TỪ NHỮNG GỢI Ý…
Chỉ có một tinh thần hy sinh cao cả mới giúp gìn giữ được và kiện toàn được sự hiệp thông trong gia đình. Thực vậy, sự hiệp thông này đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở lòng ra để thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau, và hòa giải với nhau. Không có gia đình nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hòa, những căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy: chính từ đó mà phát xuất muôn vàn hình thức chia rẽ khác nhau trong đời sống gia đình.
“Đồng thời, mỗi gia đình đều luôn luôn được Thiên Chúa Chủ Tể của sự bình an, mời gọi sống kinh nghiệm tươi sáng phấn khởi của việc hòa giải, trong việc tái lập sự hiệp thông, tìm lại sự hiệp nhất. Cách riêng việc tham dự vào bí tích giao hòa và bàn tiệc Mình Thánh Chúa Kitô sẽ đem lại cho gia đình Kitô hữu ơn sủng cần thiết và tinh thần trách nhiệm tương xứng để thắng vượt tất cả mọi chia rẽ và bước tới sự hiệp thông đích thực và trọn vẹn mà Thiên Chúa muốn, và như thế là đáp lại nỗi ước mong nồng nàn của Chúa là “xin cho tất cả được nên một”. (ĐGH Gioan-Phaolô II – Tông huấn về những bổn phận của gia đình Kitô hữu FC, số 21 – Roma 2002).
¨ MỘT THOÁNG SUY TƯ
Mọi người đều biết rằng, trong đời sống hôn nhân gia đình, không gì quý hơn là “Niềm hạnh phúc bền vững và một nền hòa bình lâu dài”. Như một danh nhân đã phát biểu : “Tất cả kho tàng trên trái đất này đều không thể sánh bằng hạnh phúc gia đình” (Caldéron). Chính vì hạnh phúc quý giá như vậy mà người ta phải nhọc công tìm kiếm, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt để có nó và phải nâng niu trân trọng nó, như “nâng trứng”, như “ hứng hoa”, mới mong nó không vuột khỏi tầm tay mình…
Nhưng trên thực tế, đã có khá nhiều người phải đau khổ, thất vọng khi đành chịu đánh mất hạnh phúc, là điều mà họ đã luôn mơ ước, tìm kiếm với bất cứ giá nào. Đó là bi kịch của con người. Quả vậy, cuối cùng thì “Người ta chỉ hiểu được giá trị của hạnh phúc khi đã mất nó” (Khuyết danh). Quy luật chung vẫn là có được thì đã khó, mà giữ được mãi lại càng khó hơn gấp bội.
Bởi lẽ đó, những ai đã và đang trải qua đời sống hôn nhân gia đình đều luôn ước mơ được sống thực tại “Đôi chim trong một tổ ấm; Đôi con tim trong một lồng ngực; Hai tâm hồn trong một liên minh bền vững làm bằng yêu thương và cầu nguyện, sẽ ngày càng bền chặt, ngày càng đầy phước.”(Dora Greenwell)
“Một liên minh bền vững ngày càng bền chặt” sẽ là điều chắc thực nếu trong cuộc sống hôn nhân gia đình, người ta biết sống HÒA với nhau. Đó là dấu chỉ và biểu hiện của một tình yêu trung thực, trong sáng và sâu sắc nhất. Văn hào J.J Rouseau đã nói một câu ngắn gọn và đầy ý nghĩa, như sau : “Định nghĩa tiếng ‘YÊU’ thật là giản dị. Nó là sự hòa hợp giữa hai tâm hồn trai và gái”.
Như vậy, để duy trì sự hòa hợp và phát triển hạnh phúc trong hôn nhân, thiết tưởng đôi bạn cần giúp nhau hiểu và áp dụng cách linh hoạt giải pháp “bốn HÒA”, đó là : HÒA thuận – HÒA đồng – HÒA hợp – HÒA giải.
1- Hòa Thuận
Trong kinh nguyện thường ngày, chúng ta vẫn cầu xin cho mọi người trong gia đình “sống hòa thuận : trên thuận dưới hòa, con cái thảo hiếu, vợ chồng thương yêu nhau…”. Sự hòa thuận là điều mong ước của mọi người trong gia đình để được sống hạnh phúc và yên bình.
