Chúa Giêsu được nhắc đến như thế nào trong Kinh Thánh và ngoài đời?

120

 Chúa Giêsu được nhắc đến như thế nào trong Kinh Thánh và ngoài đời?

03Lời mà Thiên Chúa phán trực tiếp khi tạo thành ”Vũ Trụ và con người”, Lời mà Ngài nói với ”con người đầu tiên”, với các Tổ Phụ và Tiên Tri, Lời mà Ngài ”linh ứng” cho các Vị ấy đều được Tin Mừng theo Thánh Gioan 1,1; 1,3; 1,10 khẳng định là ”ai” như sau: ”…và Lời là Thiên Chúa. Nhờ Lời mà mọi sự được tạo thành và không nhờ Lời thì chẳng có gì được thành sự. Ngài ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Ngài mà có, nhưng lại không nhận biết Ngài.”

Như vậy, dựa vào xác tín của Thánh Gioan, vào Thánh Vịnh 33,6: ”Nhờ Lời Đấng Hằng Hữu, các tầng Trời được dựng nên.”, tôi xin nêu một số bằng chứng Danh Xưng của Lời là ”Con Một ở trong Cung Lòng Cha” và là ”Emmanuel: Thiên Chúa ở giữa chúng ta” (Gioan 1,14; 1,18) được nhắc đến qua ai, cho ai, ở đâu, khi nào.

1- Sáng thế xong, Lời ”vào đời”, ”nói chuyện” với ”con người”, chúc lành cho họ, phán nhiều điều, ban cho họ mọi thứ cỏ, cây có trái ăn ngon và cây sự sống, khác với cây biết điều lành, sự dữ.

2- Khi đã phạm tội, tổ tông của loài người cũng là nhân chứng nghe Lời Hứa về Ơn Cứu Chuộc.

3- Cây gậy của Môsê đập vào đá để có nước cho Dân Chúa uống mà sống, cây gậy ấy ”treo lên” hình con rắn để Dân Chúa nhìn nó mà được lành bệnh. Cả hai sự kiện này là hình ảnh báo trước về Chúa Cứu Thế và Thánh Giá của Ngài. (Từ ngàn xưa, rắn cũng là biểu tượng cho sự bất tử, sức mạnh của sự sống…Rắn đã hại ”con người” đầu tiên. Nhưng nó lại là ”thuốc” nơi cây gậy của Môsê. Trong bài giảng về Mùa Chay năm 2013, Cha Jérôme Jean cũng nói rắn của Môsê là hình ảnh Chúa Cứu Thế. Thật vậy, chính Ngài đã dạy trong Mat. 10,16: ”Cho nên các con phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.”)

4- Tông Đồ Công Vụ 5,30 chứng minh ”gậy và rắn” của Môsê đã ứng nghiệm: ”Giê-su bị các ông treo lên cây gỗ, rồi giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Ngài sống lại.”

5- Tiên Tri Dacaria (11,7) cũng báo về Ngài và Thánh Giá: ”Thế là tôi trở thành người chăn dắt đàn chiên mà phường-buôn-chiên-dê tính làm thịt. Tôi lấy hai cây gậy, một cây gọi là “Ân Huệ”, cây kia là “Liên Kết“, và tôi chăn dắt đàn chiên.” (Hai cây ”liên kết” thành Thập Giá trong Tân Ước.)

6- Chúa Giêsu nói về Ngài cho ông Nicôđêmô: ”Như Môsê giương cao con rắn trong sa mạc, Con người cũng sẽ bị giương cao ngõ hầu ai nào tin thì nhờ Ngài mà được sự sống đời đời.”

7- ”Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: Ta là Ðấng Hằng Hữu. Con nói với nhà Israel thế này: Ðấng Hằng Hữu sai tôi đến với anh em.”

8- Chúa Giêsu cũng phán như trên trong Gioan 8,57: “Tôi Hằng Hữu trước khi có Abraham.”

9- Thánh Vịnh 77,16: ”Tay Chúa đã cứu chuộc dân Ngài là giống nòi GiacopGiu-se.”

10- Thiên Sứ cũng thưa với Trinh Nữ Maria: ”Và này, Cô sẽ thụ thai trong dạ và sinh con, và sẽ gọi tên Ngài là Giêsu… Ngài sẽ làm Vua trên nhà Giacop đến đời đời, và vương quyền của Ngài sẽ vô tận!”, và với Thánh Giuse: ”Ngài sẽ cứu Dân Ngài khỏi tội.”

11- Tổ Phụ Abraham: Để thử lòng ông ta, Thiên Chúa phán: “Hãy đem con của con, đứa con một yêu dấu là Isaac, hãy đi đến xứ Môrigia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đó, trên ngọn núi mà Ta sẽ chỉ cho con.” (Isaac, con một, vác củi khô leo lên núi là hình ảnh báo trước việc Chúa Giêsu mang Thập Giá gỗ lên đồi Golgotha. Đấng Hằng Hữu cảm động, sai Thiên Thần ngăn cản Abraham giết con. Ngước mắt lên, thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi gai, Abraham liền bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình và gọi nơi ấy là “Đấng Hằng Hữu sẽ liệu.” Hình ảnh ”bị mắc sừng trong bụi gai” báo trước đầu Chúa Giêsu bị đội mảo gai.)

