong cuộc sống mỗi người và, xin đem Chúa về gia đình để Chúa ban yêu thương và hòa thuận.
Lm. Antôn, giáo xứ Giuse, Tulsa