Chỗ đứng của đức tin trong thế giới hiện đại

188

Chỗ đứng của đức tin trong thế giới hiện đại

Nhập Đề

Để đi vào tìm hiểu đức tin trong một thế giới đang trên đà tục hóa của ngày hôm nay, thiết tưởng chúng ta nên đọc câu chuyện, dù chỉ mang tính minh hoạ và có thể không có thật trong thực tế, nhưng phản ánh thái độ của con người hôm nay trước vấn đề đức tin. Câu chuyện như sau:

“Một người vô thần rất mê leo núi. Một lần ông bị trượt chân ngã lăn từ đỉnh núi xuống. Nhưng may thay ông bám được một cành cây nằm chơ vơ giữa đỉnh cao và vực thẳm. Giữa lúc chỉ còn biết chờ chết, một ý nghĩ chợt đến với ông: Tại sao không gọi Chúa đến giúp! Thế là lấy hết sức lực, người vô thần la lớn: ‘Lạy Chúa!’ Tuy nhiên chỉ có bốn bề thinh lặng và ông chỉ nghe được những tiếng dội của lời kêu van. Một lần nữa, người vô thần lại kêu xin tha thiết hơn: ‘Lạy Chúa, nếu quả thật Chúa hiện hữu thì xin hãy cứu con. Con hứa sẽ tin Chúa và dạy cho mọi người cùng tin Chúa.’ Sau một hồi thinh lặng, bỗng người vô thần nghe một tiếng vang dậy cả vực thẳm và núi cao: ‘Gặp hoạn nạn thì ai cũng cầu xin như thế!’ ‘Không, lạy Chúa, ngàn lần không. Con không giống như những người khác. Chúa không thấy sao, con đã bắt đầu tin từ khi nghe tiếng Chúa phán. Nào bây giờ xin Chúa hãy cứu con đi, và con  sẽ cao rao danh Chúa cho đến tận cùng trái đất.’ Tiếng ấy trả lời: ‘Được lắm, Ta sẽ cứu ngươi! Vậy, nếu ngươi tin thì hãy buông tay ra.’ Người vô thần thất vọng thốt lên: ‘Buông tay ra ư ? Bộ Chúa tưởng tôi điên sao!’”

Thật thế, ngày hôm nay ai cũng nhận thấy rằng, thế giới đã biến chuyển và nhiều đổi thay, kéo theo đó, mọi cơ cấu xã hội dù ghetto (biệt lập) đến mấy cũng đã phải bung ra và đồng chung số phận của cái tổng thể lớn hơn và phổ quát hơn. Nhìn dưới góc độ đời sống đức tin, Giáo Hội cũng đang phải đối diện với nhiều bài toán khó giải. Trào lưu thế tục hoá không còn là chuyện riêng của các Giáo Hội ở các nước phát triển Tây phương nữa, nhưng cả những Giáo Hội ở các nước đang phát triển và cả ở các nước nghèo cũng đang phải đối diện với thực tế này. Như thế, phải chăng con người ngày nay không cần đến yếu tố thiêng liêng nữa? hay đời sống đức tin không còn phù hợp nên không thể dung hoà được với các nguyên tắc và xu hướng sống hiện đại?

Trước mỗi thực trạng đều có lí do riêng của nó, và trước mỗi khó khăn cũng có nhiều giải pháp được đặt ra. Nhưng đối với Giáo Hội, nhờ sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong chính lòng mình, nếu không thì nỗ lực khẳng định vị thế và vai trò của đức tin trong thế giới hôm nay là chuyện bất khả. Hơn nữa, là thầy dạy đức tin, phải chăng Giáo Hội cần sẵn sàng đón nhận sự tục hoá để chiếu rọi vào đó niềm hi vọng của Tin Mừng, cũng như qua đó khám phá các yếu tố thiêng liêng trong mọi thực tại trần thế? Dẫu sao thì những biến chuyển quan trọng trong đời sống nhân sinh chắc chắn bao giời cũng ảnh hưởng đến đời sống đức tin trên cả hai khía cạnh tiêu cực và tích cực. Thực tế lịch sử đã chứng minh, dù khoa học đã giải phóng con người khỏi lạc hậu và chậm tiến trên một số lĩnh vực, nhưng vẫn chưa thể hướng cho con người tránh khỏi những ấu trĩ trong cách đối xử với môi trường, đối xử giữa con người với nhau, đối xử với chính sự sống của con người cũng như trong cách nhìn nhận các giá trị thực của đời sống. Dù trên lí thuyết cũng như thực tế sinh động, khoa học và đức tin không chống lại nhau nhưng là bạn của nhau[1]. Tuy nhiên, cũng trên thực tế, đã có rất nhiều người nhân danh khoa học để chối bỏ Thiên Chúa, mặc dù cũng vô số người đã nhờ khoa học mà thấu đạt được những ý nghĩa đích thực về Thiên Chúa cũng như về con người và vũ trụ trong mối quan hệ với Thiên Chúa.