12- Tiên Tri Ysaya (29,22-23): “…Giacop không còn xấu hổ,…Giacop sẽ tuyên xưng Danh Ta là Thánh, sẽ tuyên xưng Ðấng Thánh của Giacop là Thánh, và sẽ kính sợ Thiên Chúa của Israel.”

13- Philatô: Dù được các thượng tế khuyên can, ông ấy vẫn cho ghi vào Thập Giá lời mỉa mai: ”Giêsu Nadarét Vua của người Do Thái” (Iesus Nazarenus Rex Iudeorum) mà chữ viết tắt ở Thánh Giá hôm nay là INRI. (Gioan 19,19) Đúng là: ”Mưu sự tại nhân. Thành sự tại Thiên!”

14- Thánh Luca (24,36-49) kể lại như sau: ”Họ còn đang nói thế thì Ngài đứng giữa họ và bảo: “Bằng an cho các con!” Quá khiếp đảm, họ tưởng mình thấy ma. Nên Ngài nói với họ: “Sao lại hoảng hốt? Sao lại ngờ vực trong lòng các con? Hãy coi tay chân Ta; chính là Ta đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có thịt, có xương như các con thấy Ta có.” Thế rồi, Ngài đưa tay chân cho họ xem. Vì mừng quá, họ vẫn chưa tin và còn ngỡ ngàng nên Ngài nói với họ: “Ở đây có gì ăn không?” Họ trao cho Ngài một miếng cá nướng. Và Ngài cầm lấy mà ăn trước mặt họ. Ðoạn Ngài nói với họ: “Những lời này, Ta đã nói cùng các con, khi còn ở giữa các con, là phải ứng nghiệm mọi điều đã viết về Ta trong Sách Môsê, các Sách tiên tri và Thánh Vịnh.” Bấy giờ, Ngài mở trí cho họ hiểu Kinh Thánh. Rồi Ngài nói với họ: “Có Lời Kinh Thánh (Cựu Ước) chép thế này: Ðấng Kitô phải chịu khổ nạn và ngày thứ ba thì sống lại từ cỏi chết; và phải nhân danh Ngài, phải rao giảng cho mọi dân tộc, khởi từ Giêrusalem, việc hối cải để họ được tha thứ tội lỗi. Chính các con là chứng nhân về điều này.”

15- Câu ”Họ còn đang nói thế” tức là việc hai môn đệ trên đường Emmaus kể lại cho ”Nhóm mười một” Tông Đồ và bạn hữu rằng mình đã gặp Chúa phục sinh. Thánh Luca ghi lại sự kiện Emmaus như sau: “Bấy giờ, Chúa Giêsu nói với hai ông: Các con chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các con thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Ðấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Ngài sao?” Rồi, bắt đầu từ sách Môsê và tất cả các ngôn sứ, Ngài giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Ngài trong tất cả Sách Thánh. Khi đồng bàn với họ, Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận biết Ngài, nhưng Ngài lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Ngài nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta chẳng bừng cháy lên đó sao?”

16- Giáo Hội Tiên Khởi: Thực hành lời Chúa dạy: ”Các con là nhân chứng về điều này.”, Phêrô, Giáo Hoàng tiên khởi, ứng khẩu bằng Diễn Từ như sau: “Thưa đồng hương Israel, xin nghe những lời sau đây…. Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Giêsu đã bị nộp, và các người đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Ngài vào thập giá, rồi giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại, giải thoát Ngài khỏi những đau khổ của cái chết. Vì cái chết không tài nào khống chế được Ngài…” (TĐCV 2,22-24)

17- Đao phủ Saulô trở thành Tông Đồ Phaolô: Saolô ”hằm hằm”, muốn giết các môn đệ Chúa nên tới gặp thượng tế xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Damas để bắt Kitô hữu, bất kể đàn ông, đàn bà, rồi trói và giải họ về Giêrusalem. Một luồng ánh sáng chiếu xuống, phủ lấy ông. Ông té ngã, nghe tiếng nói: “Saul, Saul, sao ngươi bắt bớ Ta?” Ông nói: “Thưa, Ngài là ai?” Ngài đáp: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ. Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết phải làm gì.” Những người, cùng đi với ông, dừng lại, sững sờ…. Ông Khanania nói với tên sát nhân: “Anh Saul, Chúa đã sai tôi đến đây, Ngài là Giêsu, đã hiện ra với anh trên đường. Ngài dạy tôi đến để anh thấy lại được và để anh được đầy Thánh Thần.” Lập tức, thứ gì như vảy văng ra khỏi mắt Saolô và ông lại thấy được, chịu phép rửa, ăn uống, khoẻ lại và rao giảng lập tức ở hội đường về Chúa Giêsu! (Không kể đến chứng nhân tử Đạo như Thánh Stêphanô cũng đã bị Saulô hãm hại, Giáo Hội còn có câu chuyện thật sự: ”Quo vadis?” (Thưa Ngài, Ngài đi đâu?) Hoàng đế tàn bạo Nero sát hại người theo Chúa Giêsu như trong phim ở Link này: Lạy Thầy, Thầy Đi Đâu ( QuoVadis ) Thuyết Minh HD720 phim công giáo)

