Chúa Nhật 23 Thường Niên Năm A

217

Ông bà anh chị em thân mến. Có một bác sĩ trưởng khoa tâm thần nổi tiếng của Hoa Kỳ đã viết một cuốn sách có tự đề là “Whatever Became of Sin?”  Xin được tạm dịch là “Điều Gì Đã Trở Nên Tội?” Cuốn sách này đã làm các bác sĩ đồng nghiệp ngạc nhiên và bất bình, vì thông thường các bác sĩ tâm thần không đề cập hay viết gì về tội.  Nhưng vị bác sĩ này không phải là một bác sĩ tâm thần trung bình, mà là một bác sĩ nổi tiếng và có uy tín.

Trong cuốn sách, bác sĩ này ghi lại một sự kiện lịch sử xảy ra vào trưa ngày Thứ Sáu, tháng Năm, năm 1915, lúc đó ông còn là một sinh viên y khoa, theo học tại trường đại học Wisconsin.  Ngày hôm đó, một nguồn tin loan báo một tàu chiến của Đức đã bắn chìm một tàu chở hành khách mang cờ Hoa kỳ.  Bác sĩ cho biết sự việc bắn chìm tàu chở hành khách này đã là một lý do quan trọng lôi cuốn Hoa kỳ tham gia vào Thế Chiến Thứ Nhất.

30 năm sau đó, sự thật đã được phơi bày.  Chiếc tàu này không phải là tàu chở hành khách như đã loan báo, nhưng là một tàu chở đạn dược, vũ khí mà chính phủ Hoa kỳ lúc đó đã dấu kín sự thật, để vận động dư luận quần chúng đưa quốc gia Hoa kỳ tham dự vào cuộc chiến chống lại Đức.

Lúc đó, một thượng nghĩ sĩ của tiểu bang Wisconsin đã đứng lên tố cáo việc làm xấu hổ này của chính quyền, và đòi hỏi phải trưng bày sự thật trước dân chúng là chiếc tàu này chở đạn dược mà chính tổng thống biết rõ, chứ không phải chở hành khách.  Nhưng sự đòi hỏi của ông đã bị từ chối, và vị thượng nghị sĩ này đã bị các đồng nghiệp chống đối, chỉ trích và loại trừ.

Sau đó, một nhân vật cao cấp trong bộ quan thuế biết được sự thật và đã âm thầm vận động tranh đấu bênh vực vị Thượng nghĩ sĩ.  Ông trưng bày những bằng chứng để minh chứng sự thật là chiếc tàu đó đã chở đạn dược, vũ khí.  Sau khi đã nghe điều trần một cách rõ ràng và tường tận, Thượng viện đã bãi bỏ tất cả những điều tố cáo, chỉ trích và chống đối sai lầm của họ đối với vị Thượng nghị sĩ, người đã không a-dua, đi theo một sự dối trá, che dấu, dẫn đến sự thiệt mạng của hàng ngàn binh sĩ Hoa kỳ tham dự vào Thế Chiến Thứ Nhất, và can đảm nói lên sự thật, tố cáo, vạch rõ sự lầm lẫn của chính phủ.

Ông bà anh chị em thân mến.  Câu chuyện trên đây diễn tả một điểm mà những bài Kinh thánh hôm nay đề cập đến, đặc biệt là bài Tin mừng, đó là, phải đối diện với những điều sai trái và phải sửa những lầm lỗi, cho dù khi làm điều này, chúng ta có thể bị ghen ghét, chỉ trích, thù oán, tẩy chay hay bị đe dọa.  Đó có thể là cái giá mà chúng ta phải trả, và cũng là bổn phận của những Kitô hữu, những người tin theo Chúa.

Bài đọc 1 dẫn chúng ta về thời điểm khoảng 600 năm trước Chúa Giê-su, lúc đó E-zê-ki-el được chọn làm tiên tri.  Thiên Chúa cho báo cho Ê-zê-ki-el biết bổn phận của tiên tri là phải loan báo lời Chúa, và sửa dạy những người làm điều sai trái, báo cho họ biết những hậu quả sẽ đến nếu họ không sửa đổi, để họ ăn năn quay trở về.  Nếu họ từ chối không nghe, thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm về tội của họ.  Còn nếu tiên tri không sửa dạy người làm điều sai trái, thì tiên tri phải chịu trách nhiệm về bổn phận của mình.

Vấn đề được đặt ra trong bài Tin mừng hôm nay là sửa lỗi anh chị em. Tuy nhiên chúng ta cần phải phân biệt hai trường hợp. Trường hợp của đoạn Tin Mừng hôm nay liên quan đến những lỗi có hại đến đức tin, hại đến tinh thần hiệp nhất và bác ái yêu thương trong cộng đoàn dân Chúa, cho nên những Ki-tô hữu phải đi sửa lỗi cho nhau.  Còn trường hợp thứ hai được Thánh Matthêu ghi tiếp theo sau đoạn này (Mt 18, 21-35) là lỗi giữa những cá nhân với nhau.  Khi đó, giải pháp là tha thứ, tha “không chỉ 7 lần mà là 70 lần 7.”  Vậy khi một người anh chị em làm điều gì đó sai lỗi có hại đến cộng đoàn đức tin, thì Chúa Giêsu dạy chúng ta phải sửa lỗi cho nhau, và sửa đổi như thế nào?  Chúng ta nhận thấy trong những phương cách Chúa dạy, căn bản là vẫn đối xử như  “anh em” trong gia đình của Chúa Ki-tô.  Chúng ta phải chú ý trong đoạn Tin Mừng này, chữ “anh em” được lặp đi lặp lại nhiều lần. Phương cách sửa lỗi được diễn tiến từ kín đáo đến công khai, “riêng ngươi và nó” sau đó “đem theo một hoặc hai người nữa” và sau cùng “trình với cộng đoàn.”  Nếu sau những phương cách đó mà không thành công thì “kể nó như người ngoại và người thu thuế.”  Tuy nhiên, Chúa muốn chúng ta phải ý thức một điểm rất quan trọng là mục đích sự can thiệp sửa lỗi này không phải là để kết án người anh chị em mình, mà là để thu phục, làm cho người anh chị em trở lại với cộng đoàn.  Vì vậy, phương cách sửa lỗi anh chị em phải trong đức ái, phải tránh thái độ dò xét bới móc, vạch lá tìm sâu, có ít xít ra nhiều, hay có một thái độ kiêu căng, tự cao, dạy đời hay sỉ nhục người khác.  Sửa lỗi anh chị em trong đức bác ái là có sự khiêm nhường, luôn ý thức rằng tôi là con người có giới hạn, cũng có những lỗi lầm, tôi cũng đầy khuyết điểm và tôi cũng cần người khác sửa lỗi.

Ông bà anh chị em thân mến. Giáo hội hay giáo xứ là một cộng đoàn, tập hợp những cá nhân, những con người.  Lầm lỗi không thể tránh khỏi. Nhân vô thập toàn. Vì thế muốn cộng đoàn phát triển, thăng tiến và tốt lành, việc sửa lỗi, cải thiện thật là cần thiết, nhất là đối với những lầm lỗi gây chia rẽ, bè phái, tranh chấp công khai ảnh hưởng đến đời sống cộng đoàn. Chúa Giêsu hiểu rõ con người chúng ta có giới hạn, yếu đuối, thiếu xót, hay thay đổi và lầm lỗi, cần được sửa sai, nên Chúa đã dạy chúng ta những phương cách để giúp đỡ lẫn nhau, sống đức tin, gây dựng tình yêu thương, hiệp nhất và làm sáng danh Chúa.  Tóm lại, giúp nhau sửa những lầm lỗi, sai sót là một việc rất tốt và rất cần.  Tôi tin chắc rằng không ai chúng ta, nhất là những bậc làm cha mẹ, ông bà, nhẫn tâm làm ngơ để cho con cái của chính mình đi vào con đường sai lầm, hủy hại đời sống.  Do đó, chúng ta có bổn phận hướng dẫn và giúp đỡ sửa những lỗi lầm, sai trái, nhưng chúng ta phải luôn thực hiện trong ý hướng giúp đỡ nhau trở nên tốt hơn.  Chúng ta phải hết sức khéo léo, tế nhị, đúng lúc, đúng nơi và đúng tình người.

Chúng ta cầu xin Chúa ban ơn thêm sức, nếu chúng ta lầm lỗi thì biết mở tâm hồn lắng nghe, và biết thống hối ăn năn cải thiện đời sống.  Hoặc khi chúng ta muốn sửa sai, sửa lỗi ai, thì chúng ta cũng luôn ý thức lấy tình yêu thương bác ái để hướng dẫn, chỉ bảo, ngõ hầu họ nhận biết lỗi lầm mà sửa đổi, để có một đời sống tốt lành, thánh thiện hơn.  Chúng ta cũng cầu xin Chúa cho chúng ta được đầy tràn tình yêu Thánh Thần Chúa, vì trong xã hội và thời đại này, đầy sự kiêu ca7ng, tự cao, tự ái, không còn biết đến lỗi lầm, và không bao giờ nhận lỗi, chỉ có Chúa Thánh Thần mới là Ðấng duy nhất có sức mạnh và uy quyền “sửa lại mọi sự trong ngoài chúng ta.”

 Lm. Antôn, giáo xứ Giuse, Tulsa