Chúa Nhật 2 Phục sinh_A

64

Có một người tuyên bố rằng “Tôi tin, nếu Chúa bỏ một số tiền lớn vào nhà băng của tôi.”  Ông bà anh chị em thân mến.  Bài Tin mừng hôm nay về ông Tô ma nghi ngờ mời gọi chúng ta suy nghĩ về đức tin. Nếu Chúa cho chúng ta những dấu chỉ rõ ràng về Chúa thì chúng ta không cần đến đức tin. Bản chất của đức tin có nghĩa là tin cậy vào người nào khi không có dấu chỉ rõ ràng.  Nhưng đức tin không phải là đặt niềm tin vào bất cứ người nào hay mọi người. Tin vào bất cứ người nào vô căn cứ hay tất cả mọi người là điều thật thơ ngây và khờ dại.  Thử hỏi chúng ta có hoàn toàn tin tưởng vào chính quyền không?  Hay vào những cơ quan y tế, an ninh và thuế má của chính quyền Obama hiện tại không?  Tôi không biết ông bà anh chị em thế nào, nhưng tôi thì không, một tiếng to và thật lớn!  Nhưng chúng ta có tin vào luật lệ không?  Chắc chắn là có, nếu không, thì không có ai dám lái xe ngoài đường phố.  Luật lệ bảo vệ sự tự do và nhân phẩm con người. Trong lúc đó, nếu chúng ta sợ hãi không tin bất cứ một người nào thì chúng ta sẽ sống trong một thế giới riêng biệt, thu hẹp của chúng ta mà thôi.  Chúng ta thấy có một sự khó khăn trong vấn đề thăng bằng hay cân nhắc ai là người chúng ta tin hay không thể tin.

Một người mà tất cả chúng ta có thể tin một cách chắc chắn là Chúa Giê-su và lời của Ngài.  Trong sách Khải huyền, Chúa Giê-su hiện ra và nói với Gioan “Đừng sợ.”  Chúng ta thấy sợ hãi đối nghịch với tin tưởng.  Chúa Giê-su cho Gioan biết Ngài là Ðấng trước hết và là Ðấng sau cùng; Ngài là Ðấng hằng sống; Ngài đã chết, nhưng vẫn sống đến muôn đời; và  Ngài giữ chìa khoá sự chết và địa ngục. Hay nói một cách khác như trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su Phục sinh hiện ra và chào các môn đệ của Ngài trong chiều ngày thứ nhất trong tuần: “Bình an cho các con.”  Một người đầy âu lo và sợ hãi thì không biết hay có sự bình an trong tâm hồn.  Nhưng trước khi có bình an, chúng ta phải biết ai là người chúng ta đặt niềm tin vào, và phải biết chắc niềm tin của chúng ta được bảo đảm và tôn trọng như thế nào.

Ông bà anh chị em thân mến.  Niềm tin của chúng ta vững chắc vào Chúa Giê-su nhưng tất cả chúng ta đều muốn Chúa ban cho chúng ta một sự minh chứng rõ ràng hơn, như Chúa đã dành cho Tô-ma.  Trong Tin mừng thánh Gioan, Tô ma được gọi là “Sinh đôi” 3 lần.  Ông bà anh chị em có biết tại sao thánh Gioan lại chú ý đến điểm này không?  Có thể là một hình thức tượng trưng để ám chỉ chúng ta là anh chị em sinh đôi của Tô-ma, vì chúng ta cũng muốn có bằng chứng rõ ràng như ngài. Tô ma không tin Chúa đã sống lại cho dù 10 tông đồ khác và một số phụ nữ báo cho ông biết sự kiện đã xảy ra.  Nhưng phải thành thực ghi nhận một sự uy tín cho Tô ma.  Ngài đã có thể quay mặt bỏ ra đi và nói rằng  “Tất cả mọi người  điên khùng.  Tôi phải rời bỏ ra đi ngay lập tức.”   Nhưng Tô ma đã ở lại và sống một tuần dài ngượng nghịu, khó chịu.  Và tôi nghĩ đây là một bài học cho chúng ta.  Khi chúng ta nghi ngờ và có những thắc mắc về đức tin của chúng ta, chúng ta nên nhẫn nại chờ đợi và không nên bỏ cuộc hay ngoảnh mặt đi.  Nếu Tô ma đã bỏ ra đi, thì ngài đã không có cơ hội nhìn thấy Chúa Ki-tô phục sinh.  Tin mừng khẳng định cho chúng ta biết và bảo đảm sự kiện chắc chắn sẽ đến là: nếu chúng ta nhẫn nại chờ đợi, Chúa sẽ tìm mọi cách tỏ cho chúng ta thấy, chúng ta sẽ thấy và sẽ nhận biết Chúa, có thể không bằng con mắt, nhưng bằng tâm trí và tâm hồn chúng ta.

