Ông bà anh chị em thân mến. Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su chữa 10 người phong cùi được lạnh sạch. Những người phong cùi thời xưa hay ngày nay cũng vậy phải sống xa gia đình, người thân, cộng đoàn hay xã hội vì sợ lây lan. Họ không được tham dự những ngày lễ hay sinh hoạt chung với tất cả mọi người. Họ không được làm việc mà phải sống nhờ xin xỏ. Họ phải lưu ý hay cảnh báo người khác không được đến gần mà phải tránh xa họ. Khi Chúa bảo họ đến trình tư tế là Chúa muốn thể hiện ý định chữa cho họ lành sạch. Họ không đi trình tư tế vì những lý do gì khác hơn là để các tư tế tuyên bố công khai họ đã lành sạch, và có một đời sống bình thường như những người khác. Là Con Thiên Chúa, bất cứ điều gì Chúa nói, Chúa phán đều thật sự xảy ra, cho dù là chữa những người bệnh được lành, làm cho bão gió yên lặng, hay người chết sống lại. Và đó là lý do tại sao chúng ta tin vào lời Chúa nói: “Đây là thịt Ta, đây là máu Ta.” Bánh và rượu thật sự trở nên Mình và Máu Thánh Chúa!
Ông bà anh chị em thân mến. Chúng ta tin Chúa Giê-su tiếp tục thể hiện quyền năng của Người qua giáo hội. Chúa ban cho chúng ta những Bí tích để tăng thêm sức mạnh đức tin phần hồn, và bình an, lành mạnh phần xác. Dĩ nhiên chúng ta cầu nguyện, nhưng các Bí tích tăng thêm sức mạnh hợp với lời cầu nguyện. Bí tích mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là Bí tích Xức dầu thánh. Như ông bà anh chị em đã biết, các linh mục cử hành Bí tích Xức dầu thánh cho những người đau bệnh trong bệnh viện, tại gia đình, hay bất cứ ở đâu, và trong các Thứ Bảy thứ hai hàng tháng, trong Thánh lễ 5 giờ 30 tại giáo xứ như chiều hôm nay, tôi sẽ cử hành nghi thức xức dầu thánh cho những người đau yếu. Khi chúng ta cầu nguyện với lòng tin, nhiều sự tốt lành sẽ xảy đến, nhưng chúng ta phải kiên nhẫn, đó là một phương cách Chúa dạy chúng ta cầu nguyện- cầu nguyện liên nỉ và kiên nhẫn. Nhiều người đã bỏ cầu nguyện khi không được như ý ngay lập tức.
Qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa cũng dạy chúng ta một bài học rất quan trọng mà tôi phải nhắc đến, đó là lòng cảm tạ, tri ân. Có một câu chuyện đã được đăng trong một tuần báo, về một người đàn ông câu cá vào một buổi tối trong vịnh bằng một con thuyền nhỏ. Đêm đã về khuya và mọi vật đều yên tĩnh, ngoại trừ một người trên một du thuyền đắt tiền đậu giữa vịnh đang uống rượu, hình như hơi say, và thỉnh thoảng la to những câu dận dữ và chửi thề, khuấy động sự yên tĩnh của màn đêm. Người câu cá không chú ý tới người đàn ông say rượu, nhưng chú ý vào việc câu cá của mình.
Thình lình ông ta nghe một tiếng động thật mạnh trên mặt nước. Ngoảnh mặt lại và dưới ánh trăng sáng, người câu cá thấy người đàn ông trên du thuyền đã rớt xuống biển và đang chới với. Người câu cá vội vã cởi quần áo ngoài, nhảy xuống nước và bơi đến người đàn ông, dùng hết sức mình kéo được người đàn ông lên thuyền. Sau khi đã cứu và nâng người đàn ông lên thuyền, người câu cá thấy hơi thở của người đàn ông rất thoi thóp và dường như sắp tắt, thất kinh hoảng hồn, người câu cá vội làm hô hấp nhân tạo, và một lần nữa cứu người đàn ông tỉnh lại. Khi nhận thấy tất cả yên ổn, người câu cá liền dìu và đặt người đàn ông vào gường, sau đó trở về chiếc thuyền nhỏ của mình.
