CHỮ XUÂN TRONG TRUYỆN KIỀU
Đại thi hào Nguyễn Du quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh năm 1765, mất năm 1820, thọ 55 mùa xuân. Thân phụ của ông là Nguyễn Nghiễm, làm quan đến chức tể tướng. Thân mẫu là bà Trần Thị Tần, quê ở xã Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc, nay là tỉnh Bắc Ninh. Nguyễn Du là người học sâu, hiểu rộng, am tường cả Nho, Lão, Phật. Ông là bậc tài hoa hiếm có, từng sống cuộc đời phong lưu, công tử nơi đất đế đô “Nghìn năm văn vật”.
Truyện Kiều gồm 3254 câu thơ, là thiên tài của ông. Đây là kiệt tác văn chương của lịch sử thi ca Việt Nam tự cổ chí kim. Tác phẩm của ông không chỉ là sự sáng tạo tuyệt vời từ tác phẩm văn xuôi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc) thành 3254 câu thơ lục bát, mà còn là sự phong phú, đa dạng về cách sử dụng từ ngữ trong thơ.
Tác phẩm Truyện Kiều đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Truyện Kiều cũng đã được rất nhiều nhà nghiên cứu, phê bình đánh giá cặn kẽ đến từng câu, từng chữ. Trong bài viết ngắn này, tôi chỉ xin đề cập đến chữ “Xuân” mà đại thi hào Nguyễn Du dùng trong Truyện Kiều.
Trong Truyện Kiều, 55 câu có chữ “Xuân” với những ý nghĩa khác nhau, có thể tập trung vào các chủ đề sau:
Chữ “Xuân” dùng để tả cảnh mùa xuân:
Ngày xuân con én đưa thoi (câu 39)
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
“Mỗi năm, mỗi tuổi như đuổi xuân đi.” Nhưng, để bù lại, “mỗi năm, mỗi tuổi” ta học thêm được ít nhiều kiến thức, lại khám phá ra một chữ hay của văn chương. Năm mới, xuân đã đến, thêm một mùa xuân tươi thắm trong cuộc đời, trước lúc hoa đào phong nhụy, tôi khai bút viết về chữ “Xuân” trong Kiều mà tôi tìm được vì như chợt quên đi, như chưa hề nghĩ đến “cái già xồng xộc” đang đuổi sau mình, như không hề nhớ mỗi độ xuân về, vẫn thường nhẩm đọc câu thơ đầu Khúc Giang để ngẫm lại cái triết lý của Đỗ Phú như sống gấp có từ ngàn xưa: “Nhất phiến hoa phi giảm khước xuân”. (Mỗi cánh hoa rơi, giảm tý xuân!)
Câu chuyện được khơi mào vào một ngày xuân năm trước khi, một bóng, một đèn, đọc lại truyện Kiều. Ấy là cái đoạn: sau phút bắt gặp “tình yêu sét đánh”, Kim Trọng tìm cách dọn nhà tới gần nơi ở của nàng Kiều để mong ”ngày ngày hằng trông” thấy nàng trong gang tấc. Và nàng cũng chẳng nỡ phụ lòng chàng, đôi khi đã xuất hiện thấp thoáng sau bức “tường Đông”. Bằng sự ma mãnh của con tim yêu đương muôn đời, một hôm, nàng đã tìm cách cài chiếc thoa lên cành đào cho chàng “bắt được” để, nhân đó, mà thố lộ tâm can. Và, quả nhiên, ngày hôm sau, từ sớm tinh mơ, mờ đất, chàng và nàng vịn vào cớ ấy để gặp nhau. Kẻ vừa giả vờ “ra ý tìm tòi ngẩn ngơ” thì đã có người “lên tiếng xa đưa ướm lòng”! Thật rõ ra là trò con trẻ! Nhưng, sau những câu thơ tưởng như vờ vờ, vịt vịt đó, hôm nay vẫn làm xốn xang bao trái tim già?
“Tan sương đã thấy bóng người
Quanh tường ra ý tìm tòi ngẩn ngơ
Sinh đà có ý đợi chờ
Cách tường lên tiếng xa đưa ướm lòng
Thoa này bắt được hư không
Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về
Tiếng Kiều nghe lọt bên kia
Ơn lòng quân tử sá gì của rơi
Thế là họ chính thức “tán” nhau từ câu 311. Vì đều mắc lưới tình của nhau rồi, họ tán nhau tuy văn chương, mà xem ra vẫn “sát sạt” quá; bàn chuyện hệ trọng một đời người mà nhanh chóng quá! Và, đến câu 436, tức là chỉ đối đáp chừng ba chục câu thơ, mà ta thấy Kiều đã nhận lời. Vì thế, tôi mới nảy ra cái băn khoăn là: Tại sao, chỉ trong thoáng chốc buổi sáng tinh sương ấy, mà trước câu Kiều tuyên bố “ghi tạc đá vàng” với Kim, Nguyễn Du lại viết:
Lặng nghe lời nói như ru
Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng (Câu 347, 348)
Viết như thế thì hóa ra họ “tán” nhau từ giờ tập thể dục qua buổi trưa, vắt sang buổi chiều? Trong truyện Kiều, ta cũng nên nhớ lại cái “sự xuân” này cũng đã được Nguyễn Du dùng hình tượng “mưa gió nặng nề” để đặc biệt tả cái “đêm xuân” mà nàng Kiều bị rơi vào tay họ Mã.