18- Khải Huyền 2,7: ”Ai thắng, Ta sẽ cho ăn quả của cây sự sống trồng nơi ngự uyển của Thiên Chúa. (Xem thêm KH 22,2; 22,14; 22,19)

19- Kitô Giáo: Không tính các giáo phái như Chứng Nhân Giêhôva, Mormon, chưa tính Chính Thống Giáo và Tin Lành thì riêng Công Giáo đã có hơn 1 tỷ 2 người đang là chứng nhân cho Giêsu Phục Sinh. Nếu Chúa Giêsu không sống lại, nói cách khác, nếu Ngài không đè đầu ”hoàng tử bóng tối” là Satan thì niềm tin của Kitô hữu là sự ngông cuồng, là điều không tưởng, là khối ngu si, là trò mê tín và việc làm ấu trĩ. Cho nên, theo cá nhân tôi, chẳng cần đến Flavius Josephus (Josèphe), sử gia nổi tiếng của Do Thái vào thế kỷ thứ nhất, xác nhận Giêsu đã bị án tử hình dưới thời Philatô, đã sống lại và làm nhiều phép lạ. Bởi vì: Một con én như Flavius Josephus không làm nổi mùa xuân! Vậy thì:

20- Toàn thể Nhân Loại

a- Cả Thế Giới đang sử dụng Lịch Chung (Công Lịch) tức là Dương Lịch, Công Nguyên (Notre Ère) là ”Thời Kỳ, Thời Đại, Kỷ Nguyên của chúng ta!” Chữ Pháp ”Dimanche”, do ”dies dominicus” là ”ngày của Chúa: Jour du Seigneur.” Chữ Anh, Đức ”Sunday, Sonntag” là ngày của mặt Trời biểu tượng cho Thiên Chúa là Chân Lý.

b- Chữ Pháp, Anh, Đức ”date, Datum” để chỉ ”ngày, tháng năm” bởi vì ”datum” (được ban cho, được tặng) là ”phân từ” (participle) của động từ latinh ”dare”: donner, give! Trong Sách Tiên Tri Ysaya 9,5 có ghi: ”Puer natus est nobis, et Filius datus est nobis.” (Trẻ Thơ chào đời cho chúng ta, và người Con Trai được ban cho chúng ta.) Trẻ Thơ hay Con Trai chính là Chúa Giêsu!

c- Người Anh, Đức cũng dùng chữ ”Adieu” để nói lời tạm biệt. Chữ này là cách rút gọn của câu: ”Je vous confie à Dieu.” (Tôi phó thác anh cho Thiên Chúa. I commend you to God.) Tây Ban Nha… thì dùng chữ Adiós. Có người cho rằng Giêsu không phải là Thiên Chúa. Vậy, xin dẫn chứng tiếp câu 9,5 của Ysaya: ”Ngài gánh vác quyền bính trên vai, Danh Hiệu của Ngài là Cố Vấn kỳ diệu, Thiên Chúa quyền năng, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hòa bình.”

d- Đâu phải ”vô tình” mà ông Henri Dunant lập Ủy Ban cứu trợ và cả Thế Giới đều công nhận đó là Hội Hồng Thập Tự mang dấu chỉ ”tình thương, tình liên đới, việc làm phước”. Hầu hết các nhà thuốc tây đều có ”huy hiệu” (emblème) Chữ Thập và hình con rắn.

e- Ở Đức, trong ngày Karneval trước Mùa Chay, biết bao rừng người cải trang, mang Thánh Giá, không phải để nhạo báng, mà vì đó là biểu tượng thiêng liêng. Được hỏi tại sao mình đeo Thánh Giá, nhiều bạn trẻ ”không phải Kitô hữu” trả lời: ”Thấy nó hay hay, dễ thương, thế thôi.” Người Đức còn dễ thương hơn nữa: Gặp chuyện vui, họ nói: ”Gott sei Dank!” (Tạ ơn Chúa!) Gặp chuyện buồn hay bực mình thì: ”Mein Gott!” (Lạy Chúa của con!)

g- Quà, Thiệp, Nhạc, Mùa Vọng, Chợ, nghỉ Lễ Giáng Sinh (Christmas Holidays) trên toàn Thế Giới là sự thể hiện hay việc chia sẻ ”tâm tình” đón mừng Chúa Sinh ra. Chữ ”Noël” do ”natalis” là cách viết gọn, biến âm của ”dies natalis”: Birth-day, Jour de naissance.

h- Giáo Hội vừa có Tân Giáo Hoàng thuộc Dòng Tên (Jésuite: Giêsu Hữu) cũng không ngoài Thánh Ý của Thiên Chúa!

Viết cho Mùa Phục Sinh 2013

Đaminh Phan văn Phước