Chúa nhật 30 Thường Niên Năm B_2012.
Ông bà anh chị em thân mến. Đôi mắt là một trong những bộ phận quan trọng nhất trong thân thể con người. Đôi mắt giúp chúng ta nhận ra được những vật chung quanh, phân biệt được màu sắc, và quan trọng nhất là giúp chúng ta tiếp xúc được với xã hội bên ngoài và có cuộc sống bình thường như mọi người. Thông thường thì chúng ta ít để ý tới sự quan trọng và cần thiết của đôi mắt, nhưng khi bị đau mắt hay bị mờ mắt thì chúng ta mới nhận ra sự cần thiết và quan trọng to lớn của đôi mắt. Mù làm mất khả năng nhìn của đôi mắt. Có người bị mù vì bệnh và có người bị mù bẩm sinh. Như chúng ta đã biết, hàng năm có các em khiếm thị ở trung tâm khiếm thị Nhật Hồng, do các sơ Mến Thánh Giá Thủ Đức, Việt Nam đảm trách, đến thăm viếng cộng đoàn chúng ta. Cuộc sống của các em thật là tội nghiệp và đáng thương. Tôi biết chắc chắn qua lòng quảng đại và bác ái của ông bà anh chị em, các em cảm nhận được tình yêu của Chúa và cuộc sống tốt đẹp và có ý nghĩa hơn.
Người mù không phải thời nay mới có mà đã có từ ngàn xưa, và chúng ta biết trong Tin mừng, Chúa Giê-su đã chữa cho nhiều người mù được sáng mắt. Chẳng hạn như trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa chữa cho một người mù có tên là Ba-ti-mê nhìn thấy được. Người mù này ngồi ăn xin tại cổng thành Giê-ri-cô. Là một người mù, cho nên anh ao ước nhìn được những khuôn mặt của người thân yêu, mơ ước được nhìn thấy cảnh vật chung quanh, và ước mơ có công ăn việc làm để có cuộc sống bình thường như những người khác. Thế nhưng năm tháng ngày giờ qua đi, anh phải sống kiếp mù lòa, lang thang lần mò đi chỗ này, chỗ nọ ăn xin để sống qua ngày. Hôm nay, nghe biết Chúa Giê-su đi ngang qua, anh can đảm lên tiếng kêu xin Chúa cứu chữa. Những người chung quanh cấm anh, nhưng anh càng kêu lớn tiếng hơn. Và cũng hôm nay anh không xin tiền, xin gạo hay xin bánh như mọi khi, nhưng anh xin ánh sáng, xin được thấy. Có lẽ anh đã nghe được tin đồn về những phép lạ Chúa đã làm ở những nơi khác. Và thật may mắn cho anh, cơ hội mà anh đang mơ ước xuất hiện. Do đó khi nghe tiếng Chúa Giê-su gọi anh đến với Ngài, anh vội vã đứng lên, vứt áo choàng dơ bẩn bên ngoài đã phủ che cuộc đời của anh bấy lâu nay, chạy đến phía Chúa. Lời kêu xin và thái độ của anh cho chúng ta thấy lòng tin tưởng sâu xa và mạnh mẽ vào quyền năng của Chúa. Và chúng ta cũng nhận ra chính vì lòng tin này của anh mà Chúa Giê-su đã cứu chữa anh.
Ông bà anh chị em thân mến. Phép lạ Chúa Giê-su chữa cho anh mù này được sáng, biểu lộ tình yêu và lòng nhân từ của Chúa đến với những người đang sống trong cảnh bất hạnh, thương tâm, đau khổ, và nhất là đem ơn sủng cứu độ cho những người đang sống trong bóng tối tội lỗi và vô vọng. Nếu họ có một niềm tin tưởng mạnh mẽ vào Chúa, thành tâm lắng nghe lời Chúa kêu gọi, và nhất là đáp trả lại lời Chúa mời gọi, thì chắc chắn Chúa sẽ cứu giúp họ. Và đó cũng là chủ đích và ý nghĩa của những bài Kinh thánh Chúa nhật hôm nay.
