Lời Chúa Năm C Chúa Nhật 11 Thường Niên Năm C_2013

Chúa Nhật 11 Thường Niên Năm C_2013

Chúa Nhật Thứ 11 Thường Niên Năm C_2013

Ông bà anh chị em thân mến.  Nếu chúng ta chú ý lắng nghe những bài Kinh thánh hôm nay, thì chúng ta có thể nhận ra 2 bài học chính.  Bài học thứ nhất là xét đoán và kỳ thị.  Chúng ta phải thành thật thú nhận nhiều khi chúng ta vội vã xét đoán người khác dựa vào hình dáng bề ngoài, rồi đưa đến những thái độ nghi ngờ, kỳ thị và khinh thường.

Có một câu chuyện về một đôi vợ chồng sống trên một ngọn đồi bên cạnh xa lộ ở tiểu bang Texas.  Họ làm một “Trạm Cầu Nguyện” với một con đường vòng cung, cho những người lái xe có thể vào nghỉ và cầu nguyện. Trong Trạm Cầu Nguyện có một cuốn lưu niệm, và một người đã viết lại như sau: “Năm trước tôi đến trạm này không có xe, không việc làm.  Bây giờ thì khá hơn.  Tôi để lại chút tiền.”  Một người khác viết rằng ông ta uống rượu và trên con đường giết một người vì xích mích bất đồng, ông đã dừng lại ở trạm này cầu nguyện và suy nghĩ.  Sau đó ông đã bỏ ý định và quay về nhà.  Một người thường dừng lại trạm này là vợ của một thủ phạm giết người đang bị giam ở một trại tù không xa nơi đó.

Nhưng trong tất cả các cuộc thăm viếng Trạm Cầu Nguyện này, có một lần làm cho đôi vợ chồng này ghi nhớ suốt đời.   Một buổi chiều, họ nghe những tiếng máy nổ ầm ầm của các xe mô tô.  Họ chạy ra cửa sổ nhìn ra, và hoảng hốt lo sợ vì thấy một đàn xe mô tô, đang chạy vòng quanh Trạm Cầu Nguyện.  Những người lái xe có những bộ mặt dữ dằn, những bộ râu lổm chổm, và mái tóc dài bó sau lung.  Họ mặc áo da, quần đeo những dây xích thòng xuống.  Hai vợ chồng nhìn nhau, rồi nhìn nhóm người này với đôi mắt kinh hoàng, sợ sệt.  Một số trong nhóm xuống xe và vào trong Trạm Cầu Nguyện, còn những người khác đứng chung quanh bên ngoài cửa như canh chừng.  Mười phút sau, những người vào trạm đi ra, và tất cả làm một việc mà đôi vợ chồng không ngờ.  Họ đứng chung quanh cây Thánh giá, nắm tay, cúi đầu và thinh lặng cầu nguyện một thời gian cũng khá lâu.   Sau đó tất cả lên xe và biến vào xa lộ.

Sau đó, đôi vợ chồng nhìn nhau một cách ngạc nhiên và có vẻ hối hận.  Họ tự nhận đã xét đoán và nghi kỵ những người lái mô tô một cách quá vội vàng qua những hình dáng bên ngoài.  Sự kiện này dạy cho đôi vợ chồng một bài học họ đã biết, nhưng cần phải được nhắc lại: không vội vàng kết luận, xét đoán, đánh giá và kỳ thị người khác, đồng thời nhắc nhở họ về lời Chúa trong sách Samuel quyển thứ nhất: “Ta không xem xét theo kiểu con người, vì chưng con người nhìn xem bên ngoài, còn Thiên Chúa thì nhìn xem trong tâm hồn.” (1Sm. 16: 17)

