Chữ “NHÂN” trong dòng nhạc Trịnh Công Sơn (1)

66

Chữ “NHÂN” trong dòng nhạc Trịnh Công Sơn (1)

 Tâm thức mỗi người Việt Nam ta đều tiềm tàng ít nhiều những cảm thức minh triết, tôn giáo hoặc niềm tin vào Trời, tín ngưỡng phồn thực, thờ cúng Tổ Tiên, vạn vật hữu linh… Đặc biệt ảnh hưởng của các dòng tư tưởng Nho gia, Đạo gia, Phật giáo, Kitô giáo… đã đâm rễ sâu vào nền văn hóa, kiến trúc, nếp nghĩ suy và lối ứng xử của Việt tộc. Văn hóa truyền thống của nước Việt được hình thành và phát triển dựa vào những thành tố trên cộng sinh với các yếu tố khác như: lịch sử, địa lý, thổ nhưỡng, chủng tộc, …

Nhạc của Trịnh Công Sơn là một minh họa cho tính tương tác về tư tưởng của các nhân tố kể trên. Việc tìm hiểu quan điểm “Nhân” trong dòng nhạc Trịnh đã tạo niềm say mê cho bản thân, đồng thời được nhiều bằng hữu khích lệ. Do đó, người viết mạnh dạn tìm tư liệu về nhạc sỹ qua tiểu sử và các nhạc phẩm phổ biến…

Bài viết này hình thành do tấm lòng yêu mến và kính phục đối với nhạc sỹ. Kính mong nhận được sự đồng điệu, đồng cảm và quảng đại của chính nhạc sỹ quá cố, thân nhân của ông và quý độc già yêu thích nhạc Trịnh. Vì chỉ là ý kiến cá nhân, nên xin mọi người thông cảm cho sự hạn chế của bản thân người viết…. Chân thành cảm ơn trước.

1. CON NGƯỜI TÌNH CẢM VÀ GIÀU LÒNG TRẮC ẨN

a. Tình yêu nam-nữ: phải thú thật, nhạc sỹ là bậc thầy trong việc dùng từ để mô tả những cảm xúc thăng hoa, đau khổ, khát khao, chờ đợi của người “đã biết yêu”. Những ca từ để mô tả hoặc ca ngợi nét đẹp của tình nhân thật lãng mạn, đầy hình tượng, giàu cảm xúc và luôn mới mẻ. Bài “Cúi xuống thật gần” cho ta thấy cảm xúc thăng hoa đang khi say men tình:

“…Cúi xuống
Cúi xuống thật gần
Cho chiếc hôn ngọt nồng
Cho trăm năm ưu phiền phút chốc hư không

Cúi xuống
Cho tình dấy lên
Cho da thịt mềm
Cho cơn mặn nồng ngất lịm …”

Trong bài “Diễm xưa” ông viết về nỗi nhớ mong “trong cơn đau vùi!” với “hằn lên nỗi đau”

“Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhớ mãi trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau …”

hoặc ở tác phẩm “Cuối cùng cho một tình yêu” có đoạn nói về nỗi “sầu đầy” đến nỗi “xin thôi đầy” vì “đã đầy” (tôi cảm nhận như có “sắc sắc-không không” ở ý từ này)

“Sầu xuống thôi đầy, làm sao em nhớ
Mưa ngoài song bay, lời ca anh nhỏ, nỗi lòng anh đây
Sầu thôi xuống đầy
Sầu thôi xuống đầy…

Còn trong bài “Chiều một mình qua phố” tác giả diễn tả về nỗi buồn vắng bóng người yêu, thê thiết đến độ “nắng khuya chưa lên, hoàng hôn chưa tới” mà “tím” cả một loài hoa!!! Hoặc rệu rã bước chân gọi buồn vì nhớ!

“Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
Có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím
Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
Gót chân đôi khi đã mềm gọi buồn cho mình nhớ tên…. “

b. Tình yêu quê hương, đất nước, dân tộc Việt Nam

– Đối với quê hương và đất nước: Ông cũng đau lòng và lo sợ cho việc phân cách và ly tán của nước Việt, tâm tư này ông gởi vào trong bài “Biển nghìn thu ở lại”.

