Chúa nhật 29 Thường niên Năm B_2012

92

Chúa nhật 29 Thường niên Năm B_2012

Ông bà anh chị em thân mến. Trong sách ngôn sứ I-sa-i-a có 4 đoạn văn đặc biệt, từ chương 42 đến 53 được gọi là “Bài Ca Người Tôi Trung.” Hai chữ tôi trung được viết ngắn gọi bởi hai thành ngữ tôi tớ và trung tín. Những bài ca này được viết vào khoảng 500 năm trước sinh nhật của Chúa Giê-su, và ám chỉ đến một người tôi tớ huyền bí củaThiên Chúa. Sự trung thành và đau khổ của Người Tôi Tớ này sẽ đem đến ơn cứu độ cho nhiều người. Mỗi một bài ca, diễn tả một cách chính xác lạ lùng công việc của Chúa Giê-su đã sinh ra 500 năm sau này. Chúng ta nghe 4 bài ca này trong Tuần Thánh, nhưng cách đây 4 tuần, chúng ta nghe phần một Bài Ca Người Tôi Trung. Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta nghe phần cuối bởi vì ý nghĩa cũng như chủ đích đi song song với lời của Chúa Giê-su nói với các môn đệ rằng Chúa đến không để được phục vụ nhưng để phục vụ.
Nếu mà chúng ta chú ý đến Tin mừng của thánh Mác-cô, thì đoạn văn trước bài Tin mừng hôm này, Chúa Giê-su đã báo cho các môn đệ biết 3 lần về sự thương khó và sống lại của Ngài sẽ sắp xảy ra. Nhưng cả 3 lần, các môn đệ không hiểu một tí gì về ý nghĩa lời tuyên bố của Chúa. Lần đầu thánh Phê-rô đã quở trách Chúa điều Chúa tuyên bố không thể xảy ra được. Sau lần tuyên bố thứ hai, các môn đệ đã tranh cãi với nhau ai là người lớn nhất, và sau lần thứ ba này, hai môn đệ Gia-cô-bê và Gio-an đã nói với Chúa, “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con muốn xin.” Các ông đã không để ý và không hiểu biết gì về lời Chúa vừa mới tuyên bố với các ông. Nhưng chúng ta thấy Chúa đã nhân từ hỏi lại các ông, “Các con muốn Thầy làm gì cho các con.” Chúng ta biết Gia-cô-bê và Gioan là 2 người trong số những môn đệ được Chúa gọi trước nhất, cũng là 2 môn đệ cùng với Phê-rô được chứng kiến phép lạ Chúa làm cho con gái ông Gia-rút sống lại, và được chứng kiến cảnh Chúa biến hình trên núi. Vì vậy cho nên, nay hai ông muốn Chúa làm điều các ông xin là cho hai ông một người ngồi một bên tả một bên hữu của Chúa trong nước Chúa sắp đến. Và Chúa đã cho các ông biết, điều các ông xin sẽ đi theo những sự đau khổ, đó là uống chén đắng, và hơn nữa điều xin đó không tùy thuộc vào Ngài quyết định, nhưng vào Thiên Chúa Cha đã chỉ định. Nếu chúng ta thành thật nhìn nhận, có lẽ đã có những lúc, chúng ta mạnh dạn thưa với Chúa, “Xin Chúa hãy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin.” Nhưng thử hỏi, chúng ta đã làm gì cho Chúa hoặc sống ra sao mà chúng ta dám mạnh bạo hỏi Chúa như thế! Và Chúa đã dùng cơ hội này để dạy các môn đệ và chúng ta một bài học quan trọng trong đời sống Ki-tô hữu, đó là muốn trở nên quan trọng nhất và lớn nhất thì không phải phục vụ cho chính mình, nhưng cho tha nhân như Chúa đã đến để làm công việc đó.
Chúng ta nhận thấy ngày nay trong mọi công việc, người ta thường đề cập đến chữ phục vụ như: tổng thống hay cảnh sát phục vụ người dân, thầy cô giáo phục vụ học sinh, cha mẹ phục vụ con cái. Nhưng nếu một tổng thống không đem lại cho dân một nền kinh tế vững chắc, không xây dựng tự do hay sự yên ổn, hay không tạo một tinh thần yêu nước chân chính, thì không phải là vị tổng thống phục vụ tốt, hay công việc không phục vụ không có hiệu quả tốt. Một người cảnh sát mà không ngăn chặn người trộm và hay đàn áp dân, thì là người không tốt và không phục vụ ai. Người thầy hay cô giáo mà để học sinh gian dối bài vở hay không làm bài, hoặc không có sự tận tâm thì không phải là người thày cô chính đáng. Cũng thế một người cha hay người mẹ mà để cho con cái muốn cái gì tùy ý, hay làm gì thì làm theo ý chúng, thì là một người cha mẹ không khéo léo hay không biết dạy dỗ con cái.
