GÓC SUY TƯ MÙA CHAY - PHỤC SINH Chúa Lên Trời nghĩa là gì, Người đi đâu?

Chúa Lên Trời nghĩa là gì, Người đi đâu?

Giống như biến cố Chúa Phục Sinh, việc Chúa lên trời chỉ có thể hiểu được đối với người có đức tin. Biến cố này thật ra không chỉ liên quan đến Chúa Giêsu mà còn liên quan đến chúng ta nữa; vì thế, có không ít câu hỏi được đặt ra : Trời là gì ? Biến cố Chúa Giêsu lên trời muốn nói lên điều gì? Nay Người ở đâu? Và việc Chúa lên trời có liên hệ gì tới cuộc sống hiện tại của chúng ta không?

Theo Sách giáo lý Công giáo thì “ở trên trời” là một thuật ngữ Thánh Kinh – không nhằm ám chỉ một nơi nào (trong “không gian”) nhưng muốn nói lên một cách thế hiện hữu: Thiên Chúa vượt xa hơn và vượt trên tất cả những gì chúng ta có thể tưởng nghĩ về Người (GLCG 2794).

Sách Công vụ Tông đồ cho biết Chúa Giêsu “lên trời” 40 ngày sau biến cố Phục sinh (Cv 1,3-9); nhưng thực ra, Người đã lên trời ngay khi sống lại. Trong 40 ngày sau khi phục sinh, Người đã hiện ra nhiều lần để dạy dỗ các tông đồ và để củng cố đức tin của các ông. Vì thế, khi mừng lễ Chúa lên trời, Phụng Vụ muốn nêu bật rằng biến cố này chấm dứt thời gian Chúa hiện diện giữa nhân loại bằng thân xác hữu hình và khai mở cho họ một niềm hy vọng lớn lao.

Khi bàn về biến cố Chúa Giêsu lên trời, nhà thần học Terence Nichols nêu lên một số chi tiết khá thú vị [1]:

1. Chúa lên trời không có nghĩa là Người bay vù vào vũ trụ, hay lên một hành tinh nào khác trong không gian vô tận, nhưng có nghĩa là Chúa Giêsu đạt tới một tình trạng hiện hữu cao hơn. Khi làm người, Con Thiên Chúa đã tự trút bỏ địa vị của một vị Thiên Chúa để mang lấy thân phận con người, nghĩa là Người chia sẻ với nhân loại cách thế hiện hữu đầy giới hạn của con người. Nhưng một khi sống lại (được siêu tôn, nghĩa là lãnh nhận quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa[2]), Người hiện hữu theo cách thế của một vị Thiên Chúa chứ không hiện diện bằng thân xác hữu hình như trước đây.

2. Việc Chúa lên trời đánh dấu sự biến đổi cách lạ lùng trong tương quan giữa trời và đất : Đấng đã lên trời có thể đồng thời cùng lúc hiện diện bất cứ nơi đâu trên trái đất. Chúa “lên trời” có nghĩa là từ nay Người luôn “có đó” (available) và ai cũng có thể đến gần (accessible) Người, gặp gỡ Người bất cứ nơi nào. Quả vậy, sau khi “lên trời”, Chúa Giêsu hiện diện với chúng ta trong Giáo Hội cách vô hình, bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần. Tuy xa cách chúng ta về thể xác, nhưng cách hiện diện mới này lại hiệu năng hơn. Khi còn ở trong thân xác, Chúa Giêsu chỉ ở bên cạnh chúng ta thôi, nhưng từ nay, với quyền năng của Chúa Thánh Thần, Người hiện diện trong lòng con người, trong lòng tất cả những ai tin kính Người, ở bất cứ nơi nào.

Vì thế, chúng ta hãy luôn tin rằng Chúa Giêsu Phục Sinh đang hiện diện, đang hoạt động trong lòng Giáo Hội; Người luôn có mặt bên chúng ta ngay cả khi chúng ta trải qua gian nan thử thách hay những giây phút tăm tối nhất của cuộc đời. Chúa lên trời, bước vào cõi vinh quang Thiên Chúa là để gần gũi với mọi người, để dẫn đường chỉ lối cho họ biết cách lên trời và nhất là để nhắc nhở họ hãy vui lòng đón nhận mọi khó khăn, thử thách.

Chúa Giêsu lên trời vì muốn dứt khoát ở gần chúng ta mãi mãi : Người đã đi xa và muốn đem chúng ta theo cùng. Người đã được dương cao trên thập giá để kéo chúng ta đến với Người, vì thế, khi lên trời (là Người lên cao hơn nữa) chính là để kéo chúng ta đến gần với Người hơn, gần đến nỗi chúng ta không thể không nhận ra, không thể cưỡng lại được, nhất là để chúng ta có thể thông chia chính sự sống của Người.

Như thế, việc Chúa lên trời là sự bảo đảm cho niềm hy vọng vào hạnh phúc mai sau của chúng ta: “Chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính” (1Ga 1,1). Nhờ vào lòng thương xót của Người, thế nào chúng ta cũng sẽ được “lên trời” để được thông phần sự sống đời đời của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Nguồn:https://conggiaovietnam.vn

Exit mobile version