Cùng một kiếp người, có người sinh ra và lớn lên trong lụa là gấm vóc. Bên cạnh đó cũng có những người sống trong nghèo đói, thiếu thốn tình thương, không nơi nương tựa. Đứng trước những cảnh tượng nghèo túng cùng khốn của một số người dân miền Hậu Giang, lòng tôi đau thắt lại.
Cách đây không lâu, tôi có dịp đến thăm một vùng dân tộc thiểu số. Cuộc gặp gỡ khiến tôi không những đau buồn, mà còn quay quắt vì chứng kiến sự cô đơn, thiếu vắng tình thương và rất cần sự trợ giúp. Một bà cụ đã 80 tuổi, mỗi ngày phải lom khom xách nước từ sông lên để nấu ăn, chăm sóc cho các con : một người bị bệnh tâm thần, một người bị liệt, một người bị bệnh động kinh. Thử hỏi xem ai thấy màkhông động lòng ? Bà tâm sự rằng có những lúc bà còn bị đứa con tâm thần đánh đập khiến bà bị thâm tím cả người. Ba mẹ con sống trong một túp lều tranh, mùa mưa nước ngập ngang đầu gối, các loại côn trùng muỗi, vắt, bò cạp….vây bám. Nghe những lời tâm sự của bà, tôi chỉ còn biết luôn cưu mang bà cụ đau khổ trong lời cầu nguyện. Thỉnh thoảng mấy chị em chúng tôi đến thăm, giúp đỡ bà chút lương thực và đồ dùng. Một bà cụ 80 tuổi, cái tuổi đáng lẽ ra được thư thái hưởng lộc con cháu, thì ngược lại, sao phải chịu cảnh bi đát khi sinh ra ba người con với những căn bệnh hiểm nghèo.
Tôi ước mong mọi người biết chuyện hãy cầu nguyện cho bà, tôi hy vọng những người có trách nhiệm trong xã hội hãy mở rộng con tim, hãy đi đến và tìm kiếm những mảnh đời đau khổ như bà cụ. Xin hãy giang rộng đôi tay để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh như thế này. Hãy cho họ quyền được yêu thương, và hãy thực hiện câu châm ngôn “ lá lành đùm lá rách” để nỗi đau của họ được vơi đi.
Luci Nguyễn, MTG Thủ Đức