Trong bài đọc I, ngôn sứ Giê-rê-mi-a ca ngợi tấm lòng yêu thương và nhân từ của Thiên Chúa, sẽ giải thoát và dẫn đưa những người Do thái lưu đày trong đời sống nô lệ, đau khổ trở về quê cha đất tổ. Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu thương và nhân từ của một người cha nhân lành đối với họ. Chúng ta biết, Giê-rê-mi-a thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình ở Giê-ru-sa-lem vào khoảng những năm 600 năm trước Chúa Ki-tô. Ông đã chứng kiến cảnh dân chúng bị dày xéo, nước mất nhà tan, cảnh hoang tàn đổ nát của thành thánh Giê-ru-sa-lem thân yêu khi quân Ba-by-lon xâm lăng, và cảnh dân chúng bị bắt đem đi lưu dày. Đây là thảm họa mà ông đã cảnh báo cho mọi người biết trước, nhưng đồng bào của ông đã cố tình từ chối, bịt tai, dửng dưng không nghe những lời của ông khuyến cáo. Do đó biến cố bi thảm này đã xảy đến. Thế nhưng Ngôn sứ Giê-rê-mi-a vẫn tràn đầy hy vọng. Ông luôn tin tưởng vào lòng yêu thương muôn thuở và nhân từ của Thiên Chúa đã hứa trong giao ước. Ông nhận biết rằng tuy dân chúng đã phạm tội phản nghịch, nhưng họ sẽ được Thiên Chúa nhân từ cứu thoát khỏi cảnh nô lệ, lưu vong trở về quê hương.
Bài đọc 2 trích thư gởi các tín hữu Do thái mà chúng ta vừa nghe quả quyết sứ vụ của Chúa Giê-su Ki tô, vị Trung Gian, vị Thượng Tế trực tiếp, là thể hiện lòng yêu thương và nhân từ củaThiên Chúa cho nhân loại, và là máng chuyển ơn sủng cứu độ của Thiên Chúa đến con người.
Như chúng ta đã nghe trong bài Tin mừng, Chúa Giê-su đã không thể làm ngơ trước những tiếng kêu xin của người mù nầy được. Lòng tin mạnh mẽ của anh đã nói lên ước nguyện của mình: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy.” Và chính vì lòng tin này mà Chúa Giê-su đã thể hiện tình yêu và lòng nhân từ của Thiên Chúa bằng cách cứu chữa anh khỏi cảnh mù lòa của thể xác, và nhất là ban cho anh ơn cứu độ mà Ngài đem đến nữa.
Ông bà anh chị em thân mến. Bị mù thể xác là một điều đáng thương, nhưng không đáng sợ bằng mù quáng tinh thần, vì người mù loà chẳng làm hại ai, còn người mù quáng tinh thần thì có thể gây ra nhiều điều tai hại cho mình, cho gia đình và cho xã hội. Những bậc ông bà, cha mẹ trong gia đình mà mù quáng thì thật là khốn khổ cho con cái, cháu chắt. Những sự kiêu căng, ích kỷ, tự ái, tham lam, nghiện ngập và cứng lòng thường đưa con người tới sự mù quang. Mù quáng tinh thần giới hạn lương tâm và nhiều khi làm cho lương tâm mất đi khả năng phán đoán, phân biệt phải- trái, tốt lành- tội lỗi, và giả dối-sự thật. Người mù quáng ít khi tự biết, tự nhận là mình mù quáng, vì thế việc chữa trị lại càng khó khăn hơn, chỉ còn nhờ vào ơn sủng
Có một câu truyện mù quáng điển hình được Kinh Thánh ghi lại như sau:
Đa-vít là vị vua khôn ngoan, dũng cảm và đức độ; thế nhưng nhà vua cũng có lúc bị mù quáng nghiêm trọng. Dù đã có nhiều thê thiếp nhưng vua lại mê đắm bà Bát-sa-bê là vợ của Uria, và sau đó lại mượn tay quân thù giết chết Uria ngoài mặt trận, để rồi chính thức cưới lấy bà Bát-sa-bê làm vợ.