Trong tương quan vợ chồng, ước mơ ấy lại càng tha thiết và mạnh mẽ hơn. Bởi vì, một khi “Vợ chồng như đũa có đôi” (Tục ngữ VN), thì mối quan hệ thuận hòa luôn là một yêu cầu không thể coi nhẹ được. Nó vừa thể hiện tình yêu chân thực lại vừa đem đến hương vị ngọt ngào trong đời sống lứa đôi.
Và nguy cơ dẫn đến sự tiêu tan hiệp thông trong gia đình chính là mối bất hòa, chia rẽ, mâu thuẫn nội bộ…ĐGH Gioan Phaolô II, trong Tông huấn về những bổn phận của gia đình Kitô hữu đã nêu rõ : “Không có gia đình nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hòa, những căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy: chính từ đó mà phát xuất muôn vàn hình thức chia rẽ khác nhau trong đời sống gia đình” (x.FC 21).
Ai cũng biết rằng sự bất hòa thường xuyên trong đời sống vợ chồng chẳng những đe dọa sự hiệp thông, hiệp nhất mà còn có thể dẫn đến hậu quả tai hại, đó là việc ly hôn ly dị. Vậy để giữ bầu khí sống chung êm ấm không xích mích mâu thuẫn, vợ chồng nên phấn đấu từ bỏ ý riêng, loại trừ tính ích kỷ nhỏ nhen, sự cứng cỏi ngoan cố, lòng đam mê hiếu thắng, thói tự cao tự đại…Khi có một cuộc sống hòa thuận lâu dài với nhau, họ sẽ hiểu ra rằng “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn” (Tục ngữ VN).
Hơn nữa, đôi bạn Kitô hữu còn có một phương thế sâu xa hơn, hiệu quả hơn trong việc sống kinh nghiệm hòa giải. ĐGH Gioan Phaolô II đã nhắc nhở : “Mỗi gia đình đều luôn luôn được Thiên Chúa Chủ Tể của sự bình an, mời gọi sống kinh nghiệm tươi sáng phấn khởi của việc hòa giải, trong việc tái lập sự hiệp thông, tìm lại sự hiệp nhất. Cách riêng việc tham dự vào bí tích giao hòa và bàn tiệc Mình Thánh Chúa Kitô sẽ đem lại cho gia đình Kitô hữu ơn sủng cần thiết và tinh thần trách nhiệm tương xứng để thắng vượt tất cả mọi chia rẽ và bước tới sự hiệp thông đích thực và trọn vẹn mà Thiên Chúa muốn, và như thế là đáp lại nỗi ước mong nồng nàn của Chúa là “xin cho tất cả được nên một” (x.FC 21).
2- Hòa Đồng
Đối với nhiều người, việc sống hòa đồng trong quan hệ vợ chồng là điều không thể thực hiện được. Người chồng thì cảm thấy “vợ phải kém mình một bậc” vì cha ông ta vẫn nói “Phu xướng phụ tùy” (chồng định làm gì vợ cũng phải làm theo!). Chồng là người lãnh đạo trong khi vợ là kẻ thừa hành. Nhiều người chồng quen thói gia trưởng còn coi vợ như “đầy tớ, kẻ hầu người hạ” ! Ngược lại, cũng có bà vợ, dựa vào một ưu thế nào đó, tỏ ra “uy quyền bà chúa” đối với chồng, như đã có câu “Lệnh ông không bằng cồng bà”…
Trong bối cảnh gia đình như thế, không thể có sự hòa đồng trong tương quan vợ chồng. Bởi vì, hòa đồng hiểu một cách đơn giản, là sự sống chung hài hòa, bình đẳng, đồng đều giữa hai con người. Trong xã hội văn minh ngày nay, người ta luôn đề cao sự hòa đồng giữa chủ – tớ, giữa lãnh đạo và người cộng tác, giữa thầy và trò, giữa người giàu và kẻ nghèo, giữa người địa vị cao và người thấp kém vv…
