Chữ “Nhân” trong dòng nhạc Trịnh Công Sơn (2)
2. NHÂN SINH QUAN VÀ TRIẾT LÝ
a. Nhân sinh quan: thính giả có thể nhận ra nhân sinh quan của Trịnh Công Sơn là “yêu đời và yêu người một cách lạc quan” cho dù đời có nhiều ngang trái, phi lý hoặc dả, người có lắm tàn bạo, hành động thất nhân tâm! Ông khóc cho người đã chết, buồn với người chịu cảnh sinh ly tử biệt, trong bài “cúi xuống thật gần” ông viết:
“Cúi xuống – nghe đời nhấp nhô – nghe tim rạn vỡ – nghe trong tuổi nhỏ khóc òa
Cúi xuống – trên bờ xót xa – trên cơn lửa đỏ – trên khuôn mặt đã im lìm …”
Qua bài “Còn thấy mặt người”, nhạc sỹ kêu gọi mọi người lạc quan yêu đời và biết ơn đời để sống tốt hơn:
Mặt trời mặt trời đã lên
Một ngày một ngày đã qua rồi
Từng vùng từng vùng nắng trong
Một ngày một ngày biết ơn đời …
Từng ngày thấy mặt trời
Thấy mọi người òng đã thấy vui
Từng đêm tối ngồi chờ đợi
Từng đêm tối ngồi chờ đợi
Cho từng sớm mai thấy lại mặt người
Ông là người yêu hòa bình, ông kêu gọi người Việt Nam hãy yêu thương nhau vì tình cảm da vàng máu đỏ, vì nghĩa đồng bào, Ông Trịnh còn là người rất trân trọng và thấm nhuần văn hóa truyền khẩu bình dân Việt Nam.
b. Triết lý của Trịnh Công Sơn: qua các tác phẩm của ông, tôi thấy ông mô tả tình cảm, cảm xúc, của con người bằng những từ đầy hình tượng, nhân cách hóa của thiên nhiên vũ trụ, đồng thời ông cũng nói lên sự liên đới giữa tình trạng sướng-khổ của con người với sắc thái nở rộ hay úa tàn của muôn hoa, xanh biếc hay ủa sầu của cỏ cây. Có khi phủ cả khăn tang lên đồi núi, đồng bằng. Qua bài “Về trong suối nguồn”:
Quê hương trẻ mãi như tâm hồn thiên nhiên
Em đi qua đó không bao giờ muộn phiền
Xanh xanh cây lá biển hát chiều mưa.
Quê hương nằm thức bên bờ biển bao la,
Sau cơn chinh chiến núi non vẫn mượt mà,
Bay đi trong mưa nắng những câu chuyện thần tiên.
Từ nghìn xưa lúa reo trên đồng,
Lời ca dao hát trong nhân gian,
Tình nhẹ như cánh chim cò trắng
Chở chiều vàng đi đã bao nghìn năm.
Tìm về trong suối nguồn,
Trái tim bốn mùa vẫn dịu dàng ngân,
Bao nhiêu mùa gió bay trong lòng quê hương,
Mang qua bao thôn xóm những câu chuyện ngày thường,
Cho em yêu mãi nhé những tâm hồn cỏ non.
Những điều đã trình bày trên dẫn đến vài nhận định sau:
– Ông Trịnh là học trò của Đức Khổng Tử, vì tư tưởng chủ đạo của Đức Khổng là “hữu vi”, xây dựng một xã hội “nhân hòa” người với người sống để thương nhau. Lý tưởng trên đã được ông Trịnh gửi gấm vào lời bài hát để vận động cho tình yêu thương giữa người với người, nhắm đến một xã hội hòa bình – hạnh phúc – yêu thương nhau.
– Ông cho rằng con người và thiên nhiên có mối liên hệ khắng khít hữu cơ, thiên nhiên vốn dĩ hài hòa tốt đẹp, sự hài hòa này nhằm mục đích cho con người được hưởng môi trường sống hòa bình, mạnh khỏe và yêu thương nhau. Khi con người không còn yêu thương nhau nữa thì chiến tranh xảy ra, mà đã có chiến tranh thì hậu quả là tàn phá và chết chóc, những gãy đổ trong tương quan giữa người với người, giữa người với thiên nhiên. Sự suy yếu về tương quan này khiến thiên nhiên bị tàn phá. Đây là một cái nhìn rất tích cực đáng cho ta suy nghĩ thêm (xin tham khảo thêm bài: Đóa hoa vô thường, Có nghe đời nghiêng, Cũng sẽ chìm trôi, Dấu chân địa đàng)
– Nhạc sỹ có lối nhân cách hóa thiên nhiên rất sống động, khiến tôi nghĩ ông thích triết lý “vô vi” của Lão tử, các bài Biển nghìn thu ở lại, cánh chim cô đơn, … như bộc bạch điều này.
