Ông bà anh chị em thân mến. Trong những bài Tin mừng các tuần vừa qua, chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu đã dùng nhiều dụ ngôn để giảng dạy về Nước Trời. Chúng ta đã được nghe những dụ ngôn viên ngọc quí, một mẻ lưới cá, ông vua tính sổ, hai người con làm vườn nho, tá điền vườn nho. Trong Tin mừng hôm nay, chúng ta nghe dụ ngôn tiệc cưới để nói lên niềm vui mừng và hạnh phúc Nước Trời, và biểu lộ tình yêu thương và lòng nhân từ của Chúa, đồng thời đánh động, khuyên bảo những người tội lỗi lắng nghe, để thay đổi cuộc sống, tiếp nhận tình yêu thương và lòng nhân từ của Chúa.
Giống như tất cả dụ ngôn của Chúa, dụ ngôn hôm nay có 3 lớp ý nghĩa. Lớp nghĩa thứ nhất là nghĩa đen. Đơn giản là câu chuyện Chúa kể. Một vị vua mở tiệc cưới cho hoàng tử. Khi những khách được mời không đến dự, vị vua đã thay thế bằng những khách khác. Lớp nghĩa thứ 2 là nghĩa bóng hay Chúa Giêsu muốn dạy điều gì cho con người nhân loại. Thí dụ như chủ đích của Chúa Giêsu dùng hình ảnh tiệc cưới để ám chỉ điều gì? Vị vua biểu hiệu cho ai? Ai là những khách được mời mà không đến? Ai là những khách thay thế họ?
Sau khi nghiên cứu dụ ngôn một cách cẩn trọng, chúng ta nhận thấy vị vua ám chỉ Thiên Chúa. Tiệc cưới ám chỉ Nước Trời. Những khách được mời là “Dân Được Chọn” hay dân Do thái, được kết hợp với Thiên Chúa trong giao ước. Cuối cùng, khách thay thế là những người tội lỗi và ngoại giáo thời đó, hay những người đã tin nhận Chúa Giê-su sau khi Dân Được Chọn từ chối Người. Đây là lớp nghĩa thứ 2 mà Chúa Giêsu muốn dạy mọi người qua câu chuyện dụ ngôn. Và bài học Chúa muốn dạy là: Nước Trời bây giờ được mở ra cho mọi người, không phải chỉ cho Dân Được Chọn mà thôi. Không ai bị loại ra kể cả những người tội lỗi và dân ngoại. Đây là một tư tưởng cách mạng, một sự dạy dỗ mới mẻ đối với người Do thái thời đó.
Đến đây chúng ta chú ý đến lớp nghĩa thứ ba, lớp nghĩa cá nhân và thực tế cho mỗi một người chúng ta đang sống trong thế giới và xã hội hôm nay. Hay nói một cách khác, bài dụ ngôn này áp dụng như thế nào vào đời sống Ki-tô hữu chúng ta hôm nay? Để có một câu trả lời chính xác, chúng ta phải chú ý đến câu cuối cùng thật ngạc nhiên trong dụ ngôn. Vị vua loại trừ một người khách thay thế ra khỏi tiệc vì không mặc y phục lễ cưới. Chúng ta có thể phóng đại lên một chút để dễ hiểu là người khách này mặc quần áo bẩn thỉu, hôi hám. Ở đây, chúng ta thắc mắc tại sao Chúa không dừng lại ở chỗ mọi người được vào dự tiệc, và tự hỏi: “Tại sao Chúa Giêsu lại thêm phần này vào câu chuyện dụ ngôn?” “Người khách không có bộ quần áo chỉnh tề này là ai?” Và “Áo cưới ám chỉ điều gì?” Chúng ta hiểu được ở đây là người khách này ám chỉ một người khách đáp trả lại lời mời của vị vua không theo ý của vua mà theo ý của mình. Họ biểu hiệu cho những người thời đó đã từ chối không mặc quần áo thích hợp khi vào cung điện nhà vua.
