Chúa Giêsu nhà giáo dục đức tin mẫu gương của giáo lý viên

107

XuanThieuNhiChúa Giêsu đã nhiều lần tuyên bố rằng đức tin cần thiết để được cứu độ: “Ai tin, người ấy sẽ được cứu” (Mc 16,16).

 Thánh Phaolô khẳng định: “người công chính sống nhờ đức tin” (Gl 3,11), và ta cũng đọc thấy trong thư Do Thái: “Không có đức tin, thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa” (Dt 11,6).

 Trước khi về Trời, Chúa Giêsu đã truyền cho các tông đồ: “Anh em hãy đi … và giảng dạy muôn dân” (Mt 28,19-20). Dựa vào đây, ta cũng có thể quảng diễn như sau: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, nghĩa là giáo dục muôn dân trong niềm tin mà Thầy đã dạy dỗ anh em như những người môn đệ của Thầy”. Các môn đệ đã làm theo lệnh truyền đó trước khi viết Tin Mừng, họ ra đi khắp thế giới để loan báo mầu nhiệm ơn cứu độ, khuyên bảo mọi người tin vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ. Thật vậy, thánh Phêrô đã loan báo: “Vậy toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2,36).

 Các anh chị giáo lý viên thân mến!

 Như các tông đồ xưa đã mạnh dạn, hăng say loan báo Tin Mừng và làm cho nhiều người tin vào Chúa Giêsu Kitô; ngày nay, đáp lại lời mời gọi của Chúa Kitô, chắc hẳn các anh chị cũng muốn tiếp nối bước chân rao giảng của Ngài, sẵn sàng lên đường thi hành sứ vụ mà Giáo Hội, thay mặt Chúa Kitô ủy thác.

 Gần đây, các văn kiện của Giáo Hội về việc dạy giáo lý đã nêu rõ: dạy giáo lý là một hoạt độnggiáo dục đức tin, và khẳng định: Giáo lý viên là nhà giáo dục đức tin. Đúng thế, dạy giáo lý là giáo dục đức tin, và các anh chị chính là những nhà giáo dục đức tin, vậy, đâu là cách mà một nhà giáo dục đức tin phải thực hiện? Ai có thể chỉ cho chúng ta “phương pháp sư phạm” đáng tin cậy nhất và hữu hiệu nhất?

 Thưa các anh chị, đó chính là qua việc chiêm ngắm Chúa Giêsu, trung tâm điểm đời sống người giáo lý viên, Ngài là vị Tôn sư, là Thầy dạy gương mẫu, nhà Mô phạm hoàn hảo và tấm gương tuyệt vời cho các nhà giáo dục, đến với Ngài, chúng ta sẽ được Ngài chỉ cho chúng ta một nghệ thuật giáo dục đức tin hoàn hảo mà Ngài đã trải nghiệm trong suốt 3 năm thi hành sứ vụ rao giảng của Ngài.

 Để chuẩn bị đi vào cuộc chiêm ngưỡng-học hỏi này, trước hết chúng ta cùng phân tích và tìm hiểu một cách khái quát về nhận định dạy giáo là giáo dục đức tin, tiếp đó tìm hiểu những khả năng mà người giáo lý viên- nhà giáo dục đức tin cần có, và sau cùng, chúng ta sẽ chiêm ngắm, học hỏi nơi Chúa GiêsuNhà giáo dục đức tin, với nghệ thuật giáo dục tuyệt vời của Ngài qua các trình thuật Tin Mừng.[1]

 1. DẠY GIÁO LÝ LÀ GIÁO DỤC ĐỨC TIN

 Từ xa xưa, thuật ngữ Dạy Giáo lý đã được dùng để gọi toàn bộ các nỗ lực của Hội Thánh nhằm giúp người ta tin theo Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và nhằm giáo dục, huấn luyện họ trong cuộc sống đời này để nhờ tin mà họ được sống nhân danh Chúa Kitô, và nhờ giáo dục mà họ xây dựng thân thể mầu nhiệm của Ngài là Giáo Hội.

