Chữa lành và trào lưu

31

CHỮA LÀNH VÀ TRÀO LƯU

Dạo này, đi đâu chúng ta cũng nghe từ chữa lành. Có khi từ ngữ này bị lạm dụng vì lẽ người ta không hiểu thấu đáo của chuyện chữa lành …

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi

Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt

… Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi và bất an. Có những lúc chúng ta cần một sự hàn gắn, một điều gì đó có thể làm dịu đi những vết thương tinh thần, thể chất và giúp chúng ta phục hồi. Đó chính là lúc “Healing” trở thành một khái niệm quan trọng, một quá trình không chỉ giúp chúng ta phục hồi mà còn khiến chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn.

Có lẽ chưa bao giờ trào lưu “chữa lành” lại phát triển phổ biến như hiện nay. Bất cứ điều gì khiến tâm hồn con người ta thư thái, an nhiên; những nỗi đau, sự tổn thương được xoa dịu; những cảm xúc suy nghĩ tiêu cực, bất an được vứt bỏ, họ thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, yêu đời hơn thì đều được gọi là “chữa lành”. “Chữa lành” trở thành nhu cầu thực sự của cả một thế hệ, thế nhưng không ít người đang lợi dụng các phương pháp “chữa lành” để trục lợi trên nỗi đau của người khác.

Khi đi tìm hiểu thì được biết Healing trong tiếng Việt có thể hiểu là “chữa lành”.

Healing đồng nghĩa với việc chúng ta chủ động chăm sóc bản thân, tạo ra môi trường tích cực để làm dịu đi những vết thương của cuộc sống, và đặc biệt, giúp chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn để đối diện với mọi khó khăn.

Chữa lành tâm hồn là quá trình điều trị và phục hồi tâm hồn bị tổn thương, tạo ra sự cân bằng và hài hoà trong tinh thần của một người. Nó thường liên quan đến việc làm sáng tỏ những nỗi đau, trăn trở, và khó khăn tinh thần mà một người có thể đang trải qua.

Chữa lành tâm hồn nhằm mục đích giúp con người giải phóng khỏi những gánh nặng tinh thần, đạt được sự bình an và hạnh phúc trong cuộc sống. Điều này thường đòi hỏi sự đầu tư về thời gian và sức lực để thực hiện các phương pháp phục vụ cho quá trình chữa lành.

Với cảm nhận rất cá nhân, mỗi cá nhân muốn chữa lành tâm hồn của mình thì không có gì khác ngoài con đường đến với Chúa và gặp gỡ Chúa. Gặp Chúa ngang qua Thánh Lễ và nhất là qua giờ cầu nguyện.

Có lẽ con người ngày hôm nay lười cầu nguyện cũng như thiếu cầu nguyện để rồi không có sự gắn kết với Chúa. Có thể do công việc, có thể do ồn ào náo nhiệt hay do áp lực của cuộc sống để rồi không còn giờ dành cho Chúa nữa.

Có người nói chuyện xem ra rất đạo đức nhưng phán 1 câu xanh dờn : “Cha ơi ! Con lựa Cha nào làm Lễ ngắn là con đi à Cha !”

Nghe sợ thật chứ ! Trên trang cá nhân của người này đưa toàn tin Giáo Hội … chung chung là người này có cuộc sống tốt lành nhưng vẫn toan tính với Chúa về thời gian khi ở bên Chúa. Có thể mình lợi dụng thời gian Cha nào đó dâng lễ dài một chút để mình ở bên cạnh Chúa lâu hơn một chút thì có xá chi đâu ? Chúa cho mình quỹ thời gian nhiều mà ! Tại sao mình không dành thời gian để cho Chúa.

Khi đọc kinh, dâng lễ, nhất là khi rước lễ, chúng ta đón nhận và rước chính Chúa Giêsu vào nhà tâm hồn ta, để Chúa ở lại dạy dỗ và ban ơn cứu độ cho chúng ta, để Thánh Thể Chúa trở thành hiện tại của ơn cứu độ. Mỗi người chúng ta hãy sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì là tội lỗi xấu xa, biết chia sẻ, giúp đỡ những người khó khăn thiếu thốn… đền bù cân xứng những gì chúng ta đã làm thiệt hại đến tha nhân để Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta, như Ngài đã nói với ông Da-kêu “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19, 9).

Chúng ta vẫn được gặp Chúa qua Lời Chúa trong thánh lễ và gặp Chúa qua việc rước Mình Máu Thánh Chúa. Liệu chúng ta có được biến đổi không ? Kể từ ngày chúng ta được lãnh nhận Bí tích Rửa tội là chúng ta được mặc lấy con người mới và được tham dự vào ba sứ vụ : Tư tế – Ngôn sứ – Vương đế. Ước gì mỗi kitô hữu luôn giữ tâm hồn tình tuyền như ngày lãnh Bí tích Rửa tội và được Chúa phán bảo: « Đây là con yêu dấu của Ta Ta hài lòng về con ».

Chúng ta được mời gọi gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ tha nhân nhiều hơn qua việc suy niệm lời Chúa và sống bác ái mỗi ngày. Những phương thế này giúp chúng ta “hoán cải, đổi mới và sống vị tha.”

Nhiều khi chúng ta vẫn đọc kinh hàng ngày, vẫn đi lễ ngày Chúa nhật hàng tuần. Gặp gỡ Chúa trong các giờ kinh nguyện, trong thánh lễ, tại sao chúng ta lại không trở nên tốt, không được biến đổi như ông Gia-kêu…? Bởi vì chúng ta chưa tha thiết được gặp Chúa, chưa thực sự lắng nghe Lời Chúa, chưa đáp trả lời mời gọi của Chúa. Chúng ta đọc kinh, dâng lễ cho qua, cho xong việc bổn phận.

Có thể nói Thánh Lễ là thời gian cũng như không gian để biến đổi, để chữa lành chúng ta trong đời sống đức tin. Tiếc thay chúng ta chưa cảm được tình yêu, sức nóng của Bí tích Tình Yêu để rồi lòng chúng ta vẫn cứ nguội lạnh.

Tâm hồn chúng ta chai cứng vì chúng ta không để cho Chúa tác động chúng ta. Chúa đến và ở lại với chúng ta cách thiết thực nhất ngang qua Bí Tích Thánh Thể. Mỗi lần chúng ta rước Chúa là mỗi lần chúng ta đụng chạm đến Mình và Máu Thánh Chúa. Khi chúng ta rước Chúa vào lòng đó là khi Chúa ở với ta và ta ở với Chúa. Giờ phút thánh thiêng ấy không phải là 2 nữa mà là một : Chúa trong ta và ta trong Chúa.

Chúa nên đồng hình đồng dạng với ta khi ta rước Chúa. Phần ta, ta có để cho Chúa ở trong tay hay không đó là chuyện của chúng ta. Bao nhiêu lần rước Chúa xong thì bấy nhiêu lần lòng vẫn chai như đá thì thật là đáng tiếc.

Chữa lành ở đâu xa ? Ngay trong Thánh Lễ và trong giờ ta cầu nguyện kết hiệp mật thiết với Chúa chứ ở đâu xa.

Lm. Anmai, CSsR