Chúa Nhật 19 Thường Niên Năm C_2013
Ông bà anh chị em thân mến. Đức tin và giáo lý Công giáo dạy chúng ta: người Kitô hữu có 2 đời sống phải sống và được sống. Một là đời sống tạm bợ và một là đời sống vĩnh cửu; một là đời sống hiện tại và một là đời sống tương lai; một là đời sống hành hương và một là đời sống quê thật; một là đời sống trần gian và một là đời sống thiên đàng hay hỏa ngục. Từ đời sống này qua đời sống khác là sự chết và tất cả mọi người chúng ta, sớm hay muộn, phải đi qua. Đó là sự thật và là điều hiển nhiên và tất yếu.
Chúng ta phải ý thức điều quan trọng là chúng ta chỉ sống cuộc sống tạm bợ trần gian này một lần, và trong đời sống tạm bợ này, chúng ta chỉ sống những phút, những giờ, những ngày một lần mà thôi. Sự chết đến với mỗi người Ki-tô hữu được Kinh thánh gọi là thời điểm Chúa đến, và việc Chúa đến thường xảy ra bất ngờ, trừ một vài trường hợp họa hiếm được Chúa cho biết trước ngày giờ. Đó là quyền năng trong tay của Chúa. Thiên Chúa muốn giữ bí mật về sự chết để chúng ta luôn luôn sẵn sàng, cố gắng sống tốt lành thánh thiện và tin tưởng phó thác. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng mình còn khoẻ mạnh, còn lâu mới chết, hay không xảy đến với chúng ta. Chúng ta thấy có những người sống lâu đến 8, 9 chục tuổi, nhưng cũng có những người chết lúc còn trẻ. Chúng ta biết nhiều trường hợp “lá vàng khóc lá xanh rơi.’’
Do đó, qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta phải tỉnh thức, chuẩn bị và sẵn sàng chờ đợi sự trở lại của người chủ là Thiên Chúa. Chúa kêu gọi chúng ta tỉnh thức “đợi chủ về” có nghĩa là đợi chờ ngày Chúa Giêsu lại đến là ngày tận thế, hay ngày chết của chúng ta. Chắc chắn Chúa không muốn đe dọa chúng ta, vì Chúa muốn chúng ta luôn sống trong bình an, vui mừng và hạnh phúc. Chúa cũng không muốn chúng ta sống trong lo lắng, sợ hãi. Chúa muốn chúng ta sống trong niềm tín thác và hy vọng.
Chúa còn dạy chúng ta phải khôn khéo sử dụng các ơn lành Chúa ban. Bài đọc 1 tuần trước cho chúng ta biết “mọi sự đều hư không”, “tất cả mọi sự là phù vân”, có nghĩa là tất cả mọi sự danh vọng, tiền tài chỉ là tạm bợ, không tồn tại vĩnh viễn, và khi chết sẽ không đem đi được. Chúa dạy chúng ta là những Ki-tô hữu phải biết khôn ngoan biến đổi những sự chóng qua đời này, thành những của cải thiêng liêng tồn tại ở đời sau, bằng những việc tốt lành, hy sinh làm sáng danh Chúa, và có lòng quảng đại nhân từ trong những việc bác ái, như giúp đỡ những người nghèo khổ tật nguyền, hay giúp các em khuyết tật, sống trong cảnh thiếu tình thương, trông cậy vào sự giúp đỡ của chúng ta. Các em không thấy được chúng ta bằng con mắt, nhưng cảm nhận được tình yêu, và bác ái của chúng ta bằng trái tim nhỏ bé của các em.
Ông bà anh chị em thân mến. Chúng ta là những người quản lý được Chúa trao vốn, người nhiều người ít, để đầu tư cho cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu đời sau. Nhiều hay ít không quan trọng, nhưng chúng ta phải có tấm lòng tri ơn, trung tín và khôn ngoan để thi hành đúng ý của chủ và làm lợi với số vốn Chúa đã trao ban. Bởi vì sau khi chết, chúng ta sẽ phải đến trước nhan thánh Chúa trả lời và tính sổ với Chúa, và Chúa sẽ căn cứ vào đó để quyết định thưởng hay phạt, Thiên đàng hay hỏa ngục.
Có một nhà tâm lý danh tiếng trên thế giới có tên là Sigmund Freud người Áo, đã viết một câu chuyện nổi danh về một thủy thủ phục vụ trên một con tàu. Trong một hành trình con tàu bị đắm và người thủy thủ trôi lạc vào một hòn đảo ở Thái bình dương. Anh được người thổ dân chào đón một cách long trọng. Họ kiệu anh lên như là một vị vua và ca hát vỗ tay nhảy múa reo hò. Sau đó họ đặt anh trên một ngai vàng và phong anh làm vua. Người thủy thủ rất vui mừng và phấn khởi. Nhưng dần dần người thủy thủ nhận biết phong tục tập quán của bộ lạc này là sau khi hết thời hạn 1 năm, người họ tôn lên làm vua sẽ bị đày ra ngoài một hoang đảo và bị bỏ đói cho đến chết, để hiến cho 1 vị thần. Do đó niềm vui chưa được bao lâu thì người thủy thủ bắt đầu suy nghĩ, tính toán. Anh ta tìm ra một kế hoạch, sau đó ra lệnh cho những người thợ mộc đóng một đoàn thuyền, và bắt những người làm nghề nông, và những người trồng cây ăn trái và rau, sau đó chở họ ra ngoài hoang đảo để trồng. Sau hết anh bắt thợ xây cất xây cho anh một ngôi nhà. Như thế người thủy thủ này đã chuẩn bị và sửa soạn một cách chu đáo cho ngày anh ta bị đày ra hoang đảo.
Ông bà anh chị em thân mến. Câu chuyện này giúp chúng ta hiểu một cách rõ ràng ý nghĩa lời giảng dạy của Chúa, kêu gọi chúng ta phải khôn khéo dùng ơn lành của Chúa ở đời này chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu ngày sau. Chúng ta hãy nhớ rằng: “Thiên đàng hỏa ngục hai bên. Ai khôn thì về ai dại thì xa.’’ Chúng ta hãy nhìn chung quanh, và nhận ra được bao nhiêu người khôn biết sử dụng những của cải, tiền bạc chóng qua ở đời này thật tốt đẹp để bảo đảm được hạnh phúc vĩnh cửu đời sau, trong đó có chúng ta không?
Xin Thiên Chúa giúp chúng ta là những người đang trong cuộc hành trình nơi dương thế biết lắng nghe Lời Chúa dạy bảo, biết tỉnh thức sửa soạn sẵn sàng, và nhất là có sự khôn ngoan và quảng đại trong việc xử dụng những ơn lành Chúa ban vào những việc tốt lành, hy sinh và bác ái, để xây dựng cho mình một căn nhà trên Thiên đàng cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau.
Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa