Lời Chúa Năm A Chúa nhật 31 thường niên A

Chúa nhật 31 thường niên A

Chúa nhật thứ 31A Thuong Niên 2011.

 

Có một câu chuyện vui  được kể như sau, Một bà đến thưa với linh mục chính xứ, “Thưa cha con khổ quá, tại vì đã lâu lắm rồi, nhà con bỏ không đi nhà thờ, không xưng tội rước lễ. Con không biết làm sao khuyên nhà con được.”  Cha xứ hỏi lai, “Vậy thì ông nhà có nói lý do tại sao ông bỏ không chịu đi nhà thờ và không xưng tội rước lễ không?”  Bà trả lời, “Thưa cha, ông nhà con ông ấy rất là gàn và ngang bướng, nhưng ông ấy nói cũng có lý, nên con không biết nói làm sao để tranh luận với ông ấy được. Nhà con nói rằng: ‘’Tôi thấy có qúa nhiều người giả hình. Họ siêng năng đi nhà thờ, đọc kinh xem lễ, gia nhập hội đoàn này, tổ chức nọ, nhưng chẳng có tinh thần công bằng, đạo đức bác ái thật gì cả. Đến nhà thờ thì ê a đọc kinh, rầm rang ca hát, làm nọ làm kia, nhưng khi vừa ra khỏi nhà thờ về nhà thì sống bê bối, ra xã hội thì sống tham lam, gian dối, hẹp hòi ích kỷ kiêu căng.  Nhiều người còn gian lận, bỏ vạ cáo gian, phê bình chỉ trích, nói hành nói xấu kể cả cha xứ và người khác. Đến nhà thờ tôi chỉ thấy toàn là những người giả hình! Đi lễ đi nhà thờ mà như thế thì vô ích đi làm gì! Họ cũng đâu có khá gì hơn tôi đâu!”  Nghe như thế, cha nói với bà: “Ông nhà nói rất đúng đấy. Bà đừng cãi với ông làm gì, bà về nói với ông như thế này, ‘Cha bảo là cha đồng ý với ông trăm phần trăm. Ông nói rất có lý. Và cha nhắn tôi về nói lại với ông là ở nhà thờ vẫn còn chỗ trống cho thêm một người giả hình nữa. Cha mời ông đến để gia nhập đầy nhà thờ cho vui!’

Ông bà anh chị em thân mến. Tôi tin chắc rằng không ai trong chúng ta có thiện cảm với những người lời nói không đi đôi với việc làm. Chúng ta càng không ưu thích những người giả dối bề ngoài, hay chỉ trích nói xấu người khác, bên ngoài có vẻ đạo đức hay tự cao tự đại, nhưng không có đời sống bác ái, quảng đại, hay công bằng, chân chính, ngay thẳng và tốt đẹp.  Đó cũng là lý do tại sao trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa thẳng thắng lên án những người biệt phái và luật sĩ những người có đời sống giả hình, và đồng thời Chúa cũng dạy chúng ta là những Kitô hữu một bài học quan trọng là khiêm nhường phục vụ cho đời sống Kitô hữu của mỗi một người chúng ta, là một phần tử trong cộng đồng dân Chúa.

Như chúng ta đã biết, Khi đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, và kêu gọi mọi người có lòng hy sinh sốt sắng và thành tâm xây dựng Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu và các môn đệ đã gặp biết bao khốn khó, và nhất là những sự chống đối và vu khống, đặc biệt từ những người Pharisêu, Biệt Phái và Kinh Sư. Họ đã luôn luôn chống đối Ngài, bởi vì Ngài là Đấng chân thật, luôn nói lời sự thật và sống sự thật. Và chúng ta thấy, Chúa luôn chỉ trích và không bao giờ nương tay với  họ vì họ là những người giả hình, có đời sống bề ngoài, giả hình và không chân thật.  Đọc Tin Mừng chúng ta đã thấy Chúa Giêsu đã lên án mạnh mẽ những người này, như trong dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện, dụ ngôn những người giả hình bắt bẻ Chúa và  các môn đệ bức lúa trong ngày Sabbat, và trong nhiều dụ ngôn khác mà chúng ta đã nghe trong Tin mừng 2 tuần liên tiếp vừa qua.