Chúng ta cũng biết rằng, phục vụ người khác thì thường không chiếm được lòng mến mộ hay ưa thích của người khác. Và Chúa Giê-su biết được Chúa có nhiều người thù oán, ghen ghét và chê bai khi làm những công việc như chữa lành, dạy dỗ, diệt trừ sự dữ và trục xuất ma quỉ dữ. Nhưng Chúa đã hy sinh và tự nguyện nhận chịu những đau khổ như thù ghét, hiểu lầm, vô ơn và phản bội để phục vụ nhân loại.
Ông bà anh chị em thân mến. Chúng ta tự hỏi, “Vì sao, tại sao Chúa phải nhận chịu những điều đó?” Thưa câu trả lời là: không có lý do gì hơn ngoài hai chữ yêu thương. Yêu thương của Chúa không phải là cảm tình hay cảm giác nhất thời, nhưng là một ước nguyện phục vụ, thực hiện điều gì làm được để giúp đỡ người khác. Và đó cũng là sự yêu thương trong giới răn mới mà Chúa gởi gấm lại cho các môn đệ, “Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con hãy yêu thương nhau.” Và trong Bữa Tiệc Ly, Chúa đã tỏ hiện ý nghĩa sâu xa của sự yêu thương này mà trong suốt cuộc đời Chúa đã cố gắng dạy các môn đệ bằng cách rửa chân cho từng người trong các ông. Sau đó Chúa nói với các môn đệ, “Các con có hiểu việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa mà Ta còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau.” Chúa đã cho các ông một tấm gương khiêm nhường phục vụ.
Trong thế giới này bao gồm những người cho và những người nhận. Chúng ta thấy điều này trong sự liên hệ quốc gia, xã hội và gia đình. Và chúng thấy rất nhiều và rõ ràng trong giáo hội và giáo xứ. Là những Ki-tô hữu và môn đệ của Chúa Ki-tô, chúng ta được kêu gọi trở thành những người cho, những người phục vụ. Có một người bị bệnh ung thư rất đau đớn về thể xác, nhưng ông đã cho biết rằng ông đối diện với sự đau đớn này trong sự bình an và thanh thản. Ông tâm sự rằng một trong những điều tạo sự bình an trong tâm hồn của ông là trong cuộc sống của ông luôn luôn cố gắng cho đi nhiều hơn nhận.
Ông bà anh chị em thân mến. Trong đời sống Ki-tô hữu, chúng ta nhận biết phục vụ thường đi đôi với đau khổ hay hy sinh và thiệt thòi, vì 3 lý do sau đây. Lý do thứ nhất, phục vụ luôn đi đôi với đau khổ bởi vì chúng ta không thể nào giúp đỡ kẻ khác mà không phải hy sinh. Thí dụ như cha mẹ muốn phục vụ con cái một cách tốt đẹp thì phải hy sinh, phải trả một giá, nhiều khi thật đắt, nhưng vui mừng vì con cái có đời sống tốt đẹp. Trong việc làm sáng danh Chúa cũng vậy, chúng ta phải chịu thiệt thòi và hy sinh thời giờ, tài năng hay tài chánh, nhưng không buồn khổ, nhưng trong sự vui mừng vì chúng ta biết rằng mọi sự chúng ta có là của Chúa, và những sự hy sinh thiệt thòi này sẽ làm sáng danh Chúa. Như chúng ta biết bất cứ công việc nào làm sáng danh Chúa, cũng đòi hỏi sự hy sinh và thiệt thòi. Lý do thứ hai, đau khổ và phục vụ đi đôi với nhau, vì như Chúa dùng sự đau khổ để cứu rỗi nhân loại, thì sự đau khổ của chúng ta sẽ được kết hợp mật thiết với Chúa để đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Sự hy sinh đau khổ của Chúa là do thánh ý Thiên Chúa Cha và vì yêu thương muốn cứu độ con người tội lỗi. Lý do thứ ba, phục vụ và đau khổ thường đi đôi với nhau vì khi phục vụ, chúng ta chia sẽ sự đau khổ của người mà chúng ta phục vụ, làm cho sự đau khổ của họ giảm bớt đi.
Cho nên thưa ông bà anh chị em. Chúng ta cầu xin Chúa giúp thứ nhất là những Ki-tô hữu trong cộng đồng dân Chúa, biết từ bỏ những sự kiêu căng, tự ái và ích kỷ, để hiệp nhất, hy sinh phục vụ mọi người, nhất là phục vụ Chúa và làm sáng danh Chúa. Thứ hai là nhưng Ki-tô hữu, chúng ta phải biết cho đi nhiều hơn là nhận vào, vì khi cho đi là khi chúng ta chia sẻ tình yêu Chúa với mọi người. Và thứ ba,Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và Chúa cũng muốn chúng ta yêu thương nhau để xây dựng Nước Chúa và làm sáng danh Chúa.  Trong Năm Đức Tin này, chúng ta cũng xin Chúa giúp chúng ta biết tuyên xưng tình yêu Chúa trong đời sống, qua sự phục vụ anh chị em, để mọi người cùng nhận biết, tin và tôn thờ Chúa.

Lm. Antôn, giáo xứ Giuse, Tulsa