Lời Chúa Năm B Chúa nhật 24 Thường niên Năm B_2012.

Chúa nhật 24 Thường niên Năm B_2012.

Chúa nhật Thứ 24 Năm B 2012.

Ông bà anh chị em thân mến.  Cuộc đời con người chúng ta được trộn lẫn bởi những sự vui- buồn, sướng- khổ.  Nhưng có những thứ khổ rất đáng kính trọng và vinh danh như cha mẹ chịu cực khổ để nuôi và dạy dỗ con cái. Hay như những người hy sinh chịu cực khổ để bênh vực, xây dựng và bảo vệ tự do, công lý, sự thật, nhân phẩm và sự sống con người. Như mọi người đã biết qua truyền hình và các phương tiện thông tin, ông đại sứ Hoa kỳ Christopher Stevens và ba cộng sự viên Hoa kỳ tại thủ đô Ben-gha-zi, quốc gia Li-by-a đã bị thiệt mạng trong một vụ khủng bố. Ông Stevens được coi là một người yêu chuộng tự do và có lòng thương yêu dân tộc này.  Ông đã hy sinh phục vụ trong chức vụ đại sứ để cố gắng mang lại tự do và hạnh phúc cho dân tộc nhỏ bé ở Trung đông, sau khi dân tộc này đã đánh đổ được một chính quyền độc tài cai trị trong nhiều năm lâu dài.  Ông được coi như là một cây cầu nối chuyển tự do và nhân phẩm đến cho người dân trong nước Li-by-a. Sự khóc thương và đau khổ vì mất mát người thân yêu của gia đình đáng được kính trọng và vinh danh.

Ông bà anh chị em thân mến.  Những bài Kinh thánh hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta về sự đau khổ của Chúa Giê-su Ki-tô Đấng cứu dộ chúng ta. Trước hết, bài đọc 1 hôm nay trích sách ngôn sứ I-sa-i-a chứa đựng 4 bài ca về Tôi Trung Đau Khổ.  Có thể nói đây là những đoạn văn bí mật vì không ai biết một cách chắc chắn Tôi Trung ám chỉ ai đầu tiên, mà chỉ biết rằng người đó được Thiên Chúa chọn ngay từ khi trong bụng mẹ, không những để phục vụ Thiên Chúa và dân Người, mà còn là ánh sáng của muôn dân.  Thật là một điều hết sức lạ lùng là các bài ca này, được viết vào khoảng 500 năm trước Chúa Giê-su xuống trần, chỉ rõ cho biết Tôi Trung đó chính là Chúa Giê-su. Bài đọc 1 hôm nay diễn tả Tôi Trung của Thiên Chúa sẽ phải đối diện và chịu những sự đau khổ như chống đối, nhạo cười, phỉ báng và Thiên Chúa sẽ bênh vực nâng đỡ người đó như thế nào. Chúng ta thường nghe bài đọc này trong Chúa nhật Lễ Lá và Thứ Tư tuần thánh, nhưng được chọn cho Chúa nhật hôm nay là vì trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giê-su tiên báo cho các môn đệ về sự đau khổ, sự chết và sống lại trước mắt của Người.

Những người nào có cơ hội đã đi hành hương Giê-ru-sa-lem thì biết rằng Cê-sa-rê  Phi-líp-phê là một nơi nằm ở phía Bắc thành phố Ga-li-lê-a, gần nguồn của sông Gio-đan. Nơi này thì không khô ráo như những nơi khác ở Do thái nhưng cây cối xanh tươi và nhiều nước.  Nơi này có những hang và lăng miếu đục xâu trong đá thờ những thần Hy lạp.  Trong khung cảnh và địa điểm này, chúng ta nghe Chúa Giê-su hỏi các môn đệ đi cùng Người: “Người ta bảo Thầy là ai?”  Sau đó Chúa hỏi chính các môn đệ: “Còn các con, các con nói Thầy là ai?”  Bao quanh bởi những thần tượng, chúng ta nghe Con Thiên Chúa hỏi:  “Các con nói Thầy là ai?”