Có thể khẳng định rằng, mọi biến chuyển trong thế giới, dù thuận – nghịch thế nào, cũng là dấu chỉ trong ý muốn thánh thiện của Thiên Chúa đối với con người và thế giới. Và trách nhiệm của Giáo Hội là phải hiểu biết con người và thời đại, hiểu biết về văn hoá, lịch sử, ngôn ngữ… trong khi trung thành với đức tin và ơn cứu độ phổ quát mà Đức Kitô đã trao phó để Giáo Hội quản lý và truyền rao cho tất cả mọi người ở mọi quốc gia thuộc mọi thời đại.

1- Đức Tin Theo Quan Điểm Công Giáo

Ý niệm đức tin trong Tân Ước là “lòng tin”, là sự lắng nghe và chấp nhận “Lời Chân Lý” từ Thiên Chúa, từ các Tông Đồ và từ Giáo Hội. Đức tin này là một hành vi của ý chí và không chỉ là sự chấp nhận về mặt lý thuyết nhưng còn là một hoạt động của tâm hồn, thấm nhập vào toàn thể con người và được thực hành trong cuộc sống hiện sinh. Người tin thật là người đón nhận lời Thiên Chúa với tấm lòng thiện hảo, gìn giữ Lời, và với lòng kiên trì làm cho Lời đó sinh hoa kết quả.[2] Vì thế, nhiều khi thiếu đức tin là do không muốn tin, hoặc vì lòng chậm tin.[3]

Với Công đồng Vatican I, trong khung cảnh đối lại hai chủ thuyết duy tín và duy lý, giáo huấn đức tin của Công đồng đã cố gắng bảo vệ khả năng tri thức của con người khi tách biệt khả năng tri thức tự nhiên bắt nguồn từ lý trí và khả năng tri thức siêu nhiên bắt nguồn từ mạc khải. Như thế hai trật tự này không mâu thuẫn với nhau, vì Thiên Chúa là tác giả của cả hai. Lý trí con người không thể nghĩ ra các chân lý đức tin và như thế đức tin không dựa vào các lý luận của lý trí, vì thế đức tin được định nghĩa là “một nhân đức siêu nhiên. Qua sự linh hứng và trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta tin vào những gì Thiên Chúa mạc khải là sự thật. Vì không phải nhờ vào ánh sáng tự nhiên của lý trí để có thể nhận ra sự thật nội tại của mạc khải nhưng nhờ vào quyền năng của Thiên Chúa là Đấng mạc khải điều này”[4]. Như thế, giáo huấn về đức tin của Công đồng Vatican I dựa trên mẫu thức có tính trí năng theo một khung nhị nguyên (tư duy theo hai trật tự về thực tại: tri thức tự nhiên và tri thức siêu nhiên), vì thế, động cơ của đức tin hoàn toàn mang tính ngoại tại: “con người không tin vì nhìn thấy sự hài hoà giữa mạc khải Thiên Chúa và việc tìm kiếm ơn cứu rỗi của con người. Họ tin vì quyền năng của Thiên Chúa là Đấng mạc khải”[5].