Ông bà anh chị em thân mến.  Câu chuyện trên đây, đôi vợ chồng và nhóm người lái mô tô, giúp chúng ta hiểu xâu xa hơn về ông Si-mon, là một người Pha-ri-sêu chủ nhà, và người đàn bà trong bài Tin mừng hôm nay.  Như đôi vợ chồng đã vội đánh giá những người lái mô tô, ông Si-mon cũng đã vội đánh giá, xét đoán người đàn bà.  Đôi vợ chồng đã nghi kỵ những người lái mô tô là những người xấu xa, làm những việc không tốt. Ông Si-mon cũng vậy, ông đã phán xét người đàn bà, và dán cho bà nhãn hiệu người làm điều xấu xa. Và còn tệ hơn nữa, ông Si-mon cũng đã xét đoán, nghi ngờ và dán cho chính Chúa Giê-su là người gian dối, giả hiệu, khi ông châm biếm phê bình: “Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai và thuộc hạng người nào: là một người tội lỗi.”

Tin mừng không cho chúng ta biết rõ lý do hay trong dịp gì, ông Si-mon mời Chúa đến nhà ăn, những chắc chắn không phải vì yêu mến, khâm phục hay tình thân thiện.  Có lẽ để khoe khoang, lên mặt hay nhận xét hay gài bẫy.  Qua những câu chuyện trên đây, chúng ta hãy thành tâm nhìn vào chính tâm hồn của chính mình và tự hỏi: “Chúng ta có xu hướng xét đoán, kỳ thị nghi xấu người khác không qua hình dạng bề ngoài không? và tới mức độ nào?”  Bài Tin mừng hôm nay muốn mời chúng ta suy niệm lời dạy bảo của Chúa Giê-su trong bài giảng trên núi: “Các con đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán.  Các con xét đoán thể nào thì các con cũng bị đoán xét như vậy.” (Mt. 7, 1-2)

Bài học thứ hai mà các bài Kinh thánh hôm nay muốn dạy chúng ta là tình yêu tha thứ của Chúa.  Chúng ta thấy trong bài đọc một, vua Đa vít một vị vua đầy uy quyền, sau khi đã nghe ngôn sứ Na-than nhắc lại những hồng ân Chúa ban, và những tội lỗi vua đã phạm, nhất là tội cướp vợ của viên tướng trung thành tên Uria, thì vua đã tỉnh ngộ, khiêm nhường thành tâm hối lỗi và thú tội của mình trước mặt ngôn sứ:  “Trẫm đã phạm tội cùng Chúa.”  Lòng thống hối mãnh liệt và chân thành ấy còn ghi lại trong Thánh vịnh 51 của chính vua viết ra để ăn năn khóc lóc tội lỗi của mình.  Vì thành tâm thống hối, vua Đavít đã được Chúa thương tha thứ.

Còn người đàn bà trong Tin mừng không tên tuổi, chỉ biết bà là người đã phạm một tội nặng gì đó công khai mà cả mọi người trong thành đều biết, và chỉ còn trông cậy vào lòng từ bi tha thứ của Chúa.  Khi nghe biết Chúa, chị đã mang một bình nước hoa đến tìm Chúa trong một đám tiệc được tổ chức tại nhà ông Simon.  Chị không đếm xỉa đến sự hiện diện, dòm ngó và phê phán của những người tham dự bữa tiệc, chỉ trừ một mình Chúa Giêsu.  Chị đã mạnh dạn đến trước mặt Chúa, khiêm nhường, quì xuống dùng nước mắt để rửa chân và xức dầu thơm lên chân Chúa. Chị đã thú tội công khai, ăn năn thống hối những lỗi lầm trong đời mình. Chúa nhận ra tấm lòng chân thật qua những cử chỉ và việc làm của chị, và Chúa nói cùng chị:  “Tội con đã được tha rồi.’’  Qua lời này, chúng ta nhận thấy Chúa đã ban cho chị một sự tha thứ bảo đảm chắc chắn, như chúng ta nghe lời của linh mục khi ban phép giải tội.