Đặc biệt, trong quan hệ vợ chồng, thái độ cư xử hòa đồng sẽ là điều kiện cần thiết để đem lại niềm an vui, sự thăng tiến và tình yêu hòa hợp. Hình ảnh để minh họa cho sự hòa đồng giữa hai nhân tố nam nữ (vợ chồng), đó là “Ta với mình tuy hai mà một”, đó là vợ/chồng như “một nửa” của nhau, như “đối tác” (partner) của nhau vv. Một khi hai vợ chồng sống tích cực lý tưởng hòa đồng thì không còn kẻ trên người dưới, kẻ khinh người trọng, kẻ hơn người kém, kẻ cao người thấp nữa. Họ đối xử với nhau một cách bình đẳng, kính trọng và yêu thương. Trong tình yêu chắc chắn không có “giai cấp”. Còn gì đẹp cho bằng hai hình ảnh minh họa sau đây :
“Cho dù vật đổi sao dời, chúng ta đã sống cả đời yêu nhau; Cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, cùng lau giọt lệ ngậm ngùi sầu thương” (Charles Jeffreys). Và “Hai tâm hồn nhưng một ý nghĩ, hai quả tim nhưng chung một nhịp đập” (Maria Lowell).
Hòa đồng là luôn tiền đề cho sự hòa hợp vậy.
3- Hòa Hợp
Hòa hợp luôn là một thách thức lớn cho tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Vợ chồng, vốn rất khác biệt nhau, phải sống chung và sống trong sự hòa hợp lâu dài. Hòa hợp về tính cách, sở thích, suy nghĩ, phán đoán, quyết định, lối ứng xử, cách giao tiếp, nếp sống sinh hoạt vv. Theo tác giả Nguyễn Đình Xuân, thì “Hòa hợp là sự chấp nhận nhau để hòa nhập với nhau, bù trừ cho nhau…là sự thông hiểu nhau, chấp nhận nhau và sống biết điều với nhau”(x.Nguyễn Đình Xuân – Tâm lý học Tình yêu Gia đình – NXB GD 1993 – trang 113).
Trong đời sống vợ chồng, có thể nói vấn đề hòa hợp là điều tối quan trọng trong việc duy trì hạnh phúc lâu dài và hôn nhân bền vững. Đa số các cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa xin ly dị đều nói một cách thẳng thắn rằng họ không thể sống hòa hợp với nhau được. Có thể là về mặt tâm lý tinh thần. Có thể về đời sống tình dục. Có thể là cách quản lý ngân sách và chi tiêu trong gia đình. Cũng có thể là trong việc giáo dục dạy dỗ con cái. Đôi khi có thể do tính chất của nghề nghiệp vv.
Để giải quyết vấn đề hòa hợp trong đời sống hôn nhân gia đình, người ta đã đưa ra khá nhiều quy tắc hướng dẫn đôi bạn. Theo tác giả cuốn “Cẩm nang Hạnh phúc Gia đình Kitô” thì : “Sự đổ vỡ trong hôn nhân thường xảy đến khi hai người phối ngẫu không chấp nhận vai trò của nhau. Và từ đó không đạt được sự hòa hợp trong đời sống vợ chồng. Hòa hợp và bổ túc cho nhau, đó là nguyên tắc sống nền tảng trong đời sống hôn nhân…”. Và, “Bổ túc cho nhau trên hết có nghĩa là mình có những gì mà người kia không có, điều mình có ít thì người kia lại có nhiều. Sức mạnh, vẻ đẹp, sự dịu dàng của tình yêu nằm trong sự bổ túc ấy. Cả hai người trao đổi cho nhau những gì mình có, cả hai tăng cường cho nhau những gì mình có ít để từ đó giúp nhau được nên người hơn”.
