CHỮ HIẾU TRONG ĐỜI DÂNG HIẾN
“Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha, kính mẹ mới là chân tu.”
Nghe tin tôi sắp sửa đi tu, Hoà – đứa bạn thân từ hồi học trung học – đã “phone” cho tôi. Nó bảo rằng: “Mày không thương cha mẹ mày hay sao? Nhà mày nghèo thì mày phải kiếm tiền lo cho cha mẹ chứ!” Nó là người bạn tốt và phải nói là ‘một người con hiếu thảo theo tinh thần của người Á đông.’ Nghe máy xong lòng tôi hơi chùng lại và trong thâm tâm luôn tự hỏi ‘phải chăng tu là bất hiếu?!’
Cũng như bao người, tôi cũng có một gia đình, một mái ấm thân thương đã gắn liền với tuổi thơ của tôi. Và để đáp lại tiếng mời gọi của Thiên Chúa, tôi đã phải bỏ lại hai tiếng “gia đình” thân thương của mình. Khi rời xa gia đình tôi mới thấy nó thiêng liêng làm sao! Cảm xúc tuôn trào làm tôi nhớ lại bàn tay sần sùi của mẹ và bờ vai chai cứng theo năm tháng của cha. Cha mẹ đã cho con làm người, đã hy sinh lo cho con tất cả, đã nâng niu nuôi dạy con lớn lên thành người. Công ơn trời biển đó chưa một lần đáp đền, vậy mà nay tôi đã phải ra đi vì lý tưởng đời mình.
Rồi những lúc nhớ nhà, hình ảnh cha mẹ đang vất vả ngoài vườn, ướt đẫm mồ hôi dưới cái nắng miền trung cháy da, cháy thịt hay những ngày đông lạnh cóng của khí trời miền bắc. Và những lần cha mẹ đau ốm đã không có con kề bên chăm sóc hỏi han. Và còn những vui buồn trong cuộc sống không được cha mẹ kề cận ủi an, chia sẻ. Càng nhớ, càng suy nghĩ, tôi lại càng thương cha mẹ nhiều hơn. Những lúc như thế tôi lại thấy câu nói của Hoà có lý : ‘tôi là đứa con bất hiếu…’ nhưng tại sao cha mẹ lại chấp nhận cho tôi đi tu, sao cha mẹ lại sung sướng và ủng hộ tôi như vậy? và không lẽ những người đi tu là bất hiếu cả? Hai dòng suy nghĩ đó cứ đeo đuổi tôi và làm cho tôi bối rối vô cùng.
Và đã có nhiều lúc tôi cũng có tâm trạng như người thanh niên ngày xưa đã nói với Đức Giêsu: “Thưa thầy xin cho con về chôn cất cha con trước đã” (Lc 9,59). Có lẽ đây là tâm trạng chung của những ai bắt đầu dấn thân như tôi, chúng ta rất muốn làm tròn “chữ hiếu” của một người con trước đã, rồi việc đi tu mới tính sau. Nhưng nếu như thế, thử hỏi liệu chúng ta có thể dấn thân một cách trọn vẹn được hay không? Đi theo Chúa mà chúng ta còn hướng về gia đình nhiều thì không thích hợp với thánh ý của Thiên Chúa vì “ai tra tay cầm cày mà con ngoái cổ lại đằng sau thì không thích hợp với nước Thiên Chúa”. Nói như vậy không đồng nghĩa với việc đi tu thì chúng ta đoạn tuyệt với gia đình, nhưng chúng ta vẫn cần phải giữ những mối liên hệ thân thiết. Và cao hơn nữa, chúng ta phải mang những mối liên hệ đó ngay trong cộng đoàn chúng ta, vì đi tu là chúng ta đang cố tạo nên những thành viên mới trong “gia đình Đức Giêsu”.
Đang loay hoay tìm câu trả lời, tôi lại đọc được đoạn Tin Mừng theo thánh Matthêu chương 12, câu 46- 50. Tin Mừng trình thuật việc người thân của Đức Giêsu đến tìm gặp Người. Họ đã nhận được câu trả lời: “Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi?”. Đức Giêsu cũng có một gia đình, cũng được sống trong tình thương của mẹ cha. Thế mà, khi người nhà đến gặp thì được nghe một lời thoạt nghe như là một sự từ chối thật đau lòng. Câu nói của đức Giêsu tưởng chừng như Ngài chối bỏ đi những người thân trong gia đình. Nhưng có lẽ Ngài đang có lý do riêng của Ngài. Ngài biết rằng người thân đang đến tìm bắt mình về vì Ngài đang bị mang nhiều “tai tiếng” và bị cho là “bị quỷ ám”. Ngài phải phủ phàng nói lên câu đó để lẩn tránh những người thân. Và một lý do quan trọng hơn, Ngài muốn khẳng định rằng: gia đình của ngài là “những ai nghe lời Chúa và đem ra thực hành”, chứ không riêng gì những người ruột thịt của mình. Trước một mối liên hệ thân thuộc về huyết thống, Đức Giêsu đã đưa ra cho chúng ta một nền tảng về gia đình. Gia đình đó gồm các thành viên là “những ai nghe lời Chúa và đem ra thực hành”.
Noi gương Chúa Giêsu, tôi để lại đằng sau những mối liên hệ về gia đình để tôi có thể dấn thân một cách trọn vẹn hơn. Một khi chúng ta đã bước theo Chúa thì cần phải hy sinh một phần nào tình cảm về gia đình mình. Được như vậy thì mai sau dù có được sai đi đến đâu cũng cảm thấy vui vẻ, bởi “toàn trái đất này là quê hương của người Thừa sai của Đức Kitô”.
Đến đây, tôi có thể phủ nhận câu nói của Hoà, vì đi tu không hoàn toàn là bất hiếu. Vì nếu là bất hiếu thì tại sao mấy ngàn năm rồi vẫn có nhiều người bỏ gia đình để bước vào tu viện như thế. Phải chăng tất cả họ là những người con bất hiếu? Tuy tôi không trực tiếp chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, nhưng đã có anh chị thay tôi làm điều đó. Tuy tôi không mang lại tiền tài danh vọng cho cha mẹ, nhưng qua việc dâng hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho Thiên Chúa, cộng với sự hy sinh cầu nguyện mới là sự đáp đền công ơn cha mẹ và có lẽ đó là điều mà cha mẹ mong muốn nhiều nhất nơi tôi. Một điều tôi cũng cảm nhận được rằng từ ngày tôi đi tu thì đã có bàn tay Chúa che chở, gia đình tôi luôn bình an và bố mẹ luôn mạnh khoẻ và hạnh phúc.
Giờ đây đối với tôi, đời tu như là một cuộc sống mới và ở đây tôi gặp những thành viên mới đó chính là anh em trong cộng đoàn và xây dựng nên gia đình cộng đoàn. Đi tu ai cũng được khởi đầu từ một gia đình tự nhiên, gia đình theo huyết thống để chuyển sang một cuộc đời mới trong gia đình Thiên Chúa. Tất cả chúng ta là anh em của nhau không là bằng huyết thống nữa, nhưng là bằng tình thương, bằng lý tưởng trong ơn Chúa.
Antôn Nguyễn Ngọc Linh, MF
nguon: mfvietnam.org
|