Tôi còn nhớ, khi còn ở trong một họ đạo, tôi có gặp một đôi vợ chồng có những vấn để hôn nhân. Tôi không còn nhớ những chi tiết, nhưng người chồng kể một danh sách dài những lỗi lầm của người vợ.  Người vợ là người thành tâm, muốn sửa đổi những điều làm cho người chồng không bằng lòng, nhưng người chồng không muốn tha thứ bất cứ một một lỗi lầm gì của người vợ. Tôi giải thích cho người chồng biết là người vợ, chắc chắn đã tha thứ những lỗi lầm của anh, và đề nghị là anh cũng làm như vậy.  Tôi thật tình sững sờ khi người chồng nói: “Tôi không có lỗi gì hết.”  Và một điều không tránh khỏi là cuộc hôn nhân đó không được hòa thuận, hạnh phúc và lâu dài.  Ông Si-mon Pha-ri-sêu trong bài Tin mừng hôm nay nhắc cho tôi nhớ lại người đàn ông đó.  Ông Si-mon tự cho mình là hoàn toàn, còn người đàn bà, ý thức về những tội lỗi trong quá khứ của mình, đã nhận biết mình được tha thứ, và bà cũng hiểu biết rõ chính Chúa Giê-su là Người ban cho bà ơn tha thứ này.

Đức Thánh Cha Benedict thứ 16 khi còn trên ngôi giáo hoàng đã cho rằng con người thời đại hôm nay đánh mất sĩ diện, dần dần mất cảm thức về tội lỗi.  Con người thời nay dường như không còn cảm thấy xấu hổ hay mặc cảm tội lỗi nữa.  Bởi vì có nhiều thứ tội đã được luật lệ hoá, hợp thức hóa hay tự lý luận hóa theo lợi lộc, theo sự cám dỗ và theo cuộc sống vô luân lý của cá nhân hay đường lối ích kỷ của những chính trị gia và những nhà cầm quyền.  Thật đáng sợ khi con người thời nay phạm những tội tày đình như thế mà vẫn xem là bình thường.  Và do đó họ tự cho mình không cần đến lòng nhân từ và tha thứ của Chúa.

Nhìn ra được như thế, chúng ta mới thấy câu chuyện vua David và người đàn bà tội lỗi trong Tin mừng hôm nay quả là những con người “đầy ơn sủng” của Chúa.  Họ đã đối diện với những lỗi lầm của họ và can đảm thống hối một cách chân thành. Họ thực sự nhận ra được lòng nhân từ, yêu thương và tha thứ của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng từ bi và hay thương xót.

Ông bà anh chị em thân mến. Khi bắt đầu sứ vụ rao giảng, Chúa Giê-su đã tuyên bố: “Thời giờ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã gần đến.  Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng.”  (Mc. 1,15)  Lời Chúa kêu mời chúng ta biết hồi tâm, để nhìn nhận ra những tội lỗi mà quyết tâm quay trở về với tình yêu và lòng nhân từ của Chúa. Thiên Chúa muốn cho chúng ta biết lòng nhân từ và tình yêu tha thứ của Người qua hy lễ thập tự giá, và kêu mời chúng ta biết quảng đại, nhân từ và khoan dung với mọi người, và không vội vã xét đoán người khác qua hình thức bề ngoài.  Bất cứ ở đâu, nơi nào, quốc gia nào, xã hội nào, cộng đồng nào cũng có những người tốt, người xấu. Trong ngôi nhà có Chúa hiện diện thời đó cũng có người tốt, người xấu, thì cũng không ngạc nhiên khi trong nhà thờ cũng có người tốt, người xấu chúng ta không biết. Nhưng là những Ki-tô hữu, chúng ta không xét đoán, phê bình, chỉ trích hay kết tội người khác khi chúng ta không biết sự thật, hay chỉ nhìn hình dáng bên ngoài.  Nếu chúng ta cảm thấy là những người tốt, chúng ta chia sẻ với người khác, nếu chúng ta là những người xấu, tội lỗi, chúng ta biết noi gương vua Đa vít hay người đàn bà tội lỗi, chân thành ăn năn thống hối, đến với Chúa để nhận tình yêu tha thứ của Người, và hãy tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.

Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa

Exit mobile version