Chúa Giêsu nguồn mạch sự sống

374

Bài suy niệm Tháng 04/2019

CHÚA GIÊSU NGUỒN MẠCH SỰ SỐNG

***

       Được mời gọi dấn bước theo Chúa Giêsu trên con đường Thánh Giá, người đồ đệ cần luôn gìn giữ mối dây liên lạc với Chúa. Trong Phúc Âm theo thánh Gioan, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cây nho và ngành nho, để diễn tả mầu nhiệm hiệp thông giữa Ngài với các đồ đệ: “Cũng như ngành nho tự mình không thể mang lại hoa trái, nếu không kết hợp với cây nho. Các con cũng vậy, nếu các con không ở trong Thầy. Thầy là cây nho, chúng con là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì sẽ mang lại nhiều hoa trái, vì tách lìa ra khỏi Thầy, các con không thể làm gì được” (Ga 15,4-5).

       Chúa Giêsu là nguồn mạch của cuộc sống và sứ mạng của chúng ta. Nếu chúng ta để mất mối dây liên lạc mật thiết với Ngài, thì không những chúng ta không thể chu toàn sứ mạng mà còn mất luôn ý nghĩa của cuộc đời. Trong hoàn cảnh đó, ơn gọi tông đồ sẽ bị biến thành dụng cụ để tìm kiếm chính mình hoặc các tư lợi ích kỷ; các tiêu chuẩn Tin Mừng sẽ biến mất, và trong tâm trí sẽ dấy lên vô vàn nghi vấn về cuộc đời tông đồ tận hiến. Kết quả là chúng ta sẽ dễ dàng chạy theo đám đông. Vì vậy, điều thiết yếu trong cuộc đời tông đồ tận hiến là phải sống gần Chúa, để đào sâu và làm cho mới luôn mãi mối dây liên lạc thân tình với Chúa và tiến lên mãi trong mối hiệp thông với ngài.

       Cuộc gặp gỡ Chúa biến đổi tâm hồn chúng ta theo con tim của Chúa Kitô. Tuy nhiên, cần hiểu rõ là sống gần Chúa không có nghĩa là bỏ mặc anh chị em xung quanh với những vấn đề của họ, nhưng nhờ sống gần Chúa mà chúng ta có thể tập và thành công nhìn thế giới với đôi mắt của Chúa và yêu thương thế giới với con tim của Chúa. Như thế, tiến gần Chúa và sống thân tình với Ngài sẽ giúp chúng ta quan tâm và phục vụ anh chị em một cách trung thực hơn. Thánh Phaolô tông đồ đã nêu gương cho chúng ta về điểm này. Lòng hăng say tông đồ của ngài phát sinh từ tâm hồn say mến Chúa. Nhiều lần ngài đã tâm sự cho những con cái tinh thần của ngài như sau:

       – “Đối với tôi, sống chính là Chúa Giêsu” (Pl 1,21).

       – “Không còn phải là tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,2).

       – Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2Cr 5,14).

       – “Tôi biết Đấng tôi tin tưởng” (2Tm 1,12).

       – “Ai có thể chia lìa chúng ta khỏi tình yêu của Chúa Kitô? Các cơn thử thách ư? Sự lo âu, các cơn bách hại ư? Đói kém? Trần truồng? Nguy hiểm? Gươm giáo?… Tôi chắc chắn một điều là dù sự chết, dù mạng sống, dù các thiên thần, dù hiện tại, dù tương lai, dù các quyền lực, dù trời cao, dù vực thẳm, dù bất cứ một thụ tạo nào, không gì có thể chia cắt chúng ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa được mạc khải trong Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39).

       Con người của thánh Phaolô rất sâu sắc và cũng có thể nói là phức tạp. Tuy nhiên, tất cả đều được xây đắp trên một nền tảng duy nhất là Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu là trung tâm cuộc đời. Chúa Giêsu là sức mạnh nâng đỡ ngài, khích lệ ngài, ban nguồn sinh lực cho ngài. Chính vì vậy, chúng ta không thể hiểu được thánh Phaolô, nếu chúng ta tách rời ngài khỏi Chúa Giêsu. Tất cả cuộc đời đều hướng về Chúa Giêsu. Thật đúng là ngài say mê Chúa Giêsu. Nhưng đây không phải là một thứ say mê tình cảm, mà là tình yêu đích thực, là kết quả của một đức tin xác tín mạnh mẽ rằng Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng cứu thế duy nhất của nhân loại. Chính vì vậy mà thánh Phaolô đã trung thành với Chúa Giêsu trong mọi hoàn cảnh, dù thử thách, dù gian nguy, dù bị bách hại… (x. Rm 8,35-39). Lòng say mê yêu mến Chúa nơi ngài được biểu lộ phần nào qua cách thức ngài tự giới thiệu mình với dân chúng. Ngài là một người biệt phái, một tiến sĩ luật, một nhà trí thức. Đó là những tước hiệu đem lại vinh dự và vinh quang. Tuy nhiên, thánh Phaolô không dựa vào những tước hiệu đó và không giới thiệu mình với tước hiệu này. Trái lại, ngài luôn tự giới thiệu dưới những tước hiệu sau đây: Phaolô, môn đệ Chúa Giêsu; Phaolô, tông đồ của Chúa Giêsu; Phaolô, tôi tớ của Thiên Chúa; Phaolô, tù nhân của Chúa Giêsu. Có thể nói: Chúa Giêsu là thư giới thiệu, là thẻ căn cước của ngài; Chúa Giêsu là cuộc sống của ngài. Chúa Giêsu là tiêu chuẩn quyết định cho mọi chọn lựa của ngài. “Trong khi người Do Thái đòi các phép lạ, người Hy Lạp tìm kiếm các sự khôn ngoan, thì chúng tôi rao giảng Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, một nhục mạ đối với người Do Thái, và là sự điên rồ đối với người Hy Lạp; nhưng đối với những người được kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, thì Chúa Kitô là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,22-24).

       “Khi đến nơi anh em, tôi không muốn biết gì hơn là Chúa Giêsu Kitô, Đấng chịu đóng đinh” (1Cr 2,2). Phải, chính vì ngài không  muốn biết gì hơn là Chúa Giêsu Kitô, Đấng chịu đóng đinh, mà ngài chấp nhận trở nên nô lệ cho thất cả, trở nên hòa đồng với tất cả để cố gắng bằng mọi giá cứu vớt tất cả (x. 1Cr 9,19-23).

       Lạy Chúa Giêsu của lòng con mến yêu, xin hãy cất xa khỏi con những gì làm con xa lìa Chúa, và hãy ban cho con những gì giúp con đến gần Chúa. Xin hãy giải thoát con khỏi cái tôi ích kỷ, để hiến trọn thân con cho Chúa. Xin biến đổi con trở thành Chứng Nhân cho Tình Yêu Chúa mọi nơi và mọi lúc.

Sr.  Anna Hoàng Mai, MTG.Thủ Đức