Ông bà anh chị em thân mến. Chúng ta thường gọi Chúa Giê-su bằng hai chữ Giê-su Ki-tô. Nhưng Ki-tô không phải là tên thứ hai của Chúa. Ki-tô tiếng Anh gọi là Christ, hay Christos tiếng Hy lạp, có nghĩa là “Đấng Được Xức Dầu.” Đấng Được Xức Dầu theo tiếng Do thái là Mê-Xi-A, Messiah, có nghĩa là Đấng Thiên Sai. Trong tất cả các tài liệu văn chương Do thái trước thời Chúa Giê-su, không có một sự nhắc nhở hay nối kết về sự kiện Đấng Được Xức Dầu phải chịu khổ hình và chết. Lúc đó, người Do thái có quan niệm là Đấng Được Xức Dầu là một vị vua đầy quyền năng đến giải thoát họ khỏi ách đô hộ của người La Mã. Chúng ta biết qua lịch sử của người Do thái và qua Cựu Ước có nhiều bị vua, ngôn sứ bị giết chết và chịu tử đạo, những ý tưởng khổ hình và chết chưa bao giờ được nhắc đến, hay ám chỉ cho một Đấng Được Xức Dầu hay Đấng Thiên Sai.
Trong bài đọc 1 hôm nay, ngôn sứ Da-ca-ri-a tiên đoán về một thời kỳ mà Thiên Chúa sẽ thanh tẩy dân Ngài, và dân Ngài sẽ thống hối, khóc thương một cách sầu thảm về một người tôi tớ của Thiên Chúa mà họ giết chết. Người tôi tớ của Thiên Chúa mà ngôn sứ Da-ca-ri-a nhắc đến ở đây chưa bao giờ được nhận diện, cho đến sau cuộc phục sinh sống lại của Chúa Giê-su, những người tin theo Chúa tìm ra được ý nghĩa sâu sa về những lời tiên đoán của ngôn sứ Da-ca-ri-a, và nhận biết chính Chúa Giê-su chịu khổ hình vác và chết trên thập giá, chính là Đấng Được Xức Dầu, là Ki-tô, là Christ, là Đấng Thiên Sai.
Chúng ta phải lưu ý, trong bài Tin mừng, Chúa Giê-su hỏi các môn đệ: “Còn các con, các con nói Thầy là ai?” không có nghĩa là Chúa Giê-su không biết mình là ai, Chúa biết rõ Người là ai, nhưng Chúa muốn biết các môn đệ có nhận ra Người là ai chưa, và hiểu được những công việc và những lời Chúa đã và đang làm hay dạy bảo họ không. Qua câu trả lời của Phê-rô, chúng ta biết Phê-rô đang từ từ nhận ra Chúa là ai, nhưng sự hiểu biết này chỉ là sơ khai, bước đầu. Lúc đó các môn đệ chưa hiểu tại sao Đấng Được Xức Dầu, Đấng Ki-tô mà phải chịu khổ hình và chết trên thập giá, cho đến sau khi Chúa thật sự chịu những điều đó và sống lại như lời Người đã nói, các ông mới thật sự hiểu được Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Đấng Thiên Sai. Do đó, chúng ta nghe Chúa ngăn cấm họ không được nói những điều đó cho người khác. Sau đó, như chúng ta vừa nghe, Chúa tuyên bố với mọi người: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì kẻ nào muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất nó. Còn kẻ nào mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ cứu được mạng sống mình.”
Lịch sử thế giới có một biến cố xảy ra như sau. Tháng Tư năm 1849, đạo quân hùng mạnh của Pháp tiến vào thành phố Rôma của Ý như chỗ không người. Tàn phá tất cả những chướng ngại vật trên đường tiến quân. Không có gì và ai có thể cản được sức tiến quân vũ bão của quân Pháp lúc đó. Đối diện với sự hùng mạnh của quân xâm lăng, tướng Ga-ri-ba-di của Ý đã ra một tuyên ngôn kêu gọi mọi người rằng: “Không có gì có thể cản nổi quân xâm lăng, và tôi không mang lại cho mọi người cái gì ngoài sự đói khát, cực khổ và chết chóc trước mắt. Nhưng tôi kêu gọi mọi người yêu nước hãy cùng chiến đấu với tôi.”
Mọi người trong nước từ già đến trẻ, nam phụ lão ấu ý thức được sự xâm lăng của ngoại bang, đều đáp trả lại lời kêu gọi của tướng Ga-ri-ba-di, hy sinh dấn thân liều mình chịu nhiều sự khó khăn, khổ cực và nguy hiểm tham gia cuộc chiến đấu. Và trước sự ngạc nhiên, đạo binh tình nguyện đã đánh bại và đẩy đội quân xâm lăng hùng mạnh của Pháp ra khỏi bờ cõi.
Lịch sử nước Việt Nam chúng ta cũng ghi chép một sự kiện tương tự xảy ra vào năm 1284, khi đội quân hùng mạnh của đế quốc Mông cổ tràn xuống xâm lăng nước Việt, từ 2 phía Nam và Bắc. Quân Mông cổ đánh chiếm nhiều tỉnh và sau đó đã chiếm được thành Thăng Long là thủ đô nước Việt lúc đó, và bây giờ là Hà Nội. Mọi nỗ lực ngăn chận đều bị quân Mông Cổ đánh bại.