Ông bà anh chị em thân mến.  Chúng ta đã từng nghe người ta nói “Thấy thì mới tin.”  Điều họ muốn nói ở đây là, họ không tin một chữ nào qua lời nói, vì nếu tin là chấp nhận điều không nhìn thấy.  “Thấy thì mới tin.” Nhưng với Chúa thì ngược lại, vì  như Tin mừng cho chúng ta biết “tin thì sẽ thấy.”  Tin sẽ dẫn đến thấy.  Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải tin trước.   Chúng ta phải đặt niềm tin vào điều chúng ta nghe, đó là Lời Chúa trước,  không phải vào những gì chúng ta thấy, vì Chúa sẽ cho chúng ta thấy những gì chúng ta bây giờ chưa thấy qua đức tin. Là những Ki-tô hữu, chúng ta chọn tin vào lời Chúa, những điều chúng ta nghe, vì chúng ta chọn đặt niềm tin vào Chúa Giê-su phục sinh.

Chúng ta nhận thấy một sự thách thức to lớn cho đức tin ngày nay là Bí tích Thánh Thể.  Chúa Giê-su nói với chúng ta “Đây là Mình Ta… Đây là Máu Ta.”  Bởi vì chúng ta không thể đặt Mình Thánh dưới một ống kính hiển vi để thấy Chúa trong đó, cho nên có người nói rằng “Đây chỉ là một biểu hiệu tượng trưng mà thôi.  Đây chỉ là một sự nhắc nhở về việc Chúa làm trong Bữa Tiệc Ly thôi, chứ không phải là mình và máu thật của Chúa.”

Ông bà anh chị em thân mến.  Những sách Tin mừng và những truyền thống trong Giáo hội sơ khai khẳng định cho chúng ta biết Bí tích Thánh Thể là điều xác thực như lời Chúa Giê-su đã truyền phán. Tôi nghĩ rằng số người tham dự Thánh lễ giảm đi tại Âu châu cũng như tại Hoa kỳ này, có thể giải nghĩa là vì họ đã mất đức tin vào Bí tích Thánh Thể, không tin vào sự hiện diện của Chúa Giê-su Ki-tô trong Bánh và Rượu.  Và chúng ta cũng thấy lòng tôn kính Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể cũng đã giảm nhiều, vì sự nghi ngờ của chúng ta. Chúng ta có thể đặt câu hỏi cho chính chúng ta “Dấu hiệu nào cho thấy chúng ta có một sự tôn kính Chúa Giê-su hiện diện trong Bí tích Thánh Thể một cách tột đỉnh?”  “Chúng ta có xác tín trong câu thưa Amen không?”  Hay chúng ta chỉ lên rước lễ một cách lấy lệ?

Giữa cơn lo sợ bàng hoàng, các cửa phòng còn đóng kín để tránh những sự bắt bớ,  Chúa Giêsu Phục sinh bất ngờ hiện đến, mang theo bình an và Thần Khí của Ngài để củng cố niềm tin cho các tông đồ được vững mạnh.  Lời của Chúa Giê-su Phục sinh nói với Tô-ma cũng có thể áp dụng cho chúng ta hiện diện trong Thánh lễ hôm nay “Phúc cho những ai không thấy mà tin.”  Chữ “phúc” trong câu này hàm chứa hai ý nghĩa.  Thứ nhất là ơn sủng và thứ hai là hạnh phúc.  Xin Chúa Giê-su Phục sinh ban ơn sủng bình an để củng cố niềm tin của chúng ta, và để chúng ta xác tín rằng Chúa luôn hiện diện giữa chúng ta, nâng đỡ chúng ta trong từng biến cố, nhất là cảm nghiệm được hạnh phúc tình yêu của Chúa khi chúng ta lãnh nhận Chúa Giê-su Thánh Thể vào trong tâm hồn hôm nay.

 Lm. Antôn, giáo xứ Giuse, Tulsa