Nếu Vatican I khẳng định động cơ đức tin hoàn toàn mang tính ngoại tại thì Vatican II đã đưa ra cách giải thích mới và sâu xa hơn về đức tin, theo đó, quan niệm thống trị của ngoại tại không còn hiện diện. Theo Vatican II, mạc khải đức tin được nghiên cứu trong khung cảnh của lịch sử cứu độ. Vatican II đã nhấn mạnh đến khái niệm trong Thánh Kinh về sự tuân phục của đức tin: tin là phó thác toàn thể con người cho Thiên Chúa mạc khải. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã tỏ mình ra qua các hành động cứu rỗi, thì đến thời viên mãn, Người đã tỏ mình ra cách trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô. Như thế, mạc khải viên mãn được đồng nhất với con người Đức Kitô, và đức tin được đồng hoá với việc tin vào Đức Giêsu Kitô trong toàn bộ cuộc sống, cái chết và sự Phục Sinh của Người diễn ra trong lịch sử, vì nơi Ngài “chân lý thâm sâu nhất về Thiên Chúa cũng như về phần rỗi con người được sáng tỏ”[6]. Vì thế, để hiểu và chấp nhận đức tin theo nhãn quan Công Giáo, điều tiên quyết là cần phải chấp nhận Đức Kitô với vai trò trung tâm của Người trong đức tin. Đức tin bắt nguồn trong các biến cố lịch sử bởi Thiên Chúa hướng đến đỉnh điểm là Đức Giêsu Kitô. Đức tin cũng thách đố khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa ngay giữa các thăng trầm của thực tại lịch sử và đời sống hiện sinh của con người. Hiến chế Vui mừng và Hi vọng khẳng định rằng, nếu con người tin vào Thiên Chúa nhưng bỏ qua thế giới này cùng với lịch sử của nó là điều sai lầm.[7]

Theo nghĩa thần học Công Giáo, đức tin phát sinh niềm tin như là hành vi căn bản bên trong, và một cách thứ yếu, đức tin phát sinh ra hành động tuyên xưng bằng lời nói và việc làm bên ngoài. Vì thế, bằng sự gặp gỡ liên ngã vịnội dung của đức tin là sự biểu lộ cách biệt vị của tình yêu Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô với hành động chấp nhận hoàn toàn riêng tư của con người một cách tự do và quyết tâm tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng mạc khải cùng với sự tuân phục và lòng trung thành dấn thân trọn vẹn vào sứ điệp cứu rỗi của Ngài. Nhưng trước hết, đức tin là một ân huệ của Thiên Chúa, nghĩa là Thiên Chúa đi bước trước trong việc trao ban tình yêu, và con người không thể tạo ra, khởi xướng hay hoàn toàn kiểm soát được việc trao ban tình yêu một cách vô điều kiện của Thiên Chúa.

Với vai trò trung gian tất yếu của Giáo Hội, đức tin Công Giáo tin rằng, Đức Giêsu Kitô hiện diện trong Giáo Hội, vì Giáo Hội trước hết và trên hết là cộng đoàn được kêu gọi những người tin để hiệp nhất với nhau trong đức tin vào Đức Giêsu Kitô. Như thế, đức tin Công Giáo là sự chấp nhận và dấn thân của toàn thể bản ngã con người – trong Giáo Hội xét như là một cộng đoàn được kêu gọi trong đức tin – đối với việc Thiên Chúa đích thân tỏ hiện tình yêu như được mạc khải nơi con người Đức Giêsu Kitô.

2- Những Hình Thức Chống Lại Đức Tin (Thanh Luyện Đức Tin?)

Phải khách quan nhận định rằng, trong lịch sử, Giáo Hội luôn luôn bị bách hại. Bách hại phải được hiểu như sự chống phá đức tin và loại trừ các giá trị Tin Mừng. Nhưng Giáo Hội cũng như các giá trị Tin Mừng vẫn tồn tại và phát triển. Giáo Hội vẫn là kho tàng gìn giữ đức tin sống động nhất và trọn vẹn nhất. Trong nỗ lực loại trừ đức tin, các hình thức chống lại đức tin luôn luôn thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử cụ thể nhất định. Cũng phải khiêm tốn nhìn nhận rằng, ở một vài thời điểm trong lịch sử, chính đời sống bất xứng của một vài đấng lãnh đạo Giáo Hội cũng như của nhiều con cái trong Giáo Hội đã trở nên nguyên nhân làm phát sinh các hình thức chống lại đức tin cả trong lí thuyết lẫn trong thực hành.

