Giáng Sinh gợi những suy tư
“Thầy yêu chúng con, lời ai nói cho cùng. Thầy yêu chúng con, Thầy sinh xuống gian trần. Thầy yêu chúng con, Thầy ban trót thân mình, để nuôi chúng con ngày lưu ký trần gian”. Đó lời điệp khúc trong bài Thánh ca “Niềm Tâm Sự” của Lm Ns Kim Long. Vâng, Tình Chúa thật tuyệt vời! Lòng Chúa thương xót quá bao la! Xin muôn đời cảm tạ Đại Sư Giêsu!
Giáng Sinh rất lạ. Lạ đủ thứ. Lạ từ nội tại tới ngoại tại. Giáng Sinh năm nay, Saigon lạnh hơn những năm trước. Có lẽ lâu rồi người Saigon mới lại cảm nhận được cái lạnh như thế, dù không lạnh lắm. Nghe nói cái lạnh ở miền Bắc, nhất là vùng Sapa, mới thực sự buốt da thấu thịt, thế nên người ta gọi là giá lạnh. Việt ngữ hay thật, cái “giá” này mới… “đáng giá”, chứ cái “lạnh” chưa thấm thía vào đâu.
Cái lạnh ngoại tại khiến tôi nhớ tới cái lạnh tâm hồn, cái lạnh linh hồn, cái lạnh tâm linh. Loại lạnh này thật khủng khiếp – có lẽ phải gọi là “giá băng”.
– Lạnh tâm hồn hoặc lạnh cõi lòng là cái giá lạnh của những người cô độc, mồ côi, neo đơn, thất vọng, bị người khác xa lánh, ghen ghét,… Họ không có ai để chia sẻ, mà có chia sẻ cũng chẳng ai quan tâm. Khổ tâm thật!
– Lạnh linh hồn là cái lạnh của những người khôn khan, nguội lạnh, tội lỗi, niềm tin lung lay,… Đáng thương thật!
– Lạnh tâm linh là cái lạnh của những người vô cảm trước nỗi khổ của người khác, như ông Simon “dè bỉu” người-phụ-nữ-tội-lỗi khi cô này xức dầu thơm chân Chúa Giêsu (Lc 7:36-50), như Thầy tư tế và Thầy Lê-vi không hề chạnh lòng thương xót “người lân cận” mà cam tâm bỏ mặc nạn nhân sống dở chết dở (Lc 10:30-37), hoặc như người Pha-ri-sêu “chảnh” ngay khi cầu nguyện tại Đền thờ (Lc 18:10-14).
Tin Mừng theo Thánh sử Mát-thêu có trình thuật về cảnh Phán Xét Chung: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25:34-36).
Giáng Sinh về mà đọc trình thuật này, có lẽ nhiều người cho rằng “lệch pha”. Nhưng không phải vậy. Không “lệch pha” vì sao? Vì Giáng Sinh là lời mời gọi yêu thương – yêu thương bằng cả tâm hồn và hành động cụ thể. Trình thuật này rất cụ thể về Đức Ái Kitô giáo.
Trình thuật Mt 23:34-40 là đoạn Kinh Thánh đã gợi hứng cho điêu khắc gia Timothy P. Schmalz (sinh 1970) tạc một pho tượng đồng lớn bằng người thật (2,5m), nằm co ro và trùm chăn kín mít, nhưng đôi chân thò ra ngoài và có dấu đinh. Thì ra đó là Chúa Giêsu vô gia cư, tứ cố vô thân!
Sau hai năm bị nhiều nơi từ chối, bức tượng “Homeless Jesus” (Chúa Giêsu Không Nhà) đã được “dừng chân” và “cư ngụ” tại Quảng trường Thánh Phêrô vào dịp Giáng Sinh năm nay – 2013. Ý tưởng của Timothy Schmalz thật sâu sắc và độc đáo. Bức tượng “Chúa Giêsu Không Nhà” của Timothy Schmalz là tiếng chuông cảnh báo mỗi chúng ta về việc thực hành đức ái sao cho đúng nghĩa, đúng ý Chúa.
ĐGH Phanxicô là “người của dân nghèo”, sống tinh thần của Thánh khất sĩ Phanxicô Assisi (Vị sáng lập Dòng Phanxicô, Dòng Anh Em Hèn Mọn). ĐGH Phanxicô rất thích bức tượng này, ngài đã cầu nguyện trước bức tượng và đã làm phép bức tượng “Chúa Giêsu Không Nhà” của nghệ sĩ Timothy Schmalz.
Khi phán xét, nếu chúng ta được đứng bên “chiên”, chúng ta sẽ được trực tiếp nghe Thẩm phán Giêsu Kitô xác định: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:-40). Nhưng nếu chúng ta bị đứng bên “dê”, và cũng chính chúng ta trực tiếp nghe bản án của mình do Thẩm phán Giêsu Kitô tuyên bố: “Mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:45). Thật khốn thay!
Nguyện xin cho mọi người được bình an đích thực trong đêm Con Chúa giáng sinh nhờ thể hiện Đức Ái. Amen.