Biển đánh bờ,

Xôn xao bờ đánh biển

Đừng đánh nhau … ơi biển sẽ tàn phai

Đừng gạch tên vì yêu đừng xé nát…

để nói lên cảm xúc xót xa cho cảnh huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt của dân tộc Việt Nam, ông Trịnh đã có một kho các ca khúc da vàng hay nhạc phản chiến. Lời của ca khúc “Cho một người nằm xuống” như một điếu văn cho một người lính phi công tử trận. Ý từ và nhạc của bài hát này chua chát, hư vô và “buồn thay cho người xấu số” làm sao ấy:

Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên

Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn

Đất ôm anh đưa vào cội nguồn

Rồi từ đó, trong trời rộng, đã vắng anh

Như cánh chim, bỏ rừng, như trái tim bỏ tình

Nơi đây một lần, nhìn anh đến những xót xa đành nói cùng hư không!

Bạn bè còn đó anh biết không anh?

Người tình còn đó anh nhớ không anh?

Vườn cỏ còn xanh, mặt trời còn lên

Khi bóng anh như cánh chim chìm xuống …

Ông đã gọi quê hương-dân tộc Việt Nam là Mẹ và kêu gọi mọi người dân Việt hãy nhớ lại cội nguồn của mình, hãy ăn năn nếu trong cuộc đời ai đó đã có lúc làm cho quê hương bị chiến tranh, đồng bào bị ngục tù phi lý … những tâm tình trên và cò nhiều cảm xúc thương yêu Việt Nam khác của ông đã được gửi gấm vào các tác phẩm âm nhạc. Tôi xin trích dẫn bài “Ca dao Mẹ” để dẫn giải cho nhận định trên.

1. Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn, đong đưa võng buồn

Mẹ ngồi ru con mây qua đầu ghềnh lạy trời mưa tuôn

Lạy trời mưa tuôn cho đất sợi mềm hạt mầm vun lên

Mẹ ngồi ru con nước mắt nhọc nhằn xót xa đời mình.

2. Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn năm qua tuổi mòn

Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn

Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân

Một dòng sông trôi cuốn mãi về trời bấp bênh phận người

ĐK: mẹ ngồi ru con tiếng hát lênh đênh

Mẹ ngồi ru con ru mây vào hồn

Mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương

Mẹ nhìn con đi phút giây bàng hoàng.

3. Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn, đong đưa phận mình

Mẹ ngồi ru con nghe đất gọi thầm trọn nợ lưu vong

Mẹ ngồi trăm năm như thân tượng buồn để lại quê hương

Tuổi còn bơ vơ thế giới hằn thù chiến tranh ngục tù.

c. Con người giàu tình người:Tôi thật thích thú khi đọc được hai câu nói về tâm tình “đạo hiếu” của ông đối với hai đấng thân sinh, trong bài “Có nghe đời nghiêng”

… Tạ ơn hoa sáng thơm cho mẹ

Tạ ơn chim chiều hót cho cha …”

Trong bài “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” ông “nhặt gió trời mời em giữ lấy, để mắt em cười tựa lá me bay …” hay ông chọn đường để đến anh em, đến bạn bè … có yêu thương mến nhau thì mới đến với nhau, nhưng cái hay của ông ở chỗ: khi ông đến vì yêu thương anh em thì chính là lúc ông “sống vui từng ngày” ông nhìn thấy được sự hiện diện của chính ông là “đến trong cuộc đời” và “đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi”:

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

Chọn những bông hoa và những nụ cười

Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy

Để mắt em cười tựa lá bay

Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi

Đường đến anh em đường đến bạn bè

Tôi đợi em về bàn chân quen quá

Thảm lá me vàng lại bước qua

Và như thế tôi sống vui từng ngày

Và như thế tôi đến trong cuộc đời

Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi …

Ông đau buồn cùng người khi có sự sinh ly tử biệt, đặc biệt là cái chết của con người do chiến tranh. Trong bài “Ngụ ngôn mùa đông”, cái chết bi đát và thảm thương “không chỉ một lần” của những đồng bào đã được ghi lại rõ ràng như là lời kể của một nhân chứng lịch sử:

… Một ngày mùa đông – trên con đường mòn – một chiếc xe tang – trái mìn nổ chậm – người chết hai lần – thịt da nát tan.

Một ngày mùa đông – hai bên là rừng – một chiếc xe tang – trái mìn nổ chậm – người chết hai lần – thịt da nát tan.

Một ngày mùa đông – một người Việt Nam – thôi ra dòng sông – súng nổ thật gần – tiếng đạn đầy hồn – từ đó bâng khuâng – nhớ thưở mẹ bồng – lời ru trong sáng – nhớ mẹ hiền lành – ngồi với đàn con.

Một ngày mùa đông – một người Việt Nam – thôi lên đồi non – súng từ thị thành – súng từ ruộng làng – nổ xé da non – phố chợ thật buồn – cuộn dây gai chắn – chắc mẹ hiền lành – rồi cũng tủi thân.

(còn tiếp)

Nguồn:  nhipcautamgiao.net