Tuy nhiên, những nỗ lực bài bác Thiên Chúa phần lớn thực ra là chống lại Kitô giáo theo nghĩa cơ cấu chứ chưa hẳn đã là một nhận thức sâu sắc về đức tin, nghĩa là chưa có sự trăn trở về lựa chọn quyết liệt tin hay không tin. Đằng sau lý thuyết mà các nhà tự xưng là vô thần đưa ra, nhiều khi là kết quả do một sự bất mãn nào đó đối với cơ cấu của thực thể Kitô giáo, hay không bằng lòng với hình thái xã hội đương thời mà Kitô giáo ảnh hưởng. Họ đưa ra những lối giải thích về tôn giáo mà họ cho là khả dĩ, để với lòng tự ái và kiêu căng, rất nhiều người đã vận dụng lý thuyết đó như là phương châm sống và đấu tranh của mình. Chẳng hạn, thuyết vô thần của K. Marx, ông giải thích tôn giáo như là một hình thái ý thức xã hội, nghĩa là nó sẽ thay đổi hay mất đi vì bị thay thế theo qui luật biện chứng của lịch sử. Như thế, đối với K. Marx, tôn giáo chẳng qua là một lối giải thích thế giới và nó sẽ bị thay thế bởi một lối giải thích khác có tính thực tiễn hơn về cuộc sống và ý nghĩa xã hội. Ngay cả F. W. Nietzsche, cha đẻ của thuyết Siêu Nhân và được mệnh danh là triết gia của ý chí, ông muốn đạp đổ tôn giáo và thậm chí đòi giết luôn cả Thượng Đế, bằng việc say sưa kêu gọi hãy trung thành duy chỉ với trái đất này thôi, nhưng thực ra ông chỉ là một kẻ tâm trí thác loạn[8], muốn loại bỏ Thiên Chúa như loại bỏ một vật ngáng trở con người vươn lên thành siêu nhân. Nietzsche là điển hình của sự xung đột niềm tin – con người muốn loại trừ Thiên Chúa để mình trở thành Chúa – hơn là một chủ trương vô thần. Đây là tội kiêu ngạo mà trong mỗi chúng ta ít hay nhiều, lúc này hay lúc khác đều có thể có!

Có lẽ, ngày hôm nay, khi đã có độ lùi lịch sử cần thiết, ta dễ dàng nhận ra rằng thuyết vô thần cũng như các chủ trương bài bác Thiên Chúa chỉ là những lối giải thích tôn giáo – cụ thể là Kitô giáo – như cơ cấu của một thế lực chính trị xã hội trần thế. Những lối giải thích đó tất nhiên có những ảnh hưởng từ những thực tế đã xảy ra trong lịch sử liên quan đến đời sống của Giáo Hội. Mặc dù vậy, các quan niệm vô thần chưa phải hoàn toàn là nỗi trăn trở muôn thuở của kiếp nhân sinh về Nguồn Gốc cũng như Ý Nghĩa sau cùng của con người và của thế giới, cái làm nên đức tin và là đối tượng của đức tin. Ngay cả vị Thiên Chúa mà chủ nghĩa vô thần bài bác cũng là một vị Thiên Chúa theo chủ quan của họ chứ chưa phải là vị Thiên Chúa của đức tin đích thực. Như đã nói, phần lớn các nhà vô thần đều coi tôn giáo, mà cụ thể là Kitô giáo như là một tổ chức, một thế lực xã hội chính trị như các thế lực xã hội chính trị thuần tuý khác, và sẽ bị thay thế nếu không còn phù hợp. Họ không nhận ra được các yếu tố đặc định và mầu nhiệm trong thân thể Giáo Hội. Ngay cả thuyết duy thực nghiệm mà A. Comte đưa ra rằng tôn giáo sẽ bị thay thế bởi khoa học (luật Tam trạng), hay cách giải thích của Max Weber rằng trào lưu văn minh hiện đại sẽ giết chết tôn giáo, cũng chỉ là những lối nhìn nhận tôn giáo thiếu đức tin. Và vì thế các dự báo của họ vẫn không thành hiện thực! Tôn giáo đã đâm rễ sâu nơi kinh nghiệm của con người đối với cuộc sống hiện sinh. Emile Durkheim, triết gia theo chủ trương duy nghiệm ôn hoà đã nhận định trong tôn giáo có một cái gì vĩnh cửu vẫn mãi trường tồn trải qua mọi biểu tượng đặc thù đã lần lượt gói ghém tư tưởng tôn giáo. Vậy, một cái gì vĩnh cửu là gì nếu không phải là đức tin?!