Sáng sớm hôm sau, người câu cá trở lại chiếc du thuyền để xem tình trạng của người đàn ông ra sao, có cần gì không. Người đàn ông trên chiếc du thuyền đắt tiền tỏ vẻ tức giận và chửi bới om sòm. Đến đây, người câu cá nhắc cho ông biết là đêm qua mình đã liều mạng cứu ông khỏi chết đuối. Thay vì cám ơn, người đàn ông quát tháo, ra lệnh cho người câu cá rời khỏi chiếc du thuyền đắt tiền của mình.
Người câu cá xuống thuyền của mình, bơi về mắt nhòa lệ. Ông không tin điều vừa xảy ra trước mắt mình. Ông ngước mắt lên trời than thở, “Lạy Chúa, bây giờ con mới hiểu tâm tư của Chúa như thế nào. Chúa đã tự hiến chính thân xác của Chúa trên thập giá để cứu chúng con. Nhưng như người đàn ông trên du thuyền đắt tiền, thay vì cảm tạ tri ân Chúa, chúng con là những người tội lỗi và mang ơn Chúa, đã đối xử với Chúa một cách vô ơn, ra lệnh cho Chúa ra khỏi cuộc sống, để chúng con tự sống theo ý của mình. Bây giờ con mới hiểu được tâm tư của Chúa. Và con cảm thấy đau lòng.”
Ông bà anh chị em thân mến. Câu chuyện trên đây giúp chúng ta hiểu ý nghĩa bài Tin mừng, và bài học cảm tạ, tri ân mà Chúa muốn dạy chúng ta một cách rõ ràng hơn. 10 người bị phong hủi được lành sạch, nhưng chỉ có một người trở lại cám ơn Chúa, mà người đó là người ngoại đạo Samaritan, không cùng một chủng tộc với Chúa Giê-su như 9 người vô ơn kia.
Chúng ta có thể nhận thấy trong cuộc sống con người thường hay ích kỷ, muốn người khác phải trả ơn mình, biết ơn mình, còn mình thì không để ý cám ơn hay trả ơn ai. Hơn nữa, chúng ta thường dễ quên ơn và mau quên ơn. Kẻ muốn được ơn, ban ơn thì quá nhiều, kẻ biết ơn, làm ơn, có lòng bác ái, quảng đại thì quá ít. Ngoài ra, nhiều người Ki-tô hữu chúng ta thường coi việc cầu nguyện, tham dự Thánh lễ là để xin Chúa ban ơn nọ, ơn kia, thay vì mang một tâm hồn cảm tạ, đội ơn Chúa, hay một bổn phận biết ơn phải chu toàn, có nghĩa là không đòi hỏi Chúa phải bồi hoàn, đáp trả, nhưng là một sự bày tỏ điều chúng ta nhận biết về giá trị tinh thần và vật chất đã nhận được từ Chúa.
Không phải chúng ta hoàn toàn là những người vô ơn. Lý do là vì chúng ta quá bận rộn, không có thời giờ để cảm tạ, và đôi khi chúng ta cố ý bận rộn hay vì tham lam với những công việc không cần thiết, và quyên đi hay xao lãng về món quà quí giá là đức tin, ơn sủng cứu chuộc, và bao nhiêu ơn lành khác trong đời sống mà Chúa đã thương ban cho chúng ta. Lời Chúa đặt chúng ta trước 2 sự chọn lựa: một là tiếp tục sống như 9 người được chữa lành sạch vô ơn, tiếp tục xin ơn, xin ơn và xin ơn, trở thành những người sống trong sai lầm, đặt đời sống Ki-tô trên hai chữ “xin ơn”, thay vì tìm đến Chúa, hai là noi gương ông Naaman trong bài đọc 1, và người Samaritan quay trở về với Chúa, tôn vinh, cảm tạ Chúa bằng đời sống thờ kính Chúa một cách thành tâm, bằng những việc lành bác ái, có lòng hy sinh quảng đại để tôn vinh làm sáng danh Chúa.
Lm. Antôn, giáo xứ Giuse, Tulsa