Ông bà anh chị em thân mến.  Nếu chúng ta thành tâm nhận định thì chúng ta sẽ nhận rõ ra vị trí cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay ra sao.  Bao quanh chúng ta có biết bao nhiên thần: thần tài; thần kiêu; thần tham; thần ích; thần gian; thần bạc; thần sắc, thần rượu và nhiều thần khác nữa, làm cho chúng ta không muốn nghe hay biết trả lời trả lời như thế nào về câu hỏi của Chúa. Phê-rô trong bài Tin mừng mừng đã trả lời: “Thầy là Đấng Ki-Tô”  hay là Đấng Cứu Thế mà mọi người đang mong đợi. Phê-rô nhận ra Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế nhưng ông chưa hiểu hoàn toàn ý nghĩa và sứ vụ của Đấng Cứu Thế.  Sau khi xác nhận lời tuyên xưng của Phê-rô là đúng, Chúa đã báo trước cho các môn đệ biết Người sẽ thực hiện sứ mệnh cứu chuộc của Người như thế nào: “Sẽ chịu đau khổ nhiều, sẽ bị chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại.”  Chúng ta thấy Phê-rô không chấp thuận, bác bỏ tư tưởng đó và đã bị Chúa quở trách.

Thật vậy, ông bà anh chị em thân mến.  Đây là một vấn đề mà làm cho nhiều người đã bỏ đức tin vào Thiên Chúa.  Chúng ta nhận thấy nhiều sự đau khổ xảy ra và hỏi: “Tại sao Chúa không dùng quyền lực ngăn chận tất cả những đau khổ?” Hay: “Tại sao Chúa Giê-su lại để cho việc này, việc kia xảy ra?”  “Tại sao không xảy ra cho người này người kia mà tôi?”

Nhìn vào những sự kiện đang xảy ra như hận thù, tranh chấp, khủng bố hay giết người  trong mấy ngày tuần này tại một số quốc gia, hay ngẫm nghĩ lại sự kiện đã xảy ra ngày 9 tháng 11, 2001, cũng như Phê-rô ngày xưa chúng ta cũng muốn nói rằng: “Không thể được!”  Nếu chúng ta thành thực nhìn vào chính ngay hoàn cảnh cuộc sống của chúng ta, thì chúng ta cũng có thể nói: “Không thể như vậy được!” “Tại sao? Tại sao? Tại sao?”

Tôi chắc rằng tất cả chúng ta ưa thích một bức tranh Chúa là Đấng Cứu Thế, hay là một người bạn hiểu biết, một người nhân từ tha thứ, một người thầy vĩ đại, một người chữa lành tài ba, một chủ chiên lành, một vị vua trời đất, Con Thiên Chúa, một người kể chuyện, giảng dạy tài tình, hấp dẫn, lôi cuốn.  Nhưng nghĩ đến Chúa trong những sự đau khổ, và là Người bảo chúng ta nếu chúng ta muốn theo Người thì phải vác thập giá mà theo, thì có lẽ hình ảnh đó khó mà ở lâu trong đầu óc chúng ta. Ngoại trừ mùa Chay ra, tôi nghĩ rằng ít người muốn suy niệm Chúa như là Đấng cứu thế chịu nhiều sự đau khổ.  Đối với chính kinh nghiệm bản thân, khi đau khổ tôi nhận được thật nhiều  sự an ủi khi nhìn lên Thánh giá và suy niệm về những sự đau khổ của Chúa Giê-su.

