Cho con vững tin…

278

Như một thước quay phim chậm toàn cảnh thế giới đang oằn mình chống chọi với cơn đại dịch Covid -19, Một bầu không khí thanh bình êm trôi, nhịp sinh hoạt thường ngày đang khựng lại, được thế bằng sự xáo trộn, hoảng loạn, sợ hãi, chia ly cùng cái chết luôn cận kề. Mọi đôi tay rã rời, mọi khối óc miệt mài, lòng nhiệt huyết cống hiến và những lời cầu nguyện thống thiết của bao tâm hồn khao khát một lời đáp từ Đấng vô hình trước sự dữ khắc nghiệt đang hoành hành trên thế giới.

Trước thảm trạng ấy, bản thân tôi nhận ra điều mà tôi vẫn khó lòng hiểu cho tường tận về một mầu nhiệm sự sống, sự chết, tôi chỉ biết rằng: không có ai có thể kéo dài đời mình dù chỉ một gang tay (x. Mt 6, 24-34). Nhưng “cuộc sống không phải là ngọn đuốc lụi tàn, cuộc sống chính là ngọn đuốc rực rỡ mà tôi chỉ được cầm trên tay trong khoảnh khắc và tôi muốn làm cho ngọn đuốc ấy cháy bùng lên trước khi trao nó cho thế hệ tương lai” (Geoge Bernard Shaw). Cho dẫu có sự chậm lại của mọi sinh hoạt xung quanh nhưng cuộc sống của chúng ta vẫn được tiếp diễn dù muốn dù không.

 Như một nốt lặng trong bản nhạc cho câu hát tiếp theo có cao trào hơn, hay một trạm dừng chân sau một chặng đường dài cho ta có đủ sức bước tiếp, thì Tuần Thánh là thời gian để tôi và mọi người Công Giáo sống nhịp “lặng” nhiều hơn. Tôi ước mong rằng những thời khắc này sẽ đem lại rất nhiều lợi ích thiêng liêng cho tất cả mọi tín hữu Công Giáo. Đặc biệt là cho niềm tin của từng Kitô hữu ngày một vững mạnh hơn vào Thiên Chúa Quan Phòng.

Cùng bước vào hành trình thương khó với Chúa Giêsu trên đường lên núi Sọ, chính bối cảnh đặc biệt nơi diễn ra cái kết đau thương của một con người hòa bình mà phải mang án tử như một tên tử tội. Chúng ta cùng nhau chiêm ngắm thật kỹ khuôn mặt của một Thiên Chúa làm người đang đồng hành với chúng ta trong những hoàn cảnh bi thương nhất, cùng cực nhất, đau đớn nhất, thất bại nhất cụ thể trong dịch bệnh lan tràn này … Cần lắm sự lắng nghe dấu chỉ của thời đại đang nói với ta, ta phải làm gì để đức tin không lạc hướng ngay lúc này?

Có thể những khó khăn thử thách của cơn đại dịch, những đau đớn thể xác và tinh thần khi mất mát người thân, hay những căn bệnh nan y hoặc còn nhiều những sự dữ đang hoành hành làm cản trở cuộc sống của ta… Những thách thức quá lớn, quá đen tối ấy đến nỗi tất cả mọi sự đau đớn mà ta đang gánh chịu nó làm ta nản chí, mủi lòng nhưng: “Thiên Chúa, Đấng trung tín, sẽ không để anh em bị thử thách quá sức” (1Cr 10,13). Vì : “Thiên Chúa không đến để hủy bỏ sự đau khổ, Người cũng không đến để giải nghĩa chúng. Người đến để lấp đầy nó bằng sự hiện diện của Người” (Paul Claudel). Bởi đó, chúng ta hãy chiến đấu đến cùng đừng để cho sự dữ ấy thống trị và choán hết tâm trí, linh hồn chúng ta, đừng để cho nó thiêu rụi lòng tin mãnh mẽ của chúng ta vào Thiên Chúa nhân từ thành đống tro tàn.

Hãy tin vào Thiên Chúa, Đấng là khởi nguyên và cùng tận mới có tiếng nói cuối cùng; Hãy vững tin, khi lời kêu cầu của chúng ta chưa được đáp trả, cho dẫu Thiên Chúa không lên tiếng đáp lời ta ngay lúc này nhưng Ngài không làm thinh; Hãy vững tin, cho dù Chúa  vắng mặt nhưng chẳng bỏ mặc ta; Hãy kiên trì đi đến đỉnh núi Canvê với một tình yêu tinh tuyền, cùng bắt đầu lại khi nhận thấy khuôn mặt của mình còn mang dấu vết của những thói hư tật xấu tội lỗi như: bất công, tham lam, dối trá, bạo tàn … hay còn nhiều điều làm mất lòng Chúa thì đây là cơ hội, là lúc thuận tiện cho ta bắt đầu và lại bắt đầu bằng cách đóng đinh tất cả tội lỗi và sự gian ác mà con người yếu hèn của chúng ta vấp phạm vào thập giá cùng với Chúa để Người thanh tẩy, rửa sạch vết nhơ tội lỗi của ta bằng giá máu của Người. Chẳng bao giờ là quá trễ khi ta thật lòng muốn trở về.

Có thể nói đây là Tuần Thánh rất đặc biệt của mỗi người, mọi nhà thờ tạm ngưng việc cử hành Thánh Lễ và mọi nghi thức tôn giáo, đó là điều để ta suy nghĩ về chính thực tại trần thế của ta, cái thức tại của kiếp nhân sinh mong manh như chiếc bình sành.

 Tôi thiết nghĩ: khi ta thực sự đánh mất một điều gì quý giá và quan trọng của đời mình thì khi ấy ta mới bừng tỉnh để kịp nhận ra mình đã bỏ qua cơ hội để quan tâm, để chia sẻ, để yêu thương, để trân trọng, để làm điều đó tốt hơn. Vậy thì, cuộc sống có bao nhiêu mà ta hững hờ phải không?

Tình yêu chân thực không nhất thiết phải hữu hình, tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ trong sự kín ẩn. Chúng ta chỉ có thể nhận biết khi chúng ta hiệp thông và sống mầu nhiệm thập giá của Người chắc chắn chúng ta sẽ nghiệm thấy tình yêu đến cùng là gì. Thiên Chúa luôn chuẩn bị cho chúng ta một cuộc sống tốt hơn và vĩnh cửu hơn cái thực tại ở trần thế này, lúc này chúng ta chưa hiểu hết những điều tốt đẹp Thiên Chúa muốn cho mỗi người chúng ta nhưng chúng ta xác tín vào lời hứa Thiên Đàng Chúa dành cho tất cả chúng ta. Chỉ cần chúng ta có cái nhìn đức tin, lòng trung thành và tín thác thì như lời của Thánh Vịnh gia đã quả quyết:

Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại

Lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên

Ta giải cứu và ban nhiều vinh dự

Cho sống lâu, tuổi thọ dư đầy

Và hưởng ơn cứu độ ta ban. (Tv 90, 15-16).

Nguyện xin Thiên Chúa là tình yêu luôn gìn giữ các tất cả mọi người chúng ta trong ân nghĩa của Chúa.

                                                                               Tuần Thánh 2020

                    Têrêsa Rôsava, Học Viện MTG Thủ Đức.