Có thể nói rằng, ngày hôm nay, những ai sống một cách nghiêm túc và tích cực đúng nghĩa, dù tin hay không, cũng phải đối diện với thế lưỡng nan về cùng đích của cuộc đời và thế giới:Có nên tin hay không? Nếu tin thì dựa vào đâu để biết điều mình tin là chắc chắn? Nếu không tin thì ý nghĩa đích thực và cuối cùng của cuộc đời này là gì? Và nếu còn có một cuộc sống khác nữa sau cuộc đời này dành cho những người tin thì sao?… Phận người sống trong thế giới hữu hạn này luôn phải vật vã giữa những hoài nghi và tin tưởng như thế. Dù khoa học ngày càng phát triển, nhưng con người và thế giới vẫn nằm ngoài tầm với của chính con người. Với thời gian, thuyết Darwin cũng đã bị vượt qua; phương pháp phân tích tâm lí chiều sâu của S. Freud cũng không xuyên thủng nổi tấm màn bí mật của con người; người ta bay tới mặt trăng và các vì sao nhưng cũng chẳng biết chấm tận cùng của vũ trụ này ở đâu; vân vân và vân vân.

Ngày hôm nay, sự dửng dưng tôn giáo, trào lưu tục hoá trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, chủ trương sống không cần Thiên Chúa hay những chủ trương cực đoan duy luân lý, duy đạo đức trong thực hành đạo (như chỉ cần thực hành các bổn phận tôn giáo: đi nhà thờ, đóng góp, giữ luật… là đủ) là những hình thức nguy hiểm chống lại đức tin mang tính thực hành. Hành trình đức tin của Kitô giáo ngày hôm nay phải đối diện với một trận tuyến mới vô cùng cam go. Người ta cố giải trừ những yếu tố thiêng liêng trong mọi sự, trong những biến cố lịch sử và thậm chí trong cả những cử hành tôn giáo. Hơn nữa, dù một người có tôn giáo nhưng chưa hẳn là đã có đức tin theo nghĩa Công giáo, và những Kitô hữu thực sự chưa hẳn đã có đức tin tinh ròng và trưởng thành! Hành trình đức tin của mỗi Kitô hữu là ngày càng thanh luyện làm cho đức tin của mình thực chất hơn và tình ròng hơn.

Ngày hôm nay, vấn đề khó khăn là làm sao đem Kitô giáo vào thực tế đời sống và chiếu vào đó những ý nghĩa thần linh và tính siêu việt phổ quát của đức tin. Cái khó là đức tin không những không đem lại những lợi ích trước mắt mà còn đòi hỏi người tin một sự phiêu lưu trong nỗ lực tìm hiểu, tích cực sống và can đảm dấn thân cho đức tin. Ngày nay người ta có xu hướng xem cái có thể nắm bắt, chấp nhận điều có thể chứng minh mới đúng là cái có thật để tin. Lối tiếp cận thực nghiệm và thực chứng chi phối lên phần lớn mối tương quan của con người với thực tại, vì thế người ta chỉ chấp nhận những gì là hiện tượng và có thể nắm bắt được: cái gì thực nghiệm được, có hiệu năng, ứng dụng được, và có thể làm ra được mới là cái đáng tin. Vì thế, cái Hữu Thể Chân Thực Tuyệt Đối của đức tin là điều phi thực tế, không cần quan tâm. Như vậy, các “Kitô hữu bình dân” làm sao vượt qua được những trở ngại đó để thanh lọc cho mình và có được một đức tin thuần khiết?

3- Chỗ Đứng Của Đức Tin Trong Thế Giới Hôm Nay

Sau biến cố 11/09/2001 xảy ra tại Toà Tháp Đôi của Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế New York, một tờ báo ở Mỹ đã có những nhận định cảm kích như sau:

– Ngày thứ hai, chúng ta ngỡ rằng, cuộc sống của mình thật an toàn; ngày thứ ba, chúng ta hiểu rằng, không có gì là thực sự an toàn trong cuộc sống này.

– Ngày thứ hai, còn biết bao nhóm chống đối việc cầu nguyện trong nhà trường; ngày thứ ba, thật khó mà tìm được nhà trường nào không cầu nguyện trước khi giờ học bắt đầu.

– …

– Ngày thứ hai, vẫn có nhiều người muốn chia rẽ mọi người thành từng nhóm theo màu da, nguồn gốc, chủng tộc, ý hướng, tôn giáo; ngày thứ ba, mọi người không phân biệt thành phần, nguồn gốc đã cầm tay nhau cầu nguyện.

– Ngày thứ hai, các chính trị gia còn tranh cãi với nhau về cách điều chỉnh nền kinh tế; ngày thứ ba, tất cả mọi người ấy ôm nhau để hát bài “God bless American!”[9]

Ngày hôm nay, đức tin Kitô giáo phải đem niềm tin đến cho con người trong mọi trạng huống của cuộc sống. Đó là một đòi hỏi thực tế. Phải khẳng định chắc chắn rằng, Thiên Chúa chính là tương lai của con người. Nhưng làm sao con người ngay hôm nay tin được điều đó? Thế giới hôm nay bị cuốn hút bởi tương lai và đồng thời lại lo sợ tương lai, một tương lai đầy bất trắc do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước thủy triều dâng, khủng bố, nguy cơ chiến tranh hạt nhân, và vân vân. Vậy đâu là chính lộ cho nhân loại bước theo? Nhân sinh quan đích thực về con người ngày mai như thế nào? Nhân loại hãnh diện về những tiến bộ khoa học- kỹ thuật do mình tìm ra nhưng tại sao lại vẫn sống trong lo âu và sợ hãi? Chính những nghi vấn và âu lo của con người mà vấn đề Thiên Chúa và đức tin lại được đặt ra.

Dù sao, nhiều người ngày nay vẫn cho rằng, đức tin là vấn đề siêu hình và không có liên quan gì đến thực tại cuộc sống hiện sinh. Thế nhưng, đức tin chính thực không phải là tri thức về thực tại không có liên quan gì đến cuộc sống hiện sinh cũng như vận mệnh con người trong tương lai, mà đức tin chính là trung tâm để nhận thức và chúng ta phải luôn cần đến đức tin nếu muốn giải đáp các ẩn số về con người và vũ trụ này. Trung tâm điểm của đức tin Kitô giáo là chính Đức Kitô, vì nơi Đức Kitô, người ta có thể hiểu được ý nghĩa của con người và tìm gặp được chính lộ dẫn đưa đến sự hoàn toàn tín thác bằng tình yêu trong tương quan liên vị với Thiên Chúa. Chính trong sự tín thác, con người mới mở rộng lòng ra đủ để đón nhận cuộc sống Thiên Chúa, trở nên con cái của Ngài và gọi Ngài là Abba – Cha ơi! (Gl 4, 6). Như vậy, tin là đi vào một tương quan liên ngã vị được xây dựng trên sự tín thác thông qua những lựa chọn căn bản và một thái độ dấn thân trọn vẹn giữa người tin với Thiên Chúa. Hay nói cách khác, tin là tình yêu đáp trả Tình Yêu!

Tương lai con người trước hết phải là đức tin của họ. Nếu không tin, làm sao con người dám đối diện với tương lai, một tương lai đầy bất trắc? Cũng thế, làm sao tìm thấy ý nghĩa nhân sinh đích thực và siêu vượt của cá nhân và cả cộng đồng nếu con người cho rằng loài người xuất hiện trên trái đất này chỉ là sự tình cờ? Có thể vươn lên để sống tốt cuộc đời này không, khi nghĩ rằng cuộc đời mỗi người sẽ chấm hết vĩnh viễn nơi cái chết? Vì thế, nếu con người muốn sống tốt tương lai thì quyết định chọn lựa đức tin phải được đặt ở trung tâm của mọi quyết định chọn lựa có liên quan đến tương lai. Tuy nhiên, chọn lựa và thực hành đức tin luôn bao hàm nhận thức đức tin, vì đức tin như là hành vi của toàn thể con người nên nó liên quan đến việc nhận thức thông qua những kinh nghiệm hiển nhiên nhất của con người hiện sinh. Ánh sáng của Tin Mừng có chiếu rọi trên con người ngày hôm nay hay không tuỳ vào thái độ mở ra trước ơn Chúa của họ và tuỳ ở những chứng tá của những người con trong Giáo Hội, vì chứng tá làm nên những kinh nghiệm hiển nhiên nhất của cuộc sống hiện sinh.

Như nhận định vừa trích ở trên về người dân Mỹ sau biến cố 11/09/2001, cách nào đó khẳng định rằng con người luôn đối diện với cảm thức đức tin, dù nhiều khi con người không hề bận tâm về điều đó do cuộc sống quá bình thường đến vô tình và vô cảm. Phép lạ vẫn xảy ra đối với những ai có lòng tin, nhưng đáng tiếc là con người ngày hôm nay đòi hỏi một thứ đức tin theo lẽ “khôn ngoan” như người vô thần leo núi trong câu chuyện ở đầu bài viết này. Thay vìtin rồi sẽ hiểu và tin rồi mới hành động thì con người ngày hôm nay đòi hỏi hiểu rồi mới tinvà thực nghiệm được mới đáng tin. Thế nhưng, đức tin mới cho thấy sự cần thiết và thích hợp của hành động, “đức tin là đảm bảo cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11, 1). Đức tin cắt nghĩa con người theo chiều kích sâu thẳm và không thể nào thiếu sự tự do. Nhưng khi nào thì sự lôi cuốn và giúp đỡ của Thiên Chúa đến để làm cho đức tin hiện hữu? Ơn đức tin mà Thiên Chúa ban cho con người có vẻ như một sự ngẫu hứng: đức tin đến với Maria Mađalêna sau những ngày thả mình chốn lầu xanh; đức tin đến với người trộm lành sau cơn hấp hối trên thập hình; đức tin đến với cựu hoàng Bảo Đại[10]– ông hoàng cuối cùng của Nhà Nguyễn và là triều đại bách hại Công Giáo lâu dài và tàn khốc nhất; đức tin đã đến và sẽ đến với mọi người mà chẳng ai dám xưng mình là xứng đáng cả!

Ngày hôm nay, người Kitô hữu không thể sống đức tin của mình mà không phải chịu một thử thách nào. Những thách đố thường trực đe doạ đức tin làm cho người Kitô hữu cảm thấy gánh nặng đức tin luôn luôn đè nặng trên đôi vai tinh thần gầy yếu của mình. Cái nhảy vọt phiêu lưu, cái vô biên thẳm sâu, cái siêu việt khôn lường của đức tin không dễ dàng nhận thấy được; nhưng cái ảo ảnh của vô tri, tính kiêu căng thường có, cơn khủng hoảng về chân lý, những hành vi xấu… luôn luôn diễn ra trước mắt con người ngày hôm nay.

Kết Luận: Mỗi Kitô Hữu Phải Là Một Chứng Nhân Của Đức Tin

Sắc lệnh Ad Gentes của Công đồng Vat. II tuyên bố rằng Thiên Chúa “có thể dùng những đường lối Ngài biết để đưa những kẻ không vì lỗi mình mà chưa biết Phúc Âm đến với đức tin” (AG, 7). Nhưng đối với mỗi Kitô hữu, ơn gọi trở nên những chứng tá cho một đức tin sống động và trưởng thành bằng một đời sống phong phú qua cách thâm nhập vào toàn thể cuộc sống nhân sinh, nhất là đời sống thế tục chính đáng là đòi hỏi cấp thiết hơn bao giờ hết. Lời kêu mời khẩn thiết nhất riêng đối với các Kitô hữu Việt Nam là hãy can đảm sống công bằng, bác ái, có trách nhiệm với cộng đồng giữa một xã hội còn nhiều bất công và thiếu tình thương ngày hôm nay, để qua đó tinh thần Tin Mừng được thấm nhập vào mọi thực tại của trần thế trên đất Việt thân yêu của chúng ta. Đức tin không yêu cầu ta thiết lập cho Đức Kitô một vương quốc trần thế, nhưng đức tin yêu cầu ta nên như nắm men thấm vào thúng bột nhân thế này, để thế giới được dậy men Tin Mừng của Đức Kitô và được hưởng ơn cứu độ của Người.

Fx. Hồng Ân

 

[1] X. ĐGH. Benedict XVI, “Đức tin và khoa học không có sự chống đối nhưng có tình bạn”,  đăng trên radiovatican, ngày 24/03/2010.

[2] X. Lc 8, 15

[3] X. Lc 13, 24; 24, 25

[4] X.  DS 3008

[5] Lm. Nguyễn Luật Khoa, Ofm., Đức tin tìm kiếm sự hiểu biết, Nxb. Phương Đông, 2008, p. 224-225.

[6] Dei Verbum, số 2

[7] Gaudium et Spes, số 39

[8] F. W. Nietzsche từng tự tử hụt ba lần, bị điên loạn, và mất trí cho đến khi qua đời.

[9] Lm. Hồng Nguyên, Hoa nắng đời linh mục, Nxb Tôn Giáo, 2009, p. 188.

[10] Cựu hoàng Bảo Đại chịu phép Thánh Tẩy ngày 17/04/1988 tại nhà thờ St. Pierre de Chaillot, Paris.