Ông bà anh chị em thân mến. Từ điểm này, chúng ta tìm ra được ý nghĩa cá nhân cho mỗi người Ki-tô hữu chúng ta hôm nay. Chúng ta là những người khách thay thế được Thiên Chúa mời vào dự tiệc cưới Nuớc Trời với Chúa Giêsu. Nhưng Thiên Chúa muốn cho chúng ta hiểu một cách rõ ràng là nếu chúng ta muốn dự tiệc thì chúng ta phải thực hành, sống theo ý của Thiên Chúa không phải theo ý chúng ta. Điều này có nghĩa là gì? Thưa, có nghĩa là chúng ta phải mặc y phục lễ cưới. Vậy y phục lễ cưới là gì? Chúng ta tìm được câu trả lời giải nghĩa rõ ràng về chiếc áo cưới qua 2 khía cạnh sau đây. Thứ nhất là chúng ta phải mặc lấy chính Chúa Ki-tô. Chúng ta phải thành tâm sống lời Chúa dạy để trở nên đồng dạng với Người. Có nghĩa là sống hiền từ, khiêm nhường vâng theo thánh ý Chúa Cha, sống yêu thương bác ái, hy sinh phục vụ, trở thành chứng nhân cho Chúa và quảng đại để xây dựng Nước Chúa. Và chúng ta tìm được khía cạnh thứ hai trong dụ ngôn Ngày Tận Thế mà tất cả chúng ta đều quen thuộc. Trong ngày tận thế phán xét chung, tất cả mọi người được chia làm hai nhóm trước mặt đức vua là Thiên Chúa, một nhóm đứng bên hữu và một nhóm đứng bên tả. Đức vua nói với những người đứng bên hữu, “Hãy đến hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp Nước Trời đã chuẩn bị cho các người, vì xưa ta đói các ngươi đã cho ăn, Ta khát các ngươi đã cho uống, Ta mình trần các ngươi đã cho mặc, Ta không chỗ ở, các người đã cho ở, Ta đau yếu các ngươi đã thăm viếng, Ta bị tù đày các ngươi đã thăm viếng.” Và đức vua nói với những người bên tả “Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỉ. Vì xưa Ta đói, các người không cho ăn, Ta khát, các người không cho uống, ta khách lạ, các người chẳng tiếp rước, Ta mình trần, các người không cho đồ mặc, Ta đau yếu và ở tù, các người đâu có viếng thăm Ta.”
Như vậy, ông bà anh chị em thân mến, y phục tiệc cưới mà Chúa Giêsu ám chỉ trong dụ ngôn tiệc cưới mà những người khách phải mặc để vào dự tiệc là những việc bác ái, yêu thương đối với tha nhân, nhất là đối với những người nghèo khó và những người đang sống trong cảnh khó khăn. Hay nói một cách khác, chúng ta phải sống làm sao để trở nên đồng dạng với Chúa Ki-tô.
Nói tóm lại, qua dụ ngôn này Chúa dạy bảo chúng ta tất cả chúng ta được Thiên Chúa yêu thương ban cho chúng ta nhiều ơn lành hồn xác đời này, và được mời vào dự tiệc Nước Trời đời sau. Nhưng Chúa cũng lưu ý chúng ta phải mặc một y phục lễ cưới là có đời sống theo thánh ý Thiên Chúa, có lòng bác ái, yêu thương, hy sinh và quảng đại mà chính Chúa Giê-su đã sống và dạy bảo trong Tin mừng.
Chúng ta được Thiên Chúa mời đến để quay quần chung quanh bàn tiệc thánh trong ngôi thánh đường hôm nay. Và trong giây phút nữa chúng ta sẽ lãnh nhận chính Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể vào trong tâm hồn. Xin Chúa giúp chúng ta can đảm lột bỏ chiếc áo nhơ bẩn là tội lỗi, những tánh hư nết xấu, biết mở rộng tâm hồn đón nhận Tin mừng Lời Chúa để sửa đổi đời sống, và thành tâm sống lời Chúa dạy để mặc vào một áo cưới xứng đáng, và khi chúng ta phải đứng trước mặt Đức Vua, chúng ta cầu xin được nghe “Hãy vào hưởng bàn tiệc Nước Trời đã dành sẵn cho ngươi.” Xin Thiên Chúa ban nhiều ơn lành cho mọi người chúng ta.
Lm. Antôn, giáo xứ Giuse, Tulsa