Ông bà anh chị em thân mến. Theo Kinh thánh, món quà đầu tiên Thiên Chúa tạo dựng nên đó là ánh sáng. Sau đó khi tạo nên những sinh vật khác như cá, chim, bò, những loài bò sát, thu vật và con người, Thiên Chúa đã ban cho đôi mắt để thấy, chiêm ngưỡng những kỳ công do ánh sáng chiếu soi mà tri ân cảm tạ Người. Thiên Chúa cũng ban cho con người bộ óc để chúng ta nhận biết và giải thích được ít hay nhiều, những sự kiện chúng ta thấy. Qua sự tưởng tượng, sự sáng tạo và lý luận của bộ óc, chúng ta còn có thể nhìn thấy trước những gì chưa hiện hữu, chưa thành tựu. Thí dụ như khi thực hiện hay nghiên cứu vấn đề hay kế hoạch gì, qua ánh sáng và sự suy xét của của bộ óc, chúng ta có thể nói, “Tôi thấy được phải làm như thế nào” hay “ Tôi có thể thấy được kết quả sẽ ra sao” hay “Tôi có thể nhìn thấy hình dáng như thế nào” hay “Tôi đã nhìn thấy được giải đáp, câu trả lời.”
Và sự kiện thấy được điều gì trước bằng con mắt trí óc cũng có thể áp dụng vào lãnh vực tâm linh. Thánh Mát-thêu trong bài Tin mừng hôm nay diễn tả sứ vụ của Chúa Giê-su qua lời của ngôn sứ I-sa-i-a tiên báo trước, “Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng” (Mt. 4, 16), và được Chúa Giê-su xác định, Người nói, “Ta là sự sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có sự sáng ban sự sống.” (Ga. 8, 12) Thần học Kinh thánh mạc khải cho chúng ta biết Chúa Giê-su, là ánh sáng của Thiên Chúa, đồng nhất và đồng nghĩa với sự sáng của Thiên Chúa tạo dựng và ban cho chúng ta.
Ông bà anh chị em thân mến. Khi đời sống của chúng ta được sự sáng này dẫn dắt, soi đường thì được gọi là cuộc sống “đức tin”, và đức tin thì không gì khác hơn là một cách nhìn bằng con mắt của Thiên Chúa. Đức tin cho chúng ta thấy, hay có một viễn tượng về cùng đích chúng ta sẽ đến mà không thể thấy được bằng con mắt xác thịt, hay con mắt trí óc. Chúng ta thấy được bằng cách lắng nghe lời Chúa. Và lời Chúa chúng ta nghe còn cho chúng ta biết: lý do tại sao chúng ta được tạo dựng nên; chúng ta phải sống như thế nào; chúng ta phải đối xử với người khác ra sao, và sau khi chết sự gì sẽ xảy ra. Đây là những viễn tượng có khi rất rõ ràng như khi Chúa Giê-su giảng dạy về sự quan trọng của lòng mến Chúa, yêu người. Nhưng có những viễn tượng khó hiểu hay mờ ảo, thí dụ như khi thánh Phao-lô nói về đời sống ngày sau, ngài nói, “hiện giờ, chúng ta thấy mờ mịt qua tấm gương.” (1Cr, 13, 16)
Do đó, đức tin là một cách thấy qua lời Chúa nói với chúng ta, và trong nhiều trường hợp, điều gì chúng ta thấy qua đức tin đối nghịch với điều chúng ta thấy bằng con mắt thường, thí dụ như lời Chúa phán, “Đây là Mình Thầy. Đây là máu Thầy.” Đối nghịch, nhưng chúng ta quyết định tin vào lời Chúa. Chúng ta hãy thử suy nghĩ: nếu thế giới, xã hội, gia đình, cộng đoàn hay chúng ta để cho sự sáng mà Chúa Giê-su đã mang đến, chiếu soi vào trong trí óc, trái tim và cuộc sống, thì kết quả sẽ ra sao!