“Tiếc thay một đóa trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về!
Một cơn mưa gió nặng nề
Thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương
Đêm xuân một giấc mơ màng
Đuốc hoa để đó mặc nàng nằm trơ (câu 847-852)
Chữ “đêm xuân” ở đây là đêm của “sự xuân”, chứ không phải là đêm mùa xuân vì đang là “Đêm thu một khắc một chày” (câu 805), cái đêm Kiều theo Mã Giám Sinh; mà, trước lúc lên xe, nàng đã lén cầm con dao để “Dao này thì liệu với thân sau này”. Tuy nhiên, về hình thức, về danh nghĩa, đây chính là đêm cưới gả “Sính nghi rẻ giá, nghênh hôn sẵn ngày”, đêm “động phòng hoa chúc”, đêm của ái ân. Thế mà quái gở thay, sau “một cơn mưa gió nặng nề” cục súc, thay vì bằng việc nâng giấc, chăm sóc Kiều, thì đơn giản như gã thợ sơn tràng, đục xong cây gỗ để xỏ lạt, xuôi bè, vừa “xong việc”, Mã Giám Sinh biến mất trong đêm như một tên ăn trộm: “Đuốc hoa để đó, mặc nàng nằm trơ”! Phải hiểu theo nghĩa đặc biệt của chữ “xuân” trên đây, ta mới thấm hết nỗi đau của nàng Kiều trong cái đêm kinh hoàng buồn tủi ấy, mới thấy, ở bốn câu thơ trên, chữ “đêm xuân” chưa hẳn là tột cùng của nỗi đớn đau! Và, ở đoạn thơ sau, khi Kiều cầm dao tự sát, tú bà vội lo thuốc thang, đợi nàng tỉnh lại, bắt đầu lừa đảo tiếp: Xin lỗi con. Vì ta không biết con là con nhà lành nên mới đem con tới chốn lầu xanh. Thôi thì:
Thuốc thang suốt một ngày thâu
Giấc mê nghe đã dàu dàu vừa tan
Tú bà chực sẵn bên màn
Lựa lời khuyên giải mơn man gỡ dần
Một người dễ có mấy thân
Hoa xuân đương nhụy ngày xuân còn dài
Cũng là lỡ một lầm hai
Đá vàng sao nở ép nài mưa mây
Lỡ chân trót đã vào đây
Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non
Văn cảnh này vẫn bắt ta phải hiểu chữ “xuân” theo nghĩa đặc biệt ấy: Ta hứa với con rồi mà. Con cứ khóa cái “buồng xuân” ấy lại. Ta không bắt con tiếp khách nữa đâu. Ta hứa sẽ tìm nơi tử tế để gả bán gầy dựng cho con:
“Người còn thì của hãy còn
Tìm nơi xứng đáng là con cái nhà”
Nhưng Kiều đâu biết được cạm bẫy vẫn đợi nàng ở lầu Ngưng Bích:
“ Trước lầu ngưng bích khoá xuân,
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung”
Trúng kế đà đao của tên sở khanh mặt mo, Kiều phải cúi đầu, nhận “làm gái” trước mặt tú bà! Đến nước này rồi mà chữ “xuân” của Nguyễn Du vẫn còn phát sinh ý nghĩa mới: Ngoài sự miêu tả cái đau đớn của Kiều trong những câu thơ trước, đến đây, chữ “xuân” còn như ngầm chiêu tuyết cho phẩm cách của nàng trong những ngày đảo điên “nước đục bụi trong” giữa “chốn lạc loài” không lối thoát. Ấy là câu thơ Nguyễn Du miêu tả tâm trạng nàng Kiều “khi tỉnh rượu, lúc tàn canh” trong nhà chứa:
“Mặc người mưa Sở mây Tần
Những mình nào biết có xuân là gì!”
Với nghĩa ít gặp của chữ xuân trên đây, câu thơ đã miêu tả đầy đủ cái lạnh cảm đến vô cảm, như trái với tự nhiên của Kiều. Thì ra nếu chữ “xuân” trên đây mang nghĩa “sự xuân”, “việc xuân” thì, riêng ở câu nầy, chữ “xuân” lại là cái lạc thú của sự xuân: Kiều không hề tìm thấy chút lạc thú nào ngay giữa nơi mà bản năng con người sẵn sàng thức dậy. Với chữ “xuân” rất nhục thể này, Nguyễn Du đã xếp nàng Kiều đứng riêng một chỗ trong xóm nguyệt hoa, thậm chí, còn đứng cao hơn chị em trong “Làm Đĩ” của Vũ Trọng Phụng và cao hơn hẳn nỗi oan nghiệt của người đàn bà trong thơ Nguyễn Bính:
Mẹ con chỉ đợi hồng đôi má
Đợi một chiều xuân kia thắm tươi
Đỗ Hữu Phương