Vậy để sự hòa hợp trong đời sống vợ chồng được lâu bền, hai người cần phải nhận thức sâu sắc về thực tại hôn nhân trong đó hai người đã tự nguyện sống chung với nhau một cách mật thiết, cả về tâm hồn lẫn thể xác. Và để duy trì bền vững mối quan hệ mật thiết ấy, theo các chuyên gia về tâm lý hôn nhân gia đình, có mấy nguyên tắc cơ bản sau (Thanh Thảo trích Reader’s Digest – Bài “Mười điều cần thực hiện thường xuyên trong quan hệ vợ chồng” – Báo PN ngày 23-4-2003) :
– Biết lắng nghe và hiểu người bạn đời ;
– Bầy tỏ sự tôn trọng lẫn nhau ; trân trọng những gì đang có ; giữ thái độ tế nhị nhất là khi không đồng ý đồng tình ;
– Duy trì tiền đề “Chúng mình” ; tuân thủ những cách làm chung (tránh tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược) ;
– Nuôi dưỡng xúc cảm tự nhiên ; biểu lộ công khai bản chất thầm kín ; cần hiểu tình dục khác với quan hệ mật thiết …
Như vậy, mặc dù sống hòa hợp trong đời sống vợ chồng là điều khó khăn, tế nhị và phức tạp, nhưng không thể không thành hiện thực được. Vấn đề sẽ tùy thuộc phần lớn vào ý hướng tốt lành của chúng ta. Bởi xét cho cùng, chính tình yêu trung thực và nồng ấm sẽ là sức mạnh giúp vượt thắng tất cả. “Yêu nhau vạn sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng” (Ca dao VN).
4- Hòa Giải
Điều hiển nhiên là trong đời sống vợ chồng rất mà khó tránh khỏi những va chạm, mâu thuẫn, xung khắc này nọ. Bởi vì “Chồng chén bát còn có lúc xô”hay “Chén bát còn có lúc xô xát, huống chi vợ chồng” (Tục ngữ VN). Do đó vấn đề cốt lõi trong đời sống vợ chồng không phải là tránh mâu thuẫn nhưng là cách giải quyết những va chạm xung khắc. Đó là con đường hòa giải.
Tùy theo tính cách, kinh nghiệm, trình độ và bối cảnh sống của mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng, mà ta có những giải pháp riêng biệt. Tuy nhiên, một cách chung nhất, vẫn có những giải pháp cơ bản đúc kết từ kinh nghiệm thực tế của nhiều người. Đây là một số ý kiến :
– “Một sự nhịn chín sự lành” (Tục ngữ VN);
– Giữ mình để không bao giờ là người gây chiến trước; luôn làm chủ lời ăn tiếng nói, thái độ và các phản ứng của mình ; không biến chuyện nhỏ thành lớn…;
– Nếu lỡ có tranh cãi thì “Hãy nhường cho chồng (hay vợ) bạn thắng trong cuộc tranh cãi, nếu cần có người thắng” (Khuyết danh);
– Trân trọng những khác biệt của nhau; luôn tâm niệm “Tương kính như tân” (Thành ngữ VN);
– Rộng lượng, bao dung, tha thứ; hai người phải chứng minh người này luôn cần thiết cho người kia; luôn biết lắng nghe và cảm thông nhau;
– “Trong tình yêu, niềm khoái lạc nhất là lúc làm lành với nhau sau khi cãi vã” (Alfred Musset).
¨ PHÚT DỪNG CHÂN (bạn có đồng ý không ?)
“Người ta có thể buồn một mình, nhưng để vui phải có hai người” (Elbert Hubbard).
“Trận chiến dũng cảm nhất, tôi chưa từng thấy ở đâu trên bản đồ thế giới, mà tôi chỉ gặp giữa vợ chồng với nhau” (Joaquin Miller).
¨ ĐỘNG NÃO (thảo luận vấn đề của chúng ta)
– “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Anh/chị hãy cho biết câu tục ngữ trên muốn nói gì ? Theo anh/chị, những nguyên nhân thông thường gây bất hoà trong đời sống vợ chồng là gì ? Và hãy đề xuất giải pháp cho từng nguyên nhân ?
– Anh/chị nghĩ gì về câu nói sau đây: “Chính sự bình đẳng mới có thể làm cho tình yêu vững bền” (G.E. Lessing).
Nguồn: UBMVGĐ