Trước khí thế hùng mạnh của quân xâm lược, vua Trần Thánh Tông lúc đó phải lui quân về phía Nam, và sau đó ra lệnh triệu tập Hội Nghị Diên Hồng gồm các vị trưởng lão và những người có thế lực trong dân. Khác với các hội nghị trước, Hội nghị Diên Hồng lần này không bàn về chiến lược, hay chiến thuật để bảo vệ hay chống trả lại quân xâm lăng, mà chỉ bàn về lời kêu gọi khẩn thiết của vua là: “nên hòa-có nghĩa là đầu hàng, hay nên đánh.” Toàn thể mọi người tham dự đều đồng thanh nhất trí hô to: “Nên đánh.” Lịch sử đã ghi lại cho chúng ta biết, sau đó, mọi người đã hăng say tình nguyện nhập ngũ, chịu nhiều đói khổ, gian truân, nguy hiểm, ngày đêm tập luyện. Qua sự quyết chí và can đảm của mọi tầng lớp dân chúng, dưới sự điều động và chỉ huy một vị tướng tài ba là Trần Hưng Đạo, đạo quân Việt đã từ từ chỉnh đốn, phản công và đánh đuổi quân xâm lăng Mông cổ về qua biên giới.
Ông bà anh chị em thân mến. Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu Ki-tô cũng đưa ra một lời kêu gọi tương tự. Thế nhưng lời kêu gọi của Chúa không phải là cầm súng gươm đánh giặc xâm lăng, mà là một lời kêu gọi mọi người tin vào Người là Đấng Được Xức Dầu, là Đấng Thiên Sai, tiếp tục hy sinh cùng chung sức xây dựng Nước Chúa nơi trần gian, mà Người đã khởi đầu. Và cũng là lời kêu gọi hợp tác với Chúa để bảo vệ bộ mặt thế giới, xã hội, cộng đoàn và gia đình đang bị kẻ thù là ma quỉ tìm cách phá hoại, tìm cách tiêu diệt. Cũng như mục đích của Hội Nghị Diên Hồng và lời kêu gọi của Tướng Ga-ri-ba-di, sứ mệnh Chúa kêu gọi cũng không dễ dàng, do đó Chúa nhắc nhở rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo Ta.” Qua dòng lịch sử của Giáo hội, chúng ta biết từ ngày Chúa tuyên bố lời kêu gọi này đến nay, đã có biết bao nhiêu người tin vào Người, chân thành chấp nhận lời kêu gọi của Chúa, hợp tác chịu những khó khăn, hy sinh, bác ái và quảng đại để xây dựng Nước Chúa, làm chứng cho Chúa và loan truyền ơn cứu độ của Người để biến đổi thế giới, xã hội và cộng đoàn trở nên nơi như lòng Chúa mong ước hay ý định của Chúa.
Ông bà anh chị em thân mến. Đối với chúng ta ngày hôm nay cũng thế, Chúa cũng muốn hỏi chúng ta câu hỏi mà Chúa đã hỏi các môn đệ khi trước: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?’’ Hay nói một cách cụ thể: “Chúng ta có nhận ra hay ý thức chúng ta là những Kitô hữu không? “Chúng ta có biết nghĩa vụ, sứ mệnh của một Kitô hữu là gì không? Hay nói một cách thực tế hơn: “Người khác có nhận ra chúng ta là một Kitô hữu không?” “Bằng cách nào mà người khác nhận ra chúng ta là Kitô hữu, là một môn đệ của Chúa?’’ “Cuộc sống của chúng ta có chứng tỏ cho mọi người biết chúng ta là những Kitô hữu không?”
Tin mừng cho chúng ta biết rõ rằng, nếu chúng ta muốn tiếp tục sứ vụ của Chúa, đó là xây dựng, bảo vệ Nước Chúa, chiến đấu với quân thù, và biến đổi bộ mặt trái đất, thì chúng ta phải từ bỏ và hy sinh vác thập giá mình, đi theo con đường của Chúa, mới thành công. Từ bỏ có nghĩa là chúng ta từ bỏ cái tôi, sự kiêu căng, tự ái, và ích kỷ, và có một đời sống bác ái, quảng đại và hy sinh. Vác thập giá có nghĩa là trở thành chứng nhân cho Chúa bằng đời sống tốt lành, ngay thẳng, can đảm và trung thành với giới răn của Chúa trong Tin mừng và giáo huấn của giáo hội, cho dù phải thiệt thòi, chỉ trích và nhạo báng. Đồng thời hy sinh tham gia phục vụ, hiệp nhất cộng tác và quảng đại đóng góp để xây dựng Nước Chúa trần gian.
Trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta nhận ra 3 giá trị căn bản phải có trong đời sống Ki-tô hữu. Thứ nhất, giống như thánh Phê-rô, chúng ta biết trả lời câu hỏi Chúa: “Các con bảo Thầy là ai?” bằng chính lời nói phản ảnh qua cuộc sống. Chúng ta không thể yêu mến một người chúng ta không biết, và chúng ta chỉ có thể biết người đó nếu chúng ta có thời giờ để gần gũi tâm sự. Tình yêu Chúa cũng vậy. Giá trị căn bản thứ hai là từ bỏ. Đây là một sự khó khăn trong việc nhận thức và phân biệt rõ ra những giá trị của của trần gian và những giá trị đưa đến đời sống vĩnh cửu Nước Trời. Và giá trị căn bản cuối cùng là yêu mến thập giá, có nghĩa là chấp nhận và can đảm chịu những khó khăn, thiệt thòi, hy sinh và có lòng quảng đại vì yêu mến Chúa, để có cuộc sống Ki-tô hữu trưởng thành hơn, và trở nên đồng dạng với chính Chúa Giê-su Ki-tô.