Vua Đa-vít đã phạm hai tội ác: tội ngoại tình và tội giết người. Thế nhưng vua vẫn ung dung như không có gì xảy ra. Sau đó, Thiên Chúa sai ngôn sứ Na-tan đến cảnh tỉnh nhà vua. Vị ngôn sứ đã kể cho vua câu truyện: Trong thành kia, có một người giàu có đến cả ngàn dê cừu. Trong khi đó, bên cạnh nhà ông ta có một ông lão nghèo khó và cô độc, chỉ có một con chiên nhỏ làm bạn cho vui tuổi già. Ông lão thương con chiên đó như con gái của ông. Ông cho chiên ăn trên tay và cho ở trong nhà. Thế rồi một ngày kia người giàu có khách, ông ta không chịu bắt chiên mình thiết tiệc, trái lại, cho tôi tớ qua nhà ông lão nghèo khổ bắt con chiên độc nhất của ông nầy làm thịt đãi khách. Nghe đến đây, vua Đa-vít bừng bừng nổi giận. Vua muốn trừng trị tức khắc tên bất lương đó. Bấy giờ ngôn sứ Na-tan can đảm và thẳng thắn cho vua biết tên bất lương đó chính là nhà vua: vua đã có nhiều vợ con, thê thiếp lại đang tâm sát hại Uria và cướp lấy vợ ông ta! Bấy giờ vua Đa-vít mới bừng sáng mắt, thấy rõ tội ác của mình nên đã khiêm nhường ăn năn thống thiết.
Ông bà anh chị em thân mến. Chúng ta cảm tạ Chúa đã cho cho chúng ta cặp mắt sáng, nhưng chúng ta hãy tự hỏi: “Có bị mù quáng về tinh thần hay không?” Trong Năm Đức Tin này, chúng ta cầu xin Chúa giúp mỗi người chúng ta nhận ra tình trạng đời sống đức tin, đời sống đạo của chính mình. Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra được tình trạng mù quáng của mình, có lòng khao khát tìm đến Chúa, để được Chúa Giê-su cứu chữa hay không?
Người mù trong Tin Mừng hôm nay có lòng khao khát thoát khỏi cảnh mù loà cách mãnh liệt, cho nên khi nghe biết có Chúa Giê-su đi ngang qua, anh liền cất tiếng kêu to: “Hỡi ông Giê-su Con vua Đa-vít, xin hãy thương xót tôi.” Sau đó anh đã can đảm quăng cái áo choàng dơ bẩn đó lại và đến với Chúa. Do đó, muốn được chữa lành bệnh mù quáng, chúng ta phải có lòng tin mãnh liệt và có lòng khao khát được ánh sáng như anh mù Ba-ti-mê, và can đảm lột bỏ cái áo dơ bẩn đi, và đến với Chúa. Lòng khao khát đó sẽ thúc đẩy chúng ta đến với Chúa Giê-su là Ánh Sáng đích thật, và Ánh Sáng của Người sẽ xoá tan sự mù quáng đang che phủ tâm trí và cuộc đời của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta sẽ được giải thoát khỏi bóng tối tội lỗi và lầm lạc. Một điểm quan trọng trong bài Tin mừng mà chúng ta phải chú ý là sau khi Ba-ti-mê được Chúa ban ánh sáng, anh đã từ bỏ con đường cũ, đời sống cũ và đi theo Chúa, để chia sẻ, làm chứng điều lạ lùng mà Chúa đã làm cho anh, và tuyên xưng đức tin cho mọi người. Chúng ta cầu xin ánh sáng lời Chúa chiếu sáng vào trong tâm trí, soi dẫn cho chúng ta thấy được con đường đức tin chính trực và can đảm tuyên xưng đức tin của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày.