Bài giảng lễ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong thánh lễ đầu tiên của ngài tại Ecuador, ở Guayaquil, trong công viên Los Samanes, trước sự hiện diện của 1 triệu người.
Rôma – 06/7/2015 — “Rượu ngon nhất còn chưa được mang ra cho mỗi người đánh liều với tình yêu. Và rượu này vẫn sẽ được mang ra dù cho tất cả những tiêu chuẩn và những thống kê đều nói ngược lai.. rượu ngon nhất sắp được thưởng thức, rượu tuyệt trần, rượu sâu nặng nhất và tươi đẹp nhất cho gia đình vẫn còn chưa mang ra”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định.
Trong thánh lễ đầu tiên của ngài tại Ecuador, ngài mời gọi hãy “rỉ tai” tin mừng này “cho những người thất vọng và những người bị ghét bỏ” : “Thiên Chúa luôn đến gần những vùng ngoại vi của những người không có rượu uống, những người chỉ còn uống lấy chán nản; Chúa Giêsu có cái thú là cống hiến dư đầy rượu ngon nhất cho những ai mà vì lý do này hay lý do khác, cảm thấy mọi bình rượu của mình đều đã bị đập vỡ hết rồi”.
Vào ngày hôm sau, sau khi đặt chân đến Quitô, cho chuyến tông du thứ 9 của ngài tới Châu Mỹ Latinh (05-13/7/2015), Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đáp máy bay đén thành phố Guayaquil, phía nam thủ đô, nơi đây ngài đã viếng thăm Thánh Địa Lòng Thương Xót Thiên Chúa và cử hành thánh lễ trong Công Viên Los Samanes, trước sự hiện diện của 1 triệu người, ngày thứ hai 09/7/2015 này vào lúc 12 giờ trưa.
Trong bài giảng lễ bằng tiếng Tây Ban Nha của ngài, ngài đã dùng nhiều thời gian để chào mừng “của cải xã hội” giầu có của gia đình “mà các cơ chế khác không thể nào thay thế được, và cần được giúp đỡ và tăng cường” : “Gia đình là bệnh viện gần nhất, là ngôi trường đầu tiên của con cái, là nhóm kiểu mẫu không thể thiếu của những người trẻ, là ngôi nhà hưu dưỡng tối nhất cho những người già cả”.
Ngài đã khuyến khích hãy “dành cho Đức Maria một chỗ”, hãy “cùng với Mẹ thực hiện cuộc hành trình Cana” : “Tiệc cưới Cana lập lại với mỗi thế hệ, với mỗi gia đình, với mỗi người chúng ta và những mưu toan của chúng ta để làm sao trái tim chúng ta có thể bám chặt vào những tình yêu bền vững, phong phú và vui vẻ”.
Ấn định cho Thượng Hội Đồng các giám mục về gia đình “ít lâu trước Năm Thánh Lòng Thương Xót”, Đức Giáo Hoàng đã mời gọi đám đông cầu nguyện cho ý chỉ này, “để cho dù là cái gì có vẻ còn không trong sạch, làm chúng ta bất bình hay lo sợ, Thiên Chúa, bằng cách để nó qua “giờ” của Người, có thể thay đổi nó thành phép lạ”.
A.K.
Bài giảng lễ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe là dấu hiệu kỳ diệu đầu tiên được thực hiện trong bài Phúc Âm của thánh Gioan. Sự ưu tư của Đức Maria, trở thành yêu cầu với Chúa Giêsu : “Họ hết rượu rồi” và sự liên hệ đến “giờ”, sự ưu tư này có thể hiểu được nhờ những bài về cuộc Khổ Nạn.
Thật là tốt lành đã xẩy ra như thế, bởi vì điều này cho phép chúng ta thấy được quyết tâm của Chúa Giêsu là giảng dạy, là đồng hành, là chữa lành và là ban cho niềm vui từ lời yêu cầu của Mẹ Người : “Họ hết rượu rồi”.
Tiệc cưới Cana lập lại với mỗi thế hệ, với mỗi gia đình, với mỗi người trong chúng ta và những mưu toan của chúng ta để làm sao cho trái tim chúng ta thành công trong viêc bám chặt lên các tình yêu bền vững, sung túc và vui vẻ. Chúng ta hãy dành một chỗ cho Đức Maria; “Mẫu Thân” như lời thánh sử gia. Chúng ta hãy cùng với Mẹ làm cuộc hành trình tiệc cưới Cana.
Đức Maria chú ý, Mẹ chú ý đến tiệc cưới đã khởi sự, Mẹ nhạy cảm với những nhu cầu của đôi tân hôn. Mẹ không thu mình lại, Mẹ không tự khép kín, tình yêu của Mẹ làm cho Mẹ thành một “Đấng hướng về” người khác. (…) Và vì thế, Mẹ đã thấy được là thiếu rượu. Rượu là chỉ dấu của niềm vui, của tình yêu, của sự dồi dào. Biết bao thanh thiếu niên của chúng ta nhận thấy rằng trong gia đình họ từ lâu nay đã không còn những cái đó ! Biết bao cô phụ và âu sầu tự hỏi tình yêu đã ra đi tự lúc nào, khi nào cuộc đời lại trở thành đen tối ! Biết bao nhiêu người già cả cảm thấy bị loại bỏ ra khỏi lễ tết gia đình họ, bị gạt ra bên lề xã hội và không còn được uống tình yêu hàng ngày (…) ! Sự thiếu rượu cũng có thể là hậu quả của sự thiếu thốn việc làm, hậu quả của bệnh hoạn, của những tình trạng khó khăn mà các gia đình chúng ta phải trải qua trên toàn thế giới. Đức Maria không phải là bà mẹ “đòi hỏi”, Mẹ không phải bà mẹ chồng giám sát để đùa giỡn với những bất lực của chúng ta, với những sai lầm hay vô ý của chúng ta. Đức Maria là Mẹ ! Mẹ kia kìa, đầy quan tâm và ân cần (…).
Nhưng Đức Maria đã tin tưởng chạy đến với Chúa Giêsu, Đức Maria cầu xin (…). Mẹ không nói với người quản lý; Mẹ đã trực tiếp trình bầy khó khăn của đôi tân hôn với Con của Mẹ. Câu trả lời mà Mẹ nhận được có vẻ làm nản lòng : “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi ? giờ của tôi chưa đến” (Ga 2, 4). Tuy nhiên, trong lúc đó, Mẹ đã đặt để vấn đề trong bàn tay Thiên Chúa. Sự mau mắn lo cho những nhu cầu của người khác đã làm cho “giờ” của Chúa Giêsu tới sớm hơn. Đức Maria là thành phần của cái giờ đó, từ trong máng cỏ cho đến cây thập giá. Mẹ đã biết “biến đổi một cái hang dành cho xúc vật thành căn nhà của Chúa Giêsu, với những tã lót nghèo nàn nhưng có cả núi âu yếm” (Evangelii Gaudium, số 286) và Mẹ đã nhận chúng ta làm con Mẹ khi lưỡi gươm xuyên thủng trái tim Mẹ, Mẹ dậy cho chúng ta hãy đặt gia đình chúng ta trong bàn tay của Thiên Chúa; hãy cầu nguyện trong khi thắp sáng đức cậy trông cho chúng ta thấy được rằng, những ưu tư của chúng ta cũng là những ưu tư của Thiên Chúa.
Cầu nguyện luôn làm cho chúng ta thoát khỏi cái vòng lo âu, làm cho chúng ta vượt lên trên những điều làm chúng ta đau khổ, những gì làm chúng ta giao động hay những gi chúng ta còn thiếu và thúc đẩy chúng ta đặt mình vào địa vị của người khác, trong những khó khăn của ngưiờ khác. Gia đình là một học đường, nơi đó cầu nguyện còn nhắc nhở chúng ta rằng, có một chúng ta, có một người thân cận gần gũi, ngay dưới tầm mắt chúng ta : người đó sống chung một mái nhà, chia sẽ cuộc đời và cũng có nhu cầu.
Sau cùng, Đức Maria hành động. Những lời của Mẹ nói : “Người bảo gì, các anh cứ làm theo” (Ga 2, 5), với những người phục vụ, là lời mời gọi với cả chúng ta nữa, mời gọi chúng ta hãy sẵn sàng cho Chúa Giêsu là Đấng đã đến để phục vụ chứ không để được phục vụ. Phục vụ là đặc tính của tình yêu đích thực (…). Và điều này đặc biệt học được trong gia đình, nơi chúng ta trở thành những người phục vụ lẫn nhau vì tình yêu. Giữa gia đình, không có ai bị gạt ra ngoài (…); nơi đó, “người ta học cách kính cẩn xin phép, học cách nói “cảm ơn” để biểu lộ một sự đánh giá chính đáng những điều chúng ta nhận đưọc, học cách chế ngự tính hung hăng hay tính tham lam, và học cách xin lỗi khi làm điều tổn hại (…). Những cử chỉ lịch sự nhỏ này giúp xây dựng một nền văn hóa đời sống chia sẻ và tôn trọng những gì chung quanh chúng ta” (Laudato Si’, số 213). Gia đình là bệnh viện gần nhất (…), là ngôi trường đầu tiên của con cái, là nhóm kiểu mẫu không thể thiếu của những người trẻ, là ngôi nhà hưu dưỡng tối nhất cho những người già cả. Gia đình làm thành “của cải xã hội” giầu có nhất mà những cơ chế khác không thể nào thay thế được, và nó phải được giúp đỡ và tăng cường, để không bao giờ mất đi ý nghĩa chính đáng của các dịch vụ mà xã hội cống hiến cho các công dân. Quả vậy, các dịch vụ (…) không phải là một của bố thí, mà đích thực là một “món nợ xã hội” đối với cơ chế gia đình, mang đến nhiều công ích cho tất cả mọi người.
Gia đinh cũng làm thành một Giáo Hội nhỏ, một “Giáo Hội tại gia”, cùng với đời sống, sẽ chuyển tải lòng từ nhân và thương xót của Thiên Chúa. Trong gia đình, đức tin trộn lẫn với sữa mẹ : khi trải nghiệm tình yêu cha mẹ, người ta cảm thấy gần gũi với tình yêu của Thiên Chúa.
Và trong gia đình (…), phép lạ diễn ra với những gì có sẵn, với chúng ta, với những gì có trong tầm tay… nhiều khi không lý tưởng mấy, không phải là ơn mà ta ước mong, cũng không phải là “cái đáng lẽ phải có”. (…) Rượu mới (…) của tiệc cưới Cana đến từ những bình đựng nước tẩy uế, nghĩa là nơi mà mọi người đã để lại đó tội lỗi của mình (…). “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5, 20). Trong gia đình của mỗi người chúng ta và trong gia đình chung mà tất cả chúng ta làm nên, không có gì có thể tránh, không có gì là vô ích. Gần tới Năm Thánh Lòng Thương Xót, Giáo Hội sẽ triệu tập Thượng Hội Đồng Thường Kỳ dành cho gia đình, để làm chín mùi một sự phân định thiêng liêng đích thực và tìm ra những giải pháp cụ thể cho nhiều khó khăn và cho những thách thức quan trọng mà gia đình phải đương đầu trong thời đại này. Tôi mời gọi anh chị em hãy tăng cường cầu nguyện cho ý chỉ này, để cho dù là điều mà đối với chúng ta có vẻ là ô uế (…), làm chúng ta kinh tởm và ghê sợ, Thiên Chúa – bằng cách làm cho nó đi qua “giờ” của Người – có thể biến đổi nó thành phép lạ (…).
Tất cả đã bắt đầu bởi vì “họ hết rượu rồi”, và tất cả đã có thể xẩy ra bởi vì một người phụ nữ – Đức Trinh Nữ – chú ý, đã biết đặt những ưu tư của Mẹ trong bàn tay Thiên Chúa, và đã hành động với lương tri và lòng can đảm. Nhưng kết quả cuối cùng không kém phần quan trong : họ đã nếm thứ rượu ngon nhất. Và đây là tin mừng : rượu ngon nhất sắp được mang ra thưởng thức, rượu tuyệt trần, rượu sâu nặng nhất và tươi đẹp nhất cho gia đình vẫn còn chưa mang ra. Thời gian chưa đến để chúng ta thưởng thức tình yêu hàng ngày, để con cái chúng ta tái khám phá ra không gian mà chúng ta chia sẻ, và những con người già cả sẽ có mặt trong niềm vui của mỗi ngày. Rượu ngon nhất vẫn chưa được mang ra.
Rượu ngon nhất vẫn chưa được mang ra cho mỗi người dám liều lĩnh với tình yêu (…). Rượu ngon nhất vẫn chưa được mang ra, dù rằng tất cả những tiêu chuẩn và những thống kê nói ngược lại; rượu ngon nhất sẽ tới với những người, ngày hôm nay nhìn thấy tất cả sụp đổ. Anh chị em hãy thì thầm cho đến khi tin điều đó : rượu ngon nhất còn chưa được mang ra (…) và hãy rỉ tai điều đó cho những người thất vọng và không được yêu thương (…). Thiên Chúa luôn đến gần những vùng ngoại vi của những người không có rượu uống, những người chỉ còn uống lấy chán nản; Chúa Giêsu có cái thú là cống hiến dư đầy rượu ngon nhất cho những ai mà vì lý do này hay lý do khác, cảm thấy mọi bình rượu của mình đều đã bị đập vỡ hết rồi.
Cũng như Đúc Maria mời gọi chúng ta, chúng ta hãy làm “theo tất cả những gi Người bảo” và chúng ta hãy tạ ơn vì, ở thời đại chúng ta và vào giờ của chúng ta, rượu mới, rượu ngon nhất, làm cho chúng ta lấy lại được niềm vui được là một gia đình.
Mạc Khải phỏng dịch.
© Librairie éditrice du Vatican
http://www.zenit.org/fr/articles/pour-la-famille-le-meilleur-des-vins-reste-a-venir
http://www.ghxhcg.com/