Nhân dịp ngày Thế Giới Môi Trường, do Liên Hiệp Quốc phát động, trong bài nói chuyện tại quảng trường Thánh Phêrô sáng 05/06 ĐTC đã mạnh mẽ lên án chủ nghĩa hưởng thụ và tiêu xài làm cho con người vô cảm trước sự túng thiếu của nhiều người trên thế giới. Chủ nghĩa tiêu dùng đã gây ra cho chúng ta thói quen không cần thiết, lãng phí lương thực hằng ngày. Đó là loại “Văn hóa vứt bỏ” cần phải lên án và xóa bỏ. Cuối cùng ĐTC mời gọi mọi người cùng cam kết cách nghiêm túc tôn trọng và gìn giữ thụ tạo, chú ý đến từng người, chống lại nền văn hóa vứt bỏ và hoang phí, để đẩy mạnh văn hóa liên đới và gặp gỡ.
Anh chị em thân mến
Khi chúng ta nói về môi trường, về thụ tạo, tôi nghĩ đến những trang Thánh Kinh đầu tiên của sách Sáng Thế, xác định rằng Thiên Chúa đã đặt con người trên trái đất để canh tác và giữ gìn nó (x. St 2, 15). Làm nảy ra trong tôi những câu hỏi : việc canh tác và giữ gìn trái đất muốn nói lên điều gì? Thực sự chúng ta có đang canh tác và giữ gìn thụ tạo không? Hay chúng ta đang khai thác và bỏ bê nó? Động từ “canh tác” gợi lại trong tôi sự chăm sóc của người nông dân đối với đất đai của mình để nó đem lại hoa trái và được chia sẻ : với bao nhiêu chú tâm, đam mê và tận tụy! Việc canh tác và gìn giữ thụ tạo là dấu chỉ Thiên Chúa đã ban không chỉ lúc khởi đầu của lịch sử, nhưng ở nơi mỗi người chúng ta; là một phần chương trình của Ngài; điều đó muốn nói rằng phải làm cho thế giới tăng trưởng với tinh thần trách nhiệm, thay đổi nó, để nó là khu vườn, là nơi mọi người có thể sống. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhiều lần nhắc về nhiệm vụ này do Thiên Chúa Đấng Tạo Dựng trao cho chúng ta, đòi hỏi đón nhận nhịp điệu và sự hợp lý của việc tạo dựng. Trái lại thường được hướng dẫn bởi tính kiêu căng thống trị, sở hữu, gian lận, khai thác; chúng ta không “bảo vệ”, không kính trọng, không coi nó như là ơn huệ nhưng không mà chúng ta phải chăm sóc. Chúng ta đang dần mất đi thái độ ngạc nhiên, suy niệm, lắng nghe công trình tạo dựng; và như vậy chúng ta không thành công để đọc được nơi nó điều mà ĐTC Bênêđictô XVI gọi là “nhịp điệu câu chuyện yêu thương của Thiên Chúa đối với con người”. Tại sao lại xảy ra điều này? Bởi vì chúng ta đang nghĩ và đang sống theo chiều ngang, chúng ta đang xa dần Thiên Chúa, chúng ta không đọc thấy những dấu chỉ của Người.
