Lời Chúa Năm B Chúa nhật 27 Thường niên_B

Chúa nhật 27 Thường niên_B


Tôi còn nhớ một lần được mời tới một nhà dưỡng lão để chuẩn bị cho một cặp muốn kết hôn. Tôi đến và gặp một chàng rể đang xôn xao nóng lòng. Sau khi trò truyện, tôi hỏi ông: “Ông có yêu bà không?” Ông lão già trả lời ngắn gọn: “Không.” Tôi tiếp tục hỏi ông: “Vậy bà có phải là một người Ki-tô hữu tốt, ngoan đạo không?” Ông trả lời: “Tôi không biết rõ.” Tôi hỏi: “Vậy thì bà có phải là một người giàu không?” “Tôi không tin như vậy.” Ông trả lời. “Vậy thì tại sao ông muốn cưới bà ấy?” Tôi hỏi. Ông trả lời: “Bởi vì tôi cần một người lái xe được ban đêm.”
Ông bà anh chị em thân mến. Trong lịch sử nhân loại, có lẽ chưa bao giờ con người phải đối diện với nhiều thay đổi giá trị một cách nhanh chóng và gặp nhiều khó khăn trong đời sống hôn nhân vợ chồng như ngày nay. Như mọi người đều biết vì nhiều lý do như: tự do cá nhân quá trớn, thiếu ý thức về trách nhiệm bổn phận, lôi cuốn của tiền bạc vật chất và những sự nghiện ngập, đã làm cho nhiều gia đình vợ chồng tan rã, đưa đến ly dị. Những sự kiện này xảy ra rất nhiều ở các nước văn minh tự do như Hoa kỳ này chẳng hạn. Chúng ta thấy hôn nhân đồng tính – trái luật tự nhiên, ngược lại với mục đích quan trọng của bản chất hôn nhân là sinh sản – càng ngày càng được luật pháp của nhiều quốc gia và tiểu bang nhìn nhận. Nhiều người sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không làm đám cưới.
Trong bối cảnh xã hội này, các bài Kinh Thánh hôm nay mời gọi mọi mỗi người chúng ta phải ý thức, cảnh tỉnh, và trở lại với ý định và giá trị của hôn nhân trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa, để chúng ta cố gắng xây dựng và bảo vệ mối liên hệ một cách trong sáng, lành mạnh, tươi đẹp và thánh thiện của hôn nhân vợ chồng trong đời sống gia đình. Hôn nhân gia đình là nền tảng căn bản của xã hội, của quốc gia, của Giáo hội và của thế giới nhân loại. Tất cả chúng ta có trách nhiệm bằng cách này hay cách khác phải bảo tồn nền tảng và giá trị của hôn nhân gia đình như giáo huấn của Thiên Chúa dạy. Nếu chúng ta xây dựng và gìn giữ được môi trường gia đình hôn nhân vững chắc và có những giá trị tốt lành đạo đức thì con cái mới được nuôi dưỡng và lớn lên một cách vững mạnh, tốt đẹp và có nền tảng đạo đức.
Tôi xin mời ông bà anh chị em nghe những lời tâm sự của một thiếu niên: “Cha mẹ tôi đã ly dị, chúng tôi sống với mẹ. Mẹ chúng tôi đã tận lực nuôi dưỡng chúng tôi. Tôi buồn giận cha tôi lắm, tuy nhiên tôi thấy thiếu vắng cha tôi kinh khủng. Tôi đã khóc, và tôi còn khóc, nhưng không ai biết… Tôi nằm lăn ra đất vì đau khổ, vì bị xung đột khủng khiếp. Tôi muốn tìm cách báo thù: chống lại cha tôi, chống lại mẹ tôi, chống lại mọi người, chống lại xã hội và chống lại… chính tôi nữa!”
Ông bà anh chị em thân mến. Tâm trạng của một đứa con mà cha mẹ đã ly dị là như thế: bị xâu xé ray rứt rất đau đớn: vừa thù ghét cha mẹ mà vừa đói khát thèm muốn tình thương yêu của cha mẹ. Chúng ta thấy tình trạng ly dị của cha mẹ có ảnh hưởng sâu xa đến đời sống con cái. Chính con cái là nạn nhân của sự ly dị. Chúng ta hãy tự hỏi: “Tương lai, cuộc đời của những đứa con này sẽ như thế nào?” “Và trách nhiệm của ai?”
Bài đọc 1 hôm nay nhắc nhở cho chúng ta biết ý định của Thiên Chúa từ lúc tạo thiên lập địa, đã dựng nên người nữ để kết hợp với người nam, trở thành vợ chồng. Cả hai nên một xương một thịt, không thể tách lìa nhau. Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su khẳng định lại ý định của Thiên Chúa về giá trị nền tảng hôn nhân, trong đó Thiên Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ để họ chung sống với nhau trong giao ước bất khả phân ly. Và Chúa cũng còn cho chúng ta biết một cách rõ ràng: đó là gia đình đầu tiên của nhân loại. Như chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh đến nền tảng cũng như ý định của Thiên Chúa để giải đáp vấn nạn của người Pharisêu và biệt phái khi họ chất vấn Chúa: “Người ta có được phép ly dị vợ mình không?’’ Và họ đã đưa ra lý do là Môisen cho phép ly hôn, ly dị. Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời cho họ biết: “Đó chỉ là vì lòng dạ chai đá của các ngươi thôi.” Chúa Giêsu vạch cho thấy nguồn gốc của ly dị là do lòng dạ của con người gây nên, đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa. Sau đó, Chúa Giêsu nhắc nhở tính chất bất khả phân ly của hôn nhân là quyền của Thiên Chúa, “Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly.” Nghĩa là Chúa Giêsu phủ nhận mọi quyền của con người trong vấn đề này: vợ chồng không có quyền ly dị, cha mẹ đôi bên và bè bạn không có quyền xúi ly dị, luật lệ xã hội không có quyền cho phép ly dị. Ý định của Thiên Chúa trong việc sáng tạo người nam và người nữ và việc họ kết hợp lại với nhau để trở thành một huyết nhục “là giao ước tình yêu” và là nền tảng của hôn nhân. Hiệu quả của giao ước này là “hai người trở nên một” để minh chứng tình yêu và giao ước của Thiên Chúa với con người nhân loại.
Ông bà anh chị em thân mến. Trong ngày tân hôn, tức là trong ngày cử hành Bí tích Hôn phối, chúng ta thấy đôi nam nữ nắm tay nhau trước bàn thờ và trước mặt cha mẹ họ hàng và nói lời cam kết chung thủy, yêu thương và tôn trọng nhau trong mọi hoàn cảnh suốt cuộc đời. Đây là một lời giao ước, một lời thề nguyền chung thủy, một lời hứa thánh thiêng, nối kết hai người lại với nhau, sự nối kết này bất khả tháo gỡ. Chính vì sự thánh thiêng, ràng buộc, và tuyệt đối, cho nên giáo hội khuyên các thanh thiếu niên nam nữ phải tìm hiểu thật kỹ lưỡng trước khi kết hôn. Và một khi đã kết hôn, họ càng phải cố gắng hơn nữa, cố gắng tối đa để duy trì bảo vệ tình yêu và xây dựng hạnh phúc gia đình. Bởi vì như chúng ta đều biết ngày nay và trong xã hội này yêu nhau thì dễ, nhưng yêu nhau mãi mãi suốt đời thì khó. Cũng vậy, lấy nhau, kết hôn thì dễ, nhưng sống với nhau trong hạnh phúc và hoà thuận thì khó. Cuộc sống này đòi hỏi sự cố gắng, hy sinh của cả hai vợ chồng, cố gắng hàng ngày, cố gắng liên tục, trong việc lớn cũng như những việc nhỏ. Sống chung thủy suốt đời với nhau là một đòi hỏi bắt buộc, nhưng chung thủy như thế nào: bất đắc dĩ, gượng ép, buồn chán hay thoải mái, vui tươi, hạnh phúc, hoà thuận? Do đó hạnh phúc và hòa thuận đòi hỏi sự cố gắng không ngừng của hai vợ chồng và nhất là cần đến ơn Chúa giúp. Muốn có hạnh phúc, yêu thương và hòa thuận phải có Chúa và Mẹ Maria ngự trị trong gia đình một cách thực tế, rõ ràng trong cuộc sống của mỗi người, bằng sự cầu nguyện và đời sống tốt lành, đạo đức.
Trong Năm Đức Tin này, tôi kêu gọi tất cả mọi người trong giáo xứ chúng ta trở về với Chúa Giê-su, canh tân đời sống đức tin của mình bằng một sự thay đổi cuộc sống, mạnh mẽ tuyên xưng, minh chứng đức tin của mình qua sự trung thành với giáo huấn của Tin mừng trong đời sống hằng ngày. Cố gắng và hy sinh tham dự Thánh lễ để nghe Lời Chúa và có sức mạnh thực hành Lời Chúa.
Tháng Mười là tháng Mân Côi kính Đức Mẹ. Trong tháng này Giáo hội mời gọi mọi người cầu nguyện kinh Mân Côi, cầu nguyện cho các gia đình được hòa thuận, cho vợ chồng chung thủy, yêu thương nhau để giáo dục dạy dỗ và làm những gương sáng cho con cái. Trong sáu lần hiện ra với ba trẻ Lucia, Phanxicô, và Jacinta, Đức Mẹ luôn dạy rằng: “Các con hãy lần chuỗi Mân Côi hằng ngày.” Đặc biệt, Đức Mẹ đã dạy mỗi người hãy thực hành ba điều: Ăn năn đền tội, lần chuỗi Mân Côi, và tôn sùng Mẫu Tâm. Là Kitô hữu Công giáo, có thể nói rằng không một ai là không yêu mến, tôn kính Mẹ Maria. Chúng ta xin Đức Maria chúc lành cho những dự tính của giáo xứ trong công việc làm sáng danh Chúa Giê-su Con của Mẹ. Và nhất là xin Đức Maria cầu bầu, che chở và giúp đỡ tất cả mọi gia đình trong giáo xứ chúng ta, có đời sống hòa thuận, thương yêu, cố gắng dạy dỗ con cái có đời sống tốt lành và hữu ích cho xã hội và Giáo hội.

 Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa

Exit mobile version