Chúng ta biết các sách Tin mừng, đặc biệt bài Tin mừng hôm nay xác định cho chúng ta biết rõ Chúa là ai và Chúa cứu độ nhân loại như thế nào. Hay nói một cách khác, Tin mừng mạc khải cho chúng ta biết về bản thể và sứ mệnh của Chúa. Và đó cũng chính là phương cách đặc biệt Chúa muốn chúng ta tin và nhớ đến Người.  Vì yêu thương và muốn cứu độ chúng ta Người đã trở thành Người Tôi Trung đau khổ.  Đau khổ để đem Tình yêu ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho chúng ta là một sự cao quí và đáng cho chúng ta kính yêu, tưởng nhớ và tôn thờ. Nhìn xâu vàoThánh giá chúng ta nhận ra tình yêu bao la và cao cả của Thiên Chúa cho chúng ta. Ngoài ra, chính Chúa cho chúng ta Mình và Máu Người trong Bí tích Thánh Thể và phán bảo chúng ta: “Hãy nhận lấy mà ăn… Hãy nhận lấy mà uống… để tưởng nhớ đến Ta.”  Nếu như một số người lấy lý do này mà không tin, không tham dự Thánh lễ thì cũng như Phê-rô, họ còn phải học, tìm hiểu nhiều hơn mầu nhiệm cao cả này và quyền năng của Thánh giá Chúa Ki-tô.  Như Phê-rô, hầu hết chúng ta muốn một Đấng cứu Thế cất đi tất cả những vấn đề và những đau khổ của chúng ta, chứ không phải Người chịu những đau khổ và bảo chúng ta phải vác Thánh giá theo Người. Đó là con đường Chúa đã đi và cũng là con đường chúng ta phải đi theo.

Chúng ta nhận ra được một thực tế là vì chúng ta là con người, chúng ta sẽ phải chịu đau khổ cách này hay cách kia, lúc này hay lúc khác.  Đừng bao giờ nghĩ rằng tin theo Chúa là sẽ làm cho cuộc sống nặng hơn hay tăng thêm phần đau khổ, nhưng phải tin chắc rằng sẽ làm cho nhẹ hơn và dễ dàng hơn để vác vì Thánh giá Chúa Ki-tô là nguồn sức mạnh của chúng ta.  Thánh Phê-rô chưa nhận ra sự kiện này trong bài Tin mừng hôm nay, nhưng sau đó ngài đã cảm nhận ra và thực sự lãnh nhận nhận  điều này.  Trong bài Tin mừng Chúa Giê-su nói: “Ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin mừng thì sẽ cứu được mạng sống mình” không có nghĩa là chúng ta phải chịu tử đạo nếu chúng ta muốn lên Thiên Đàng.  Điều đó đúng với những người thời đó đang bị bách hại vì đức tin và đúng với các Thánh Tử Đạo Việt Nam của chúng ta thời xưa, nhưng điều Chúa muốn nói với chúng ta ngày hôm nay mất mạng sống mình vì Chúa là từ bỏ những sự ích kỷ, kiêu căng, chia rẽ và không đẹp lòng và theo thánh ý Chúa.  Đồng thời vác Thánh giá Chúa là sống can đảm sống chứng nhân cho Chúa, có lòng quảng đại bác ái, biết hy sinh phục vụ anh chị em, sống và tạo sự hiệp nhất thương yêu để vinh danh và làm sáng danh Chúa.

Câu hỏi mà Chúa hỏi Phê-rô và cũng là câu hỏi Chúa hỏi chúng ta ngày nay: “Các con nói Thầy là ai?” Chúa không muốn chúng ta có câu trả lời chính xác nhất bằng lời nói xuông hôm nay, nhưng chúng ta trả lời bằng một sự khám phá và nhận biết Chúa hơn, qua một cuộc hành trình đức tin Ki-tô hữu sống động, và không uốn nắn Chúa trở thành người chúng ta muốn.  Vì yêu thương chúng ta, Chúa đã uốn nắn thân xác mình trên Thánh giá để chịu đóng đinh cứu chuộc và ban ơn cứu độ cho chúng ta. chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta cố gắng uốn nắn cuộc sống mình vào thánh ý Chúa.

 Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa

Exit mobile version