Ông bà anh chị em thân mến. Khi chúng ta chịu phép rửa tội hay Bí tích Thánh tẩy, chúng ta nhận một cây nến và linh mục nói, “Hãy nhận ánh sáng Chúa Ki-tô.” Đối với hầu hết chúng ta, cây nến này được trao cho cha mẹ hay người đỡ đầu, và họ có trách nhiệm, bổn phận giúp chúng ta sống ánh sáng của cây nến đó. Thật sự, chúng ta đang có ánh sáng đó, nếu không, chúng ta đã không hiện diện trong nhà thờ này hôm nay. Và tôi thật tình ca ngợi, cảm phục tất cả ông bà anh chị em về điều đó. Nhưng chúng ta không thể cất dấu ánh sáng đó dưới gầm bàn hay để vào tủ đóng kín, vì qua Bí tích Thêm sức, chúng ta được ủy thác, hay được sai đem ánh sáng đó đến cho người khác. Chúng ta nghe Chúa Giê-su không những phán rằng, “Ta là sự sáng của thế gian” (Ga. 8, 12) mà Người còn nói, “Các con là ánh sáng cho thế gian.” (Mt. 5, 14)
Trong bài Tin mừng hôm nay, liền sau khi kêu gọi mọi người hãy “hối cải vì Nước Trời đã gần đến”, Chúa Giê-su đã kêu gọi 4 môn đệ đầu tiên để một ngày kia, họ sẽ thắp lên trong đời sống mọi người ngọn ánh sáng của Chúa Ki-tô, và các môn đệ đã thực hiện trọn vẹn công tác Chúa đã trao phó được hơn 2 ngàn năm qua. Sau đó các môn đệ đã giao ánh sáng của Chúa Ki-tô cho người khác, và từ người nọ chuyển đến người kia, cuối cùng đến chúng ta. Chúng ta có đức tin, có ánh sáng của Chúa Ki-tô, vì người khác đã dẫn chúng ta đến, hay với đa số chúng ta, ông bà hay cha mẹ chúng ta là những người đã hướng dẫn chúng ta. Và nếu những thế hệ tương lai, trong đó có con cái, cháu chắt chúng ta, hay người khác muốn đến hay có ánh sáng Chúa Ki-tô, thì hoàn toàn tùy thuộc vào tất cả chúng ta hôm nay. Chúng ta phải chia sẻ ánh sáng của Chúa Ki-tô mà chúng ta đã nhận lãnh với người khác. Chúng ta không được kêu gọi trở thành những nhà truyền giáo, hay những người có trách nhiệm rao giảng công khai, nhưng chúng ta có thể làm công việc đó bằng cuộc sống trung thành với giáo huấn lời Chúa; bằng cuộc sống ngay thẳng, thành thật; bằng cuộc sống hy sinh phục vụ; bằng đời sống bác ái, quảng đại; và bằng cuộc sống yêu thương, hiệp nhất trong cộng đoàn giáo xứ, là Thân Thể Chúa Ki-tô, để xây dựng và làm sáng danh Chúa. Nếu chúng ta muốn có sự yêu thương và đồng tâm hiệp nhất, chúng ta phải tránh những sự ghanh ghét, đố kỵ, phe nhóm, chia rẽ, bất đồng mà thánh Phao-lô đã nhắc tới trong bài đọc 2 hôm nay.
Trong bài giảng Thánh Lễ sáng Thứ Năm, ngày 23 tháng Giêng vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về ghen tương và đố kỵ, như những cánh cửa, mà qua đó, ma quỷ xâm nhập vào thế giới, cộng đoàn. Ngài còn nhấn mạnh rằng, “Ghen tương và đố kỵ mở tung cửa cho mọi điều ác, gây ra xung đột thậm chí giữa các tín hữu với nhau.” Đức Thánh Cha đã đề cập một cách rõ ràng cuộc sống của các cộng đồng Kitô giáo, và nhấn mạnh rằng “khi một số thành viên ghen tương và đố kỵ, các cộng đoàn này kết thúc trong chia rẽ.” Đức Thánh Cha Phanxicô gọi sự chia rẽ này là một “chất độc cực mạnh”, tương tự như chất độc được tìm thấy trong những trang đầu tiên của Kinh Thánh, trong trình thuật về câu chuyện của Ca-in và A-bel .
Ông bà anh chị em thân mến. Thiên Chúa đã ban nhiều ơn sủng cho chúng ta bằng nhiều cách. Một trong những lý do mà chúng ta tham dự Thánh lễ hôm nay là để cảm tạ, tri ân Chúa. Thiên Chúa đã tạo ra ánh sáng, và ban cho chúng ta con mắt để thấy, nhìn được qua ánh sáng. Nhưng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một món quà vĩ đại nhất, khi Ngài sai chính Con Thiên Chúa, là Chúa Giê-su và là ánh sáng của Thiên Chúa, xuống trần, và ban cho chúng ta khả năng thấy, nhìn và nghe để tin và nhận được ánh sáng của Thiên Chúa. Chính Chúa Giê-su là Ánh Sáng chiếu soi vào cuộc sống của chúng ta cho đến muôn đời. Chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta nghe lời Chúa kêu gọi, can đảm ăn năn sám hối, từ bỏ những sự ghanh ghét, những sự gây chia rẽ, tranh chấp, tự cao và kiêu căng ra khỏi đời sống, để ánh sáng của Chúa Ki-tô chiếu sáng vào cuộc sống chúng ta, và đến với người khác, để cùng đồng hành với chúng ta trong ánh sáng của Chúa Ki-tô đến hạnh phúc vĩnh cửu muôn đời.
Lm. Antôn, giáo xứ Giuse, Tulsa