Sau khi đã lên án những người Pharisêu, biệt phái và kinh sư, Chúa Giêsu dạy chúng ta là những Kitô hữu, phải có đức khiêm nhường, thành tâm và hy sinh phục vụ xây dựng cộng đồng Nước Chúa bằng đời sống chân chính qua những hành động cụ thể, và nhất là lời nói phải đi đôi với việc làm, hay nói một cách khác, nghe và phải thực hành, phải sống lời Chúa.   Chân phước Gioan Phaolô II đã nói một câu để đời: “Con người ngày nay không cần những người nói suông về tôn giáo hay về đức tin, nhưng cần những chứng nhân sống điều họ nói và họ tin.”  Như chúng ta biết Chân phước Gioan Phaolô II quả thực đã cảm nghiệm sâu xa lời nói phải đi đôi với việc làm.  Những người giả hình là những người nói rất nhiều nhưng không làm được bao nhiêu. Họ dung túng cho bản thân nhưng lại nghiêm khắc và bắt bẻ người khác.   Ngoài ra, chúng ta ngheThánh Giacôbê đã nói một câu chí lý: “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Ga 2,26).

Thực sự, con người ở đời ai chẳng muốn cho mình được nâng cao, được khen, được có chút danh vọng. Điều ước mơ ấy cũng là khuynh hướng chung của con người. Nhưng nói xấu, phê bình chỉ trích người khác, hay tìm cách hạ uy tín của người khác để tự nâng mình lên là những con người đang ngấm ngầm che dấu đời sống không tốt và những thói hư, tật xấu, những sự yếu kém của mình, không dám đương đầu với sự thật nơi con người của chính mình.  Bài học mà Chúa dạy chúng ta hôm nay được tóm tắt trong câu: “Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi” và Chúa nhất mạnh: “Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Ông bà anh chị em thân mến. Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta. Chúa đã sống và thực hành những điều Chúa truyền dạy chúng ta.  Ngài vốn là Thiên Chúa nhưng đã tự hạ mình, sống kiếp phàm nhân ngoại trừ tội lỗi. Ngài đã coi chúng ta như bạn hữu, như anh chi em. Chúa yêu thương các môn đệ, yêu thương chúng ta tới cùng, yêu thương đến chết và chết trên thập giá. Như thế, quan niệm của Chúa Giêsu làm lớn là trở nên nhỏ bé và phục vụ mọi người. Người đã làm gương cúi xuống rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly.
Do đó câu hỏi mà mỗi người chúng ta đặt ra và phải thành thực trả lời là: chúng ta có sống công bằng và chân thành để xây dựng Nước Thiên Chúa không?  Chúng ta có thật lòng sống đạo, sống đức tin, sống lời Chúa, và việc sống, việc thực hành lời Chúa của chúng ta có là một đóng góp cho việc hợp nhất, thương yêu, đổi mới, sám hối, hòa giải trong cộng đoàn hay giáo xứ của chúng ta hay không ? Chúng ta có thành thật xây dựng Giáo Hội, xây dựng giáo xứ không?  bởi vì mỗi người là thành phần của Giáo Hội, của Thân Thể Chúa Kitô, của giáo xứ, và mọi người trong cộng đoàn phải là ánh sáng đức tin soi dọi cho người khác.

Ông bà anh chị em thân mến.  Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống khiêm nhường phục vụ Chúa, và chân thành với chính mình, với người khác, với Thiên Chúa.  Tư tưởng của chúng ta phải đi đôi với lời nói. Lời nói đi đôi với việc làm. Cả ba lãnh vực tư tưởng, lời nói, việc làm đều phải diễn tả sự trung thực và chân thành.  Chúng ta cầu xin cho mỗi một người chúng ta biết nhận ra điều quan trọng nhất trong đời sống Kitô hữu:  là chúng ta phải thánh hóa, dìm mình trong Chúa Giêsu và Lời của Người, để đời sống cũng như những việc hy sinh, phục vụ và đóng góp xây dựng Nước Thiên Chúa của chúng ta trở nên chân thật, đẹp lòng Chúa và mang lại những ơn lành hồn xác cho chúng ta. Amen.

Lm. Antôn, giáo xứ Thánh Giuse, Tulsa, OK

 

 

Exit mobile version