– Thế nhưng, dường như Trịnh Công Sơn vẫn cảm thấy chưa đủ, chưa thỏa cho cuộc đời của ông, còn thiếu cái gì đấy! Do đó, nhạc sỹ thao thức trăn trở tìm kiếm đáp án cho những vấn đề của kiếp người (nguồn gốc, cùng đích, mai hậu, cái chết, đời sau … Xin độc giả nhớ đến các bài hát: Cát bụi, Còn có bao ngày, Còn mãi tìm nhau, Tử biệt, Chuyện đóa quỳnh hương, Con mắt còn lại, dã tràng ca 1, Một cõi đi về, Phúc âm buồn …
3. THAY LỜI KẾT
Tình cảm trong dòng nhạc Trịnh thật đa dạng, bao hàm cả tình yêu nam nữ, tình gia đình, tình đồng bào, tình yêu đất nước lẫn tình yêu hòa bình, yêu đời hiện sinh. Đàng khác, nhạc sỹ theo cả chủ thuyết hữu vi của Đức Khổng và quan điểm vô vi của Lão Tử, và khuynh hướng minh triết cũng tỏ hiện khá đậm nét trong ca từ.
Chúng ta tạm tóm kết vài ghi nhận sau:
Trịnh Công Sơn chịu ảnh hưởng rất sâu tư tưởng Khổng, với nhân, lễ, nghĩa, trí, tín – tam cương và công, dung, ngôn, hạnh – tam tòng, nhưng lại không trực tiếp đề cập đến trong các tác phẩm để đời. Chúng ta chỉ thấy tác giả cổ vũ cho đất nước thanh bình, xã hội an hòa -công bằng-đoàn kết và phát triển hài hòa bền vững. Ông bày tỏ niềm thông cảm sâu sắc với cảnh sinh ly tử biệt, nồi da xáo thịt, gia đình tan đàn xẻ nghé, người với người sống mà không yêu nhau. Đồng thời, ông lại cổ vũ và động viên thính giả: hãy yêu đời, hãy yêu thương nhau. Nhìn từ quan điểm lý thuyết của Khổng Tử, thì có thể nói người nhạc sỹ họ Trịnh quả là một “học trò cưng” của Đức Khổng ở thế kỷ XX này, qua việc “cổ vũ xây dựng nhân hòa”.
Nhưng nhạc sỹ này không dừng ở lý tưởng nhân hòa, vì những thắc mắc mang tính triết học và tôn giáo khiến tác giả nên như “kẻ lang thang” và “thiền nhân yêu đêm” suốt cả đời (đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt!). Cả đời nhạc sỹ không ngừng khắc khoải tìm kiếm nơi cuộc đời, nơi tư tưởng các tôn giáo, trong đêm qua dòng thiền …
Thiết nghĩ ông hiểu – biết khá rõ về các tôn giáo, nhưng dường như vẫn chưa chọn được bến đỗ. Trong các tác phẩm để lại, ông tả hình bóng của Lão Tử với: vô vi – đất trời – vạn vật – trường tồn cùng núi sông … chứ không ngưỡng vọng về Thiên đàng, niết bàn hoặc một nơi cực lạc vĩnh phúc.
Thế giới ta đang sống được xem như một ngôi làng, xã hội và con người chịu tác động của môi trường đa nguyên, đa diện, đa văn hóa, đa tôn giáo. Do đó, mỗi người ít nhiều, minh nhiên hay mặc nhiên thuộc về hoặc thiên về một niềm tin hay dòng tư tưởng lớn nào đó. Thế nhưng, tôi ngạc nhiên khi thấy NS Trịnh Công Sơn – nhà trí thức, một tài năng âm nhạc của Đất Việt, một triết nhân, một con người của công chúng đương đại … – lại rất “truyền thống Nho gia” (ý tôi nói là “nho gia quy ẩn”).
Quả vậy, một Nho gia khi gặp thời thì đem tài, trí, chí, đức, tâm để giúp đời; họ thường đảm nhận những vai trò lãnh đạo ở chính quyền hay một tổ chức nào khác. Nhưng “vị Nho gia” đang được nói đến lại không làm chính trị, nên qua các tác phẩm, chúng ta chỉ thấy ông là một con người có lối sống giản dị, ẩn dật, thích thiền, yêu thiên nhiên vạn vật vì yêu vô vi, yêu con người và cuộc đời vì hữu vi, thích nghiền ngẫm suy tư về cuộc đời.