 Tìm hiểu trong các văn kiện của Giáo Hội về việc dạy giáo lý gần đây, chúng ta thấy rõ dạy giáo lý là một hoạt động giáo dục đức tin,[2] và, Giáo lý viên là nhà giáo dục đức tin, người biết tạo điều kiện thuận lợi cho sự trưởng thành đức tin mà người dự tòng hay học viên giáo lý thực hiện với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, giáo lý viên chỉ là người giúp phát triển kinh nghiệm đức tin chứ không phải là người đem đức tin đến cho con người. Chính Thiên Chúa mới là Đấng đã đặt để đức tin vào lòng con người. Như vậy, rõ ràng đức tin là một hồng ân Thiên Chúa ban chứ không phải do giáo dục mà có.[3]

 Nghiên cứu quá trình phát triển phong trào giáo lý, người ta thấy thuật ngữ giáo dục đức tin xuất hiện nơi các quốc gia có nền văn hóa la-tinh từ sau thế chiến thứ hai.

 Giáo dục đức tin là một hình thức đặc trưng để chỉ bước chuyển tiếp từ “sách giáo lý” đến việc “dạy giáo lý” (catechismo → catechesi), từ việc dạy tôn giáo truyền thống đến một hoạt động giáo lý chú trọng hơn về tính đặc thù cơ bản của Lời Chúa và sự đáp trả của người tin vào Lời Ngài. Nói cách khác, đây là bước chuyển tiếp từ việc dạy các giáo huấn đến việc giáo dục đức tin.

 Ngoài ra, lối diễn tả giáo dục đức tin có những nét ưu việt trong việc canh tân giáo lý ngày nay. Nhìn theo khía cạnh giáo dục, chúng ta thấy toàn bộ nền sư phạm đương thời có ảnh hưởng trên việc dạy giáo lý, trong khi đối chiếu với đức tin, ta thấy đó là toàn bộ tiến trình tái khám phá thần học về bản chất của sứ điệp Kitô giáo và về sự phong phú đặc thù của thái độ tin. Người ta cũng nói đến việc dùng những lối diễn tả khác đồng nghĩa như: truyền thụ đức tin, phục vụ đức tin, giáo dục dẫn đến đức tin, vv.

 Những khó khăn và những phản đối về lối diễn tả giáo lý như là giáo dục đức tin

 Một số người cho rằng có sự khác biệt về nghĩa và có vẻ tham vọng khi dùng từ giáo dục đức tin,nghĩa là việc giáo dục ảnh hưởng trực tiếp trên đức tin, điều khiển đức tin một cách nào đó từ bên ngoài. Tuy nhiên, nên nhớ rằng, trong mọi trường hợp, người ta chỉ có thể nói đến giáo dục đức tin theo nghĩa con người là tác nhân trung gian trong tiến trình làm thức tỉnh và tăng trưởng thái độ tin, trong khi Thiên Chúa trực tiếp ngỏ lời với con người một cách nhưng không và con người hoàn toàn tự do đáp trả lời Ngài.

 Một số ý kiến khác lại muốn phân biệt giữa việc dạy giáo lý và giáo dục đức tin.

 Trong văn kiện của Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha nói rằng: “giáo dục đức tin được đặt nền tảng trên Thừa tác vụ Lời, ví dụ như việc giảng dạy cộng đoàn Kitô hữu, bài giảng trong thánh lễ, việc dạy môn tôn giáo trong trường học, việc huấn luyện trong các phong trào tông đồ, giáo dục Kitô giáo trong gia đình, giáo dục có tính gợi ý trong trường học, loan báo sứ điệp qua các phương tiện truyền thông, dạy các môn thần học, các khóa linh thao, tĩnh tâm, các khóa và những ngày chia sẻ, học hỏi, vv. Chắc chắn mọi cách thức giáo dục đức tin đều có một khía cạnh giáo lý, nhưng thực ra không có nghĩa là dạy giáo lý (Catequesis de la comunidad, Madrid, EDICE, 1983, n.59).

 Giáo lý được xem như là việc giáo dục vì giáo lý đảm trách bản chất cốt lõi của sư phạm, đó là sự tham gia có chủ đích vào tiến trình tăng trưởng cá nhân một cách tự do, nội tâm hóa, và tham dự vào việc phục vụ một kế hoạch hiện hữu có hiệu lực, mở ra những giá trị và khả năng biện phân phê bình. Sự lưu tâm đến bản chất sư phạm này cần phải giải thoát giáo lý khỏi nguy hiểm sẽ xảy ra về sự thiếu trưởng thành đến mức ngây ngô, hoặc là né tránh vào thuyết “siêu nhiên chủ nghĩa”, vv. Sự lưu tâm đúng đắn vào những đòi hỏi giáo dục của việc dạy giáo lý cần có một sự trợ giúp tương xứng để loại trừ những suy nghĩ méo mó thường xảy ra hoặc giản lược không đúng chức năng của việc dạy giáo lý, đó là hiểu nó đơn giản chỉ là việc dạy những nội dung tôn giáo, hoặc như tiến trình xã hội hóa tôn giáo, hay như việc truyền thụ giáo điều không hơn không kém, vv. Đặc biệt trong viễn tượng sư phạm, đòi hỏi việc dạy giáo lý không được quên những điều kiện liên can đến sự tăng trưởng đức tin, và cần chú ý đến những đòi hỏi của sự năng động trong việc trưởng thành nhân bản và trưởng thành Kitô hữu.