Nhưng “việc canh tác và gìn giữ” không chỉ hiểu theo tương quan giữa chúng ta với môi trường, giữa con người với thụ tạo, cũng như liên hệ đến những tương quan nhân loại. Các Giáo hoàng đã nói về Môi trường nhân văn, gắn chặt với môi trường sinh thái. Chúng ta đang sống trong thời kỳ khủng hoảng : chúng ta thấy nó trong môi trường, nhưng trước hết là chúng ta thấy nó nơi con người. Nhân loại đang trong tình trạng nguy hiểm : chắc chắn là vậy, nhân loại hôm nay đang trong tình trạng nguy hiểm, môi trường nhân văn là tình trạng khẩn cấp! Nguy hiểm nặng nề lý do của vấn đề không phải bề ngoài, nhưng bề sâu : không chỉ là chuyện kinh tế, nhưng về đạo đức và nhân chủng. Giáo hội đã nhấn mạnh nhiều lần về điều này; rất nhiều người nói : Vâng, đúng như vậy, thực sự như vậy… Nhưng hệ thống vẫn tiếp tục như ban đầu, bởi vì điều thống trị là những năng động của kinh tế, của hệ thống tài chính thiếu đạo đức. Cái điều khiển hôm nay không phải là con người, mà là tiền bạc, tiền bạc điều khiển. Thiên Chúa Cha đã trao cho chúng ta nhiệm vụ gìn giữ trái đất không phải bằng tiền, nhưng bằng chính chúng ta : những người nam nữ. Chúng ta có nhiệm vụ này! Như vậy con người bị sát tế cho các thần tượng lợi nhuận và tiêu xài : đó là “văn hóa vứt bỏ”. Nếu bể một cái máy tính, nó là một thảm cảnh, nhưng sự nghèo nàn, túng thiếu, các thảm cảnh của nhiều người người kết thúc bằng việc đưa vào trong tình trạng bình thường. Nếu vào một đêm mùa đông, ví dụ gần đường Ottaviano đây, có một người qua đời, đó không phải là tin tức, mà là chuyện xem ra bình thường. Không thể như vậy được! hoặc những điều này đưa vào chuyện bình thường : những người vô gia cư chết vì lạnh trên đường không phải là tin tức. Trái lại, thị trường chứng khoán ở vài thành phố hạ xuống 10 điểm, tạo thành một thảm kịch. Một người chết không phải là tin tức, nhưng nếu chứng khoán xuống 10 điểm là một thảm kịch. Như vậy nhiều người bị vứt bỏ, như là rác rưởi.
“Văn hóa vứt bỏ” này có khuynh hướng trở thành não trạng chung, lây lan cho tất cả. Cuộc sống nhân loại, con người không còn được cảm nhận như là giá trị ban đầu cần phải tôn trọng và giữ gìn nữa, đặc biệt là người nghèo và khuyết tật, nếu nó không còn phục vụ nữa – như một đứa trẻ, hay không còn cần thiết nữa – như là người cao tuổi. Văn hóa vứt bỏ này đã đem đến cho chúng ta sự vô cảm ngay cả những lãng phí và vứt bỏ lương thực, nó càng bị trê trách hơn nữa vì, thật không may, trong khi có nơi trên thế giới, rất nhiều người nhiều gia đình bị đói và suy dinh dưỡng. Xưa kia ông bà chúng ta đã chú ý rất nhiều để không quăng bất cứ đồ ăn dư thừa nào. Chủ nghĩa tiêu dùng đã gây ra cho chúng ta thói quen không cần thiết, lãng phí lương thực hằng ngày, đôi khi chúng ta không biết đánh giá đúng đắn, điều vượt quá những thống số kinh tế thuần túy. Chúng ta hãy nhớ rằng lương thực mà chúng ta vứt ra đường giống như nó bị lấy trộm từ bàn của ăn của kẻ nghèo, người đói! Tôi xin mọi người hãy suy nghĩ về vấn đề đánh mất, và lãng phí lương thực để xác định các con đường, những cách thức, đối đầu với vấn đề này cách nghiêm túc, đó là phương tiện của tình liên đới và chia sẻ với những người nghèo túng hơn.
Vài ngày trước, trong ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta đã đọc tường thuật về phép lạ hóa bánh ra nhiều : Chúa Giêsu đã cho đám đông ăn với năm chiếc bánh và hai con cá. Quan trọng ở đoạn kết thúc : “Tất cả đều ăn no nê và những mảnh vụn còn thừa, người ta thu lại 12 thúng” (Lc 9,17). Chúa Giêsu yêu cầu các một đệ đừng để mất điều gì : Đừng phung phí! Có sự kiện 12 thúng đầy : tại sao lại 12? Nghĩa là gì? 12 là con số của 12 chi tộc Israel, đại diện cho tất cả các dân tộc. Điều này muốn nói rằng khi lương thực được chia cách công bằng, với tình liên đới, thì không ai bị mất điều cần thiết, mỗi cộng đoàn có thể đi để thấy những túng thiếu của người nghèo nhất. Môi trường nhân văn và môi trường sinh thái cùng đi với nhau.
Giờ đây tôi muốn tất cả chúng ta cam kết cách nghiêm túc tôn trọng và gìn giữ thụ tạo, chú ý đến từng người, chống lại nền văn hóa vứt bỏ và hoang phí, để đẩy mạnh văn hóa liên đới và gặp gỡ.
Giuse Võ Tá Hoàng