 Giáo lý được xem như là việc giáo dục đức tin. Thật vậy, giáo lý được mời gọi nhắm đến tính hiện sinh và những chiều kích cơ bản phong phú của giáo lý. Điều này muốn nói: thật không đúng nếu như việc dạy giáo lý chỉ dừng lại trên một bình diện đặc biệt nào đó của tính năng động đức tin, ví dụ như việc hiểu biết chân lý được mặc khải, hoặc thủ đắc những hạnh kiểm tốt về mặt luân lý, nhưng cần nới rộng bổn phận dạy giáo lý đến tính phức tạp và bề dày của thái độ tin như là sự đáp trả cá nhân và trọn vẹn cho kế hoạch sống Kitô giáo, đó là sự gắn bó và “bước theo” Chúa Giêsu. Trong viễn tượng này, việc dạy giáo lý được nhìn như là việc giáo dục đức tin, cần phải cẩn thận để không lệch lạc khỏi bổn phận của mình trong những chức năng của những thực tại khác, mặc dù liên quan đến đức tin, cũng không đồng hóa với đức tin (như là việc hiểu biết thần học, truyền thống tôn giáo) hoặc ngay cả sự phủ nhận đức tin (như những hình thức khác nhau về ý thức hệ tôn giáo).

 Việc lên kế hoạch và thực hiện việc dạy giáo lý cho thấy sự phong phú của những hiệu quả và những hướng dẫn, xác định việc giáo dục đức tin. Điều này cho phép tổ chức và điều khiển toàn bộ thực tại giáo lý trong đường lối của một phương pháp giáo dục đúng đắn và trưởng thành nhân bản trong lãnh vực đức tin. Ví dụ, ta tìm thấy ở đây, tiêu chuẩn định hướng để giải quyết không ít những vấn đề truyền thống của việc thực hành giáo lý, những việc đó là: sự đầy đủ về nội dung, vai trò của việc ghi nhớ, chiều kích kinh nghiệm, việc sử dụng những phương pháp hoặc những kỹ thuật khác nhau, vv. Nói chung, tính năng giáo dục hệ tại ở việc phục vụ sự tăng trưởng và trưởng thành đức tin, vì thế cần xây dựng và đưa ra mối then chốt quyết định để điều chỉnh những yếu tố khác nhau của mọi tiến trình giáo lý.

 Md Phạm Thúy

Nguồn: giaolyductin.org

.


[1]G. NOSENGO, L’arte educativa di Gesù (Nghệ thuật giáo dục của Chúa Giêsu), Elledici (TO), 2006, 31. Chúa Giêsu có thể làm điều Ngài đã nói “Ta là Chân lý”, Ngài đã làm trước rồi mới dạy “Anh em hãy học cùng Ta” để rồi “Anh em hãy làm như Thầy đã làm cho anh em”.
[2]THƯỢNG HĐGM 1977, 1: Giáo lý bao gồm việc giáo dục tuần tự phát triển đức tin, gắn liền trong quá trình trưởng thành không ngừng chính đức tin đó; DGL, 18: dạy giáo lý là giáo dục đức tin cho trẻ nhỏ, thanh niên và người lớn; HDDGL, 48. 51. 56. 57. 69-71: giáo dục thường xuyên về đức tin; HDDGL, 62: Chỉ khi nào xuất phát từ sự trở lại, nghĩa là lưu tâm đến thái độ bên trong của “người sẽ tin”, thì việc dạy giáo lý mới có thể phát triển nhiệm vụ đặc thù của mình là giáo dục đức tin; HDDGL, 148: mục tiêu phương pháp luận của việc dạy giáo lý là giáo dục đức tin.
[3]Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý (HDTQ), 56.